Thịt được sản xuất nhờ sử dụng các kỹ thuật tác động lên mô tế bào gọi là “thịt được nuôi cấy”. Theo nghiên cứu mới đây, loại thịt này sẽ phát thải thấp hơn thịt được sản xuất thông thường 96%. Phân tích của các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford và Đại học Amsterdam ước tính rằng cùng một khối lượng, thịt được nuôi cấy yêu cầu nguồn lực sản xuất ít hơn thịt bò, cừu và thịt lợn. Loại thịt này đòi hỏi nguồn lực sản xuất nhiều hơn thịt gia cầm nhưng chỉ cần một diện tích đất nhỏ và lượng nước cần thiết cho việc nuôi gà. Báo cáo của nhóm nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Environmental Science & Technology.
Theo Hanna Tuomisto thuộc Bộ phận Nghiên cứu bảo tổn động vật hoang dã, Đại học Oxford, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có tác động ít hơn lên môi trường so với thịt được sản xuất theo phương pháp thông thường. Thịt được nuôi cấy có khả năng giảm tới 96% phát thải khí nhà kính, tiết kiệm 45% năng lượng, sử dụng ít hơn 99% diện tích đất và 99% nước so với thị thông thường.
Các nhà nghiên cứu đã dựa trên các tính toán theo một quy trình đang được TS Joost Teixeira de Mattos thuộc Đại học Amsterdam nghiên cứu. Quy trình này sử dụng vi khuẩn Cyanobacteria hydrolysate làm nguồn dinh dưỡng và năng lượng để nuôi tế bào cơ. Hiện tại, công nghệ mô tế bào chỉ được giới hạn trong phòng thí nghiệm nhưng các nhà nghiên cứu đã ước tính các loại chi phí để sản xuất 1000 kg thịt được nuôi cấy sử dụng công nghệ này trên quy mô lớn so với chi phí nuôi gia súc thông thường.
So sánh với phương pháp sản xuất thịt thông thường tại châu Âu, nhóm nghiên cứu ước tính thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm sẽ sử dụng thấp hơn khoảng 7-45% năng lượng, phát thải ít hơn 78-96% khí nhà kính, sử dụng ít hơn 99% diện tích đất, và dùng ít hơn 82-96% lượng nước, tùy theo từng loại thịt.
Theo Toumisto, thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm chưa thể thay thế thịt nuôi thông thường ngay lập tức. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, thịt nuôi cấy thí nghiệm có thể trở thành một phần trong giải pháp nuôi sống dân số thế giới đang ngày càng tăng nhanh đồng thời cắt giảm phát thải và vừa tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước.
Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng những phép tính của họ hiện tại không tính đến khoản chi phí tiết kiệm được từ việc tiết kiệm năng lượng để vận chuyển và làm lạnh thị nuôi cấy so với các loại thịt nuôi thông thường. Nhóm cũng đề xuất diện tích đất được giải phóng từ việc chăn nuôi sẽ có thể được dùng để trồng rừng hay sử dụng cho mục đích cô lập cácbon, giúp làm giảm hơn nữa dấu chân cascbon của thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Bà Tuomisto cho biết, sẽ có nhiều khó khăn phải vượt qua trước khi có thể nói được liệu thịt nuôi cấy có trở thành một phần trong bữa ăn của chúng ta hay không, hay ít nhất là liệu con người có sẵn sàng ăn nó hay không. Nhưng các nhà khoa học hy vọng rằng nghiên cứu của họ sẽ bổ sung thêm vào cuộc tranh luận rằng chúng ta sẽ hay nên nghiên cứu một loại thực phẩm thay thế tiết kiệm hơn thịt động vật.
(Nguồn NASATI)