Chương trình hành động của TU Hải Dương thực hiện Nghị quyết TW 2 (khoá VIII).

Ngày 09/4/1997 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về Chương trình hành động thực hiện thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) về khoa học và công nghệ. Sau đây là nội dung của Nghị quyết.

NGHỊ QUYẾT VỀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH HẢI DƯƠNG
THỰC HIỆNNGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 2 (KHOÁ VIII)
VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ


Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ (KHCN) hiện đại trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ đã tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực xã hội, đẩy nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất, làm chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của nhiều quốc gia và làm thay đổi sâu sắc mọi mặt của đời sống xã hội loài người.
Nhận thức được vai trò to lớn của KHCN trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII ngày 24/12/1996 đã ra Nghị quyết "Về định hướng phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000". Nghị quyết đã khẳng định KHCN cùng với giáo dục - đào tạo là nền tảng và là động lực của công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 2, Tỉnh uỷ Hải Dương quyết định chương trình hành động định hướng phát triển KHCN trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000.

Phần thứ nhất
THỰC TRẠNG KHCN CỦA TỈNH HẢI DƯƠNG
TRONG NHỮNG NĂM QUA

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG KHCN.
Những năm qua, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng về KHCN trong sự nghiệp đổi mới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khoá VI đã có Nghị quyết 07 ngày 02/7/1992 và Nghị quyết 28 ngày 10/6/1995 về Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Việc thực hiện các nghị quyết nêu trên đã thúc đẩy quá trình chuyển giao và áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống, góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tiềm lực KHCN, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh ta bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
1. Khoa học xã hội và nhân văn.
Những thành tựu của khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần bổ sung, lý giải và làm rõ thêm những quan điểm của Đảng về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội, làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng cho tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, giúp Đảng bộ tỉnh Hải Dương giữ gìn thống nhất trong Đảng, ổn định tình hình kinh tế - chính trị trong tỉnh. KHCN góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo phục vụ mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Các loại hình nghệ thuật như văn, thơ, nhạc, họa, sân khấu; các phương tiện thông tin đại chúng như báo, phát thanh, truyền hình đã tập trung vào việc khôi phục, bảo tồn, phát huy văn hoá, nghệ thuật truyền thống; phổ biến rộng rãi và kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền các thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước; khuyến khích những mô hình phát triển kinh tế, gương người tốt việc tốt và phê phán những việc làm tiêu cực, hành vi tham nhũng, củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng và sự nghiệp đổi mới của đất nước.
2. KHCN trong nông nghiệp và nông thôn.
KHCN đã đóng góp tích cực trong việc áp dụng hệ thống canh tác tiến bộ và cấp một hoá giống lúa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tổ chức sản xuất các giống lúa siêu nguyên chủng, các giống kỹ thuật tiến bộ. Đến năm 1994 cấp một hoá giống lúa đã được thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời kỹ thuật tiến bộ về các giống màu có năng suất cao được áp dụng rộng rãi đã góp phần đưa sản lượng lương thực đạt gần 1 triệu tấn mỗi năm. Việc khảo nghiệm thành công và triển khai áp dụng rộng rãi các giống rau màu, cây công nghiệp, cây lương thực có năng suất cao, chất lượng tốt đã tác động tích cực đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, làm tăng sản lượng nông sản hàng hoá, tăng hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp.
Việc áp dụng các thành tựu KHCN trong ghép cây, chiết cành, dùng phân vi sinh, các chất vi lượng, đa lượng... đã góp phần tăng diện tích, sản lượng, cây ăn quả, cải tạo vườn tạp, đặc biệt là cây đặc sản có hiệu quả cao như cây vải thiều.
Trong chăn nuôi, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật về thức ăn chăn nuôi và thực hiện chương trình nạc hoá đàn lợn, sind hoá đàn bò, nuôi vịt siêu thịt, siêu trứng, gà công nghiệp, cá giống, cá cao sản... và phát triển nuôi ba ba, rắn... đã thực sự tăng hiệu quả của ngành chăn nuôi, góp phần vào việc chuyển chăn nuôi thành ngành quan trọng của nhiều hộ, nhiều địa phương trong tỉnh.
3. KHCN trong công nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng.
Những dây chuyền công nghệ hiện đại đã được trang bị cho những cơ sở sản xuất như: giầy da, may mặc, bia, nước giải khát và vật liệu xây dựng... góp phần thu hút lao động ở các thị xã, thị trấn, tăng giá trị hàng hoá và mở rộng mặt hàng xuất khẩu của tỉnh nhà.
Các tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng và giải pháp quản lý đã được áp dụng trong các lĩnh vực: bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm, nâng cao giá trị hàng hoá và khả năng xuất khẩu; khôi phục, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm của nhiều làng nghề truyền thống như: thêu ren, chạm khắc gỗ, gốm sứ, bánh đậu, bánh gai; phát triển cơ giới hoá khâu làm đất, tưới tiêu, xay xát, vận chuyển, tuốt lúa, bảo vệ thực vật...
Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng cơ sở hạ tầng đã góp phần thay đổi bộ mặt làng quê; nhà xây tăng nhiều, đường sá được cải tạo nâng cấp; các công trình chính ở nông thôn như: điện, đường, trường, trạm được xây dựng ở hầu hết các xã. Hệ thống phát thanh, truyền hình và mạng lưới điện thoại đã được phủ khắp trong tỉnh.
4. Điều tra cơ bản
Tham gia quy hoạch tổng thể đồng bằng sông Hồng, điều tra cơ bản về kinh tế ngoài quốc doanh, kinh tế dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; điều tra đội ngũ cán bộ chủ chốt ở phường, xã, cán bộ KHCN của tỉnh, hiện trạng môi trường tỉnh Hải Dương, môi trường thị xã Hải Dương, khu vực huyện Chí Linh và vùng phụ cận... là những số liệu điều tra cơ bản quan trọng, góp phần tạo luận cứ cho việc xây dựng chiến lược và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
5. KHCN trong y tế.
Đã tập trung vào thực hiện các chương trình y tế của Trung ương trên địa bàn, tiến hành điều tra một số bệnh đặc thù ở địa phương, tích cực phục vụ cho công tác kế hoạch hoá gia đình, phòng và chữa bệnh cho nhân dân.
6. Tiềm lực KHCN:
Những năm gần đây tỉnh Hải Dương đã quan tâm phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ, hàng năm giành một tỷ lệ ngân sách đáng kể cho KHCN. Hệ thống quản lý KHCN bước đầu được củng cố. Công tác quản lý KHCN đã có nhiều chuyển biến. Vốn đầu tư cho KHCN đã có hiệu quả cao hơn.
7. Công tác quản lý tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng và môi trường.
Hoạt động tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng góp phần vào việc ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Công tác quản lý môi trường được quan tâm, bước đầu đề xuất một số giải pháp ngăn chặn ô nhiễm cục bộ ở khu công nghiệp tập trung, khu dân cư, bệnh viện...
8. Công tác thông tin KHCN, sáng kiến, sáng chế và sở hữu công nghiệp.
Đã có nhiều đóng góp vào việc phổ biến và nâng cao tri thức về khoa học - công nghệ - môi trường cho cộng đồng. Hoạt động sáng kiến, sáng chế và sở hữu công nghiệp được chú ý, đã tổ chức có hiệu quả các hội thi sáng tạo kỹ thuật, tạo ra các giải pháp hữu ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến quản lý, kỹ thuật.
Có được những kết quả trên đây trước hết là do sự vận dụng đúng đắn các chủ trương, chính sách về KHCN trên địa bàn tỉnh ta, sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, sự cố gắng của đội ngũ cán bộ KHCN và sự hưởng ứng của nhân dân.
II. NHỮNG TỒN TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN
1. Những tồn tại.
- Trình độ công nghệ trong các cơ sở sản xuất - kinh doanh - dịch vụ thấp, không đồng bộ, chậm được đổi mới. Chất lượng sản phẩm không cao, mẫu mã kém, khả năng cạnh tranh trên thị trường và ngoài nước thấp.
- Hoạt động KHCN còn hạn chế, chậm phát triển. Tỷ lệ đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên trong tổng dân số còn thấp, cơ cấu chưa thật phù hợp, công nhân có tay nghề cao chưa nhiều. Cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo, triển khai tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản lý khoa học, công nghệ còn nghèo nàn, lạc hậu; thông tin KHCN thiếu.
- Hệ thống tổ chức, quản lý KHCN và các đơn vị triển khai tiến bộ kỹ thuật chậm được đổi mới. Hội đồng KHCN của tỉnh chưa đủ mạnh để làm tốt chức năng tham mưu, tư vấn. Hội đồng KHCN của các ngành, huyện, thị xã nhìn chung chưa được quan tâm củng cố về tổ chức, nội dung hoạt động còn nghèo nàn, thụ động.
2. Nguyên nhân của những tồn tại.
- Các cấp uỷ Đảng, chính quyền và thủ trưởng ở một số đơn vị, địa phương nhận thức chưa đầy đủ và chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động KHCN. Việc áp dụng các thành tựu KHCN vào sản xuất, đời sống xã hội còn hạn chế; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về KHCN chưa cụ thể hoá và thực hiện nghiêm túc.
- Việc quan tâm đến cán bộ KHCN đầu đàn có nhiều cống hiến, có nơi, có lúc còn hạn chế. Chưa có quy hoạch, kế hoạch cụ thể phù hợp trong bồi dưỡng, sử dụng, đào tạo cán bộ KHCN.
- Đội ngũ cán bộ KHCN của tỉnh còn thiếu và chưa mạnh. Một số cán bộ thiếu năng động, thiếu tinh thần trách nhiệm, ngại xuống cơ sở, chưa thực sự cố gắng học tập vươn lên, khả năng thực hành thấp; thiếu những cán bộ thạo công nghệ, giỏi quản lý.
- Kế hoạch KHCN hàng năm chưa thật tập trung; chưa có nhiều chương trình và dự án lớn để giải quyết những vấn đề quan trọng của sản xuất, đời sống.

Phần thứ hai
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHCN TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ

I. ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHCN ĐẾN NĂM 2000 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
1. Kế thừa, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc; điều tra nghiên cứu thực tế, tổng kết sâu sắc quá trình đổi mới của tỉnh, cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc cụ thể hoá nghị quyết, chính sách của Trung ương vào địa phương.
2. Đẩy mạnh áp dụng thành tựu KHCN trong tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, quản lý, quốc phòng, an ninh; nhanh chóng nâng cao trình độ KHCN của tỉnh theo hướng hiện đại hoá, nhất là trong những ngành sản xuất mũi nhọn.
3. Xây dựng và phát triển tiềm lực KHCN của tỉnh.
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ KHCN lành nghề đảm bảo có số lượng đạt mức bình quân của cả nước, có chất lượng thích ứng với công nghệ tiên tiến và cơ cấu kinh tế - xã hội; kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý khoa học, công nghệ và môi trường từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, mở rộng các nguồn cung cấp thông tin thích ứng với thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
II. NHIỆM VỤ CỦA CÁC LĨNH VỰC KHCN
1. Khoa học xã hội và nhân văn.
- Điều tra đánh giá sự biến đổi cơ cấu xã hội; thực hiện các chính sách quản lý kinh tế - xã hội trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá có hiệu quả ở tỉnh. Nghiên cứu vấn đề xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, giai cấp công nhân, các đoàn thể quần chúng trong cơ chế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.
- Điều tra, tổng kết quá trình đổi mới toàn diện của tỉnh, xây dựng luận cứ khoa học để xác định quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
- Nghiên cứu vấn đề lịch sử, tôn giáo, văn học, nghệ thuật và đặc điểm của con người Hải Dương qua các thời đại; kế thừa và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, áp dụng các thành tựu KHCN trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
2. Khoa học kỹ thuật và công nghệ.
- Đến năm 2020 tỉnh ta phải đạt trình độ công nghệ tiên tiến ở một số ngành: công nghệ sinh học, sản xuất lương thực, chế biến nông sản - thực phẩm, sản phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin, bưu điện, y tế, bảo vệ môi trường...
3. Tiềm lực KHCN.
- Nâng cao năng lực nội sinh về KHCN để có khả năng tiếp thu các thành tựu và tri thức mới, làm chủ công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước.
- Hình thành các trại thực nghiệm, phòng thí nghiệm đạt trình độ tiên tiến. Một số chỉ tiêu đặc trưng cho tiềm lực KHCN như: tỷ lệ đầu tư cho phát triển KHCN trong GDP, số lượng cán bộ KHCN trên 1 vạn dân, đạt mức bình quân tiên tiến của cả nước; tăng số lượng sáng kiến, sáng chế... áp dụng vào sản xuất và đời sống.
III. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KHCN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2000
A. Mục tiêu.
- Nâng cao mặt bằng khoa học và dân trí để tiếp thu vận dụng có chọn lọc, sáng tạo thành tựu khoa học, tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất, đời sống xã hội.
- Áp dụng các thành tựu KHCN tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá để thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Phát triển tiềm lực KHCN.
B. Nhiệm vụ.
1. Đẩy mạnh áp dụng các thành tựu KHCN phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
a) Phát triển nông nghiệp nông thôn toàn diện.
- Đẩy mạnh áp dụng các thành tựu KHCN về các giống cây, con có năng suất và chất lượng cao. Sử dụng hợp lý hoá chất, coi trọng áp dụng công nghệ sinh học, nhất là các giống ưu thế lai về lúa, ngô, rau, quả để phát triển nông nghiệp theo vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến, có chiến lược thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhằm khai thác tối đa tiềm năng nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp theo tỷ lệ: cây lương thực 40%, rau, màu, cây công nghiệp: 28%, chăn nuôi: 32%, phấn đấu đạt 1 triệu tấn lương thực quy thóc vào năm 2000, giá trị thu nhập bình quân 30 triệu đồng trở lên/ha/năm.
- Nhanh chóng xây dựng và áp dụng chiến lược phát triển chăn nuôi: ưu tiên đầu tư để sản xuất thức ăn, chương trình nạc hoá đàn lợn (25% đàn lợn thịt có 75% máu ngoại, 15% nái ngoại, và 85% nái lai và Móng Cái), sind hoá đàn bò (100% bò đực có 3/4 máu ngoại trở lên), nuôi bò sữa, mở rộng chăn nuôi con đặc sản, thuỷ sản, gà vịt công nghiệp và nuôi gà giống nội theo hướng công nghiệp.
- Quan tâm thích đáng các tiến bộ kỹ thuật nhằm đẩy mạnh có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế VAC, thực hiện mô hình nông - lâm - thuỷ lợi kết hợp. Trong thuỷ lợi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tưới tiêu, nhất là đối với vùng bãi và vùng đồi núi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong bảo vệ và xử lý đê điều...
b) Công nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng.
- Lựa chọn, tiếp nhận và đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến quy mô thích hợp ở một số lĩnh vực: chế biến nông sản thực phẩm, giầy da, may mặc, cơ khí chế tạo phục vụ nông nghiệp, để tạo ra các sản phẩm mũi nhọn có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước. Đầu tư nâng cấp, nâng cao công suất, chất lượng dây chuyền xi măng Duyên Linh; đẩy nhanh tiến độ thi công, nhanh chóng đưa dây chuyền xi măng Phúc Sơn vào sản xuất; đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ xây dựng một số nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp để xuất khẩu.
- Trong giao thông áp dụng công nghệ mới để thi công đường bộ; đổi mới thiết bị đăng kiểm nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm tra các phương tiện giao thông.
- Trong công nghiệp nông thôn, đẩy mạnh áp dụng các thành tựu KHCN trong bảo quản, chế biến lương thực, thực phẩm với quy mô vừa và nhỏ phù hợp với thôn, xã và hộ gia đình, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến các sản phẩm tiêu dùng nội địa và xuất khẩu như hành, tỏi ớt, nước hoa quả... Quan tâm thích đáng việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động để phát triển tiểu thủ công nghiệp, khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống như gốm sứ, may dệt, chiếu cói, chạm khắc gỗ, thêu ren, mây tre đan, giầy da...
Lựa chọn, máy móc, thiết bị phù hợp, tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hoá các khâu canh tác để đến năm 2000, tỷ lệ cơ giới hoá khâu làm đất đạt 60 đến 70%, xay xát gạo 100%, tuốt đập 100%, vận chuyển nông thôn 60%...
- Trong xây dựng và kết cấu hạ tầng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật về vật liệu mới và vật liệu tại chỗ, phát triển giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương tưới tiêu kiên cố để tiết kiệm đất canh tác và sử dụng hợp lý nguồn nước. Đổi mới thiết bị các trạm bơm đảm bảo chủ động tưới tiêu và phục vụ sản xuất, đời sống. Phát triển thị trấn, thị tứ, khu công nghiệp tập trung phải chú ý tiết kiệm quỹ đất, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tạo, nâng cấp mạng lưới điện, chống tổn thất điện năng. Phát triển nhanh tiến bộ kỹ thuật, truyền hình, điện thoại, nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Triển khai áp dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ thông tin vào công tác quản lý.
2. Khoa học xã hội và nhân văn.
- Áp dụng thành tựu KHCN nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để đến năm 2000 có 100% số phường, thị trấn và 70% số xã được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tiến hành phổ cập giáo dục trung học phổ thông ở những nơi có điều kiện như thị xã, thị trấn, khu công nghiệp; mở rộng dạy hướng nghiệp cho học sinh phổ thông và dạy nghề cho người lao động.
- Kế thừa và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, xây dựng con người trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đảm bảo môi trường văn hoá lành mạnh.
- Điều tra xã hội về sự phân hoá giàu nghèo trong khu dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; điều tra sức khoẻ, trình độ dân trí, từ đó cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Trung ương cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống diễn biễn hoà bình.
- Áp dụng các thành tựu KHCN để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, quản lý sản xuất, quản lý đời sống xã hội. Điều chỉnh và xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các huyện, thị xã cho phù hợp với thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
3. Sức khoẻ và môi trường.
- Áp dụng các thành tựu KHCN trong chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ tại cộng đồng, kế hoạch hoá gia đình để giảm tỷ lệ phát triển dân số của tỉnh đến năm 2000 dưới 1,2%; giảm tỷ lệ mắc bệnh xã hội, ngăn chặn nhiễm HIV và AIDS; cải thiện tình trạng dinh dưỡng, cải thiện tình trạng cấp nước để đến năm 2000 có 90% số dân được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh; kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền trong điều trị; phát triển mạnh trồng và chế biến thuốc Nam.
- Điều tra cơ bản, quy hoạch tổng thể và xây dựng chiến lược về bảo vệ môi trường của tỉnh đến năm 2010. Áp dụng các giải pháp KHCN nhằm khai thác, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên, môi trường sinh thái và tính đa dạng sinh học; kiểm soát, xử lý chất thải trong sản xuất, sinh hoạt, bệnh viện, giao thông gây ô nhiễm môi trường. Tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân các kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường.
IV. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Chính sách đối với cán bộ KHCN:
- Có cơ chế khuyến khích và sử dụng đội ngũ cán bộ KHCN; có quy định chế độ khen thưởng; vận dụng chế độ phụ cấp, trợ cấp phù hợp đối với cán bộ KHCN, cán bộ quản lý công trình khoa học có giá trị và cán bộ KHCN, tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; có chính sách sử dụng và trọng đãi nhân tài, khuyến khích cán bộ KHCN về làm việc tại các vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng có nhiều khó khăn.
- Huy động mọi nguồn vốn của Nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân để đào tạo mới, đào tạo nâng cao, bồi dưỡng và trẻ hoá đội ngũ cán bộ KHCN; nhanh chóng nâng cao tỷ lệ cán bộ KHCN có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí; coi trọng đào tạo cán bộ KHCN đầu đàn trong một số lĩnh vực mũi nhọn để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Xây dựng và thực hiện quy chế đảm bảo dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể và tài năng cá nhân, phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết, hợp tác, ý thức trách nhiệm xã hội của các cán bộ khoa học trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu KHCN.
- Định kỳ xét trao giải thưởng khoa học cho những tập thể, cá nhân có thành tích trong sự nghiệp KHCN.
- Khuyến khích và thu hút, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ KHCN người Hải Dương hiện đang sống và làm việc ở ngoài tỉnh, nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp phát triển KHCN của tỉnh.
2. Tăng dần đầu tư phát triển KHCN từ nhiều nguồn vốn.
- Hàng năm giành tỷ lệ ngân sách thích đáng đầu tư cho KHCN, phấn đấu đến năm 2000 đạt 2% tổng chi ngân sách cho KHCN. Đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hàng năm phải giành một phần vốn cho nghiên cứu áp dụng công nghệ mới, xử lý môi trường và đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật.
- Trong kinh phí KHCN của tỉnh cũng phải giành một tỷ lệ chi cho các hoạt động KHCN ở huyện, thị xã.
- Phải coi chương trình phát triển KHCN là một bộ phận quan trọng của mỗi chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
- Đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường của tỉnh. Trang bị các thiết bị kiểm soát môi trường, thiết bị đo lường, thử nghiệm, để đến năm 2000 một số phòng thử nghiệm có một số tiêu chuẩn đạt trình độ tiên tiến trong nước. Đầu tư thiết bị cho các Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường, xử lý chất thải, tư vấn xây dựng các dự án môi trường.
- Tiếp tục duy trì quỹ phát triển KHCN của tỉnh theo quy định của Nhà nước.
3. Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý, hoạt động KHCN.
- Kiện toàn tổ chức và nâng cao trách nhiệm các cơ quan quản lý Nhà nước về KHCN từ tỉnh đến huyện, thị xã, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý KHCN, tăng cường công tác thanh tra công nghệ, thanh tra môi trường. Trước mắt cần củng cố và kiện toàn cơ quan quản lý khoa học đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới.
- Tăng cường cán bộ có năng lực cho các đơn vị triển khai khoa học và công nghệ như: các trung tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các trạm trại, bệnh viện, trường học...
Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng KHCN các cấp.
- Mỗi huyện, thị xã phải bố trí từ 1 đến 2 cán bộ để giúp UBND huyện, thị xã quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường.
Đẩy mạnh hoạt động của các hội khoa học và kỹ thuật địa phương nhằm tập hợp rộng rãi các lực lượng trí thức: phát huy vai trò chính trị, xã hội của Liên hiệp hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh trong việc phổ biến và ứng dụng kiến thức khoa học vào sản xuất và đời sống, triển khai công nghệ và bảo vệ môi trường, công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội.
- Khuyến khích thành lập các tổ chức ứng dụng KHCN ngoài khu vực Nhà nước.
4. Tạo lập thị trường cho KHCN.
- Phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để ứng dụng những thành tựu KHCN vào thực hiện nhằm giải quyết những yêu cầu bức xúc của sản xuất và đời sống.
- Dùng chính sách thuế, tín dụng để hỗ trợ cho các thành phần kinh tế ứng dụng những công nghệ mới, công nghệ hiện đại theo hướng ưu tiên của tỉnh. Vận dụng chế độ miễn giảm thuế cho các sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử bằng công nghệ mới.
- Mở rộng mạng lưới dịch vụ tư vấn KHCN, vận dụng chế độ miễn giảm thuế cho các hoạt động tư vấn KHCN.
- Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp và khuyến khích chuyển giao công nghệ.
- Áp dụng chế độ khen thưởng thích hợp cho các tập thể lao động và các tác giả có sáng chế, phát minh, cải tiến kỹ thuật và ứng dụng công nghệ mới đạt kết quả.
5. Tăng cường kiểm soát, giám định công nghệ và chất lượng sản phẩm.
- Các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đều phải được thẩm định khoa học về giải pháp công nghệ, về tác động môi trường và xã hội.
- Tăng cường hoạt động của Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng về công tác tiêu chuẩn hàng hoá; đảm bảo đo lường, kiểm tra và quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá.
- Tiến hành nghiêm ngặt công tác thanh tra, kiểm tra môi trường sinh thái. Khuyến khích áp dụng những công nghệ sạch; ngăn ngừa, xử lý thích đáng việc sử dụng công nghệ gây ô nhiễm môi trường. Tất cả các dự án đầu tư, các quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch đô thị, khu công nghiệp... phải thực hiện nghiêm chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường và phải có một phần vốn đầu tư cho giải pháp bảo vệ môi trường.
6. Tăng cường hợp tác về KHCN.
- Tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa lực lượng KHCN địa phương với lực lượng KHCN Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, các tổ chức KHCN nước ngoài vào sản xuất, đời sống.
- Dành một khoản ngân sách để đầu tư cho hoạt động trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu ở nước ngoài. Cần chọn cử người có đủ điều kiện, năng lực, phẩm chất cho đi đào tạo trong nước và ngoài nước. Khuyến khích việc tự túc đào tạo ở nước ngoài về KHCN.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ KHCN có nhiều cống hiến được đi bồi dưỡng, trao đổi học tập ở nước ngoài.
7. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ cập kiến thức khoa học, công nghệ và phát động phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học.
- Đẩy mạnh phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, bảo vệ môi trường cho nhân dân.
- Đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng những thành tựu KHCN mới vào sản xuất và đời sống.
- Xây dựng mạng lưới thông tin kinh tế, khoa học, công nghệ, tài nguyên, môi trường, giá cả, thị trường; phát triển và quản lý thống nhất hệ thống thông tin từ cơ sở nhằm thu nhập, xử lý thông tin phục vụ cho phát triển KHCN.
8. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với KHCN.
Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở là nhân tố quyết định làm cho khoa học và công nghệ trở thành nền tảng và động lực mạnh mẽ thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở địa phương.
Cùng với việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VIII), các cấp, các ngành cần triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết này của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ giúp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ làm đầu mối thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, báo cáo tình hình về Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.


Tổng hợp: NVV

 

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây