Khoa học quản lý (số 3-2024) -0001-11-30 07:06:30

Qua 01 năm triển khai Đề án 06 đã có sự chuyển biến tích cực ở các cấp, các ngành, địa phương nâng cao nhận thức, tầm quan trọng về xây dựng cơ sở hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn, tiến độ, nội dung để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06.

Để tiếp tục tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 đã tập trung, thống nhất triển khai theo nguyên tắc 5-4-3-2-1 (05 nhóm “Pháp lý - hạ tầng - an ninh an toàn - dữ liệu - nguồn lực”; 04 cấp “Trung ương - tỉnh - huyện - xã”; 03 tiện ích đem lại “Văn minh xã hội - Phát triển kinh tế xã hội - Phòng chống tội phạm”; 02 việc “nhận thức đúng - giải pháp, sáng tạo, đột phá phù hợp thực tiễn địa phương”; 01 trách nhiệm của Người đứng đầu) trong triển khai thực hiện.

Về kết quả thực hiện đã cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư, cụ thể: đã đơn giản hóa 763/1.084 TTHC được giao tại 19 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ (đạt 70%), trong đó, có 07/19 bộ, ngành đã thực hiện 100% phương án đơn giản hóa. Công bố, cập nhật công khai các TTHC: Tỷ lệ công bố TTHC đúng hạn đạt cao nhất tại các bộ ngành đạt 14,28%; tỷ lệ đồng bộ công bố, công khai quá trình giải quyết TTHC đạt 66%. Tại địa phương, tỷ lệ công bố TTHC đúng hạn đạt 75%, tỷ lệ đồng bộ công khai quá trình giải quyết TTHC đạt 43,25%.

Đến hết tháng 4/2024, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp 4.510 dịch vụ công trực tuyến (chiếm 71,7% tổng số 6.287 thủ tục hành chính), trong đó, có 3.688 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến: Ở địa phương đạt 47,8%, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023; ở bộ, ngành đạt 49,4%, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến: Ở bộ, ngành đạt 24,11%; ở địa phương đạt 43,11% trên tổng số hồ sơ có yêu cầu nghĩa vụ tài chính.

Đến nay, đã có 15/22 bộ, ngành đã hoàn thành công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Trong đó, riêng việc cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06 đã giúp hằng năm tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng. Đối với 02 nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” triển khai toàn quốc từ 10/7/2023, giúp cắt giảm từ 21 ngày xuống còn 4 ngày làm việc, người dân chỉ khai thông tin 01 lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính.

Bộ Công an, đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp và thu nhận trên 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,88 triệu tài khoản (tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 71,68%). Bộ Công an đã tích hợp, sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia và các ứng dụng của các Bộ, ngành với trung bình khoảng 150.000 lượt đăng nhập/ngày từ đầu năm 2024 đến nay. Dự kiến tiết kiệm được 32 tỷ đồng mỗi tháng. Thực hiện tích hợp thông tin cư trú (sổ hộ khẩu điện tử) của công dân lên tài khoản định danh điện tử, là giải pháp thay thế sổ hộ khẩu giấy (khoảng 150.000 lượt sử dụng hàng ngày). Giúp tiết kiệm khoảng 450 tỷ đồng mỗi tháng… Chính thức triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID từ ngày 22/4/2024 tại TP. Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế với 2.667 hồ sơ nộp trên VNeID giúp người dân có nhu cầu đều có thể thực hiện đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VneID. TP. Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND hỗ trợ 100% phí cấp Lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID đối với công dân Việt Nam thường trú trên địa bàn TP. Hà Nội có tài khoản VNeID mức độ 2. Với nhu cầu 2,6 triệu Phiếu lý lịch tư pháp hàng năm, dự kiến tiết kiệm khoảng 637 tỷ đồng.

Về hạ tầng công nghệ: Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trên cơ sở kết quả rà soát của 55/63 địa phương, 17/30 bộ, ngành, trong đó có 100 Hệ thống thông tin đã kết nối hoặc có nhu cầu kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xác định có 79/100 Hệ thống thông tin đáp ứng tất cả các tiêu chí an toàn, an ninh mạng (tương đương 79%); 82/100 Hệ thống thông tin đã thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng.

Về dữ liệu: Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 25,66%, của địa phương đạt 29,74%; Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các bộ, ngành đạt 25,68%, địa phương đạt 34,85%. Đến nay, đã có 18 bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước, 03 doanh nghiệp viễn thông và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, tỷ lệ tra cứu, xác thực, khai thác thông tin dân cư phục vụ giải quyết TTHC ngày càng tăng, ví dụ trong tháng 4/2024, đã tiếp nhận 1,53 tỷ yêu cầu (tăng hơn 15,96 triệu yêu cầu so với tháng 3/2024),… giúp tiết kiệm chi phí thực hiện các thủ tục kiểm tra xác minh, sao in hồ sơ, giấy tờ tùy thân.

Đánh giá kết quả 01 năm thực hiện Đề án 06, Ban Chỉ đạo Quốc gia đưa ra một số “điểm nghẽn” cần sớm được tháo gỡ đó là:

Thứ nhất: Việc rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa TTHC còn chậm so với yêu cầu, vẫn còn 317/1.084 thủ tục hành chính cần tiếp tục sửa đổi, đơn giản hóa. Vẫn còn 03/06 Nghị định chưa được ban hành theo thời hạn. Nếu 02 Nghị định này không được ban hành. Ảnh hưởng tới việc các bộ, ban, ngành không áp dụng được quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động ứng dụng CNTT sau khi được phân bổ kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước năm 2024, dẫn đến việc triển khai Đề án 06 trong năm 2024 - 2025 có nguy cơ thất bại.

Một số nội dung cần tiếp tục xây dựng, ban hành mới, như: hướng dẫn việc lưu trữ điện tử, nhất là hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên môi trường điện tử sau khi Quốc hội thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 tới đây; xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thực hiện Luật Đất đai về việc đăng ký đất đai, quản lý tài sản gắn liền với đất và xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai; xây dựng Thông tư quy định giải pháp quản lý đánh số nhà, đánh biển số nhà tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thứ hai: Còn 6 Bộ, ngành chưa hoàn thành tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch công quốc gia đối với 6 TTHC theo Quyết định 422/QĐ-TTg và Quyết định số 206/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dẫn đến người dân, doanh nghiệp không được thụ hưởng các tiện ích trên môi trường điện tử, không được thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử mà phải thực hiện bằng phương thức truyền thống. Còn 06 bộ, ngành chưa hoàn thành công bố danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình để địa phương tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Ảnh hưởng đến tiến độ chuyển hóa các TTHC.

Thứ ba: Còn 11 Bộ, ngành và 08 địa phương chưa thực hiện gửi báo cáo kết quả, rà soát, đánh giá đáp ứng các tiêu chí an toàn, an ninh mạng theo Công văn số 708/BTTTT-CATTT ngày 02/3/2024 của Bộ TTTT. Còn 10 bộ, ngành và 03 địa phương chưa hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. Những địa phương nêu trên chưa thực hiện tái sử dụng dữ liệu phục vụ cắt giảm TTHC cho người dân.

Thứ tư: Việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin 1 lần còn hạn chế. Tỷ lệ số hóa, tái sử dụng hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn thấp (tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa của bộ ngành chỉ đạt 1,13%, của địa phương chỉ đạt 10,35%). Mới chỉ có Bộ Công an; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu đã số hoá để cắt giảm, đơn giản hoá TTHC. Các bộ, ngành còn lại chưa thực hiện. Người dân vẫn phải xuất trình giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp trong khi dữ liệu đất đai đã được số hóa trên môi trường điện tử. Nguy cơ tác động đến năm 2025 sẽ không hoàn thành mục tiêu 50% TTHC liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm.

Thứ năm: Còn 21/100 Hệ thống thông tin chưa đáp ứng tất cả các tiêu chí an toàn, an ninh mạng theo Công văn số 708/BTTTT-CATTT (tương đương 21%), 11/100 Hệ thống thông tin của 04 Cơ quan chưa thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng. Nguy cơ chưa thẻ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dẫn đến chưa cắt giảm, tối ưu quy trình nội bộ của các đơn vị, hệ thống bị tấn công, dữ liệu bị lộ lọt ảnh hưởng đến người dân và cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ sáu: Các Bộ, ngành, địa phương chưa có đề xuất về việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án thuộc Đề án 06 trong nội bộ các đơn vị, các nhiệm vụ của Đề án manh mún, chắp vá, không được triển khai một cách tổng thể. Dẫn đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư không có căn cứ báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh; Bộ Tài chính chưa hoàn thành rà soát, lập phương án phân bổ tiếp các khoản chi của ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ đầu năm cho các Bộ, cơ quan trung ương để thực hiện mua sắm, hiện đại hóa trang thiết bị, ứng dụng CNTT, trong đó có các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06. Các Bộ, ngành, địa phương không được kịp thời bố trí kinh phí để đầu tư, mua sắm phục vụ triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06/CP. Chưa báo cáo Chính phủ phương án bố trí kinh phí hỗ trợ các địa phương từ ngân sách Trung ương để thực hiện nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đất đai của các địa phương.

Bài của Minh Tuấn

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2024

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.