Với cách chăn nuôi này, lợn sẽ tăng trưởng nhanh hơn do ít bị bệnh tật và có bề ngoài bắt mắt hơn đối với các thương nhân. Tuy nhiên, nó lại gây ra vấn đề lớn về an toàn thực phẩm và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Không những vậy, các trang trại này cũng góp phần tạo ra nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc tại các khu vực xung quanh trong quá trình thải phân lợn.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện được 149 loại vi khuẩn kháng thuốc trong phân lợn tại 3 trang trại và trong đất ở các khu vực xung quanh các trang trại này. Một người trong nghề cho biết, nhiều trang trại dùng rất nhiều thuốc kháng sinh để đạt được năng suất cao hơn mà không quan tâm tới tác dụng phụ. Các loại kháng sinh thường được trộn thẳng vào thức ăn để khiến vật nuôi tăng sức đề kháng với bệnh tật.
Một số loại vi khuẩn bên trong cơ thể lợn có thể vẫn sống tốt trước tác dụng của thuốc và phát triển thành các vi khuẩn kháng thuốc. Những vi khuẩn này có thể lây truyền sang cơ thể người trong quá trình người tiêu dùng tiêu thụ thịt lợn. Điều đó có nghĩa là cùng với thời gian, thuốc kháng sinh cũng sẽ dần mất tác dụng trong việc trị bệnh trên cơ thể người.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã yêu cầu các trang trại phải ngừng cho lợn ăn các loại thuốc và phụ gia chăn nuôi trong một khoảng thời gian nhất định trước khi giết mổ. Quy định này cũng được áp dụng với bò sữa hoặc gà nuôi lấy trứng. Đây là quãng thời gian để giúp giảm thiểu tác dụng của các loại thuộc tồn dư tới cơ thể người.
Dù vậy, quy định trên lại không được thực thi nghiêm ngặt. Các chất phụ gia được trộn vào thức ăn chăn nuôi thậm chí còn tạo ra nhiều vấn đề khác khi trong cơ thể của nhiều loại động vật có lượng lớn các kim loại nặng, ví dụ như đồng. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi người Trung Quốc có thói quen ăn mọi bộ phận của vật nuôi.
Một số trang trại còn trộn cả các chất phụ gia chứa arsen, một kim loại nặng có khả năng gây ung thư, nhằm giúp lợn của mình có bề ngoài trông khỏe mạnh hòng bán được giá hơn.
Theo Caijing, Trung Quốc khẳng định có đàn lợn chiếm gần một nửa tổng số lợn trên toàn thế giới, nhưng chính quy mô sản xuất lớn này lại càng khiến các tác động tiêu cực của thuốc kháng sinh và kim loại nặng lên môi trường tăng cao.
Năm 2007, Trung Quốc sản xuất được 210.000 tấn thuốc kháng sinh, nhiều nhất thế giới, nhưng 46% trong số này được dùng trong chăn nuôi.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên vấn nạn thịt lợn nhiễm độc do được nuôi bằng chất phụ gia độc hại tại Trung Quốc bị báo giới phanh phui. Theo tờ Guardian của Anh, tháng 3/2011, chính quyền tỉnh Hà Nam nước này từng bắt giữ ít nhất 22 người vì sử dụng chất phụ gia bị cấm trong chăn nuôi. Trong đó, Shuanghui Investment & Development, một trong những công ty chế biến thịt lớn nhất nước này, đã bị phát hiện chế biến và bán thịt lợn nhiễm bẩn. Theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc, các đối tượng này đã thêm ractopamine và clenbuterol vào thức ăn cho lợn để tăng độ nạc.