WTO cho rằng Mỹ "đã hành động thiếu nhất quán với những điều khoản của Thỏa thuận chống bán phá giá và Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT)" và cam kết sẽ xem xét vấn đề dựa trên hai bản thỏa thuận này.
Vì vậy, trong phán quyết của mình, cơ quan thương mại quyền lực nhất hành tinh đã ủng hộ hai trong ba nội dung khiếu kiện cơ bản của Việt Nam. Trong đó, Ban hội thẩm của WTO cho rằng Mỹ áp dụng phương pháp quy về 0 (zeroing) để tính thuế chống bán phá giá là vi phạm quy định của WTO.
Theo khiếu nại của Việt Nam, việc Mỹ sử dụng phương pháp zeroing đã tạo ra biên độ phá giá lớn cho sản phẩm, làm mức thuế bị đội lên, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Mức thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với hầu hết các nhà xuất khẩu tôm của Việt Nam được ấn định từ 4,13% đến 25,76%.
Sau phán quyết của Ban Hội thẩm, hai bên có thời hạn 60 ngày để kháng cáo lên cơ quan phúc thẩm của WTO.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng: "Phán quyết của WTO sẽ giúp các đơn vị nhập khẩu mạnh dạn mua bán với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam trong thời gian tới".
Theo ông Hòe, chưa thể khẳng định kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ tăng lên, song ít nhất cũng tạo sự thoải mái về mặt tâm lý giữa 2 bên mua bán. Điều này giúp cho quá trình xem xét hành chính thuế chống bán phá giá ở các đợt tới thuận lợi hơn. Bởi một khi bỏ phương pháp zeroing, mức thuế suất ở các kỳ xem xét hành chính có thể bằng 0. Các doanh nghiệp trong nước cũng chứng minh rằng bản thân không bán phá giá như kết luận của Mỹ. Đường xuất ngoại của tôm đông lạnh do vậy sẽ dễ dàng hơn thời gian qua.
Vụ kiện chống bán phá giá tôm được Mỹ rục rịch tiến hành với Việt Nam và 11 nước khác từ năm 2003, ngay sau khi ra đòn tương tự với cá tra, basa. Với lý do Việt Nam chưa phải là nền kinh tế thị trường, Mỹ không chấp nhận các mức giá (giá thành sản xuất, giá bán tại thị trường nội địa) do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, mà sử dụng giá tham khảo tại một nền kinh tế thị trường có mức độ phát triển tương đương Việt Nam.
Sau nhiều năm chịu án bán phá giá, với nhiều lần thuế được điều chỉnh, từ tháng 2 năm ngoái, Việt Nam chính thức đệ đơn kiện Mỹ lên WTO. Về bản chất, kiện chống bán phá giá là hình thức bảo vệ sản xuất trong nước trước nguy cơ cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu giá rẻ. Nhưng một số thành viên WTO đã lợi dụng quyền kiện này để ngăn cản hàng nhập khẩu tham gia thị trường nội địa.
Một số quốc gia bao gồm cả các nước thuộc Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mexico cho hay họ quan tâm tới vụ kiện mà Việt Nam đã trình lên WTO từ tháng 2/2010 và bản thân Trung Quốc cũng đâm đơn kiện tương tự từ hồi tháng 2 năm nay.
Các điều khoản của WTO cho phép các nước đánh thuế nhập khẩu trong trường hợp các nhà sản xuất nội địa khiếu nại rằng kinh doanh của họ đang bị đe dọa bởi hàng nhập khẩu. Nhưng việc xem xét trách nhiệm và thuế ra sao thì cần so sánh các mặt hàng với nhau.
Các nhà sản xuất tôm khác cũng cho rằng điều này là không công bằng. Argentina, Brazil, Canada, Ecuador, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan đã thắng kiện tại WTO và tháng 1 vừa rồi Mỹ đã hứa thay đổi chính sách với các đối tác trên. Tuy nhiên, tới tháng 3, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ lại thống nhất tiếp tục giữ thuế nhập khẩu thêm 5 năm nữa đối với mặt hàng tôm từ các quốc gia Thái Lan (nhà cung cấp tôm lớn nhất của Mỹ), Trung Quốc, Việt Nam, Brazil và Ấn Độ.
(Suckhoe&doisong)