Khoa học quản lý (02-2024) -0001-11-30 07:06:30

Ở Việt Nam, cá được tìm thấy ở các ao, hồ, đầm ruộng và một số sông nước chảy chậm ở vùng nước thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Kỳ Cùng, sông Bằng Giang, sông Mã, sông Lam. Cá trê vàng là loài cá sống tầng đáy, mắt tiêu giảm còn rất nhỏ, râu phát triển có tác dụng như cơ quan xúc giác và vị giác. Cá thích sống chui rúc trong bùn, hang hốc ít ánh sáng, nhiệt độ 8 - 350C, thích hợp nhất 20 - 260C. Hoạt động nhiều từ tháng 4 - 10.

Ban ngày ít bơi lội, hoạt động chủ yếu từ 7 - 9 giờ tối và 3 - 5 giờ sáng. Cá trê sống được trong môi trường nước hơi phèn và trong điều kiện nước hơi lợ. Cá phát triển tốt trong môi trường nước có độ pH khoảng 5,5 - 8. Nhờ có cơ quan hô hấp phụ nên cá có thể chịu đựng môi trường khắc nghiệt có nhiệt độ từ 11 - 39oC, pH từ 3,5 - 10,5, hàm lượng oxy hòa tan thấp từ 1 đến 2 mg/lít.

Cá Trê vàng nói riêng đều có tính chịu đựng cao với môi trường khắc nghiệt như: ao tù, mương rãnh, nơi có hàm lượng oxygen thấp vì cơ thể cá Trê có cơ quan hô hấp phụ gọi là “hoa khế” giúp cá hô hấp được nhờ khí trời. Cá Trê có đặc tính ăn tạp, thức ăn chủ yếu là động vật. Trong tự nhiên cá Trê ăn côn trùng, giun ốc, tôm cua, cá… ngoài ra trong điều kiện ao nuôi cá Trê còn có thể ăn các phụ phẩm từ trại chăn nuôi, nhà máy chế biến thủy sản, chất thải từ lò mổ.

Cá trê vàng có những đặc điểm nổi bật đó là đầu rộng dẹp bằng, da đầu ở sọ não mỏng, xương sọ nổi lên rõ ràng. Miệng cá không co duỗi được, rạch miệng thẳng, nằm ngang, răng trên hàm nhỏ, mịn… đôi râu khá phát triển: 1 đôi râu mũi, 1 đôi râu mép và 2 đôi râu cằm dưới, râu mép dài hơn các râu khác. Mắt nhỏ, nằm ở mặt lưng của đầu và gần chóp mõm hơn gần điểm mang. Phần trán giữa hai mắt rộng. Đầu có hai lỗ thóp, một lỗ nằm phía sau đường nối hai mắt, còn lỗ kia nằm phía trước gốc mấu xương chẩm. Mấu xương chẩm tròn rộng gốc mấu xương chẩm tương đương 3 - 5 lần chiều cao của nó. Lỗ mang hẹp, xương nắp mang kém phát triển. Thân dài phần trước tròn, phần sau mỏng, dẹp, cuống đuôi ngắn. Cơ gốc vi phát triển, phủ lên gần tới ngọn các tia vi. Gai vi ngực cứng, nhọn đầu đều có răng cưa hướng xuống gốc, xương đai vi ngực lộ hẳn ra ngoài. Vi đuôi tròn chẻ hai. Mặt lưng của thân của đầu có màu xám đến nâu đen và nhạt dần xuống mặt bụng và mặt dưới của đầu có màu vàng. Trên thân mỗi bên có 10 hàng chấm nhỏ nằm vắt ngang thân.

Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã thực hiện đề tài Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá trê vàng theo hướng VietGap phù hợp với điều kiện tỉnh Hải Dương với diện tích 2 ha tại xã Hưng Long, Tân Quang (Ninh Giang) và xã Nhật Tân (Gia Lộc) với tổng có 7 ao tham gia mô hình, năng suất từ 42 - 45 tấn/ha/vụ và hoàn thiện được quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá trê vàng theo hướng VietGAP phù hợp với điều kiện tỉnh Hải Dương.

Để các hộ tham gia mô hình thực hiện đầy đủ, đúng quy trình kỹ thuật nuôi cá trê vàng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho 150 bà con nông dân trong vùng triển khai mô hình tham gia lớp tập huấn đã hiểu về mục tiêu, nội dung của nhiệm vụ, mức hỗ trợ của nhiệm vụ, nắm được nguồn gốc xuất xứ, giá trị của đối tượng nuôi, quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá trê vàng bao gồm các bước chuẩn bị ao nuôi, cách chọn cá trê vàng giống đảm bảo, cách chăm sóc, phòng ngừa bệnh dịch cho cá, cách thu hoạch và thời điểm thu hoạch thích hợp…

Sau khi hoàn thành việc tập huấn kỹ thuật, Ban chủ nhiệm đề tài đã phối kết hợp với các hộ tham gia đề tài chuẩn bị ao nuôi đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật: tát cạn, lấp các hang hốc rỏ rỉ, phơi ao, dùng vôi bột diệt khuẩn và tiêu diệt cá tạp. Các ao đều thực hiện xử lý môi trường nước ao đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật trước khi thả cá giống.

Ban chủ nhiệm đã phối hợp với ba hộ gia đình của 3 xã tham gia mô hình tiến hành thả cá giống với tổng số 600.000 con, kích cỡ từ 1 - 1,25 gram/con, mật độ nuôi 30 con/m2. Cá giống phải đồng đều về kích cỡ, khỏe mạnh, có màu sắc tươi sáng, tự nhiên, thân cá không bị mất nhớt, xây sát, không chứa mầm bệnh. Cá giống khỏe mạnh, không bị bệnh tật, không bị dị hình, cá có màu sắc tươi sáng, hoạt động nhanh nhẹn.

Toàn bộ cá giống được Ban chủ nhiệm đề tài và Hợp tác xã sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt giao cho các hộ nuôi tham gia đề tài, cá trê vàng giống được đóng trong xe chuyên dụng, bảo quản đúng quy trình và vận chuyển kịp thời xuống các hộ nuôi, giống cá khi thả xuống ao đều khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, đồng đều về kích cỡ. Kỹ thuật nuôi được áp dụng theo quy trình nuôi cá trê vàng của Công ty TNHH Thủy sản Công nghệ cao, tỉnh Phú Thọ ban hành.

Ban chủ nhiệm đề tài tiến hành định kỳ thu ngẫu nhiên 30 con/ao/lần. Mỗi tháng thu hai lần để đo chiều dài, chiều cao, cân khối lượng sau đó tính trung bình cho từng điểm. Thường xuyên định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi như Nhiệt độ, pH, oxy hòa tan, khí độc ... Tiến hành định kỳ thay nước và xử lý nước cho ao nuôi cá nhằm ổn định pH, làm sạch môi trường nước, phòng trị bệnh cho cá. Sử dụng thức ăn thủy sản hỗn hợp dạng viên có hàm lượng protein 30 - 35%. Hằng ngày khi cho cá ăn, quan sát kỹ. Định kỳ kiểm tra bệnh cá gây ra do vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm mỗi tháng một lần.

Hàng tuần nên dùng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường giúp tăng cường các vi sinh vật có lợi trong ao phát triển, hạn chế sinh vật gây hại và giúp thúc đẩy quá trình phân hủy các hợp chất hữu cơ và giải phóng khí độc trong ao. Các hộ nuôi thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Ban chủ nhiệm đề tài đã thường xuyên theo dõi, hướng dẫn bà con tham gia mô hình phòng ngừa dịch bệnh cá bằng cách bổ sung nước vào ao đảm bảo mức nước duy trì từ 1,5 m trở lên, giúp cá sinh trưởng phát triển tốt. Xử lý môi trường nước, đáy ao bằng chế phẩm sinh học Bio, diệt khuẩn bằng Iodine... Định kỳ, bổ sung các khoáng chất như: Vitamin, men tiêu hóa, thuốc bổ gan vào thức ăn cho cá cho ăn liên tục từ 5 - 7 ngày, tháng từ 1 - 2 lần để tăng cường sức đề kháng cho cá trê vàng. Tháng 8/2023 các hộ tham gia mô hình đã được ban chủ nhiệm đề tài cấp thuốc sát khuẩn xử lý môi trường Iodine phòng trị bệnh cho cá trê vàng.

Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, các hộ nuôi không lấy nước từ ngoài vào, sử dụng nước giếng khoan đã qua xử lý sắt và các kim loại nặng; tránh việc đưa mầm bệnh và nguồn nước ô nhiễm từ ngoài vào ao đã góp phần hạn chế và phòng ngừa được dịch bệnh phát triển trên đàn cá.

Sau hơn một năm thực hiện đề tài đã xây dựng thành công mô hình nuôi thương phẩm cá trê vàng theo hướng VietGAP phù hợp với điều kiện tỉnh Hải Dương với quy mô 02 ha, mật độ nuôi 30 con/m2. Sau thời gian nuôi 5 tháng, cá trê vàng của các ao nuôi đều sinh trưởng phát triển tốt, tốc độ sinh trưởng tương đối đồng đều; kích cỡ cá trung bình từ 225,3 - 240,5 gram/con đạt tỷ lệ sống trung bình đạt 73 - 77%; hệ số thức ăn FCR= 1,71 - 1,74 (thức ăn gồm: Thức ăn công nghiệp độ đạm từ 32 - 40%); tổng sản lượng cá trê vàng thương phẩm thu được 106.123,5 kg/2 ha; năng suất đạt trung bình 49,3 - 55,5 tấn/ha/vụ; lợi nhuận mang lại trung bình trên 216 - 311 triệu/1ha.

Đối tượng cá trê vàng có nhiều đặc điểm ưu việt, phù hợp với điều kiện tỉnh Hải Dương, trong quá trình theo dõi mô hình thấy cá sinh trưởng phát triển tốt, chịu đựng được môi trường khắc nhiệt, đến nay chưa xuất hiện dấu hiệu của bệnh một lần nữa khẳng định phù hợp với điều kiện địa phương.

Bài của Hải Ninh

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương số 2 ra tháng 5 năm 2024

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.