Hoạt động TC-ĐL-CL (Số 3-2024) -0001-11-30 07:06:30

Toàn huyện Tứ Kỳ có 9.236,7 ha đất nông nghiệp, chiếm 55,9% tổng diện tích đất tự nhiên. Đã hình thành 237 vùng sản xuất lúa, vùng trồng chuối và cây rau mầu tập trung, diện tích gần 3.000 ha; 62 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, diện tích 1.248 ha; 8 vùng khai thác thủy đặc sản rươi cáy, kết hợp với trồng lúa hữu cơ diện tích 550 ha. Mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện ngày được quan tâm và mở rộng, người dân yên tâm sản xuất và có lợi nhuận tương đối cao.

Đến nay, huyện Tứ Kỳ có 34 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Trong đó có 7 sản phẩm OCOP 4 sao và 27 sản phẩm OCOP 3 sao. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 35.000 m2 nhà màng, nhà lưới phục vụ trồng các loại rau, dưa lưới, dưa chuột và nấm, cho hiệu quả cao hơn từ 50 - 70% so với canh tác thông thường, các địa phương đã đăng ký mở rộng thêm 10.000 m2 trong năm 2024.

Huyện Tứ Kỳ có diện tích, năng suất và sản lượng chuối các loại đứng đầu tỉnh, diện tích trên 700 ha, sản lượng trên 30.000 tấn/năm được tiêu thụ trong nước và 80% xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra còn có những vùng rau màu chuyên canh, thâm canh cao truyền thống tại xã Hưng Đạo, Ngọc Kỳ, Tái Sơn, Nguyên Giáp,... diện tích trên 3.800 ha, sản lượng trên 200.000 tấn/năm với các sản phẩm chủ lực là cải bắp, su hào, súp lơ, khoai tây, ớt; có trên 20 ha rau quả đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Huyện có 05 cơ sở sản xuất nấm ăn trong nhà màng, nhà lưới công nghệ cao diện tích 02 ha; Công ty TNHH Nấm Hải Dương tại xã Quang Phục với 01 ha, đứng đầu tỉnh về diện tích và sản lượng; 04 sản phẩm nấm rơm, nấm sò, nấm hương, nấm đông trùng hạ thảo được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2021. Sản phẩm chim Bồ câu Pháp thảo dược của HTX Thủy Phát của huyện được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP và các sản phẩm khác liên quan nuôi trồng thủy sản,...

Vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, khai thác rươi, cáy là vùng đất bãi ven sông Thái Bình và sông Luộc tại các xã Bình Lãng, Chí Minh, An Thanh, Quang Trung, Hà Thanh... Đây là những vùng bãi có diện tích trên 370 ha, nằm phía ngoài đê, và là vùng bãi triều (nước lên xuống theo thủy triều). Đất ở đây hàng năm được bồi đắp bởi phù sa của sông Thái Bình và sông Luộc nên rất màu mỡ và có nhiều dinh dưỡng cho cây lúa, rau màu, cây ăn quả; độ mặn của nước trong khoảng 0,3% - 0,5%, phù hợp cho sự phát triển của con rươi, con cáy.

Trong những năm gần đây, các hộ gia đình đã nâng cao nhận thức, chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào chu trình sinh trưởng và phát triển của loài rươi, để tạo nguồn thức ăn cho những vi sinh vật phù du trong đất phát triển làm nguồn thức ăn cho con rươi, người dân đã sử dụng các loại phân hữu cơ như phân gà, phân lợn, phân trâu, bò… đã được ủ hoai mục để bón. Việc bón phân này cũng đồng thời làm tăng cường độ phì nhiêu của đất và bổ sung các chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cây lúa, tạo môi trường thuận lợi cho rươi, cáy phát triển.

Rươi một loài động vật thuộc nhóm giun nhiều tơ. Các món ăn chế biến từ rươi như: rươi rán, rươi đốt, nem rươi, canh rươi,... là các món đặc sản, bổ dưỡng nên sản phẩm rươi đem lại giá trị kinh tế cao. Để khai thác rươi, trong suốt mấy chục năm qua vùng đất này đã được người nông dân giữ sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ và cả phân bón hóa học; bởi rươi là loài sinh vật đặc biệt, vô cùng nhạy cảm với hóa chất; chúng chỉ có thể sinh trưởng và phát triển tại những vùng tự nhiên, sạch, không có hóa chất.

Nếu như trước đây cả vùng bãi này là một cánh đồng rộng lớn, các thửa ruộng chỉ được ngăn cách bởi những bờ thửa; vùng nào có độ cao phù hợp người dân cấy lúa, trồng cói, vùng cao hơn có thể trồng cây đay (dùng để lấy sợi dệt chiếu cói), vùng trũng hơn thì cỏ, lau sậy mọc hoang. Đến nay khi đất đai được giao cho người dân, dồn ô đổi thửa thành những thửa ruộng lớn, người dân đắp bờ cao, xây cống điều tiết nước để thuận tiện cho việc khai thác rươi, cáy.  Trên bờ là cây ăn quả, cây rau màu; dưới nước là cây lúa và tôm, cá tự nhiên; trong đất là con rươi, con cáy sinh trưởng, phát triển đã tạo nên một hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ đa tầng, đa giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

Năm 2020, toàn huyện có 250 ha diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp với khai thác rươi, cáy là các khu vực ngoài bãi sông Thái Bình, sông Luộc thuộc các xã Bình Lãng, Chí Minh, An Thanh, Cộng Lạc, Quang Trung, Nguyên Giáp.... Sản lượng rươi đạt 197 tấn, cáy 100 tấn, lúa 1.300 tấn. Giá trị sản phẩm đạt bình quân 380 - 400 triệu đồng/ha/năm.

Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của UBND tỉnh Hải Dương và Đề án “Phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, hiệu quả và bền vững, giai đoạn 2021- 2025” của huyện; được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như UBND tỉnh cống Sồi (xã An Thanh) và cống Lều Vịt (xã Quang Trung) đã được đầu tư, nâng cấp. Huyện đã vận động các hộ dân thực hiện cải tạo vùng sản xuất hữu cơ khu vực trong đồng thuộc xã An Thanh được 214 ha và Quang Trung được 80 ha.

Việc triển khai cải tạo vùng sản xuất hữu cơ không chỉ được thực hiện tại xã An Thanh và xã Quang Trung mà còn mở rộng thêm ở những địa phương khác như Chí Minh, Bình Lãng, Hà Thanh… có đặc điểm sinh thái tương tự.  Đến nay, các hộ nông dân đã tích cực chuyển đổi sang cấy lúa kết hợp khai thác rươi, cáy. Toàn huyện đã cải tạo được 300 ha. Trong đó xã An Thanh 190 ha, Quang Trung 70 ha, Chí Minh 20 ha, Bình Lãng 10 ha và Hà Thanh 10 ha, nâng tổng diện tích sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy của toàn huyện lên 550 ha. Sản lượng rươi đạt 450 tấn/năm, cáy 200 tấn/năm, lúa 3.000 tấn/năm; giá trị sản phẩm đạt từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8 - 10 lần so với thâm canh vô cơ (thâm canh vô cơ giá trị sản phẩm từ 40 - 50 triệu đồng/ha). Việc đầu tư thực hiện cải tạo vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy khu vực nội đồng thực sự mang lại hiệu quả tốt, đạt mục tiêu đề ra là cải tạo vùng sản xuất lúa truyền thống thành vùng sản xuất hữu cơ đảm bảo sản xuất đạt mục tiêu kép: vừa thu hoạch được lúa, vừa thu hoạch được rươi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, sinh vật thủy sinh phát triển bền vững.

Năm 2022, vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác rươi, cáy quy mô 137 ha thuộc xã An Thanh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (TCVN 110441-2:2017), với các sản phẩm được chứng nhận gồm: lúa 104,5 ha, chuối 25 ha, mít 05 ha, rau ăn lá 1,5 ha, rau gia vị 01 ha. Sản lượng dự kiến đạt được: Lúa 450 tấn/năm, chuối 415 tấn/năm, mít 100 tấn/năm, rau ăn lá 15 tấn/năm, rau gia vị 7 tấn/năm,... Giá trị sản xuất ước đạt 400 - 600 triệu đồng/ha. Đây là vùng sản xuất hữu cơ được công nhận đầu tiên của tỉnh Hải Dương.

Toàn huyện hiện có 12 sản phẩm của vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: Rươi cấp đông, cáy cấp đông, Chả rươi Hải Nam, Mọc rươi Hải Nam, Niêu rươi đốt Hà Tiến, Chả rươi Hà Tiến, Nem rươi Hà Tiến, Rươi cấp đông Hà Tiến, Rươi đốt Tuấn Viên, Chả rươi Tuấn Viên, Gạo bãi rươi An Thanh và Gạo nếp cái hoa vàng Quang Trung. Các sản phẩm OCOP cùng với sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu khác của huyện được giới thiệu, bán trên các sàn thương mại điện tử, thông qua mạng xã hội,... và được tham gia các Lễ hội, Hội chợ xúc tiến thương mại, các hội nghị lớn trong và ngoài tỉnh,... đã góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Việc liên kết sản xuất tiếp tục được duy trì và mở rộng về quy mô và đối tác. Các đơn vị kinh doanh có quy mô lớn tham gia đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm như Công ty Cổ phần Kinh doanh và Chế biến nông sản Bảo Minh, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Thế hệ mới,...

Thực hiện Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của UBND tỉnh Hải Dương; Đề án “Xây dựng và phát triển du lịch huyện Tứ Kỳ giai đoạn 2021 - 2025”, nhận thấy tiềm năng khai thác du lịch nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm tại các vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh Hải Dương

 Huyện Tứ Kỳ đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư quy hoạch, xây dựng hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, khai thác rươi, cáy tự nhiên kết hợp du lịch nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm: Quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch nông nghiệp sinh thái trải nghiệm tại các xã An Thanh 405 ha,  Quang Trung - Nguyên Giáp 140 ha, Hà Thanh 70 ha, Chí Minh 115 ha, Bình  Lãng 20 ha.

Đầu tư xây dựng cống Sồi và hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương; Nâng cấp đường trục xã An Thanh và hệ thống kè; Đầu tư xây dựng cầu Sồi và kênh dẫn, đường bờ kênh kết hợp đường dẫn cầu Sồi; Đầu tư xây dựng Cống An Lao 3. Đầu tư xây dựng cống Lều vịt và hệ thống giao thông  nội đồng, nạo vét kênh Lều vịt tại xã Quang Trung, tổng kinh phí 22,5 tỷ đồng.

Đến nay đã từng bước hình thành tuor du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch trải nghiệm: Cỏ hồng triền đê xã Chí Minh, An Thanh; vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, khai thác rươi, cáy tự nhiên xã An Thanh, Chí Minh, Bình Lãng, Quang Trung; vùng trái cây xã Hà Thanh; vùng đầm sen xã Quang Khải; rặng dừa xã Tiên Động; mô hình nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao xã Tân Kỳ, mô hình sản xuất nấm trong nhà màng xã Quang Phục. Hằng năm, đã thu hút nhiều lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Thời gian tới, Tứ Kỳ tiếp tục đầu tư xây dựng nông thôn mới theo hướng nông thôn hiện đại, nông dân thông minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước thông minh, hiện đại. Đặc biệt với định hướng phát triển của một huyện nông nghiệp, huyện luôn chú trọng xây dựng, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tiếp tục thực hiện cải tạo vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy trong đồng tại các xã: An Thanh, Quang Trung, Bình Lãng, Chí Minh, Cộng Lạc, Nguyên Giáp, Hà Thanh... Quyết liệt chỉ đạo thực hiện cải tạo xong 340 ha và tiến tới chứng nhận hữu cơ cho diện tích này, nâng diện tích vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy đạt 700 ha năm 2025 và 1.000 ha năm 2030.

Tổ chức sản xuất và chứng nhận hữu cơ vùng sản xuất hữu cơ và khai thác rươi, cáy tại các xã Quang Trung, Bình Lãng, Chí Minh, Cộng Lạc, Nguyên Giáp, Hà Thanh. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm của vùng sản xuất hữu cơ đã được công nhận.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm; phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ đa giá trị, vị nhân sinh; sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm ở xã An Thanh, các xã khác có đủ điều kiện trong mối liên kết với các địa chỉ du lịch tâm linh ở Hưng Đạo (đền Lạc Dục), địa chỉ du lịch trải nghiệm khu sản xuất, nuôi trồng thủy sản chất lượng cao Quang Phục, Tân Kỳ, khu sản xuất nấm Quang Phục,…

Bài của Nguyễn Trường Cảnh

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2024

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.