Hoạt động TC-ĐL-CL (số 4-2008) 2008-12-27 11:43:48

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ HOẠT ĐỘNG PHÂN PHỐI, BÁN LẺ XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG Trịnh Đăng Hoàn Chi cục phó Chi cục TC-ĐL-CL Hải Dương

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân ngày một tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu ấy, hệ thống phân phối, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh ta cũng phát triển nhanh chóng với sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Hệ thống phân phối, bán lẻ xăng dầu đã phủ khắp các huyện trên địa bàn tỉnh, cả đường bộ và đường sông, cả vùng đô thị, khu công nghiệp tập trung đông đúc đến những vùng xa, xôi hẻo lánh của tỉnh. Năm 2006, toàn tỉnh mới có khoảng 170 của hàng, trạm bán lẻ xăng dầu với khoảng 500 cột xăng dầu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có đến trên 200 cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu với số cột xăng dầu trên 600 (riêng 03 huyện thành phố: Hải Dương, Chí linh, Cẩm Giàng đã chiếm 30% số cửa hàng, 40% cột xăng dầu trên địa bàn tỉnh).

 

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện đã có trên 95% cửa hàng, trạm kinh doanh bán lẻ xăng dầu thực hiện đúng quy định đối với phương tiện đo thuộc danh mục bắt buộc phải kiểm định cho các cột xăng dầu của mình. Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã chú trọng việc đầu tư mở rộng thị trường, nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm trang, thiết bị, cột xăng mới, thay thế các cột xăng cũ bằng những cột xăng mới hiện đại, có độ chính xác cao, hoạt động ổn định (Năm 2006, số cột xăng dầu cũ chiếm tới 61%; đến nay, chỉ còn khoảng 40%). Đặc biệt, Chi nhánh Xăng dầu Hải Dương còn chú trọng hoạt động quản lý đảm bảo đo lường trong hệ thống các cửa hàng bán lẻ của mình thông qua Hợp đồng đảm bảo đo lường với tần suất kiểm tra, bảo trì về đo lường cho các cột xăng dầu của hệ thống nhằm ngăn chặn, hạn chế những sai sót về đo lường trong kinh doanh, đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình cũng như lợi ích của khách hàng. Về đảm bảo đo lường, chất lượng xăng dầu, với sự tăng cường phối hợp quản lý của các đầu mối, các tổng đại lý, đại lý cùng việc đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhân thức trách nhiệm đối với việc đảm bảo chất lượng,đo lường xăng dầu cung cấp cho người tiêu dùng của các cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu được nâng cao, nhiều biện pháp kiểm soát chất lượng, đo lường từ khâu giao nhận, tồn trữ, bảo quản đến khâu cung cấp cho khách hàng được chú ý thực hiện. Vì vậy, hiện tượng xăng dầu kém chất lượng, đo lường không chính xác được phát hiện trong các cuộc thanh tra, kiểm tra hoặc thông qua khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng trong những năm qua được hạn chế và có xu hướng giảm dần. Số lượng các vụ việc vi phạm quy định về chất lượng, đo lường tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh thuộc loại thấp so với các tỉnh, thành trong toàn quốc...

Trên đây là những tiến bộ đáng phấn khởi trong việc đảm bảo chất lượng, đo lường trên thị trường xăng dầu Hải Dương. Song để giữ vững và phát huy kết quả đạt được trong thời gian tới cũng cần thấy rõ những hạn chế trong thời gian qua và những nguy cơ tiềm ẩn cần hạn chế, khắc phục để phát triển kinh doanh lành mạnh, đảm bảo uy tín của các doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng:

- Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, trong những năm qua các doanh nghiệp đã chú trọng trong tăng cường đầu tư nâng cấp, song vẫn còn không ít cơ sở không quan tâm, tình trạng sử dụng cột xăng dầu cũ, nát tuy đã cải thiện xong vẫn chiếm tỷ lệ cao (tới 40%). Đây là nguy cơ tiềm ẩn có ảnh hưởng mạnh đến ổn định hoạt động kinh doanh, đến tính chính xác của cột xăng, dầu (theo số liệu điều tra, trong số 274 cột xăng, dầu cũ nát được khảo sát, có tới 80 cột không đạt yêu cầu về đo lường chiếm gần 30%). Việc chấp hành kiểm định đối với các phương tiện đo nói chung là tốt, song vẫn còn trên 10 đơn vị kinh doanh xăng dầu còn né tránh không thực hiện (trong đó chủ yếu là các cây xăng lưu động trên sông cung cấp xăng dầu cho các tàu thuyền và 2-3 đơn vị núp chiêu bài tiêu dùng nội bộ). Bể chứa xăng dầu của một số cửa hàng không đảm bảo yêu cầu quy định, có hiện tượng lún lệch, móp mép gây biến đổi dung tich chứa; hiện tượng rò rỉ, thẩm thấu... gây mất an toàn, ô nhiếm môi trường và biến đổi chất lượng xăng, dầu. Đã có hiện tượng hợp đồng danh nghĩa thuê bồn, bể chứa để "lách" quy định về đảm bảo đủ bồn, bể chứa cho nhu cầu kinh doanh...

- Về đội ngũ cán bộ, nhân viên thuộc các cửa hàng kinh doanh bán lẻ, trừ Chi nhánh xăng dầu Hải Dương và một số ít doanh nghiệp khác có chú ý đào tạo, tuyển dụng về chuyên môn, nghiệp vụ liên quan, còn rất nhiều các doanh nghiệp, cửa hàng chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động này. Thậm chí để hỗ trợ doanh nghiệp chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện đảm bảo đo lường, chất lượng, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Hải Dương đã tiến hành mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan song đến nay mới chỉ có 220 cán bộ nhân viên (bằng khoảng 30% tổng số cán bộ, nhân viên có liên quan phải được đào tạo). Sự thiếu hiểu biết về chuyên môn, nghiệp vụ của nhiều cán bộ, nhân viên, cũng như tình trạng buông lỏng giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của các chủ cơ sở là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng lớn đến tính bền vững, ổn định của một thị trường kinh doanh lành mạnh.

- Về quản lý, kiểm soát chất lượng, đo lường tại cơ sở kinh doanh bán lẻ xăng dầu: ngoài Chi nhánh xăng dầu Hải Dương, đơn vị có truyền thống, có nề nếp trong hoạt động đảm bảo đo lường, chất lượng phục vụ kinh doanh từ trước, còn hầu hết các cơ sở khác đều chưa quan tâm đúng mức. Sự không quan tâm đúng mức của các cơ sở này thể hiện phổ biến ở việc nhập hàng không tuân thủ nguyên tắc một đầu mối, còn có hiện tượng nhập hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; khi giao nhận chỉ quan tâm về số lượng, về chất lượng chỉ lưu giữ hợp đồng, hoá đơn hàng, không chú ý đến việc yêu cầu chủ hàng cung cấp các tài liệu liên quan đến chất lượng hàng nhập (Nghị định 55/2006/NĐ-CP), thậm chí cũng không áp dụng biện pháp lưu mẫu để kiểm soát chất lượng đầu vào; trách nhiệm của từng cán bộ, nhân viên đối với việc đảm bảo đo lường, chất lượng không rõ ràng, tuỳ tiện; chế độ vận hành, bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị không được thực hiện nghiêm.v.v...

Để khắc phục những thiếu sót, những hạn chế trên, trước hết đối với các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh bán lẻ xăng dầu cần ý thức rõ trách nhiệm, quyền hạn của mình trong hoạt động kinh doanh, trong đảm bảo về đo lường, chất lượng xăng dầu và trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan, cùng với đó là sự tăng cường quản lý giám sát hệ thống phân phối của các doanh nghiệp đầu mối, của các tổng đại lý, các đại lý. Về phía quản lý Nhà nước cần có sự tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý giám sát thực hiện điều kiện kinh doanh với cơ quan quản lý, giám sát thực hiện điều kiện đảm bảo đo lường, chất lượng xăng dầu mà cụ thể trên địa bàn tỉnh là Sở Công thương và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh. Một nhân tố quan trọng nữa cần quan tâm khai thác nhằm lành mạnh hoá thị trường xăng dầu đó là phải thiết lập được kênh thông tin tiếp nhận, xử lý nhanh những phản ánh từ người tiêu dùng.

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.