Hiện nay, thị trường có bán nhiều loại thiết bị được quảng cáo là có khả năng tiệt trùng, làm sạch các loại rau quả, thực phẩm dùng trong gia đình. Công nghệ ứng dụng phổ biến nhất ở các thiết bị này là dùng phương pháp ion hoặc khí ozon (O3).Theo các chuyên gia, thực chất vấn đề không hẳn như vậy. Chẳng những hiệu quả ứng dụng không cao mà có thể có hệ lụy do sử dụng không đúng cách hoặc do sự “lơ là” cố ý của nhà sản xuất.
Trường hợp thiết bị làm sạch sử dụng khí ozon (chiếm 80 - 90% thiết bị làm sạch trên thị trường), đây là một loại khí không màu, có mùi nồng, khét, có tác dụng oxy hóa rất mạnh (thanh trùng, diệt khuẩn, khử mùi và làm bạc màu…). Cũng chính vì vậy mà người ta đã khuyến cáo rằng khí ozon có khả năng gây tổn thương tới các tế bào niêm mạc phổi khi ta hít phải ở nồng độ trên 0,1 ppm (nhiều hơn một phần triệu) trong thành phần không khí...
KS. Nguyễn Đăng Lương, một chuyên gia về khí ozon, khuyến cáo: khi sử dụng những loại máy ozon nhỏ - những loại gia dụng, thường có công suất dưới 500 mg/giờ (dưới 0,5 g/giờ) ở nơi thoáng khí (hoặc những căn bếp có hệ thống hút khí) và trong một thời gian ngắn thì với những người bình thường coi như chấp nhận được. Riêng với trẻ nhỏ và những người có những căn bệnh đường hô hấp thì không nên sử dụng.
Về nguyên lý, các loại máy tạo ra khí ozon (O3) từ oxy (O2) của không khí (trong không khí thường có khoảng từ 18 tới 20% oxy, phần còn lại là nitơ (N2) và một lượng khí hiếm không đáng kể); theo phản ứng đa tụ trong một điện trường có điện thế cao (cao áp) mà giới chuyên môn thường gọi là cô-rô-na hoặc là sự phóng điện êm: 3O2 - 2O3. Nhưng phải là loại không khí khô (hàm lượng ẩm đã được loại ra khỏi không khí). Nếu hàm ẩm trong không khí càng cao thì do ái lực hóa học giữa oxy với oxy yếu hơn ái lực giữa oxy và nitơ cho nên khi đó đồng thời với ozon sẽ phát sinh ra khí oxid nitơ (NOn: N2O, NO, NO2, NO3). Mà tất cả những loại NOn này chính lại là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường hàng đầu mà chúng ta cần tránh.
Những loại “máy phát ozon” công nghiệp (cỡ lớn từ vài gram trở lên) khi sử dụng nguồn oxy từ không khí thì đều phải kèm theo thiết bị khử ẩm cho không khí. Cơ phận khử ẩm này có giá tính bằng ngàn đôla - một mức giá mà các loại máy nhỏ không thể “kham” nổi cho nên các hãng chế tạo loại mini ozonizer thường “lờ” đi! Trong khi chúng ta là một nước nhiệt đới, ven biển nên hàm ẩm trong không khí cao là chuyện thường xuyên.
KS. Nguyễn Đăng Lương cho rằng, đối với các loại nông dược độc hại cũng vậy, có thứ chỉ qua một phản ứng là xử lý được ngay, có thứ thì ozon phải tạo ra một chuỗi phản ứng nối tiếp nhau mới triệt tiêu được. Vấn đề là ở chỗ “liều lượng”: hàm lượng ozon sử dụng và thời lượng xử lý. Vậy nên, nếu sử dụng thiết bị ozon như một thứ “bùa phép”, tin theo quảng cáo thái quá của người bán hàng thì hậu quả sẽ là “lợi bất cập hại”. Bởi lẽ, người tiêu dùng có tâm lý ỷ lại, yên trí khi sử dụng những sản phẩm “đã qua xử lý”, trong khi đó, việc xử lý thực chất là “chưa tới” thì hậu họa sẽ khó lường!
Nguồn st