Quản lý công nghệ (Số 03-2023) -0001-11-30 07:06:30

Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII về tăng cường, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết, tiêu thụ sản phẩm đã mang lại hiệu quả, tang thu nhập trên đơn vị diện tích đối với nông dân.

Có sự tham gia của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và doanh nghiệp cùng liên kết như: gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp; thúc đẩy quá trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển hợp tác xã; tạo cơ sở để lên kế hoạch sản xuất, quản lý dịch bệnh một cách hiệu quả, giảm thiểu rủi ro về kinh tế. Khi các mối liên kết được thực hiện chặt chẽ, bài bản đã tạo cầu nối hỗ trợ lẫn nhau và chia sẻ thông tin, hạn chế rủi ro giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản về các nguồn lực sản xuất để thiết lập sự cân bằng của quá trình sản xuất. Tạo ra quy trình sản xuất khép kín, sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn góp phần thiết thực trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.

Kết quả triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủvề chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, UBND tỉnh đã  phê duyệt 01 dự án, thuộc lĩnh vực chăn nuôi; triển khai 57 kế hoạch liên kết, trong đó lĩnh vực trồng trọt 12 kế hoạch; lĩnh vực thủy sản 8 kế hoạch; sản phẩm OCOP 15 kế hoạch. Các dự án, kế hoạch được triển khai thực hiện có 100% các hợp tác xã và doanh nghiệp, cá nhân tham gia đã thu hút được 2.237 hộ nông dân. Các hình thức liên kết gồm: Liên kết cung ứng vật tư dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm: 15 kế hoạch; Liên kết cung ứng vật tư dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm: 42 kế hoạch, cụ thể:

+ Sản phẩm lúa gạo: có 02 kế hoạch, quy mô sản xuất 108,4 ha với 243 hộ nông dân tham gia sản xuất, hàng năm sản xuất được 600 tấn gạo, chiếm tỷ lệ 0,6% trên tổng sản lượng thóc nếp cả năm trên toàn tỉnh.

+ Sản phẩm rau, quả: có 32 kế hoạch, quy mô sản xuất 509 ha với 1.883 hộ nông dân tham gia sản xuất, hàng năm sản xuất được 1.380 tấn rau, quả các loại, chiếm tỷ lệ 0,17% trên tổng sản lượng rau quả cả năm trên toàn tỉnh.

+ Sản phẩm thịt lợn: có 5 kế hoạch, quy mô sản xuất 6.100 con/lứa với 16 hộ nông dân tham gia sản xuất, hàng năm sản xuất được 1.300 tấn thịt, chiếm tỷ lệ 1,98% trên tổng sản lượng thịt cả năm trên toàn tỉnh.

+ Sản phẩm thịt gà: có 8 kế hoạch, quy mô sản xuất 315.000 con/lứa với 38 hộ nông dân tham gia sản xuất, hàng năm sản xuất được 1.600 tấn thịt, chiếm tỷ lệ 2,5% trên tổng sản lượng thịt cả năm trên toàn tỉnh.

+ Sản phẩm trứng gà: có 01 kế hoạch, quy mô sản xuất 60.000 con/lứa với 03 hộ nông dân tham gia sản xuất, hàng năm sản xuất được 15.000 nghìn quả trứng gà, chiếm tỷ lệ 3,3% trên tổng sản lượng trứng gà cả năm trên toàn tỉnh.

+ Sản phẩm cá các loại: có 09 kế hoạch, quy mô sản xuất 195ha với 94 hộ nông dân tham gia sản xuất, hàng năm sản xuất được khoảng 3.000 tấn cá các loại, chiếm tỷ lệ 3,2% trên tổng sản lượng thủy sản cả năm trên toàn tỉnh.

Bước đầu đã xây dựng thành công một số mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như:

(1) Mô hình liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với sơ chế và tiêu thụ sản phẩm OCOP vải thiều trên địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà quy mô sản xuất 10 ha/vụ/năm, sản phẩm liên kết là quả vải thiều củaCông ty CP Ameii Việt Nam chi nhánh Hải Dương với 35 hộ tham gia, liên kết thời hạn 5 vụ.

Công ty CP Ameii Việt Nam chi nhánh Hải Dương là đơn vị chủ trì liên kết tham gia việc cung ứng phân bón cho các hộ dân tham gia mô hình thông qua Hợp tác xã Ameii Việt Nam. Trong quá trình chăm sóc vải từ khi bắt đầu vào vụ đến khi thu hoạch, Công ty có hỗ trợ các hộ nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc theo đúng quy trình và thu mua toàn bộ vải thiều của các hộ nông dân, sơ chế và đóng gói xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, EU…một phần được đưa vào bán tại các siêu thị trên cả nước, góp phần tạo thu nhập ổn định cho các hộ dân tham gia liên kết, quá trình sản xuất luôn đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế ổn định.

(2) Mô hình liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với sơ chế và tiêu thụ sản phẩm cà rốt trên địa bàn xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) quy mô sản xuất 30 ha/vụ/năm, có 135 hộ tham gia với thời gian 3 vụ, sản phẩm liên kết là củ cà rốt.

HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Văn đại diện cho các hộ nông dân ký kết hợp đồng liên kết với Công ty CP chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương. Công ty Tân Hương cung ứng giống, phân bón cho các hộ dân tham gia mô hình, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc từ khi làm đến đến khi thu hoạch, hỗ trợ máy móc thu hoạch , sơ chế cà rốt, đóng gói và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản…, sản phẩm sản xuất ra không lo được mùa mất giá do đã cam kết thu mua theo Hợp đồng liên kết. Sau khi thu hoạch, với Công ty cổ phần chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương để đối trừ tiền giống, phân bón đã cấp cho các hộ dân ban đầu cùng với tiền bán sản phẩm để chi trả cho các hộ nông dân thông qua HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Văn, góp phần tạo thu nhập ổn định cho các hộ dân tham gia liên kết, đồng thời các hộ được tập huấn hướng dẫn, thực hiện sản xuất theo quy trình sản xuất tốt do vậy quá trình sản xuất luôn đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế ổn định.

(3) Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trứng gà trên địa bàn xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) quy mô sản xuất 60.000 con/lứa, 03 hộ tham gia, thời gian liên kết 3 lứa, sản phẩm liên kết là trứng gà thương phẩm, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh.

HTX Thương mại và Dịch vụ Cẩm Đông liên kết cung ứng giống, vacxin, thuốc sát trùng cho các hộ chăn nuôi, ký hợp đồng bán trứng thành phẩm cho Công ty CP dinh dưỡng Quảng Lộc. Sau khi thu mua trứng Hợp tác xã đối trừ tiền giống, vật tư cung ứng ban đầu để chi trả lại cho các hộ nông dân. Hình thức này người nông dân yên tâm sản xuất do không phải đầu tư vốn ban đầu, không lo được mùa mất giá do đã cam kết thu mua theo Hợp đồng liên kết, góp phần tạo thu nhập ổn định cho các hộ dân tham gia liên kết, thực hiện sản xuất theo quy trình sản xuất chăn nuôi tốt, chăn nuôi an toàn sinh học, quá trình sản xuất luôn đảm bảo năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế ổn định.

(4) Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá Trắm, Chép, Rô phi trên địa bàn xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ), quy mô sản xuất 20 ha/vụ, có 5 hộ tham gia, thời gian liên kết 3 vụ với sản phẩm liên kết là các loại cá chép, trắm và rô phi.

HTX Thủy sản công nghệ cao Tân Kỳđại diện cho các hộ nông dân tham gia ký kết hợp đồng liên kết với HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt thực hiện cung ứng giống, thức ăn, chế phẩm sinh học cho các hộ dân tham gia mô hình, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc từ khi xuống giống đến khi thu hoạch, sơ chế, đóng gói cá các loại và bán tại các siêu thị, nhà hàng và bếp ăn tập thể. Hình thức này người nông dân yên tâm tham gia sản xuất do không phải đầu tư vốn ban đầu, sản phẩm sản xuất ra không lo được mùa mất giá do đã cam kết thu mua theo Hợp đồng. Chuỗi liên kết này góp phần tạo thu nhập ổn định cho các hộ dân tham gia liên kết, đồng thời các hộ được tập huấn hướng dẫn, thực hiện sản xuất theo quy trình sản xuất tốt, kiểm soát môi trường ao nuôi, dịch bệnh. Do vậy quá trình sản xuất luôn đảm bảo năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế ổn định.

Qua 03 năm triển khai và thực hiện chính sách liên kết theo Nghị định số 98 của Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng thụ hưởng trong việc thực hiện chính sách. Xây dựng các mô hình liên kết cần tập trung vào một số sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và là sản phẩm thế mạnh ở các địa phương và gắn liền với phát triển Hợp tác xã. Bên canh đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để các Hợp tác xã có sản phẩm đặc trưng tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm để quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Khi liên kết được thực hiện, có thể tạo cầu nối hỗ trợ lẫn nhau và chia sẻ rủi ro giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản về các nguồn lực sản xuất để thiết lập sự cân bằng của quá trình sản xuất. Các thành phần trong chuỗi liên kết được gắn kết hơn, ý thức trách nhiệm cộng đồng được nâng lên, xu hướng hỗ trợ giúp đỡ cùng nhau phát triển bền vững.

Bài của TS. Nguyễn Đình Bộ

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 7 năm 2023

 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.