Về công nghệ chính sản xuất lúa hiện nay

Công nghệ sản xuất hiện nay mà nông dân trồng lúa nên quan tâm chính là một khuyến cáo mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ðấy là việc thực hiện "Ba không", hay phải áp dụng kỹ thuật nào, áp dụng quy trình công nghệ sản xuất lúa đến mức nào để đạt mục đích: không cúi cấy; không gặt lúa bằng tay; không phơi lúa.

Lợi ích của gói kỹ thuật "Ba không" này không chỉ về kinh tế rất rõ, mà lợi ích về xã hội cũng rất lớn. Một bằng chứng: mùa cấy lúa ở các tỉnh phía bắc rơi vào đúng tháng lạnh nhất khi cấy lúa xuân, lạnh đến phát cước chân; cấy lúa mùa cũng vào tháng nóng nhất, ruộng nóng như nung. Công việc cực nhọc này lại đều do chị em phụ nữ làm. Cách đây vài ba thập kỷ trở về trước, người phụ nữ Việt Nam ta thấp nhỏ hơn bây giờ, em bé thì còi cọc, do suy dinh dưỡng là chính, nhưng việc "cúi cấy" cũng có ảnh hưởng nhất định. Ngày mùa gặt lúa bằng tay vui thì có vui, nhưng xong mùa gặt là đen nhẻm, ốm nhom, bởi công việc thật nặng nhọc, thật khẩn trương, dân miền Tây gọi là đông ken. Ở cả nước, công việc cúi gặt tay cũng làm hao tổn sức lực của bà con nông dân.
Về lợi ích kinh tế: trong khâu thu hoạch, khi cúi gặt bằng tay tính ra một ha tốn 26 công; gặt bằng máy rải hàng tốn 16 công; gặt bằng máy gặt đập liên hợp chỉ mất một vài công. Sau thời gian nông nhàn đến mùa gặt yêu cầu lao động cao đột xuất, tựa như "cổ chai" cản trở việc chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Không cúi gặt bằng tay lại là một trong những biện pháp quan trọng có tầm chiến lược trong công cuộc công nghiệp hóa nền kinh tế của đất nước. Lợi ích kinh tế đối với nông dân trồng lúa cũng rất rõ, vì thu hoạch lúa bằng tay tính ra tốn đến 30% tổng số đầu tư trong đó hạt giống, làm đất và tiêu tưới nước mỗi thứ chiếm 10%; phân bón 22%; thuốc BVTV 12%...
Cơ giới hóa việc gặt lúa cũng giảm thất thoát khi thu hoạch rất rõ: Thất thoát khi thu hoạch nếu làm thủ công thì mất 4 - 5% sản lượng, trong đó khoảng 1,3 - 1,7% khi gặt; 1,2 - 15% khi vận chuyển; 1,4 - 1,8% khi tuốt lúa. Khi dùng máy gặt đập liên hợp mất 1 - 2%, có máy dưới 1%, cao nhất là 3%. Do lợi ích trên, ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) năm 2006 có vài chục máy gặt đập liên hợp (GÐLH), đến nay có khoảng 5.000 máy, gặt được gần 30% diện tích gieo trồng lúa, nhu cầu về máy GÐLH vẫn còn nhiều.
Cơ giới hóa gieo trồng lúa với bước đi ban đầu là dùng dụng cụ gieo lúa theo hàng là thích hợp nhất. Dụng cụ này được chế tạo theo mẫu máy của Viện Lúa quốc tế (IRRI Seeder), Viện lúa ÐBSCL nghiên cứu sử dụng và thay bàn trượt bằng bánh lồng nhỏ; Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Thắng thay vật liệu vỏ sắt bằng nhựa. Việc nghiên cứu xác định kỹ thuật sử dụng, cộng với hai sáng kiến cải tiến dụng cụ trên, thành quy trình công nghệ đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật sạ hàng bằng dụng cụ vào sản xuất, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức công nhận năm 1989.
Từ thập kỷ 90 của thế kỷ 20, đã có kết quả nghiên cứu và kết quả sản xuất cho thấy: so với sạ lan tập quán ở ÐBSCL, sạ lúa theo hàng bằng dụng cụ tiết kiệm được ít nhất là một tạ thóc, hay một triệu ha là 10.000 tấn thóc; giảm được một bao u-rê; giảm được vài lượt phun thuốc sát trùng, lúa cứng cây hơn, thu hoạch dễ hơn... Ðến nay, đã có một số máy sạ hàng tự hành đang được giới thiệu vào sản xuất, một ngày có thể sạ được 3 - 5 ha lúa, hiện phổ biến là sạ bằng kéo tay, được 0,6 - 1,0 ha/ngày. Trở ngại chính cho việc áp dụng kỹ thuật sạ hàng ở miền Tây Nam Bộ là mặt ruộng chưa bằng phẳng; ở miền bắc là thửa ruộng nhỏ.
Theo thống kê năm 2010, sấy lúa hè thu 39%, trong khi mức độ cơ giới hóa làm đất trồng lúa đạt 75%, tưới lúa chủ động 85% và gieo sạ đạt 20%, hay việc cơ giới hóa sản xuất lúa thấp nhất ở khâu gieo trồng, và khâu sấy. Phơi lúa ngoài trời vừa làm thất thoát về số lượng, vừa làm giảm chất lượng gạo. Ðã có khá nhiều kiểu máy sấy, như loại đầu tư thấp có lều sấy lúa, loại phổ biến hiện nay là máy sấy tĩnh vĩ ngang; máy sấy trục đứng, máy sấy trục nằm... Nhu cầu về máy sấy lúa rất cao, ngay cả đối với những vụ lúa ít gặp mưa lúc gặt, như với vụ đông xuân và vụ thu đông ở ÐBSCL, nếu sấy được lúa thì chất lượng gạo vẫn tốt hơn.
Nói chung, "Ba không"; cũng như "Một phải Năm giảm" đều là "gói định hướng kỹ thuật mở" nhằm thực hiện "Ba tăng Ba giảm", một gói kỹ thuật mở mang tính phong trào có tác dụng đưa nhanh kỹ thuật mới vào sản xuất. Ðiều quan trọng là, cần làm thế nào để chính người nông dân nắm được đủ thông tin để chọn giống và kỹ thuật đưa vào "gói" thực hiện trên đồng ruộng của mình, với sự hỗ trợ trực tiếp của cán bộ khuyến nông, dựa theo định hướng của các cơ quan chức năng địa phương và trung ương.(GS, TS Nguyễn Văn Luật)

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây