Chương trình hành động số 26-CTr/TU của Tỉnh uỷ.

Ngày 22/10/2002 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã ban hành Chương tình hành động số 26-CTr/TU thực hiện kết luận Hội nghị lần thứ 6 (khoá IX) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII), phương hướng phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2005 và 2010. Sau đây là nội dung Chương trình hành động.  

 

Quán triệt kết luận Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII), phương hướng phát triển giáo dục - đào tạo, KHCN từ nay đến năm 2005 và 2010; căn cứ tình hình thực tiễn địa phương và đề án "Phát triển giáo dục - đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực giai đoạn 2001-2005", "Định hướng phát triển khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương đến năm 2010" trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng Chương trình thực hiện nhiệm vụ đến 2005 và 2010 như sau:

 

A. VỀ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO

I. MỤC TIÊU:

Trên cơ sở mục tiêu Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh đặt ra cho giáo dục - đào tạo và đề án "Phát triển giáo dục - đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực giai đoạn 2001 - 2005", cần tập trung:

- Tiếp tục xây dựng đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất; từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo theo hướng chuẩn hoá - hiện đại hoá - xã hội hoá, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Củng cố và nâng cao chất lượng kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở 100% số xã, phường, thị trấn trước năm 2005, phổ cập giáo dục THCS đúng độ tuổi trước năm 2010, tạo cơ sở thực hiện phổ cập trung học (chú trọng trung học nghề) ở những địa bàn có điều kiện.

II. NHIỆM VỤ.

1. Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo.

- Đến năm 2005 khắc phục về cơ bản tình trạng không đồng bộ các loại hình giáo viên ở các vùng trong toàn tỉnh. Nâng tỷ lệ đạt chuẩn giáo viên đến năm 2005 đối với nhà trẻ lên 30%, giáo viên mẫu giáo lên 65%, và đến năm 2010 tỷ lệ đạt chuẩn là 80% số giáo viên nhà trẻ, 100% số giáo viên mẫu giáo. Đối với giáo viên phổ thông, trung học chuyên nghiệp (THCN), cao đẳng năm 2005 đạt chuẩn 100%; trong đó trên chuẩn là 50% đối với giáo viên tiểu học, 30% đối với giáo viên trung học cơ sở (THCS), 3% đối với giáo viên trung học phổ thông (THPT) và 30% đối với giáo viên cao đẳng; đến năm 2010 tỷ lệ trên chuẩn phải đạt 80% đối với giáo viên tiểu học, 50% đối với giáo viên THCS, 10% đối với giáo viên THPT, THCN và 50% đối với giáo viên các trường cao đẳng.

- Triển khai hiệu quả ngay từ đầu nhiệm vụ đổi mới nội dung sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông. Chú trọng hơn nữa chất lượng giảng dạy và học các môn khoa học xã hội - nhân văn, nhất là các môn học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường chuyên nghiệp. Tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật cho người học.

- Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục - đào tạo, khắc phục lối dạy học truyền thụ kiến thức một chiều sang phương pháp dạy học phát huy tính chủ động lĩnh hội kiến thức và tư duy sáng tạo của người học. Phát triển khả năng tự chủ, tự nghiên cứu và khả năng hoạt động tự quản của người học, nhất là đối với học sinh, sinh viên các trường chuyên nghiệp. Từng bước áp dụng các phương pháp và phương tiện hiện đại vào quá trình dạy học.

- Tiếp tục coi trọng việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi ở các địa phương. Sàng lọc đội ngũ giáo viên, xây dựng mới nhà trường đạt chuẩn quốc gia và nâng cao chất lượng hoạt động của trường THPT chuyên Nguyễn Trãi để thực hiện tốt nhiệm vụ bồi dưỡng tài năng trẻ cho tỉnh.

- Hàng năm xây dựng mới từ 680 - 700 phòng học kiến cố cao tầng để năm 2005 tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng đạt trên 70% (mầm non: 40%, tiểu học và THCS: 80%, THPT: 90%); riêng tiểu học có đủ phòng học để 60% số học sinh được học 2 buổi/ngày. Năm 2005 có 60% số thư viện trường học đạt chuẩn; trang bị đủ thiết bị đồ dùng dạy học theo yêu cầu thay sách và đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ở các trường cao đẳng, THCN và dạy nghề. Đến năm 2010 cơ bản hoàn thành kiên cố hoá trường lớp.

Có bước đi thích hợp để sớm đưa công nghệ thông tin vào phục vụ quản lý và giảng dạy, học tập ở các trường học.

- Xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia ở các bậc học, cấp học: Phấn đấu đến năm 2005 toàn tỉnh có 15% số trường mầm non, 50% số trường tiểu học, 20% số trường THCS và THPT đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2010 có hầu hết các trường đạt chuẩn quốc gia.

2. Phát triển quy mô giáo dục - đào tạo, trên cơ sở đảm bảo chất lượng và gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Huy động trẻ trong độ tuổi ra nhóm trẻ đạt trên 42%, vào mẫu giáo đạt trên 86% vào năm 2005 (riêng trẻ 5 tuổi luôn luôn đạt 100%).

- 100% số cháu 6 tuổi vào lớp 1; 100% số học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6 và có trên 65% số học sinh tốt nghiệp THCS được vào THPT. Nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm vào các trường đại học, cao đẳng của Trung ương lên 25% (khoảng 4.500 - 5.000). Số học sinh tốt nghiệp THCS, THPT còn lại được đào tạo tiếp tại các trường cao đẳng của tỉnh, THCN, dạy nghề và truyền nghề để sẵn sàng tham gia vào lực lượng lao động xã hội. Cùng với chính sách ưu đãi, thu hút, sử dụng có hiệu quả số sinh viên về tỉnh công tác nhằm nâng tỷ lệ số người có trình độ đại học, cao đẳng trở lên đạt 2% dân số vào năm 2005 (năm 1999: 1,5%).

- Mở rộng hợp lý quy mô đào tạo cao đẳng và THCN. Rà soát, chấn chỉnh quy mô đào tạo, ngành nghề đào tạo tại chức theo hướng đảm bảo chất lượng. Tập trung đào tạo nhân lực thuộc các ngành nghề đang còn thiếu, nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

- Phát triển giáo dục nghề nghiệp phải đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện thí điểm việc đào tạo liên thông ở những trường có điều kiện.

- Đa dạng hoá các loại hình trường lớp. Xúc tiến việc thành lập trường THPT ngoài công lập ở 1 huyện còn lại (Kinh Môn) và mở rộng các trường bán công hiện có bằng nguồn vốn của nhà nước và tư nhân để thực hiện cơ bản tách hết các lớp bán công khỏi trường THPT công lập vào năm 2005. Khuyến khích và tạo điều kiện ưu đãi theo Nghị định số 73/1999/NQ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ cho việc thành lập trường tiểu học, THCS ngoài công lập ở những nơi có điều kiện như thành phố, thị trấn..., làm thử việc chuyển trường THPT bán công thành trường dân lâp.

3. Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục.

Quan tâm đầu tư có hiệu quả để phát triển giáo dục ở các vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, nhất là đối với giáo dục mầm non.

- Thực hiện nghiêm túc việc tuyển sinh vào THPT, vào các trường cao đẳng, THCN để đảm bảo cho những người có khả năng tiếp tục được học tập, đào tạo nghề nghiệp ở trình độ nhất định.

- Chú ý phát triển giáo dục không chính quy, xây dựng trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, tạo điều kiện cho mọi người ở các trình độ khác nhau được học tập thuận lợi; mở các chương trình học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp để tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Phát triển các lớp bổ túc THCS, bổ túc THPT nhằm củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục THCS.

- Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách xã hội, gia đình nghèo.

III. NHỮNG GIẢI PHÁP CƠ BẢN.

1. Đổi mới quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo.

- Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo theo quy định của Luật giáo dục. Tăng cường trật tự kỷ cương trong các nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục; kiên quyết đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, "thương mại hoá giáo dục", dạy thêm, học thêm tràn lan, thu góp trái quy định trong nhà trường.

- Cải tiến và hoàn thiện hơn nữa công tác thi cử, kiểm tra, kiểm định chất lượng nhằm đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, công bằng, minh bạch trong quá trình dạy và học.

- Chú trọng công tác dự báo quy hoạch và xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục - đào tạo. Có cơ chế phối hợp giữa các ngành cấp tỉnh với cấp uỷ, chính quyền huyện, thành phố và cơ sở; phối hợp quản lý giữa nhà trường-gia đình-xã hội trong việc chăm lo, phát triển sự nghiệp giáo dục.

- Đào tạo, bồi dưỡng và quản lý tốt đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đội ngũ nhà giáo theo hướng "chuẩn hoá, hiện đại hoá". Thực hiện bổ nhiệm cán bộ có thời hạn; có cơ chế thay thế khi cán bộ không đáp ứng yêu cầu.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện nhân tố mới, việc làm tốt, uốn nắn lệch lạc, xử lý vi phạm đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học, chú trọng thực hiện thay sách và nội dung giáo dục phổ thông. Quản lý chặt chẽ các loại hình đào tạo, nhất là chất lượng các lớp tại chức. Mở lớp tại chức phải có kế hoạch trên cơ sở yêu cầu nguồn nhân lực của tỉnh và thống nhất một đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý là Sở Giáo dục - Đào tạo. Thực hiện việc điều chỉnh nhiệm vụ mở lớp tại chức hợp lý giữa các trường cao đẳng, THCN với Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh để tránh chồng chéo nhằm quản lý chặt chẽ quy trình và nâng cao chất lượng đào tạo.

- Tổng kết rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn chủ trương giao quyền chủ động sử dụng kinh phí cho các trường.

- Các sở, ngành hữu quan có trách nhiệm kết hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục - Đào tạo trong việc quản lý, chỉ đạo các trường chuyên nghiệp của tỉnh. Thực hiện đúng chức năng quản lý Nhà nước của Sở Giáo dục - Đào tạo đối với các trường Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy khả năng của các trường, góp phần tích cực, có hiệu quả vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

2. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

- Các cấp uỷ, chính quyền và ngành giáo dục chăm lo hơn nữa công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về mọi mặt. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ số lượng, loại hình, đạt chuẩn, trên chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, vững vàng về tư tưởng chính trị, tinh thông nghiệp vụ sư phạm, có ý thức trách nhiệm và trong sáng về phẩm chất, lối sống. Tạo điều kiện cho giáo viên các trường chuyên nghiệp được tiếp cận với tri thức và các thành tựu khoa học - công nghệ mới trong nước và thế giới.

- Triển khai thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội cho đội ngũ giáo viên ngoài công lập theo Thông tư số 26/2000/TTLT-BLĐTBXH-BTC của liên Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Tài chính. Trong đó giáo viên các trường mầm non thuộc xã, phường, thị trấn quản lý được hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước.

Cùng với việc thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với giáo viên, tỉnh cần có chính sách thích hợp để số giáo viên tuổi cao, năng lực giảng dạy yếu, được nghỉ công tác và chính sách đối với giáo viên dạy theo cụm trường, nhằm khắc phục tình trạng dạy chéo môn ở THCS.

3. Tăng cường đầu tư cho giáo dục - đào tạo.

- Nâng dần tỷ trọng chi để đảm bảo ngoài phần cho con người, các nhà trường có khoảng 30% tổng kinh phí cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Trong các nhiệm vụ, cần ưu tiên hơn cho việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cho những vùng khó khăn, đảm bảo học tập cho con em diện chính sách và các gia đình nghèo.

- Tích cực huy động các nguồn lực ngoài ngân sách theo quy định như: học phí, tiền xây dựng trường... để xây dựng trường, mua sắm thiết bị dạy học và hỗ trợ cho các hoạt động cần thiết của nhà trường. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân lập quỹ khuyến học và trao học bổng cho học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc góp phần xây dựng, mua sắm trang bị phục vụ dạy và học của các trường.

- Các trường cao đẳng, THCN và dạy nghề trên cơ sở đảm bảo chất lượng đào tạo có thể lập các cơ sở sản xuất, dịch vụ, nghiên cứu và ứng dụng khoa học phù hợp với ngành nghề đào tạo để ứng dụng kiến thức vào đời sống thực tế, tăng thêm nguồn thu cho nhà trường.

- Thực hiện chế độ ưu đãi về sử dụng đất đai, về vay vốn để xây dựng trường học (nhất là đối với trường ngoài công lập). Chính quyền các cấp cần rà soát lại quy hoạch đất đai và có biện pháp cụ thể đảm bảo đến năm 2003, khuôn viên các trường học phải đạt chuẩn quốc gia về diện tích; tích cực ngăn chặn, giải toả những lấn chiếm vi phạm khuôn viên, cảnh quan trường học.

- Xây dựng kế hoạch phát triển và tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho chương trình chuẩn hoá các trường học. Tiếp tục thực hiện các chủ trương đầu tư vốn mới cho xây dựng trường học và trợ cấp hàng năm cho những xã khó khăn góp phần tăng cường cơ sở hạ tầng giáo dục. Đổi mới việc mua sắm trang thiết bị dạy học, trên cơ sở có kế hoach, tập trung nguồn vốn, trang bị đồng bộ để từng bước hiện đại hoá các điều kiện, trang thiết bị dạy học theo yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

4. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục.

- Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức và cộng đồng dân cư nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của giáo dục - đào tạo trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích và tạo điều kiện để các lực lượng xã hội tham gia và chăm lo sự nghiệp giáo dục - đào tạo dưới nhiều hình thức.

- Mở rộng và tăng cường mối quan hệ của nhà trường với địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội để phối hợp tham gia quá trình đào tạo, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, hỗ trợ kinh phí và tiếp nhận người tốt nghiệp v.v...

- Tiếp tục đa dạng hoá các loại hình trường lớp theo nhiệm vụ phát triển quy mô giáo dục - đào tạo đã nêu trên.

- Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng giáo dục, Hội khuyến học các cấp, xây dựng cơ chế phối hợp nhằm huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục.

 

B. VỀ KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ

I. MỤC TIÊU.

Áp dụng rộng rãi thành tựu KHCN; nâng cao trình độ công nghệ trong các ngành sản xuất, dịch vụ; tăng cường tiềm lực KHCN; góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho việc xác định quy hoạch, kế hoạch nhằm cụ thể hoá các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, khai thác mọi tiềm năng, đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện có hiệu quả 10 chương trình, 32 đề án, hoàn thành tốt các mục tiêu Đại hội VIII Đảng bộ tỉnh đề ra.

II. NHIỆM VỤ.

1. Tập trung thực hiện các chương trình KHCN trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

a) Xác định và áp dụng những giải pháp KHCN có hiệu quả để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hải Dương.

Chú trọng các giải pháp tối ưu để thực hiện các đề án: "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm đạt giá trị sản xuất trên 36 triệu đồng/ha đất nông nghiệp vào năm 2005", "Phát triển chăn nuôi thuỷ sản", "Phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm giai đoạn 2001-2005", "Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn", "Phát triển công nghiệp ngoài quốc doanh, công nghiệp nông thôn và làng nghề", "Phát triển dịch vụ du lịch", "Khai thác và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản thực phẩm và các sản phẩm mũi nhọn của tỉnh thời kỳ 2001-2005", "Mở rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động dạy nghề gắn với giải quyết việc làm ở nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá" và Chương trình hành động của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Trong đó tập trung:

- Về giống cây trồng: Giống lúa lai và giống lúa thuần chất lượng cao; giống cây công nghiệp có hiệu quả cao như đậu tương; lạc; giống cây mầu: ngô, khoai tây; giống rau và một số cây vụ đông khác; giống cây ăn quả; áp dụng công nghệ nuôi cấy tế bào thực vật tạo một số giống hoa, cây ăn quả, rau cao cấp có giá trị kinh tế cao.

- Giống vật nuôi và thuỷ sản, tập trung vào: Giống bò, lợn hiệu quả và chất lượng cao; thuỷ sản: cá rô phi đơn tính, cá chép lai máu, tôm càng xanh, tôm rảo, tôm sú và tôm he trắng, cá tra…

- Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rau an toàn, tiến tới trồng rau sạch.

b) Nghiên cứu và áp dụng các giải pháp đổi mới công nghệ và thiết bị, nâng cao chất lượng các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Áp dụng công nghệ bảo quản rau tươi, công nghệ chế biến tiên tiến nâng cao chất lượng mặt hàng rau quả, nhất là vải thiều và cây vụ đông; chú trọng mô hình chế biến quy mô hộ gia đình, cụm hộ nông dân và mô hình trang trại, tạo hàng hoá cho thị trường trong và ngoài nước.

Cải tiến công nghệ và thiết bị để nâng cao chất lượng vật liệu xây dựng (xi măng, gạch...), phát triển nhanh công nghệ chế tạo máy xay xát và công cụ cơ khí cung cấp cho thị trường. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO 9000, ISO 14000 cho 40 doanh nghiệp địa phương quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm khi hội nhập vùng và thế giới.

Áp dụng các biện pháp từng bước nâng cao trình độ công nghệ trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trên địa bàn tỉnh để không bị tụt hậu so với khu vực và thế giới.

c) Áp dụng tiến bộ kỹ thuật để xử lý chất thải, trước mắt cần tập trung cho việc xử lý nước thải, rác thải bệnh viện, rác thải đô thị và chất thải công nghiệp.

Cùng với việc đẩy mạnh truyền thông và giáo dục Luật bảo vệ môi trường để nâng cao ý thức Bảo vệ môi trường cho nhân dân, cần áp dụng các công nghệ mới vào xử lý môi trường:

- Áp dụng công nghệ lò đốt rác thải tiên tiến tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh để giải quyết rác thải y tế cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hải Dương; áp dụng công nghệ lò đốt cải tiến và xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho tất cả các bệnh viện tuyến huyện.

- Từng bước xử lý cục bộ nước thải tại thành phố Hải Dương. Áp dụng hệ thống IPM trong sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu mức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...

d) Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Triển khai có hiệu quả đề án "Phát triển công nghệ thông tin tỉnh Hải Dương giai đoạn 2001-2005" nhằm hoàn thiện các mạng thông tin tại Văn phòng HĐND - UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh uỷ, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố...

e) Nghiên cứu các đề tài về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ công tác lãnh đạo và quản lý.

Tập trung nghiên cứu đề xuất, cụ thể hoá các Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ đảm bảo sát thực, khả thi. Trong đó chú trọng:

- Điều tra đánh giá trình độ công nghệ hiện nay trong các ngành kinh tế - kỹ thuật của tỉnh.

- Điều tra đánh giá chất lượng cán bộ khoa học, công nghệ giai đoạn 2001-2005.

- Đề xuất bước đi, giải pháp sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội.

- Xây dựng mô hình Hợp tác xã trong nông nghiệp hoạt động thực sự hiệu quả.

- Đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2005 (theo 10 chương trình và 32 đề án).

- Tổng kết thí điểm áp dụng cải cách hành chính ở 3 ngành, 2 huyện, thành phố để triển khai áp dụng trong toàn tỉnh.

- Áp dụng các thành tựu khoa học - công nghệ nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục phổ thông; bảo tồn và phát huy văn hoá vật thể, phi vật thể của tỉnh như: Di tích lịch sử văn hoá Côn Sơn - Kiếp Bạc, An Phụ - Kính Chủ, Văn miếu Mao Điền...; nghiên cứu, biên soạn và phát hành Địa chí tỉnh Hải Dương...

2. Tăng cường nguồn lực KHCN:

a) Phát triển nhân lực KHCN.

- Đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút cán bộ khoa học, công nghệ để đến năm 2005 số người có trình độ sau đại học đạt gấp 2 lần so với năm 1999 (242 người).

- Ưu tiên đào tạo cán bộ khoa học và cán bộ khoa học có trình độ cao, đa dạng hoá các loại hình đào tạo nhân lực khoa học công nghệ, chú trọng đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật lành nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 25% vào năm 2005.

b) Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho KHCN.

- Tăng cường đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường, Trung tâm nuôi cấy mô tế bào thực vật, các phòng thử nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định đo lường, các thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý thuộc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất nâng cao năng lực cho các đơn vị triển khai ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống như: các xí nghiệp và Trung tâm sản xuất giống cây, con; các trung tâm chuyển giao công nghệ và phòng kỹ thuật của doanh nghiệp.

3. Đổi mới công tác quản lý.

a) Xác định và bổ sung chức năng nhiệm vụ hoạt động khoa học - công nghệ và môi trường cấp tỉnh, cấp huyện cho phù hợp với Nghị quyết Quốc hội khoá XI và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ nhằm phát triển khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường ở địa phương.

- Xây dựng mạng lưới cộng tác viên khoa học, công nghệ tới cơ sở, tạo tiền đề cho việc chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ tới hội nông dân và tiếp nhận thông tin về nhu cầu chuyển giao khoa học công nghệ cho cơ sở.

- Trước mắt tập trung nâng cao chất lượng cán bộ và hoạt động của cơ quan chuyên trách khoa học - công nghệ - môi trường cấp tỉnh, hướng dẫn và tạo điều kiện cho công tác khoa học - công nghệ cấp huyện hoạt động theo nhiệm vụ đặt ra trong kết luận của Tỉnh uỷ sau kiểm tra 5 năm (1997-2001) thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) về giáo dục - đào tạo, KHCN.

b) Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả việc lập, triển khai và đánh giá nghiệm thu thực hiện kế hoạch KHCN của tỉnh.

Danh mục các đề tài, dự án hàng năm phải được hình thành từ yêu cầu các chủ trương, Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; đề xuất của cơ quan chuyên trách khoa học - công nghệ, các ngành, các cấp và đòi hỏi của thực tiễn. Lồng ghép các đề tài, dự án khoa học - công nghệ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Cần chọn các tập thể, cá nhân có đủ năng lực để triển khai; tổ chức nghiệm thu, đánh giá nghiêm túc trên cơ sở hiệu quả áp dụng. Từng bước thực hiện đấu thầu các đề tài, dự án.

c) Đa dạng hoá các hình thức hợp tác về khoa học - công nghệ và môi trường ở trong nước và quốc tế trên cơ sở mang lại hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng của tỉnh.

d) Vận động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tích cực ứng dụng và chuyển giao các thành tựu KHCN vào sản xuất và đời sống; coi đó là biện pháp, là động lực phát triển.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

Cùng với việc quán triệt các kết luận của Hội nghị Trung ương 6, chương trình của tỉnh, các cấp uỷ Đảng tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình của ngành, địa phương sao cho sát thực, gắn với thực hiện các chương trình đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng cấp mình. Có kế hoạch kiểm tra, sơ kết rút kinh nghiệm thực hiện chương trình đạt kết quả cao.

- Uỷ ban nhân dân tỉnh sớm cụ thể hoá và tập trung nguồn lực cần thiết cho triển khai chương trình này đạt kết quả cao. Chỉ đạo các ngành liên quan hướng dẫn, giúp đỡ chính quyền cấp huyện và cơ sở thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ của mình tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, hội viên về chủ trương khuyến học, khuyến tài, khuyến công, khuyến nông... và tổ chức các phong trào xã hội hoá giáo dục, xây dựng xã hội học tập, phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học kỹ thuật, phong trào thi đua dạy tốt học tập tốt, thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

- Ban Tổ chức Tỉnh uỷ chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tiếp tục theo dõi, tổng kết và đề xuất chủ trương, biện pháp đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong đội ngũ trí thức gắn với nâng cao chất lượng và sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong trường học, trong các cơ sở có đông cán bộ khoa học kỹ thuật làm việc.

- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ trì phối hợp với các Ban Xây dựng Đảng theo dõi việc triển khai, định kỳ kiểm tra tổ chức thực hiện chương trình và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

 

Tổng hợp: NVV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây