Chương trình hành động số 42-CT/TU của Tỉnh uỷ Hải Dương.

Normal 0 Ngày 01/7/2005 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã ban hành Chương trình hành động số 42-CTr/TU thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Sau đây là nội dung Chương trình hành động.

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ

SINH HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 1994 - 2005

 

 

I. KẾT QUẢ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC Ở TỈNH HẢI DƯƠNG

Trên 10 năm qua, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 18-CP ngày 11/03/1994 về phát triển công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2010 đến nay, việc ứng dụng công nghệ sinh học ở tỉnh ta đã có bước tiến bộ. Cùng với các ngành công nghệ mũi nhọn khác, công nghệ sinh học đã có những đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh

1. Trong sản xuất nông nghiệp

1.1. Trong ngành trồng trọt

Trong những năm qua ở lĩnh vực trồng lúa, tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Mặc dù diện tích trồng lúa liên tục giảm nhưng sản lượng lúa năm sau vẫn cao hơn năm trước. Năng suất của các giống lúa là yếu tố quyết định tăng trưởng sản lượng lúa hàng năm. Lựa chọn, nhân rộng và đưa vào sản xuất đại trà các giống lúa thuần, lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt bổ sung vào cơ cấu mùa vụ, góp phần tích cực cho việc thâm canh, tăng vụ là kết quả của ứng dụng công nghệ sinh học quan trọng của ngành trồng trọt tỉnh. Diện tích lúa lai của tỉnh phát triển tuy có chậm hơn một số tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ như: Nam Định, Thái Bình v.v... nhưng Hải Dương đã có bước phát triển rất cơ bản trong việc lựa chọn, duy trì các dòng bố mẹ, tạo các tổ hợp lúa lai và tổ chức sản xuất hạt lai F1 tại tỉnh phù hợp với điều kiện sinh thái và khả năng canh tác ở địa phương.

Các giống cây công nghiệp, cây có tinh bột và rau mầu ngắn ngày như tập đoàn giống đậu tương, lạc, ngô, rau, cà chua, dưa hấu v.v... có năng suất cao, chất lượng tốt được lựa chọn, sản xuất thử và đưa vào sản xuất đại trà, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông xuân, tăng giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích đất nông nghiệp.

Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật bước đầu được ứng dụng. Một số giống hoa, cây dược liệu quý đã được nuôi cấy thành công trong phòng thí nghiệm và được chuyển giao sản xuất thương phẩm. Công nghệ ghép cây được áp dụng rộng rãi để phát triển một số cây ăn quả, cây hoa, cây cảnh quý hiếm.

Một số công nghệ canh tác mới như trồng đậu tương làm đất tối thiểu, trồng ngô mật độ cao đã được áp dụng ở nhiều địa phương góp phần khai thác tốt tài nguyên đất, tiết kiệm nước tưới, tiết kiệm lao động, giải quyết một bước vấn đề thời vụ, nâng cao năng suất và hạ giá thành sản xuất.

Công nghệ sản xuất giống nấm tại chỗ mở ra khả năng tổ chức sản xuất nấm thương phẩm quy mô tập trung và quy mô hộ gia đình phục vụ thị trường trong và ngoài nước

Các loại thuốc trừ sâu sinh học, thuốc trừ sâu có nguồn gốc thảo dược, các chế phẩm sinh học, bẫy bả sinh học Pheromon diệt bướm, diệt chuột, quy trình phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IBM) v.v... từng bước được áp dụng rộng rãi, góp phần hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu hoá học, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm.

1.2. Trong chăn nuôi.

Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo ngày càng được hoàn thiện để nhân nhanh đàn lợn lai kinh tế, lợn siêu nạc, bò lai sind góp phần tích cực trong việc cải tạo đàn lợn, đàn bò, nâng cao hiệu quả chăn nuôi cho các hộ nông dân và tăng lượng thực phẩm phục vụ nhu cầu trong và ngoài tỉnh.

Các giống gà Tam Hoàng, Lương Phượng, Kabir v.v.. các giống ngan Pháp và các giống vịt siêu thịt, siêu trứng cùng với việc áp dụng các công nghệ chăn nuôi mới, thức ăn công nghiệp, chế phẩm sinh học góp phần đưa ngành chăn nuôi gia cầm của tỉnh phát triển từng bước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

2. Trong bảo vệ môi trường

Công nghệ thuỷ phân vi sinh được áp dụng ngày một phổ biến trong phát triển hầm khí biogas ở vùng nông thôn, nhất là các khu chăn nuôi, giết mổ gia súc tập trung, làng nghề để xử lý phân rác, phụ phẩm nông nghiệp, nước thải, chất thải rắn hữu cơ, thu hồi khí mê tan làm chất đốt sinh hoạt và bảo vệ môi trường nông thôn. Công nghệ này bước đầu được sử dụng trong xử lý nước thải bệnh viện tuyến huyện, nước thải ở một số xí nghiệp công nghiệp, nhất là các xí nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm đạt hiệu quả cao về kinh tế và bảo vệ môi trường.

Chế phẩm E.M và một số chế phẩm sinh học khác bước đầu được áp dụng trong xử lý rác thải, môi trường nuôi trồng thuỷ sản, trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, môi trường làng nghề và xử lý môi trường sau úng lụt. Chế phẩm diệt mối sinh học được áp dụng để bảo vệ đồi cây, bảo vệ công trình xây dựng, kho tàng cơ quan và nhà ở của nhân dân.

Việc xây dựng khu bảo tồn sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen quý hiếm từng bước được quan tâm.

3. Trong y tế

Các loại vắc-xin, huyết thanh được sử dụng phổ biến trong phòng chữa bệnh hiểm nghèo cho trẻ em, bệnh chó dại, bệnh uốn ván v.v... các loại men tiêu hoá, nhiều loại dược phẩm có nguồn gốc sinh học được sử dụng trong phòng bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khoẻ cộng đồng.

4. Trong công nghiệp

Công nghệ vi sinh được sử dụng rộng rãi trong sản xuất rượu, bia, kẹo bánh, chế biến nông sản, thực phẩm và sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân bón vi sinh cung cấp cho các địa phương trong và ngoài tỉnh, từng bước được sử dụng phổ biến trong bảo quản lương thực, rau quả và thực phẩm.

5. Xây dựng tiềm lực phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học

Các cơ quan nghiên cứu và phát triển như: Viện cây lương thực và cây thực phẩm, Trung tâm giống thuỷ sản và nước ngọt miền Bắc, Xí nghiệp giống gia cầm Cẩm Bình đóng trên địa bàn tỉnh đã được các bộ, ngành, Trung ương đầu tư để nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học chung của các vùng miền, toàn quốc.

Các đơn vị như Công ty giống cây trồng, Trung tâm giống gia súc, Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng, Trung tâm khuyến nông, Chi cục bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ bước đầu được tỉnh, các bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư một phần cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực để khảo nghiệm, sản xuất thử nhân rộng và cung ứng các giống cây trồng, vật nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

II. NHỮNG HẠN CHẾ, YẾU KÉM TRONG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SINH HỌC Ở TỈNH TA

Nhìn chung, tình hình phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở Hải Dương từ năm 1994 đến nay đã có bước tiến bộ tương đối rõ nét. Nhận thức của các cấp, các ngành và đại bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực phục vụ cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học bước đầu được quan tâm. Việc ứng dụng công nghệ sinh học truyền thống trong nông nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường ngày càng trở nên phổ biến, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, bảo vệ môi trường và tăng cường sức khoẻ cộng đồng.

Tuy vậy, việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học chưa có bước đột phá mạnh, còn thụ động, manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh và chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản xuất và đời sống.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công nghệ sinh học đối với phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng... Việc cụ thể hoá, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, định hướng về phát triển công nghệ sinh học của Đảng, Nhà nước và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII còn chậm, thiếu cụ thể. Việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh còn mang tính tự phát, chưa có kế hoạch toàn diện và dài hạn, chưa khai thác được điều kiện thuận lợi và tiềm năng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thông tin về công nghệ sinh học chưa nhiều, chưa được quan tâm phổ biến rộng rãi và thường xuyên. Các cơ quan chuyên môn chưa phối hợp chặt chẽ với các phương tiện thông tin đại chúng trong việc mở rộng tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghệ sinh học trong các lĩnh vực kinh tế xã hội trong nước, thế giới và ở địa phương.

Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học còn thiếu thốn và lạc hậu. Đội ngũ cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ sinh học còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và chưa có cán bộ có trình độ cao, thiếu khả năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học cao như: Công nghệ gen, công nghệ cấy phôi v.v...

 

Phần thứ hai

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG

CÔNG NGHỆ SINH HỌC Ở TỈNH HẢI DƯƠNG

GIAI ĐOẠN 2005 - 2010

 

I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Phát triển công nghệ sinh học phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương để lựa chọn, tiếp thu, ứng dụng có chọn lọc các kết quả nghiên cứu, triển khai công nghệ sinh học trong và ngoài nước, phục vụ thiết thực, có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, trước hết là nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường, phòng bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khoẻ của nhân dân.

Từng bước phát triển tiềm lực công nghệ sinh học, bao gồm nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật để đáp ứng nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ sinh học của tỉnh. Trong một số lĩnh vực phải đi trước đón đầu, nắm bắt các thành tựu tiên tiến nhất của công nghệ sinh học để ứng dụng vào điều kiện tỉnh ta

Tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, phổ biến kiến thức, các thành tựu phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong và ngoài nước nhằm làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo ra phong trào ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống, đặc biệt là nông nghiệp và nông thôn.

II. NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC ĐẾN NĂM 2010

1. Ứng dụng công nghệ sinh học phát triển nông nghiệp - lâm nghiệp - thuỷ sản

1.1. Trong trồng trọt

Thường xuyên lựa chọn, nhân nhanh vào sản xuất đại trà các giống lúa thuần, lựa chọn duy trì các giống lúa bố mẹ để chủ động tạo ra các cặp lúa lai đáp ứng yêu cầu về năng suất, chất lượng, phù hợp với các vùng sinh thái của tỉnh, làm chuyển đổi cơ cấu của tỉnh, làm chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng phục vụ thâm canh, tăng vụ đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Cùng với việc tiến hành lựa chọn, phục tráng nhân nhanh các giống cây có tinh bột, rau mầu, cây thực phẩm, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây gia vị, thực vật thuỷ sinh bản địa cần nghiên cứu nhập khẩu có chọn lọc các giống cây có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu ngoại cảnh bất lợi và sâu bệnh, phù hợp với các vùng sinh thái của tỉnh, góp phần chuyển đổi tích cực cơ cấu cây trồng, tăng giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích, hạn chế khó khăn trong việc tiêu thụ, chế biến nông sản thực phẩm nông nghiệp.

Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp mở rộng sản xuất nấm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tăng cường ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật để nhân nhanh các giống rau mầu sạch bệnh, cây hoa và cây dược liệu quý phục vụ sản xuất. Từng bước áp dụng công nghệ gen theo hướng tạo ra cây trồng có chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao, không ảnh hưởng đến môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Đẩy mạnh ứng dụng các chế phẩm sinh học và công nghệ canh tác mới để nâng cao chất lượng, hình thức, giá trị và đảm bảo an toàn thực phẩm của các loại rau quả.

Từng bước ứng dụng và phát triển công nghệ thuỷ canh, công nghệ canh tác không đất, nhà kính, nhà lưới, hệ thống canh tác tự động hoá v.v... để sản xuất rau quả ngắn ngày có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm, hạn chế tổn thất sau thu hoạch, duy trì và bảo tồn có chọn lọc các giống cây trồng bản địa quý hiếm, các giống thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, bảo tồn đa dạng sinh học

1.2. Trong chăn nuôi

Lựa chọn, phục tráng và nhân nhanh các giống gia súc bản địa kết hợp nhập khẩu có chọn lọc giống gốc, phôi, tinh đông lạnh để nâng cao chất lượng đàn gia súc của tỉnh theo hướng sản xuất thịt hàng hoá. Hoàn thiện phương pháp thụ tinh nhân tạo để nhân nhanh các giống gia súc có năng suất cao, chất lượng tốt, tăng nguồn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Lựa chọn, phục tráng và nhân nhanh các giống gia cầm bản địa kết hợp nhập khẩu có chọn lọc giống gốc để nâng cao chất lượng đàn gia cầm của tỉnh theo hướng khai thác thịt, trứng và nâng cao hiệu quả chăn nuôi gia cầm. Từng bước nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong tạo giống gia súc, gia cầm mới phục vụ phát triển chăn nuôi của tỉnh

Tích cực đổi mới công nghệ chăn nuôi, đặc biệt chú ý đến phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp trang trại kết hợp với bảo vệ môi trường ở nông thôn. Đẩy mạnh sử dụng vắc-xin tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, từng bước nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong phòng và chữa bệnh cho gia súc, gia cầm.

Đầu tư kinh phí để duy trì và bảo tồn có chọn lọc các giống vật nuôi bản địa, nhất là các giống có nguy cơ tuyệt chủng, góp phần bảo vệ nguồn gen động vật quý hiếm.

1.3. Trong thuỷ sản

Tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất nhân con giống các loại cá truyền thống phục vụ sản xuất thuỷ sản. Nhập khẩu có chọn lọc, nhân giống và đưa vào sản xuất đại trà các giống thuỷ sản có hiệu quả kinh tế cao, chất lượng tốt như cá rô phi đơn tính, ếch Thái Lan, cá vược nước ngọt, cá giếc Trung Quốc…

Áp dụng công nghệ cao như chuyển đổi giới tính bằng hoóc-môn, lai xa công nghệ gen v.v... trong sản xuất một số giống thuỷ sản đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích, sản lượng và chất lượng thuỷ sản, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Ứng dụng rộng rãi vắc-xin trong và chữa bệnh cho các loài thuỷ sản.

2. Ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra các loại thức ăn giầu dinh dưỡng phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn thuỷ sản, sản xuất phân vi sinh và các chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng, phục vụ chăn nuôi theo quy mô công nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống có cồn và không cồn.

3. Ứng dụng công nghệ sinh học trong y tế

Ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học trong phòng bệnh, chữa bệnh, nuôi trồng dược liệu và sản xuất dược phẩm nhằm ngăn ngừa, khống chế và đẩy lùi các bệnh nhiễm trùng, ký sinh trùng, suy dinh dưỡng trẻ em và các bệnh xã hội trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá như bệnh tim mạch, bệnh nghề nghiệp, bệnh đái tháo đường, bệnh béo phì, các bệnh u bướu v.v...

Từng bước ứng dụng kỹ thuật miễn dịch phân tử, kỹ thuật sinh học trong chuẩn đoán nhanh các bệnh nguy hiểm, xác định nhanh về ngộ độc, kiểm soát và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Phục tráng, di thực, lưu trữ và phát triển các loại cây con quý hiếm để tăng cường nguồn dược liệu phục vụ sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm.

4. Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thuỷ phân vi sinh, chế phẩm sinh học, nhất là chế phẩm E.M để xử lý phân rác trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nước thải và các chất thải rắn hữu cơ trong các làng nghề, bệnh viện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Đẩy mạnh nuôi giun đất, nhất là giống giun quế trong các hộ gia đình ở nông thôn và theo quy mô công nghiệp để xử lý phân rác hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp, đồng thời tạo nguồn nguyên liệu giầu protein động vật phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuỷ sản.

Tiếp tục đầu tư duy trì và phát triển rừng, bảo tồn động vật hoang dã.

III. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SINH HỌC ĐẾN NĂM 2010 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

Để đạt được mục tiêu và hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển công nghệ sinh học ở tỉnh ta từ nay đến năm 2010 cần thực hiện nghiêm túc và đồng bộ một số biện pháp sau đây:

- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cán bộ đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân về vai trò, vị trí tầm quan trọng của việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ nay đến năm 2010 và trong suốt thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

- Xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích phát triển công nghệ sinh học, công nghiệp sinh học và tăng cường quản lý công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học và công nghiệp sinh học trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2010. Trong đó đặc biệt ưu tiên cho công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, bảo vệ môi trường, phòng bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khoẻ nhân dân; nghiên cứu và nhân rộng một số công nghệ sinh học phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường ở nông thôn tỉnh ta.

- Từng bước xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học, bao gồm xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có chuyên môn sâu về công nghệ sinh học để làm việc ở các cơ quan nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh. Tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các đơn vị nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học của tỉnh, trước mắt là các đơn vị như Trung tâm giống gia súc, Trung tâm khuyến nông, Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng, Công ty giống cây trồng thuộc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.

- Xã hội hóa nguồn vốn đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Trong đó ngân sách tập trung đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học trong các lĩnh vực nông nghiệp, bảo vệ môi trường, y tế, tăng cường tiềm lực công nghệ sinh học của tỉnh. Việc phát triển ứng dụng công nghệ sinh học trong các ngành công nghiệp, sản xuất dược phẩm v.v… chủ yếu dựa vào nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ một phần trong lĩnh vực và giai đoạn cụ thể.

Khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp sinh học để sản xuất phân bón, dược phẩm và các chế phẩm sinh học khác phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nghiên cứu xây dựng và vận hành khu công nghiệp sinh học trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và triển khai trong và ngoài nước trong lĩnh vực công nghệ sinh học nhằm tiếp nhận kết quả nghiên cứu, triển khai, kỹ thuật và công nghệ tiến bộ; hợp tác đào tạo cán bộ chuyên môn, hợp tác sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi và các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, y tế và bảo vệ môi trường.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các cấp uỷ Đảng, chính quyền phải coi việc đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng từ nay đến năm 2010 và trong suốt thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; nghiêm túc tổ chức quán triệt Chỉ thị 50-CT/TW ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.Ban Cán sự UBND tỉnh chỉ đạo các ngành Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư v.v... cụ thể hoá Chương trình kế hoạch phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học của tỉnh từ nay đến năm 2010, cụ thể hoá các nội dung trong từng lĩnh vực chuyên ngành nhằm phát triển công nghệ sinh học phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hoá.

Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về công nghệ sinh học. Tăng cường phổ biến các kiến thức và thành tựu về công nghệ sinh học đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, đẩy mạnh phong trào ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, kiểm tra và định kỳ báo cáo việc tổ chức quán triệt, thực hiện Chỉ thị 50/CT-TW và Chương trình này với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

 

Tổng hợp: NVV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây