Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để phát triển sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước hết phải tập trung đẩy mạnh đầu tư ứng dụng KH&CN. Theo nghiên cứu của Viện Quản lý kinh tế Trung ương, việc nhập khẩu công nghệ hàng năm của DN Việt Nam chỉ đạt dưới 10% tổng kim ngạch nhập khẩu và chỉ bằng 1/4 của các nước phát triển. Nhưng đáng chú ý, có tới 76% máy móc dây chuyền công nghệ nhập khẩu lại thuộc thế hệ những năm 1950-1960. Tính chung, chỉ có 10% DN Việt Nam sử dụng công nghệ hiện đại nằm trong nhóm khai thác dầu khí, hóa chất, điện lực.
Trong các ngành công nghiệp, mức độ lạc hậu của công nghệ ngày càng thể hiện rõ ràng hơn. Các DN áp dụng tự động hóa chỉ chiếm 1,9%, bán tự động là 19,6% và còn lại là cơ khí hóa và thủ công. Nếu so sánh với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thì tỷ lệ nhóm ngành sử dụng công nghệ cao của Việt Nam chưa đạt tới 20%, trong đó tỷ lệ này của Thái Lan là 31%, Malaixia 51% và Singapo là 73%.
Nhìn chung, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của Việt Nam rất thấp so với yêu cầu phát triển nền kinh tế và nhịp độ tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian gần đây. Trong vòng 10 năm trở lại đây, tỷ lệ ngân sách chi cho hoạt động khoa học công nghệ chiếm 2% tổng chi ngân sách cả nước hàng năm, nhưng chủ yếu là chi xây dựng cơ bản và kinh phí sự nghiệp. Mức chi này của Việt Nam là tương đương 0,5% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước: Trung Quốc 1,8%, Cộng hòa Liên bang Đức 3%, Mỹ 3,5%…
Nguyên nhân của tình trạng này, do ngân sách nhà nước còn hạn chế, các DN chưa huy động được các nguồn vốn khác trong xã hội, trong khi việc đổi mới công nghệ, mua sắm trang thiết bị đòi hỏi lượng vốn lớn, điều mà không phải DN nào cũng có khả năng đáp ứng. Bên cạnh đó, cơ chế hiện nay lấy tình hình lỗ lãi hằng năm của DN làm thước đo hiệu quả khiến họ ngại xây dựng chiến lược đổi mới công nghệ. Ngoài ra, chúng ta còn thiếu các trung tâm nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm công nghệ cao. Đồng thời, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một vấn đề nan giải trong quá trình phát triển của Việt Nam đã hạn chế năng lực tiếp thu và chuyển giao các tiến bộ KH&CN. Nguồn lao động KH&CN trong các DN Việt Nam hiện chỉ chiếm 7,25% lực lượng lao động.
Mặt khác, việc thương mại hóa các sản phẩm công nghệ còn khiêm tốn. Muốn có công nghệ mới cần phải có đầu tư và tạo lập liên kết với các trường đại học. Việt Nam hầu như chưa xuất khẩu công nghệ nào có giá trị ra nước ngoài. Năng lực cạnh tranh của các DN vì thếyếu. Mặc dù Chính phủ có chính sách kích cầu, nhưng thị trường KH&CN nội địa vẫn bị hàng hóa Trung Quốc và các nước ASEAN chi phối. Các DN Việt Nam rất khó để trở thành nhà sản xuất thiết bị gốc hoặc tạo ra các thương hiệu sản phẩm mới.
Theo PGS.TS Trần Văn Tùng, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (IAMES), Việt Nam cần có chiến lược đổi mới quốc gia về công nghệ và phát triển thị trường công nghệ đúng nghĩa là một thị trường như tăng cường các hoạt động môi giới công nghệ, tổ chức các chợ công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, phổ biến rộng rãi thông tin về công nghệ… để từ những nghiên cứu cơ bản có thể chuyển giao nhanh sang DN tạo ra sản phẩm phục vụ đời sống xã hội. Các DN cũng cần phải nỗ lực trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và quan tâm nhiều hơn tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chỉ bằng cách đó, các công ty mới có đủ điều kiện tham gia vào mạng lưới sản xuất khu vực, toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình.
Theo Báo Kinh tế Việt Nam, 14/03/2011