Thời gian qua cho thấy Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã bộc lộ những bất cập nhất định. Mục tiêu đặt ra là sửa đổi những quy định chưa phù hợp để phù hợp với tình hình mới.
Luật TC&QCKT và Luật CLSPHH đã bộc lộ những bất cập nhất định
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT) ngày 29/6/2006 và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (CLSPHH) ngày 21/11/2007 là 02 Luật quan trọng, điều chỉnh về hoạt động xây dựng, công bố và áp dụng tiêu chuẩn, xây dựng, ban hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; và quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Thực tiễn sau hơn 16 năm triển khai thực hiện, 02 Luật trên đã phát sinh một số điểm không còn phù hợp thực tế hiện nay; chính vì vậy, cần thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết quốc tế, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT), quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH), đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH) của Việt Nam.
Ngày 16/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2114/QĐ-TTg kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm vụ Quốc khóa khóa XV, trong đó giao trách nhiệm cho Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, rà soát Luật (TC&QCKT) ngày 29/6/2006 và Luật (CLSPHH).
Định hướng sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho phù hợp với tình hình mới. Ảnh minh họa
Trong đó Luật TC&QCKT số 68/2006/QH11 được Quốc hội Khóa XI kỳ họp thứ 9 thông qua gồm 07 Chương và 72 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 và Luật CLSPHH số 05/2007/QH12 được Quốc hội Khóa XII kỳ họp thứ 2 thông qua gồm 07 Chương và 72 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008 đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam.
Về cơ bản, hệ thống các văn bản hướng dẫn 02 luật nêu trên đã được hoàn thiện, góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hoạt động chất lượng, quản lý nhà nước về chất lượng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới phương thức quản lý chất lượng theo hướng tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp.
Là hành lang pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất và đồng bộ cho việc triển khai công tác lập kế hoạch, xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn/ban hành quy chuẩn kỹ thuật, cũng như hoạt động áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thực tiễn sản xuất kinh doanh; bảo đảm quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trước nhà nước và người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm và hàng hóa của mình; bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước, đồng thời xác định trách nhiệm và phân công hợp lý giữa các Bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, thực tiễn trong 16 năm thi hành, cùng với việc hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy Luật TC&QCKT và Luật CLSPHH đã bộc lộ những bất cập nhất định. Ví dụ như về chiến lược tiêu chuẩn hoá quốc gia, xã hội hoá hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, hoạt động đánh giá sự phù hợp; về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên ứng dụng mã số, mã vạch, kiểm soát viên chất lượng; có sự chồng chéo nhất định giữa các quy định tại các Luật và các văn bản hướng dẫn Luật khác như Luật CLSPHH, Luật Dự trữ quốc gia, Luật An toàn thực phẩm.
Các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật được ban hành rải rác, chưa đảm bảo tính kịp thời. Một số văn bản chậm được xây dựng, hoặc được xây dựng, sửa đổi, bổ sung trong thời gian quá dài, chất lượng văn bản chưa cao, nội dung chưa cụ thể, rõ ràng, minh bạch và thống nhất, dẫn đến cách hiểu khác nhau ... và một số vướng mắc khác.
Từ những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực thi, mục tiêu đặt ra là sửa đổi những quy định chưa phù hợp và bổ sung những quy định mới chưa có trong 02 Luật nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như yêu cầu thực tiễn của xã hội về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường thương mại tự do.
Tại Hội thảo khoa học “Tăng cường, thúc dẩy công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong gia đoạn tới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế” được tổ chức tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng vừa qua, bà Nguyễn Thị Mai Hương - Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy chia sẻ việc định hướng sửa đổi 02 Luật như sau:
Về định hướng sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật:
Bổ sung các quy định về minh bạch hoá; có chính sách tham gia vào các hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn; hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia là thành viên chính thức của các Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế; cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia (vị trí, chức năng, nhiệm vụ); hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) và chỉ số NQI nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế về yêu cầu minh bạch hoá.
Xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia nhằm giải quyết các bất cập trong công tác định hướng, kế hoạch tổng thể, xây dựng và triển khai áp dụng tiêu chuẩn của Việt Nam; nâng cao vai trò, tính dẫn dắt của hoạt động tiêu chuẩn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thúc đẩy xã hội hóa trong hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn thông qua việc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn; ưu tiên sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để xây dựng thành Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN).
Quy định thống nhất các khái niệm, nguyên tắc hoạt động về ĐGSPH giữa Luật TC&QCKT với Luật CLSPHH; quy định phạm vi, quyền, nghĩa vụ của tổ chức ĐGSPH theo quy định của các FTA thế hệ mới; quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng công nhận quốc gia nhằm tăng cường tính hiệu quả của hoạt động ĐGSPH.
Hoàn thiện quy định liên quan đến xây dựng, công bố TCVN, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP); hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) gồm: Hoàn thiện quy định về nguyên tắc, căn cứ, trình tự xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành, áp dụng TCVN, QCVN, QCĐP; quy định về thẩm quyền xây dựng, công bố TCCS; quy định hoạt động thông báo TCCS tới cơ quan nhà nước để phục vụ quản lý, công tác hậu kiểm, truy xuất.
Tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin về TC, QCKT, đồng thời đảm bảo hiệu quả của hoạt động quản lý, khai thác tiêu chuẩn: Chuyển hoạt động xuất bản, phát hành tiêu chuẩn thành định, công bố, ban hoạt động quản lý, thác tiêu chuẩn: Chuyển hoạt động xuất bản, phát hành thành hoạt động quản lý, khai thác tiêu chuẩn, bao gồm cả hoạt động xuất bản, phát hành tiêu chuẩn; tạo cơ chế tiếp cận thông tin về TC, QCKT thuận lợi hơn.
Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của Ban kỹ thuật TCVN, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ ngành và địa phương; có cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo nhân lực hoạt động trong hoạt động TC, QCKT.
Định hướng sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa như sau:
Quy định về Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI): Các nguyên tắc, biện pháp để tổ chức thực hiện NQI.
Sửa đổi xác định sản phẩm, hàng hóa (SPHH) nhóm 2 và hoạt động kiểm tra chất lượng SPHH: Quy định cụ thể hơn nguyên tắc xác định SPHH nhóm 2 cần căn cứ trên mức độ rủi ro; quy định rõ cơ chế tiền kiểm, hậu kiểm; quy trình kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu; quy định rõ hơn cơ quan nhà nước thực hiện việc kiểm tra chất lượng hàng hóa và việc thừa nhận kết quả ĐGSPH.
Quy định về quản lý chất lượng SPHH dựa trên ứng dụng mã số mã vạch (MSMV) như ứng dụng MSMV trong việc giám sát, quản lý chất lượng SPHH, giúp cho việc kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm dịch vụ; ứng dụng để truy xuất nguồn gốc, truy tìm nguyên nhân sự cố liên quan đến SPHH, triệu hồi SPHH, quản lý sản xuất, bán hàng, kho bãi, giao nhận vận chuyển.
Sửa đổi, bổ sung nội dung về hoạt động ĐGSPH như thay đổi cách thức quản lý các tổ chức ĐGSPH cho phù hợp với thực tế và hội nhập quốc tế; quy định về chỉ định tổ chức ĐGSPH theo hướng thừa nhận kết quả đánh giá chỉ định của các Bộ, kết quả công nhận của tổ chức công nhận; bổ sung quy định giao Bộ KH&CN quản lý hoạt động đào tạo chuyên gia đánh giá, thử nghiệm viên, giám định viên, kiểm định viên, chuyên gia đánh giá công nhận,, chuyên gia năng suất chất lượng.
Sửa đổi, bổ sung nội dung về kiểm soát viên chất lượng: Hình thành lực lượng kiểm soát viên chất lượng chính quy, chuyên nghiệp, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra; bổ sung thêm vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức cho lực lượng kiểm soát viên chất lượng (chế độ, chính sách cho lực lượng này và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính).
Quy định về Hợp pháp hóa lãnh sự, khái niệm Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau, khái niệm kiểm tra/xác minh, quy định về phí thực hiện ĐGSPH; quy định về giải quyết khiếu nại liên quan đến hoạt động ĐGSPH nhằm thực thi các cam kết trong Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Sửa đổi, bổ sung các nội dung khác để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và thông lệ quốc tế: Bổ sung cơ chế, chính sách về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia; quy định về dấu hợp quy và công bố hợp chuẩn; quy định trách nhiệm của các Bộ quản lý chuyên ngành về chất lượng SPHH; bỏ quy định về phí và lệ phí, sửa quy định về xử lý vi phạm; chỉnh sửa, bổ sung quy định làm rõ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, ghi nhãn bằng phương thức điện tử, xác định giá trị SPHH vi phạm đã tiêu thụ, quy định về quản lý chất lượng hàng hóa trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn vói các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế; từ đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, chất lượng, thay đổi tư duy, nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Nguồn : Tạp chí Chất lượng Việt Nam (vietq.vn)