Môi trường 2008-12-27 11:40:19

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH SAU ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG Nguyễn Hoài Khanh Quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường

Đánh giá tác động môi trường là một trong những giải pháp quan trọng trong quản lý ô nhiễm công nghiệp, góp phần tích cực trong việc phòng ngừa ô nhiễm do các hoạt động sản xuất công nghiệp gây nên. Theo Điều 19 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 quy định: "

Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được lập đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư để phân tích, dự báo các tác động đến môi trường và trên cơ sở đó đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án".

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến nay có hơn 300 dự án đầu tư đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và nội dung bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, qua công tác quản lý, theo dõi chúng tôi thấy việc thực hiện các nội dung đã được ghi trong báo cáo đối với các biện pháp bảo vệ môi trường của các chủ dự án (hay các doanh nghiệp) không nghiêm túc. Sự không nghiêm túc thực hiện phần lớn là ở các chủ doanh nghiệp Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp sau khi triển khai dự án và đi vào hoạt động sản xuất vẫn không đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý chất thải, đặc biệt là các công trình xử lý nước thải sản xuất, hoặc nếu có đầu tư hệ thống xử lý thì hiệu suất xử lý không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Số doanh nghiệp được xác nhận đã hoàn thành xây dựng các hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường đến nay mới có khoảng vài doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, trong tổng số 10 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã được Chính phủ phê duyệt cho triển khai thì mới có 5 khu công nghiệp lập báo cáo Đánh giá tác động môi trường. Cả 5 khu công nghiệp này đã có các doanh nghiệp vào đầu tư và đi vào hoạt động sản xuất nhưng tất cả đều không có hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu. Có khu công nghiệp ngay từ đầu triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung như khu công nghiệp Nam Sách, nhưng do xây dựng thiếu đồng bộ nên cũng không vận hành được. Nước thải của các doanh nghiệp hầu hết không được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường đã xả ra môi trường xung quanh và gây ô nhiễm. Việc thực hiện chương trình giám sát môi trường ở hầu hết các doanh nghiệp đều không tuân thủ theo đúng tần suất và chỉ tiêu giám sát, cá biệt có những doanh nghiệp nhiều năm đã không thực hiện chương trình này. Tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc chỉ chiếm vài phần trăm. Việc lập sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại với Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các doanh nghiệp có phát sinh chất thải nguy hại được ghi trong quyết định phê chuẩn báo cáo cho đến nay mới có khoảng 20% số doanh nghiệp tuân thủ, còn lại là không thực hiện.

Nguyên nhân của những tồn tại trên một phần do các doanh nghiệp có khó khăn về kinh phí đầu tư, song một nguyên nhân chủ quan là các chủ doanh nghiệp không chấp hành nghiêm và chưa thấy rõ được trách nhiệm của mình đối với công tác bảo vệ môi trường. Mặt khác chế tài xử lý vi phạm của Nhà nước chưa đủ mạnh để bắt buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước chưa có sự phối hợp đồng bộ với nhau trong công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp. Năng lực của cán bộ làm công tác quản lý môi trường còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đòi hỏi.

Thiết nghĩ, để các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các qui định về bảo vệ môi trường như đã ghi trong báo cáo và quyết định phê chuẩn báo cáo, về phía Nhà nước phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường để tránh sự vận dụng sai và lách luật, đặc biệt là phải có chế tài xử lý vi phạm đủ mạnh để buộc các chủ doanh nghiệp phải tuân thủ. Một việc làm không thể thiếu được đó là phải nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường, bởi đây là một lực lượng đông đảo để phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác giám sát sự tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của các chủ doanh nghiệp và phát hiện những sai phạm của doanh nghiệp để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý.

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.