Đề án kiện toàn mạng lưới quản lý khoa học và công nghệ.

Ngày 04/3/2004 UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 836/QĐ-UBND Phê duyệt Đề án kiện toàn mạng lưới quản lý khoa học và công nghệ tỉnh Hải Dương, sau hơn 4 năm thực hiện mạng lưới khoa học và công nghệ từ tỉnh đến huyện đã từng bước được đổi mới, hoạt động khoa học và công nghệ ngày càng đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Website Sở Khoa học và Công nghệ trân trọng giới thiệu nội dung của Đề án.

ĐỀ ÁN
VỀ KIỆN TOÀN MẠNG LƯỚI QUẢN LÝ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
TỈNH HẢI DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 836/2004/QĐ-UBND ngày 04/3/2004
của UBND tỉnh Hải Dương)

Phần thứ nhất
THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA MẠNG LƯỚI QUẢN LÝ KHCN TỪ TỈNH ĐẾN XÃ

1. THỰC TRẠNG TỔ CHỨC HỆ THỐNG QUẢN LÝ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỪ TỈNH ĐẾN XÃ.
1.1 Thực trạng tổ chức quản lý KH&CN của tỉnh và các ngành trong tỉnh.
1.1.1. Về Hội đồng KHCN tỉnh.
Từ nhiều năm trước đây Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Môi trường của tỉnh đã được thành lập ở tỉnh nhà. Hàng năm các thành viên hội đồng được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Ngày 31/10/2003 UBND tỉnh ra Quyết định số 4415/QĐ-UBND về thành lập Hội đồng Khoa học - Công nghệ tỉnh với 21 thành viên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Phó Chủ tịch Thường trực.
Tuy vậy, hoạt động của Hội đồng Khoa học - Công nghệ tỉnh mới dừng ở mức thực hiện tốt chức năng tư vấn trong xây dựng kế hoạch KHCN hàng năm, 5 năm của tỉnh và nghiệm thu các công trình khoa học triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Còn nhiều lĩnh vực khác Hội đồng chưa thực hiện được chức năng tham mưu, tư vấn cho UBND tỉnh.
1.1.2. Về Sở Khoa học và Công nghệ
- Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ I của Quốc hội khoá X, Quyết định số 45/2003/QĐ-TTg ngày 2/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ, từ 01/7/2003 chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, tài chính, tài sản và 05 công chức của phòng Quản lý Môi trường về Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường trước đây đổi thành Sở Khoa học và Công nghệ; chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy thay đổi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 15/2003/TTLT-BKHCN-BNV ngày 15/7/2003 của Bộ KHCN và Bộ nội vụ.
- Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) luôn thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh uỷ về hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Sở KHCN là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về hoạt động KHCN, phát triển tiềm lực KHCN trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội; tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng sản phẩm; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ, hạt nhân và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Sở luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ do Bộ KHCN, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh giao.
Tuy vậy, việc quản lý công nghệ trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp với các cơ chế quản lý trong nền kinh tế thị trường.
- Về tổ chức bộ máy của Sở KHCN hiện nay gồm có:
+ Giám đốc và 01 Phó giám đốc.
+ Văn phòng.
+ Phòng Quản lý Khoa học.
+ Phòng Quản lý Công nghệ - Sở hữu trí tuệ.
+ Thanh tra.
+ Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - chất lượng.
+ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (là đơn vị Sự nghiệp KHCN).
Tổng biên chế UBND tỉnh giao năm 2004 là 47 người, trong đó quản lý nhà nước là 35 người, sự nghiệp KHCN là 12 người.
2.1.3. Ở các sở, ngành.
+ 12/20 (60%) sở, ngành cử cán bộ quản lý và theo dõi hoạt động khoa học, công nghệ, được bố trí ở các phòng rất khác nhau như: Phòng kỹ thuật (Sở Công nghiệp, Sở Xây dựng), Phòng nghiệp vụ (Sở Y tế, Sở Thể dục - Thể thao, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài chính - Vật giá), Phòng Kế hoạch - Đầu tư (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Phòng Tổng hợp - Hành chính (Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thông tin), riêng Công an tỉnh và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh thành lập bộ phận quản lý khoa học, công nghệ và môi trường có 3 - 4 người trực thuộc Văn phòng Công an tỉnh và Phòng Tham mưu Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Công tác quản lý hoạt động KHCN của các sở, ngành nhìn chung chưa được quan tâm đúng mức, chưa có cán bộ chuyên trách trực tiếp và thường xuyên thực hiện chức năng quản lý hoạt động KHCN.
+ 11/20 (55%) sở, ngành thành lập Hội đồng KHCN, trong đó Hội đồng của các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Văn hóa - Thông tin, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh hoạt động có nền nếp, thực hiện tốt chức năng tư vấn, phản biện về KHCN của ngành, thực hiện tốt việc lựa chọn các nhiệm vụ khoa học công nghệ cần tổ chức nghiên cứu, triển khai áp dụng, thực hiện nghiệm thu các kết quả nghiên cứu, triển khai thuộc lĩnh vực ngành quản lý, tổ chức và theo dõi phong trào sáng kiến, cải tiến, trao đổi kinh nghiệm. Một số sở, ngành chưa thành lập Hội đồng KHCN của ngành hoặc có thành lập nhưng hoạt động không thường xuyên, chưa thực hiện tốt chức năng tư vấn và phản biện khoa học.
2. THỰC TRẠNG TỔ CHỨC QUẢN LÝ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP HUYỆN VÀ XÃ.
2.2.1. Ở cấp huyện.
+ Thực hiện Nghị quyết của Ban thường vụ Tỉnh uỷ và Quyết định của UBND tỉnh đã có 100% huyện, thành phố thành lập phòng chuyên môn giúp việc cho UBND quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của địa phương, trong đó: Thành phố Hải Dương thành lập Phòng Kế hoạch - Tài chính và Khoa học, 11 huyện thành lập Phòng Kế hoạch - Tài chính - Thương mại và Khoa học. Các huyện đã bố trí 01 Phó trưởng phòng phụ trách và 01 công chức thuộc Phòng Kế hoạch - Tài chính - Thương mại và Khoa học kiêm nhiệm vụ quản lý KHCN của huyện, thành phố.
Nhìn chung hoạt động KHCN cấp huyện có chuyển biến, tuy nhiên hoạt động của một số huyện chưa đều, vai trò tham mưu và quản lý Nhà nước về KHCN trên địa bàn còn hạn chế, chưa có cán bộ chuyên trách quản lý KHCN.
+ 12/12 huyện, thành phố thành lập Hội đồng KHCN do 01 Phó Chủ tịch UBND huyện, thành phố làm Chủ tịch Hội đồng và lãnh đạo Phòng Kế hoạch - Tài chính - Thương mại và Khoa học làm Phó Chủ tịch thường trực để tham mưu, tư vấn cho cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo hoạt động KHCN. Tuy vậy, phần lớn Hội đồng KHCN các huyện, thành phố chưa có quy chế hoạt động, hoạt động chưa thường xuyên, chưa tư vấn và lựa chọn cho địa phương những định hướng lớn về áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, chưa kịp thời.
2.2. Ở cấp xã.
Toàn tỉnh có 263 xã, phường, thị trấn (gọi tắt là xã). UBND các xã trong tỉnh chưa bố trí cán bộ theo dõi công tác KHCN. Chức năng quản lý nhà nước về KHCN ở cấp xã chưa được quan tâm. Trong khi đó xã là nơi triển khai các dự, án, đề tài KHCN, nhất là các đề tài, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn.

Phần thứ hai
PHƯƠNG HƯỚNG KIỆN TOÀN
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ
VÀ MẠNG LƯỚI QUẢN LÝ KHCN TỪ TỈNH ĐẾN XÃ

1. KIỆN TOÀN HỘI ĐỒNG KHCN TỈNH.
Hội đồng cần kiện toàn theo hướng:
- Chủ tịch Hội đồng là đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khoa học và công nghệ.
- Phó Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Sở KHCN.
- Ủy viên Hội đồng gồm:
+ Chủ tịch Hội đồng KHCN các sở, ngành tỉnh.
+ Mời lãnh đạo của một số Ban xây dựng Đảng tỉnh và Tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tham gia Hội đồng KHCN tỉnh.
+ Tăng cường bổ sung cán bộ KHCN của tỉnh có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ và một số chuyên gia có uy tín trong hoạt động KHCN.
Hàng năm khi có thay đổi về tổ chức cán bộ của sở, ngành, kịp thời bổ sung thành viên Hội đồng KHCN.
Hội đồng mở rộng hoạt động tham mưu, tư vấn, thẩm định giúp Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
2. KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA SỞ KHCN.
Sở KHCN tiếp tục được kiện toàn theo Thông tư liên tịch số 15/2003/TTLT-BKHCN-BNV ngày 15/7/2003 của liên bộ Bộ KHCN và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước về KHCN ở địa phương. Cụ thể:
- Từng bước bổ sung các Phó giám đốc Sở KHCN để đủ số lượng 03 Phó giám đốc như quy định của Thông tư liên bộ.
- Thành lập Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN.
- Tách nhiệm vụ sự nghiệp KHCN ra khỏi Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng.
- Tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ, công chức cho các phòng thuộc Sở và Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng để làm nhiệm vụ quản lý hoạt động KHCN, quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, an toàn bức xạ hạt nhân và tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng.
- Tăng cường số lượng và chất lượng viên chức cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học, Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN để đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, thông tin KHCN, ứng dụng tin học vào sản xuất và đời sống và các dịch vụ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
3. TỔ CHỨC QUẢN LÝ KHCN CỦA CÁC SỞ, NGÀNH TỈNH.
3.1. Nhiệm vụ quản lý KHCN của các sở, ngành gồm:
- Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển KHCN trong phạm vi ngành quản lý.
- Xây dựng định hướng chiến lược phát triển KHCN và kế hoạch KHCN dài hạn, hàng năm của ngành phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Quản lý hoạt động KHCN, sáng kiến, sáng chế và sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức nghiên cứu triển khai, nghiệm thu đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ KHCN và áp dụng các tiến bộ KHCN phục vụ nhiệm vụ chính trị của ngành.
- Định kỳ báo cáo kết quả hoạt động KHCN với KHCN.
3.2. Tổ chức bộ máy:
- Đối với những sở, ngành kinh tế - kỹ thuật cần củng cố và tăng cường Phòng kỹ thuật (hoặc KHCN) để làm tốt chức năng quản lý và tham mưu cho lãnh đạo sở, ngành về KHCN. Đối với những ngành còn lại tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy bố trí 01 công chức chuyên trách hoặc kiêm nhiệm quản lý KHCN thuộc Phòng Tổng hợp - Hành chính hoặc Văn phòng.
- Các sở, ngành thành lập Hội đồng KHCN để tham mưu, tư vấn cho thủ trưởng sở, ngành về hoạt động KHCN. Hội đồng KHCN ngành hoạt động theo quy định của Pháp luật và theo quy chế hoạt động của Hội đồng. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động Hội đồng KHCN của các sở, ngành đã được thành lập.
4. TỔ CHỨC QUẢN LÝ KHCN CẤP HUYỆN.
4.1. Nhiệm vụ quản lý KHCN trên địa bàn huyện, thành phố gồm:
4.1.1. Tổ chức phổ biến và thực hiện các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách của nhà nước về hoạt động KHCN, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn huyện, thành phố thuộc tỉnh (dưới đây gọi tắt là huyện).
4.1.2. Phổ biến, tuyên truyền và tổ chức ứng dụng các tiến bộ KHCN ở địa phương, xây dựng và phát triển phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất và đời sống, phổ cập kiến thức KHCN trên địa bàn huyện.
4.1.3. Xây dựng kế hoạch hoạt động KHCN trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; lựa chọn các tiến bộ KHCN, các kết quả nghiên cứu khoa học và các sáng kiến cải tiến kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất và đời sống phù hợp với điều kiện của huyện.
4.1.4. Phối hợp với các tổ chức, cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện các dịch vụ KHCN phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện.
4.1.5. Quản lý công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của KHCN.
4.1.6. Trình Chủ tịch UBND huyện, thành lập các Hội đồng tư vấn theo quy định của Luật KHCN; thực hiện nhiệm vụ Thường trực Hội đồng KHCN huyện.
4.1.7. Thực hiện thống kê, thông tin KHCN theo hướng dẫn của Sở KHCN.
4.1.8. Phối hợp với Thanh tra Sở KHCN thanh tra đối với các tổ chức và cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về KHCN, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn huyện.
4.1.9. Thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng, năm và đột xuất về tình hình KHCN với Chủ tịch UBND huyện và Giám đốc Sở KHCN.
4.2. Tổ chức bộ máy:
- Mỗi huyện, thành phố bố trí ít nhất 01 công chức làm nhiệm vụ quản lý KHCN. Công chức làm nhiệm vụ quản lý KHCN biên chế trong Phòng Kế hoạch - Tài chính và Khoa học thuộc UBND thành phố Hải Dương, Phòng Kế hoạch - Tài chính - Thương mại và Khoa học thuộc UBND huyện.
- Củng cố Hội đồng KHCN các huyện, thành phố, xây dựng quy chế hoạt động, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng để làm tốt chức năng tư vấn cho địa phương những định hướng lớn về lựa chọn, áp dụng tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
5. TỔ CHỨC MẠNG LƯỚI KHCN CẤP XÃ.
5.1. Nhiệm vụ hoạt động KHCN cấp xã:
- Tuyên truyền phổ biến Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về KHCN đến cán bộ, nhân dân.
- Lựa chọn, tổ chức tập huấn và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, chăm sóc sức khoẻ nhân dân... vào địa bàn xã, phường, thị trấn.
- Tham mưu cho UBND xã, phường, thị trấn đề xuất nhu cầu về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống của địa phương.
- Hỗ trợ cơ quan quản lý KHCN cấp trên theo dõi quá trình thực hiện các dự án, đề tài KHCN triển khai trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
5.2. Tổ chức bộ máy:
Mỗi xã, phường, thị trấn lựa chọn một cán bộ lãnh đạo hoặc cán bộ chuyên môn của UBND xã như cán bộ khuyến nông, cán bộ phụ trách Trung tâm giáo dục cộng đồng v.v... có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn, có nhiệt tình say mê với công tác KHCN làm cộng tác viên KHCN của cơ sở.
Giao cho Sở KHCN phối hợp với UBND các huyện, thành phố hàng năm tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý KHCN cho đội ngũ cộng tác viên KHCN cấp xã, bồi dưỡng đến đâu bố trí đến đó.
5.3. Kinh phí hoạt động:
Căn cứ vào nội dung phối hợp và hiệu quả công việc do các công tác viên KHCN ở cơ sở tham gia được trích một phần kinh phí trong các dự án, đề tài và nhiệm vụ KHCN triển khai trên địa bàn để trả cho công tác viên KHCN xã, phường, thị trấn hàng năm. Kinh phí này được lập dự toán ngay từ khi xây dựng đề cương dự án, đề tài KHCN trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau năm 2005 đưa vào dự toán ngân sách cấp huyện, thành phố.
6. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
- Sở KHCN chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố bố trí công chức làm công tác quản lý KHCN, xây dựng chức năng, nhiệm vụ của bộ máy quản lý KHCN, quy chế hoạt động của Hội đồng KHCN sở, ngành, huyện, thành phố.
- Sở KHCN phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán kinh phí hàng năm đảm bảo cho hoạt động quản lý KHCN các huyện, thành phố và mạng lưới cộng tác viên KHCN cấp xã. Từ năm 2006 trở đi hướng dẫn các huyện, thành phố lập dự toán và sử dụng ngân sách huyện, thành phố để đảm bảo cho công tác quản lý KHCN cấp huyện. Hướng dẫn các Chủ nhiệm đề tài, dự án và nhiệm vụ KHCN lập dự toán kinh phí trả cho cộng tác viên KHCN cấp xã khi tham gia triển khai thực hiện các nội dung ứng dụng, triển khai và tuyên truyền KHCN ở xã, phường, thị trấn.
- Sở KHCN hướng dẫn, theo dõi các hoạt động KHCN các sở, ngành, huyện, thành phố và định kỳ báo cáo kết quả hoạt động với UBND tỉnh.

Tổng hợp: NVV

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây