Khoa học quản lý (số 4-2008) 2008-12-27 11:30:32

HẢI DƯƠNG: ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG KS. Nguyễn Quang Hảo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Để đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông của tỉnh, Đề án Phát triển dịch vụ Bưu chính, Viễn thông tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006-2010 đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương phê duyệt tại Quyết định số 3567/QĐ-UBND ngày 17/10/2006, với mục tiêu: Phát triển và hiện đại hoá hệ thống hạ tầng mạng lưới, nâng cao chất lượng, phát triển các dịch vụ bưu chính, viễn thông góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV và góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí.

 

Mục tiêu cụ thể về bưu chính đến năm 2010 cứ 5.300 người dân sẽ có 1 điểm phục vụ bưu điện; 100% bưu cục thực hiện đầy đủ loại dịch vụ theo quy định; tốc độ tăng trưởng bình quân dịch vụ bưu chính 12%/năm, dịch vụ chuyển phát 40%/năm, dịch vụ phát hành báo chí 20%/năm.

Mục tiêu cụ thể về viễn thông, Internet đến năm 2010 đạt mật độ 21 máy cố định/100 dân; 22 thuê bao di động (cả trả trước và trả sau)/100 dân; 100% cơ quan Đảng, Nhà nước, trường học, bệnh viện được kết nối Internet tốc độ cao.

Kết quả thực hiện trong hai năm 2006-2007:

Về phát triển hạ tầng: Trong hai năm qua, các doanh nghiệp bưu chính và chuyển phát đã phát triển được 14 điểm phục vụ bưu điện, nâng tổng số điểm phục vụ bưu điện đến hết 31/12/2007 là 311 điểm (tăng 4,7%). Các doanh nghiệp viễn thông phát triển được 35 điểm chuyển mạch đưa tổng số điểm chuyển mạch hiện có trên địa bàn tỉnh là 76 điểm, tăng 85,36% so với năm 2005, với tổng dung lượng lắp đặt của các tổng đài là 182.282 đôi cáp.

Truyền dẫn tại các điểm chuyển mạch chủ yếu sử dụng phương thức truyền dẫn cáp quang với tổng độ dài 949 km, đến 100% huyện, truyền dẫn vi ba sử dụng dự phòng. Đặc biệt là các doanh nghiệp viễn thông sử dụng công nghệ WLL (Wireless local loop) mạch vòng vô tuyến nội hạt để cung cấp lọai hình dịch vụ cố định vô tuyến, việc triển khai dịch vụ này tại các vung sâu xa mang tính hiệu quả kinh tế cao, giúp cho người dân tại các vùng sâu, xa có thể sử dụng được các dịch vụ viễn thông với chi phí đầu tư thấp.

Trong 2 năm đã có 223 trạm BTS được xây mới, nâng tổng số trạm BTS trên địa bàn tỉnh là 295 trạm (tăng 3 lần so với 2005); tăng thêm 60 trạm DSLAM, nâng tổng số trạm DSLAM hiện nay là 73, bình quân mỗi huyện có từ 4 trạm DSLAM, đáp ứng được yêu cầu truy cập Internet ADSL.

Về phát triển dịch vụ: Đến nay Bưu cục cấp I đã thực hiện 25 đầu dịch vụ, tăng 11 đầu dịch vụ so với 2005; bưu cục cấp II đã thực hiện 20 đầu dịch vụ, tăng 7 đầu dịch vụ so 2005; bưu cục cấp III thực hiện được 11 đầu dịch vụ; các điểm bưu điện văn hoá xã thực hiện 9 đầu dịch vụ; các đại lý thực hiện 6 đầu dịch vụ.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cố định đã triển khai loại hình điện thoại không dây, đáp ứng được yêu cầu sử dụng thông tin của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, có khó khăn trong triển khai mạng lưới cáp.

Về phát triển nhân lực: Các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát, viễn thông đã sử dụng gần 3.500 lao động, trong đó có 270 đại học, 197 cao đẳng, 99 trung cấp, 557 công nhân và gần 2.400 lao động phổ thông trong các điểm bưu điện văn hoá xã, đại lý, điểm giao dịch bán SIM, đại lý Internet.

Kết quả sản xuất, kinh doanh: Số bưu phẩm thu phát trong 2 năm đạt 194.747 kg, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2005; số bưu kiện thu phát được 36.958 kg, tăng 2,15 lần so 2005; phát hành được 18.640.276 tờ, cuốn tạp chí, bình quân mỗi năm phát hành 9.320.138 tờ, cuốn, tăng 7%/năm; doanh thu trung bình đạt 14 tỷ/năm, tốc độ tăng trưởng 5%/năm.

Trong hai năm, phát triển được 104.458 máy điện thoại cố định, đưa mật độ máy đạt 13,35 máy/100 dân, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 38%/năm; phát triển thêm 586.565 thuê bao di động (cả trả trước và trả sau), mật độ bình quân đạt 40,9 máy/100 dân, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 130%/năm; phát triển thêm 13.296 thuê bao Internet ADSL, nâng tổng số thuê bao Internet ADSL trên địa bàn tỉnh lên 14.521 thuê bao; doanh thu viễn thông năm 2007 đạt 942,432 tỷ đồng, vượt 1,1 lần so với chỉ tiêu Đề án đặt ra cho năm 2010.

Về đảm bảo dịch vụ công ích: Chỉ tiêu về bán kính phục vụ bình quân chung đã hạ từ 1,32 km/điểm (31/12/2005) xuống còn 1,3 km/điểm. Chỉ tiêu về số dân bình quân phục vụ bởi một điểm bưu điện hạ từ 5.736 người/điểm (năm 2005) xuống còn 5.582 người/điểm. 100% số thôn, làng của tỉnh đã có điện thoại cố định. Một số khu vực có khó khăn trong triển khai mạng cáp ngoại vi như xã Kênh Giang (Chí Linh), thôn Đồng Chấm (Thanh Giang - Thanh Miện) nay đã có điện thoại cố định.

Trong hai năm qua, ngành bưu chính, viễn thông đã thực hiện nghĩa vụ công ích, đảm bảo thông tin phục vụ sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền thông suốt từ tỉnh xuống cơ sở; đảm bảo thông tin phục vụ cho công tác an ninh, quốc phòng; phục vụ các cuộc diễn tập quân sự, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo thông tin liên lạc cho phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của tỉnh.

Khó khăn, hạn chế, tồn tại:

Mạng lưới các trạm thu phát sóng đã được phân bổ đều khắp, tuy nhiên vẫn còn 134 xã chưa có cột anten của các doanh nghiệp viễn thông di động, 8 xã chưa có điểm phục vụ bưu điện. Đây là những xã ở ven các thị trấn huyện lỵ, thị tứ nơi có bưu cục cấp II đang hoạt động. Một số xã như Tân Hồng (Bình Giang), Nam Đồng, Thanh Lang (Thanh Hà) địa phương chưa bố trí được đất giao cho Bưu điện xây dựng điểm bưu điện văn hoá xã.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào quá trình sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet.

Nhận thức của một bộ phận cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa coi việc phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông, Internet là phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, là trách nhiệm chung của mọi cấp, nên ở một số nơi còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với doanh nghiệp trong xây dựng hạ tầng bưu chính, viễn thông.

Một vấn đề quan trọng của lĩnh vực viễn thông là muốn phát triển được dịch vụ viễn thông thì bắt buôc các doanh nghiệp viễn thông phải đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông. Song hiện nay việc triển khai xây dựng hạ tầng mạng viễn thông còn gặp nhiều khó khăn trong cấp đất, vẫn sử dụng chung cơ sở hạ tầng.

Sự phát triển của Internet cung cấp cho người dân sự đa dạng về thông tin trên mạng Internet và cách truyền đạt nội dung cũng rất đa dạng và sinh động, tạo cho người dân có một cách tiếp cận thông tin khác và mới lạ, đơn giản nhưng hữu ích. Đây là một sự phát triển có hướng tích cực và đáng được khích lệ. Nhưng chính vì sự phát triển mạnh của truyền thông và Internet cũng dẫn tới sự phát triển chậm lại của loại hình báo chí truyền thống (báo in), khó đảm bảo chỉ tiêu đề ra.

Kiến nghị, đề xuất :

Một là: Hiện nay, do việc triển khai xây dựng hạ tầng mạng viễn thông còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong vấn đề thủ tục đầu tư, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh có văn bản quy định rõ ràng về lĩnh vực đầu tư chuyên ngành lĩnh vực viễn thông để giúp doanh nghiệp có thể triển khai nhanh việc xây dựng hạ tầng để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.

Hai là: Đề nghị UBND tỉnh bổ sung cho mỗi huyện, thành phố ít nhất 01 biên chế có trình độ công nghệ thông tin hoặc điện tử viễn thông để giúp UBND cấp huyện quản lý tốt chuyên ngành bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.

Ba là: Đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền coi việc phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông như phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân hiểu và ủng hộ chủ trương phát triển hạ tầng mạng lưới bưu chính, viễn thông để các doanh nghiệp có thể cung cấp được các dịch vụ có chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Bốn là: Đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện cấp kinh phí cho Sở Thông tin và Truyền thông để mua các phương tiện, trang thiệt bị đo kiểm chất lượng dịch vụ viễn thông, chất lượng công trình viễn thông phục vụ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực viễn thông.

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.