Diễn đàn “Giới thiệu công nghệ, thiết bị viễn thông khắc phục mất sóng điện thoại”

Ngày 12/07/2011, hơn 100 khách mời thuộc các Sở KH&CN và các công ty viễn thông đã tham dự diễn đàn “Giới thiệu công nghệ, thiết bị viễn thông khắc phục mất sóng điện thoại” của Công ty RF Window (Hàn Quốc), do Cục Thông tin KH&CN Quốc gia chủ trì. Tham dự Diễn đàn có TS Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc; TS Tạ Bá Hưng, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia; ThS Nguyễn Ý Nguyện, Phó Giám đốc Sở KH&CN Cần Thơ; ông Lee Boo Shin, Giám đốc đại diện Công ty Garnet IC; Ông Kang Yeon Moon, Giám đốc Công ty Garnet IC và ông Seong Jea Lee, Chủ tịch Công ty RF Window.
Diễn đàn “Giới thiệu công nghệ, thiết bị viễn thông khắc phục mất sóng điện thoại”
 Diễn đàn được truyền trực tiếp từ Cục thông tin KH&CN Quốc gia tới hai đầu cầu tại Sở KH&CN Cần Thơ và Khu công nghệ cao Hòa Lạc qua Mạng Nghiên cứu và Đào tạo Việt Nam - VinaREN, mạng viễn thông tiên tiến với hạ tầng thông tin hiện đại, hiệu năng cao, giúp trao đổi thông tin, hợp tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật trong và ngoài nước.
 
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Cục trưởng Tạ Bá Hưng đã hoan nghênh sự gia nhập thị trường công nghệ Việt Nam của Công ty RF Window thông qua sự xúc tiến đầu tư của Công ty Garnet IC, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao mà công ty này mang tới diễn đàn cũng như sẽ trưng bày tại Chợ thiết bị và công nghệ tại Quảng Nam (Techmart Quảng Nam) sắp tới.
 
Trong phần phát biểu của mình, ông Kang Yeon Moon và ông Seong Jea Lee đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào thị trường công nghệ Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam thông qua việc hợp tác và giới thiệu công nghệ không dây đang được ứng dụng tại Hàn Quốc.
 
RF Window là một công ty đang nổi tại Hàn Quốc, với tổng kim ngạch xuất khẩu từ năm 2006 là 150 triệu USD. Đây là công ty lớn trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp đột phá cho mạng di động có hoạt động kinh doanh toàn cầu, có trụ sở tại Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, với các khách hàng lớn như Soft bank, Docomo. Thông qua Garnet IC, RF Window bắt đầu giới thiệu các thiết bị công nghệ cao nhằm khắc phục các hiện tượng lỗi thường xảy ra với mạng viễn thông như nhiễu sóng, mất sóng, nghẽn mạng…
 
 Tại diễn đàn, ông Kim Bum Min, kỹ thuật viên của công ty RF Window đã giới thiệu về bộ khuếch đại ICS sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời. ICS sử dụng nguyên lý loại bỏ sóng nhiễu và hiện tượng giao sóng, lọc tín hiệu một cách chuẩn xác sau đó khuếch đại sóng lên nhiều lần. Hệ thống ICS của RFWindow có thể ứng dụng giải quyết nhiều nhu cầu của khách hàng như phủ sóng cho các khu vực khuất sóng, loại bỏ ảnh hưởng phủ sóng trùng giữa các trạm BTS gây nhiễu sáng, cho chi phí thấp và tăng tỷ lệ dữ liệu truyền. Ngoài ra RF còn giới thiệu tới các nhà khoa học Việt Nam modem dữ liệu không dây để có thể truy cập Internet trên máy tính xách tay, PDA và dịch vụ wi-fi sẵn có trong điện thoại di động. Các thành viên tham gia diễn đàn đã được tham quan các sản phẩm tiên tiến của công ty như SOLO-WiTM (modem tích hợp cả wifi, AP và SOLO), sản phẩm một cổng IP-PBX, giải pháp tuyệt vời để tăng độ phủ sóng wifi, hệ thống điện thoại internet không dây Picocast…
 
Theo ông Seong Jea Lea, tại Hàn Quốc hiện nay có hơn 50 cột phát sóng, đất nước lại có nhiều núi, nhiều nhà cao tầng và sử dụng hệ thống tàu điện ngầm. Số lượng cột phát sóng này là không đủ để cung cấp sóng viễn thông cho nhu cầu của người dân. Vì vậy, Công ty RF Window đã tạo ra hệ thống ICS nhằm tối ưu hóa các cột phát sóng, khuếch đại sóng tới những nơi không thể trồng cột hay sóng không thể vươn tới như tầng hầm, nhà cao tầng. Và thiết bị lặp của công ty có thể tiết kiệm tối đa 50% số lượng cột phát sóng.

Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình VTC, TS Tạ Bá Hưng cho biết nếu ứng dụng được công nghệ này, các nhà mạng của Việt Nam có thể phát triển mạng viễn thông tại các vùng sâu, vùng xa, các tòa nhà cao tầng, tầng hầm, siêu thị với giá cả phải chăng. Qua diễn đàn này, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia sẽ là cầu nối để các sản phẩm công nghệ cao của Hàn Quốc có thể đến được với Việt Nam, cũng như hợp tác sản xuất giữa công ty của Hàn Quốc với các công ty viễn thông Việt Nam.

Diễn đàn đã kết thúc tốt đẹp sau phần hỏi đáp sôi nổi giữa các chuyên gia Hàn Quốc và các chuyên gia, các phóng viên của Việt Nam từ các đầu cầu trực tuyến.
H.N.M (NASATI)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây