Khoa học và Công nghệ 2008-11-27 08:16:56

CÔNG NGHỆ TRUYỀN HÌNH MỚI KẾT NỐI INTERNET
(TNO) - Hãng Panasonic thuộc Tập đoàn công nghệ điện tử Matsushita đã phối hợp với Google xây dựng, phát triển công nghệ vô tuyến truyền hình mới có chức năng hiển thị nội dung tranh ảnh và phim trên Internet.
Với công nghệ mới này, người xem truyền hình có thể trực tiếp mở và xem video từ nguồn YouTube và xem Album Picasa, đây là hai dịch vụ trực tuyến có sẵn của Google.
Sự hợp tác giữa Panasonic với YouTube và Album Picasa của Google đánh dấu sự phát triển của internet và mở rộng truyền hình kỹ thuật cao. Chương trình sẽ bắt đầu được thực hiện vào mùa xuân tới.
NHÂN LỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN:
NHIỀU CƠ HỘI LẪN YẾU KÉM
(TNO) - Ngày 10/1, tại Đà Nẵng, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng  Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Giáo dục - Đào tạo cùng Bộ Thông tin - Truyền thông đã tổ chức hội thảo quốc gia "Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT - TT) theo nhu cầu xã hội".
Theo báo cáo từ Bộ Giáo dục - Đào tạo, mặc dù tại Việt Nam, lĩnh vực CNTT-TT vừa hình thành và phát triển, nhưng đã nhanh chóng tham gia vào hầu hết các lĩnh vực và trở thành công cụ không thể thiếu của tất cả các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh tế trọng điểm, công nghệ thông tin điện tử và viễn thông. Hiện 5 công ty lớn của thế giới như Intel, Renesas, Campal, Samsung, Foxcon (Hồng Hải) đã quyết định đầu tư gần 10 tỉ USD vào Việt Nam để thiết kế và sản xuất vi mạch, máy tính, điện thoại di động, thiết bị viễn thông... Chính từ đây đã dấy lên một làn sóng đầu tư mới vào nước ta để sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ chất lượng cao về CNTT-TT, và nguồn nhân lực là vấn đề quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư.
Intel - nhà sản xuất các bộ vi xử lý cho máy tính lớn nhất thế giới đang đầu tư tại TP Hồ Chí Minh, cần tuyển 4.000 lao động, trong đó cần gần 1.000 kỹ sư các lĩnh vực điện, điện tử, CNTT, tự động hóa và đến năm 2011, nguồn nhân lực của Intel cần tuyển sẽ tiếp tục tăng cao. Renesas - công ty hàng đầu thế giới về thiết kế, sản xuất vi mạch đang cần tuyển 1.000 kỹ sư về thiết kế bán dẫn...
Tập đoàn Hồng Hải - Đài Loan năm 2007 bắt đầu đầu tư vào Việt Nam, dự kiến 5 năm tới sẽ đầu tư khoảng 5 tỉ USD và cần hơn 50.000 lao động. Công ty Campal chế tạo máy tính xách tay và thiết bị điện tử viễn thông của Đài Loan hiện đang cần tuyển 1.200 kỹ sư đưa đi đào tạo tiếp ở nước ngoài về làm cán bộ chủ chốt, khi đi vào hoạt động sẽ cần tuyển thêm hàng chục nghìn lao động nữa... Vì vậy, nếu nguồn nhân lực Việt Nam, vốn có lợi thế chi phí thấp, nhưng không có năng lực và kiến thức thì sẽ mất đi cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài để tăng tốc phát triển trong 20 năm tới.
Hiện Việt Nam có 13 trường ĐH, Viện Nghiên cứu đào tạo sau đại học về CNTT; 230 trường ĐH và CĐ có đào tạo về CNTT, bình quân mỗi năm đào tạo 10.000 chỉ tiêu; 88 trường có đào tạo về CNTT bậc trung cấp chuyên nghiệp; cùng nhiều chương trình đào tạo quốc tế... Thế nhưng, hiện chưa hình thành hệ thống chứng chỉ quốc gia về đào tạo CNTT để việc đào tạo được chuẩn hóa và liên thông, cũng như việc công nhận chất lượng. Chương trình đào tạo chưa theo kịp nhu cầu phát triển, đội ngũ giảng viên, giáo viên vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về năng lực nghề nghiệp, kỹ năng thực hành, thiếu kiến thức cơ bản về phương pháp giảng dạy... Cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực CNTT còn thiếu và nhanh lạc hậu nhưng không kịp bổ sung... Từ những nguyên nhân đó, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT ở Việt Nam là vấn đề nan giải, khi vẫn chưa theo kịp trình độ của một số nước tiên tiến trong khu vực, nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển kỹ sư là cử nhân ĐH, CĐ hoặc học viên trường nghề đã phải đào tạo lại.
Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho rằng, nên chăng xây dựng những cơ chế chính sách đặc thù cho các cơ sở chuyên đào tạo về CNTT, đó là áp dụng thủ tục đơn giản cho các chủ đầu tư xin phép thành lập trường với thủ tục hành chính đơn giản, rút ngắn thời gian cấp phép. Nhiều đại biểu khác cũng đưa ra những giải pháp trước mắt như: tạo môi trường giảng dạy CNTT hoàn toàn bằng tiếng Anh, xây dựng các chương trình đào tạo theo hướng phân tích nghề nghiệp trong xã hội, theo hệ thống mở, xã hội hóa và quốc tế hóa...
Những ý kiến này sẽ được tổng hợp nhằm hoạch định một chiến lược dài hơi và thực sự hữu hiệu trong công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT hiện nay với một mục tiêu rất tham vọng mà Bộ Thông tin - Truyền thông phê duyệt trong quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020: hơn 80% dân số có kiến thức CNTT, học sinh tất cả các cấp đều học CNTT, việc đào tạo CNTT trong các trường ĐH ở Việt Nam sẽ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, 100% sinh viên CNTT sau khi ra trường sẽ vừa có trình độ chuyên môn lẫn khả năng ngoại ngữ để tham gia vào thị trường nhân lực toàn cầu.
BÀN GIAO KẾT QUẢ 6 CÔNG TRÌNH KH-CN
CẤP NHÀ NƯỚC CHO CƠ SỞ TRIỂN KHAI
(SGGP) - Bộ KH-CN vừa tổ chức Hội nghị giới thiệu kết quả và sản phẩm các chương trình KH-CN cấp Nhà nước giai đoạn 2001-2005 ở những lĩnh vực như tài nguyên, môi trường, phòng tránh thiên tai, điều tra và ứng dụng công nghệ biển.
Tổng cộng đã có 70 công trình được giới thiệu, trong đó 14 công trình độc lập cấp Nhà nước. Đây là những công trình đã được nghiệm thu với chất lượng cao, có những kết quả, sản phẩm mang tính ứng dụng và thực tiễn cao, nhiều công trình đã được áp dụng và triển khai rộng rãi trên phạm vi rộng. Tại hội nghị, Bộ KH-CN đã tổ chức bàn giao kết quả, sản phẩm 6 công trình thuộc các nhóm trên cho cơ sở để triển khai thực hiện, ứng dụng trong thời gian tới.
Cụ thể: Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia tiếp nhận kết quả 2 công trình "Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, dự báo xu thế diễn biến và đề xuất các giải pháp kiểm soát mưa axít ở Bắc bộ Việt Nam" và "Nghiên cứu cơ sở khoa học cho các giải pháp tổng thể dự báo phòng tránh lũ lụt ở đồng bằng sông Hồng". Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT) tiếp nhận triển khai kết quả công trình "Nghiên cứu xây dựng các giải pháp phòng chống và khắc phục hậu quả cháy rừng ở vùng U Minh và Tây Nguyên".
Bộ GD-ĐT tiếp nhận sản phẩm công trình "Xây dựng bộ động vật chí, thực vật chí Việt Nam giai đoạn 2003- 2005". Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận để triển khai kết quả công trình "Nghiên cứu và xác lập mô hình phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đất ngập mặn và mô hình nuôi trồng thủy sản ven biển miền Trung". Huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, tiếp nhận kết quả công trình "Đánh giá tổng hợp tiềm năng tự nhiên, kinh tế, xã hội; thiết lập cơ sở khoa học và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho một số huyện đảo".
BẮC NINH ỨNG DỤNG TBKT VÀO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP:
TẠO THU NHẬP CAO CHO NGƯỜI NÔNG DÂN
(Khoahoc&Phattrien) - Thu nhập từ sản xuất rau sạch trung bình đạt 100 triệu đồng/ha; từ sản xuất hoa cao cấp đạt 300 triệu đồng/ha, đặc biệt có mô hình đạt 500 triệu đồng/ha; đó là những con số do Sở KH&CN Bắc Ninh đưa ra tại Hội thảo ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp tổ chức ngày 14/1/2008, tại Bắc Ninh.
Trong giai đoạn 2003-2007, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai 7 dự án KHCN tập trung vào hai nội dung: đầu tư xây dựng nhà lưới, thiết bị, vật tư, sử dụng giống mới, chuyển giao kỹ thuật sản xuất rau an toàn và hoa trong nhà lưới. Thông qua các mô hình, đã đào tạo được hàng trăm lao động tiếp thu kỹ thuật tiến bộ, biết ứng dụng và tổ chức sản xuất hoa, rau an toàn. Thành công của chương trình là đã hình thành phương thức sản xuất mới, tiên tiến trong nông nghiệp, mở ra hướng phát triển vùng nông nghiệp ven đô hiệu quả, bền vững; khẳng định nông dân hoàn toàn có khả năng tiếp thu KHCN, đầu tư vốn để sản xuất và kinh doanh có hiệu quả.
QUẢN LÝ THÔNG TIN MẠNG BẰNG CÁCH NÀO?
(TNO) - "Quản lý internet không có nghĩa là ngăn cản mà tạo điều kiện để internet phát triển, tạo nhiều tiện ích cho người dùng, đồng thời hạn chế những tiêu cực tác động đến người sử dụng, nhất là thanh niên và trẻ em", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng khẳng định tại buổi đối thoại trực tuyến được tổ chức sáng 9/1 tại Hà Nội.
Trả lời câu hỏi về nội dung của nghị định mới sắp được ban hành thay thế Nghị định 55 (Nghị định 55/2001/NĐCP ngày 23.8.2001 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet), Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết: quản lý nội dung internet là một trong những vấn đề mà Nghị định 55 còn thiếu, và trong nghị định sắp được ban hành có nhiều điều khoản điều chỉnh. "Về mặt hạ tầng kỹ thuật, các quy định được mở tối đa, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế ở VN và cam kết của chúng ta khi gia nhập WTO. Nghị định mới khuyến khích việc trao đổi, chia sẻ thông tin trên internet. Thông tin, website trên internet sẽ được phân loại thành một số loại hình chính. Đối với những thông tin không bị cấm hoặc hạn chế sẽ áp dụng cơ chế hậu kiểm. Doanh nghiệp, người dân có thể sử dụng các thông tin này để trao đổi. Đối với các trang thông tin có tác động, ảnh hưởng lớn đến xã hội thì Nhà nước cần có biện pháp quản lý khả thi, phù hợp, tạo điều kiện phát triển và ngăn chặn nội dung xấu", Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.
Về vấn đề quản lý blog, Thứ thưởng Lê Nam Thắng cho rằng nhìn chung, cộng đồng blogger VN đang phát triển khá tốt, nhưng có một số ít lợi dụng blog để đăng tải, truyền bá các nội dung vi phạm các quy định về trật tự trị an xã hội hay thuần phong mỹ tục. "Mặc dù vậy, không thể vì số ít người vi phạm mà xây dựng hẳn một chế tài nghiêm cấm, hạn chế hay xử phạt blog được", ông Thắng cho biết.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng dự kiến xây dựng một nghị định mới về xử phạt các vi phạm trong quý I/2008, trong đó đưa ra các chế tài để tạo điều kiện ngăn ngừa các nội dung xấu trên internet và những hành vi lợi dụng internet vào mục đích xấu. Các vi phạm như lừa đảo qua mạng hoặc tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy sẽ có những chế tài, xử lý cụ thể và nghiêm khắc.
MÁY PHÂN TÍCH NHANH ANALYZER SQF 505:
GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG VÀ AN TOÀN THỰC PHẨM
(Khoahoc & PhatTrien) - Để đáp ứng nhu cầu giám sát ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng năm nước ta vẫn phải nhập các thiết bị phân tích của nước ngoài. Các máy này giá thường đắt, dịch vụ hậu mãi không thuận tiện và tốn kém. Do vậy việc nghiên cứu chế tạo các loại máy phân tích thay thế nhập ngoại là một nhu cầu cấp thiết đặt ra cho các nhà khoa học nước ta.
Sau nhiều năm nghiên cứu, nhóm tác giả gồm TS. Nguyễn Trọng Giao, KS. Đàm Hiếu Dũng, ThS. Ngô Chỉnh Quân (Chi nhánh phía Nam Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga) đã chế tạo thành công máy phân tích hoạt động theo nguyên lý sóng vuông quét nhanh.
Trên thế giới, máy cực phổ sóng vuông nói chung là thế hệ mới nhất của các loại máy phân tích điện hóa. Việc chế tạo máy cực phổ sóng vuông hiện đại đòi hỏi có nền kỹ thuật công nghệ rất cao, cả về phần cứng lẫn phần mềm.
TS. Nguyễn Trọng Giao cho biết, đầu tiên, nhóm tác giả nghiên cứu, chế tạo thành công một số thế hệ máy cực phổ sóng vuông ANALYZER MF - 701, MF 705, MF 707 phân tích một số chất hữu cơ, vô cơ trong môi trường, thực phẩm. Sau đó nhóm tiếp tục cải tiến, nghiên cứu nâng cao khả năng của máy, ứng dụng vào việc giám sát ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất công nghiệp gây ra. Sau một thời gian, một máy thế hệ mới ANALYZER SQF 505 ra đời. Máy có thời gian đo rất nhanh, chỉ vài giây. Chuẩn bị mẫu đơn giản. Trong nhiều trường hợp có thể phân tích trực tiếp, không cần qua giai đoạn tách, chiết, sắc ký. Máy có thể đo với dung dịch đục, có màu. Có thể phân tích hỗn hợp chứa vài hoạt chất cùng một lúc. Ngoài ra, máy được sử dụng hóa chất thông dụng, vận hành đơn giản nên giảm được chi phí phân tích. Máy được máy tính điều hành, tính toán, xử lý kết quả, hiển thị rõ ràng, khách quan, tiện lưu trữ, khai thác. Máy hoạt động ổn định, lâu dài, ít hỏng hóc.  Đối với việc giám sát môi trường, máy phân tích một số chỉ tiêu như Pb, Cd, As, Hg và COD. Về giám sát an toàn thực phẩm, máy có thể phân tích định lượng dư lượng một số chất kháng sinh không được phép có mặt nhưng lại thường gặp trong thực phẩm, thức ăn chăn  nuôi như Cloxacilin, Furazolidone, ...Hiện nay các tác giả đang nghiên cứu phân tích dư lượng thuốc trừ sâu, phân tích Dihydroatemisinin trong thuốc trị sốt rét Arterakine. Kết quả nghiên cứu này sẽ được ứng dụng để chế tạo máy phân tích chuyên dụng phục vụ giám sát chất lượng thuốc và nghiên cứu phác đồ điều trị sốt rét.
Nhờ khả năng phân tích tốt, việc sử dụng khá đơn giản, thuận tiện, hoạt động ổn định, máy đã đưa vào phục vụ cho công tác đào tạo sinh viên đại học và sau đại học.
TS. Giao cho biết thêm, trên cơ sở máy phân tích nhanh ANALYZER SQF 505, nhóm nghiên cứu có thể chế tạo các dòng máy chuyên dụng cho các đối tượng cụ thể như máy phân tích đạm, kháng sinh, vitamin, kim loại nặng, các chỉ tiêu cơ bản của môi trường. Các loại máy này đều có ưu điểm gọn nhẹ, có thể xách tay nên thích hợp cho việc khảo sát, kiểm tra dã ngoại tại hiện trường.
GẠO BAO THAI ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN
ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU TẬP THỂ
(Khoahoc&PhatTrien) - Cục Sở hữu trí tuệ vừa ban hành Quyết định số 16699/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận số 9042 đăng ký "Nhãn hiệu tập thể Gạo Bao Thai Định Hoá" cho Trạm Khuyến nông huyện Định Hoá.
Gạo Bao Thai không những có chất lượng gạo thơm ngon, mà các sản phẩm được chế biến từ gạo Bao Thai như: mỳ gạo, các loại bánh rất ngon mà các loại gạo khác không có. Để được cấp giấy chứng nhận (GCN) này, một số phòng, ban chức năng của tỉnh, huyện Định Hoá đã phải tiến hành lập hồ sơ đầu năm 2007 với các bước: Tổ chức thi chọn logo, mang sản phẩm đi kiểm tra chất lượng, xây dựng quy chế sử dụng nhãn hiệu, đồng thời tổ chức tập huấn cho hơn 800 hộ nông dân đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể. Sau khi được cấp GCN, Sở KH&CN Thái Nguyên có kế hoạch quảng bá rộng rãi nhãn hiệu tập thể gạo Bao Thai Định Hoá trên các phương tiện thông tin đại chúng, pano và in logo trên bao bì sản phẩm.
Được biết, huyện Định Hóa đã có đề án phát triển vùng lúa Bao Thai hàng hóa giai đoạn 2007-2010 với tổng diện tích sản xuất gạo Bao Thai đến năm 2010 là 15.000ha với sản lượng đạt 7.500 tấn (trong đó năm 2007 diện tích sản xuất gạo Bao Thai là 10.000ha và sản lượng đạt 4.800 tấn).
Gạo Bao Thai Định Hoá là sản phầm thứ hai sau chè Thái Nguyên và là một trong 14 sản phẩm của cả nước được cấp giấy Chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
GIỐNG LÚA CHỐNG CỎ
(SGGP) - Giống lúa này vừa được PGS- TS Dương Văn Chín, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ) và nhóm cộng sự nghiên cứu thành công. Lúa có khả năng sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, kháng sâu bệnh và đặc biệt có khả năng hạn chế sự phát triển của cỏ dại.
PGS-TS Dương Văn Chín cho biết, ở ĐBSCL và các tỉnh phía Nam thường trồng lúa bằng phương pháp sạ thẳng, còn ở đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc thường chọn biện pháp cấy. Lúa cấy có ưu điểm là ít lúa cỏ (weedy rice) hơn lúa sạ.
Vì chọn cách sạ nên các tỉnh phía Nam tình trạng phát sinh lúa cỏ ngày càng nghiêm trọng. Theo thời gian, lúa cỏ tích lũy nhiều quỹ hạt ởû trong đất, mọc lên thành cây và cạnh tranh gay gắt làm giảm năng suất và chất lượng cây lúa. Giống lúa cỏ có cùng tên khoa học với lúa trồng (oryza sativa) nhưng mang những đặc tính của cỏ dại như: cây cao hơn, màu lá xanh nhạt hơn, chín sớm hơn và rất dễ rụng hạt, vỏ trấu thường có màu sậm (vàng sậm, nâu, đen...). Có thể nói lúa cỏ rất nguy hiểm vì hầu như không có loại thuốc diệt cỏ nào có thể diệt giống lúa này một cách triệt để.
Gần đây trên thế giới đã nghiên cứu ra một giải pháp kỹ thuật có thể áp dụng để kiểm soát lúa cỏ, đó là lai tạo ra các giống lúa có gien kháng thuốc diệt cỏ thuộc nhóm imidazolinone (gien kháng IMI). Với giống lúa mang gien này thì có thể sử dụng các loại thuốc diệt cỏ thuộc nhóm imidazolinone (như hoạt chất imazapyr, imazethapyr...) để diệt lúa cỏ và các loài cỏ dại thông thường khác trong ruộng lúa... mà cây lúa trồng vẫn an toàn. Các giống lúa có gien kháng IMI còn được gọi là giống lúa Clearfield. Kết quả tạo giống này là do sử dụng phương pháp đột biến kết hợp với lai truyền giống.
Nhằm tận dụng những tiến bộ kỹ thuật đã có trên thế giới vào việc khắc phục tình trạng lúa cỏ và cỏ dại làm ảnh hưởng đến năng suất cây lúa tại đồng ruộng Việt Nam, PGS-TS Dương Văn Chín và nhóm cộng sự đã tiếp nhận giống lúa có gien kháng IMI về tiến hành nghiên cứu thử nghiệm trên đồng ruộng Việt Nam. Kết quả đã tạo ra được những giống lúa mới triển vọng có gien kháng IMI (các giống có tên gọi như  OMCF 6, OMCF 9, OMCF 39, OMCF 48...). Qua khảo sát cho thấy các giống lúa này có hiệu quả diệt lúa cỏ và cỏ dại rất cao do có mang gien kháng thuốc diệt cỏ thuộc nhóm imidazolinone.
Tính toán cho thấy năng suất trung bình ở ruộng lúa có phun imidazolinone là 1,83 tấn/ha (trong vụ hè thu 2006) so với ruộng lúa đối chứng không sử dụng imidazolinone là 0,91 tấn/ha. Cây lúa trồng ở ruộng lúa có phun imidazolinone không có dấu hiệu bị ngộ độc. Nhóm nghiên cứu tiếp tục thử nghiệm giống lúa này trong vụ đông xuân 2006-2007 và kết quả năng suất trung bình là 3,11 tấn/ha (lô đối chứng chỉ đạt 0,43 tấn/ha do bị cạnh tranh gay gắt bởi lúa cỏ)...
Hiện nay giống lúa có khả năng chống cỏ nói trên đã được triển khai thử nghiệm trên diện rộng ở tỉnh An Giang. Dự kiến trong vụ đông xuân 2007-2008 tới đây sẽ tiếp tục nhân rộng.

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.