Tăng cường năng lực kỹ thuật của hạ tầng chất lượng quốc gia

Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu ra trong dự thảo Đề án “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.

Tăng cường năng lực kỹ thuật của hạ tầng chất lượng quốc gia

Hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật, văn bản quản lý về phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia

Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu trong Đề án “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”, thời gian tới, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Luật Đo lường và các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý khác có liên quan. Rà soát các văn bản quản lý về hoạt động công nhận để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét xây dựng Pháp lệnh về công nhận;

Xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược tiêu chuẩn hoá quốc gia, kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia; Xây dựng và ban hành tiêu chí phân loại các tổ chức công nhận quốc gia, tổ chức đánh giá sự phù hợp quốc gia, tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm (sau đây viết tắt là tổ chức NQI cấp quốc gia); các cơ chế chính sách ưu tiên để phát triển tổ chức NQI cấp quốc gia;

Ban hành văn bản hướng dẫn tăng cường năng lực đo lường, đánh giá sự phù hợp của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, ngành, địa phương đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội; Xây dựng và triển khai Đề án chuyển đổi số ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; Xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện về chuyển đổi số trong ngành tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; Xây dựng cơ chế, chính sách phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện có hiệu quả các hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra về tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp, công nhận.

Ảnh minh hoạ

Tăng cường năng lực kỹ thuật của hạ tầng chất lượng quốc gia

Về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, tập trung xây dựng, phát triển toàn diện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia theo hướng hài hoà tiêu chuẩn quốc tế, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn, quản lý xã hội, đô thị thông minh, sản xuất thông minh, an ninh thông tin gắn với việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới; khuyến khích tạo điều kiện để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các Bộ ngành, địa phương;

Tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tham gia xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn trong các ngành lĩnh vực của nền kinh tế; thường xuyên rà soát, thống kê số lượng các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn trong hệ thống chỉ tiêu về phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia;

Nâng cao năng lực kỹ thuật của cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc gia; xây dựng mô hình tổ chức, hoạt động các ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia bảo đảm sự tập trung thống nhất và hiệu quả trong công tác xây dựng tiêu chuẩn theo hướng khuyến khích các tổ chức, hiệp hội, trường, viện nghiên cứu cùng tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế.

Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực về tiêu chuẩn; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về tiêu chuẩn hoá đối với các chuyên gia kỹ thuật trẻ từ các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật, trường nghề; hình thành mạng lưới chuyên gia về tiêu chuẩn được công nhận/chứng nhận theo chuẩn mực quốc tế.

Về đo lường, tổ chức triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ để nghiên cứu, nhận diện một số giải pháp công nghệ chủ chốt về đo lường: Đo lường 4.0, đám mây đo lường (Metrology cloud), hệ thống đo lường ảo, phương tiện đo ảo, chứng chỉ hiệu chuẩn số, hiệu chuẩn từ xa... 

Rà soát, bổ sung, xây dựng mới các Văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam về quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường mới phục vụ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của nền kinh tế như: quy trình đồng bộ thời gian chuẩn quốc gia trong lĩnh vực giao thông, thông tin, chứng khoán; quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đối với thiết bị sạc điện cho xe điện; các quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường phục vụ cho quan trắc môi trường, khí tượng thủy văn, bảo vệ môi trường...;

Đẩy mạnh triển khai kết nối hệ thống chuẩn đo lường quốc gia với các chuẩn đo lường quốc tế; nâng cao năng lực hạ tầng kỹ thuật đo lường quốc gia, bảo đảm tính đồng bộ, liên kết với các chuẩn đo lường chính, chuẩn đo lường công tác của các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Tập trung đầu tư, tăng cường nguồn lực của Viện Đo lường Việt Nam nhằm mở rộng phạm vi các lĩnh vực có khả năng đo và hiệu chuẩn được thừa nhận quốc tế; xây dựng, hướng dẫn, thực hiện so sánh liên phòng và hình thành cơ sở dữ liệu khả năng đo hiệu chuẩn (CMCs) của Việt Nam; tăng cường việc tổ chức, triển khai, tham gia các chương trình so sánh liên phòng cấp quốc gia, khu vực, quốc tế và các chương trình đánh giá đo lường theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế;

Tập trung phát triển, nâng cao năng lực các phòng hiệu chuẩn được công nhận để chuẩn hoá năng lực hiệu chuẩn đo lường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong một số ngành lĩnh vực; Rà soát, đánh giá mô hình hoạt động đo lường của các tổ chức kiểm định/hiệu chuẩn ở trung ương và địa phương, bảo đảm tập trung thống nhất, tránh dàn trải, lãng phí trong đầu tư, nghiên cứu.

Tiếp tục chuẩn hoá, chứng nhận chuyên gia về đo lường, kiểm định viên, hiệu chuẩn viên, thử nghiệm viên để hình thành mạng lưới chuyên gia về đo lường của Việt Nam; tập trung phát triển đội ngũ chuyên gia tư vấn xây dựng chương trình đảm bảo đo lường theo Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Về công nhận, nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức công nhận quốc gia; Tiếp tục hỗ trợ các tổ chức đánh giá sự phù hợp (tổ chức chứng nhận sản phẩm, tổ chức chứng nhận hệ thống quản lý, tổ chức thử nghiệm) được công nhận trong các ngành lĩnh vực của nền kinh tế; thường xuyên rà soát, thống kê số lượng các tổ chức đánh giá sự phù hợp này được công nhận trong hệ thống chỉ tiêu về hạ tầng chất lượng quốc gia;

Tăng cường, mở rộng các chương trình công nhận được thừa nhận quốc tế; các chương trình thử nghiệm thành thạo/so sánh liên phòng để nâng cao chất lượng thử nghiệm, bảo đảm độ tin cậy của kết quả thử nghiệm; Quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên gia đánh giá công nhận;

Về đánh giá sự phù hợp, nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức đánh giá sự phù hợp quốc gia, tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm quốc gia; Triển khai các hoạt động về kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm để bảo đảm về đo lường đối với các hệ thống thiết bị thử nghiệm có chức năng đo trong hoạt động dịch vụ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng;

Tổ chức triển khai mô hình thử nghiệm trọng tài phục vụ quản lý nhà nước; Triển khai thực hiện các cơ chế thừa nhận lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý của Việt Nam và nước xuất khẩu (cơ chế G to G); khuyến khích hoạt động thừa nhận lẫn nhau giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định trong nước và các tổ chức đánh giá sự phù hợp của nước ngoài (cơ chế T to T), đảm bảo không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia;

Quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên gia đánh giá hệ thống quản lý, chuyên gia đánh giá chứng nhận sản phẩm, thử nghiệm viên, giám định viên, kiểm định viên, chuyên gia năng suất chất lượng để hình thành đội ngũ chuyên gia đánh giá sự phù hợp của Việt Nam.

Về giám sát, kiểm tra, thanh tra, xây dựng, triển khai quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; tập trung thanh tra, kiểm tra các hoạt động hoạt động công nhận, đánh giá sự phù hợp, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm chuẩn đo lường, phương tiện đo; các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn có dấu hiệu vi phạm pháp luật; các sản phẩm, hàng hoá có thông tin cảnh báo của các nước Thành viên WTO và trên phương tiện thông tin đại chúng về dấu hiệu vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa;

Bố trí, bảo đảm các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cho các cơ quan giám sát, kiểm tra, thanh tra ở Trung ương và địa phương; Nghiên cứu, chế tạo, đầu tư trang bị các thiết bị chuyên dùng: xe chuyên dùng để kiểm định lưu động, xe ô tô trang bị thiết bị thử nghiệm; phương tiện, thiết bị đo, kiểm tra nhanh và các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khác theo yêu cầu của các cơ quan quản lý;

Tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ nâng cao năng lực chuyên môn về nghiệp vụ đo lường, nghiệp vụ kiểm soát viên chất lượng, hoạt động công nhận, đánh giá sự phù hợp, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm chuẩn đo lường, phương tiện đo phục vụ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa.

Nguồn : Tạp chí Chất lượng Việt Nam (vietq.vn)
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây