Khoa học quản lý (số 01-2023) -0001-11-30 07:06:30

Những năm gần đây, tỉnh Hải Dương đã có nhiều chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế trang trại nhằm xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa. UBND tỉnh đã ban hành đề án phát triển kinh tế trang trại nhằm đưa các giải pháp, cơ chế chính sách để khuyến khích tạo điều kiện phát triển kinh tế trang trại. Các chủ trương và biện pháp được đặt ra cùng với các cơ chế chính sách cụ thể đã tạo điều kiện và hỗ trợ cho kinh tế trang trại phát triển.

Từ năm 2022, Trường Đại học Thành Đông thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá thực trạng và giải pháp phát triển bền vững các loại hình kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Hải Dương”; nhằm đánh giá thực trạng và phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững các loại hình kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Đề xuất giải pháp nhằm phát triển bền vững các loại hình kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn đến 2030.

Qua xem xét bước đầu cho thấy trên địa bàn tỉnh có 73 trang trại ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất; 125 trang trại tham gia hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Một số trang trại chăn nuôi sản xuất kinh doanh theo hướng tập trung, có tính chuyên môn hóa cao, có hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại, tiên tiến theo hướng VietGAHP, chăn nuôi an toàn tạo dựng được thương hiệu trên thị trường nông sản.

Qua khảo sát trực tiếp tại 400 trang trại trên địa bàn huyện Gia Lộc, huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh cho thấy: Phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh đã tạo ra những chuyển biến tích cực về mặt kinh tế - xã hội và môi trường trong nông nghiệp, nông thôn. Các trang trại đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung với trình độ thâm canh cao từng bước gắn với thị trường.  Các trang trại đã từng bước tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, góp phần tích cực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hoạt động của kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tạo cơ hội làm giàu cho nông dân, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp và Chương trình  mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Các yếu tố chủ quan như tiềm lực kinh tế của trang trại thể hiện trong các hình thức sở hữu; Phương hướng sản xuất, quy mô, phương thức kinh doanh, trình độ công nghệ áp dụng vào sản xuất của trang trại; Trình độ tổ chức quản lý, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của chủ trang trại và tay nghề của người lao động... xét trên khía cạnh phát triển, đây là những yếu tố chủ quan có tác động ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của kinh tế trang trại.

Tiềm lực kinh tế của trang trại phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh gồm đất đai sản xuất nông nghiệp, mặt nước (ao nuôi thủy sản), các tài sản cố định chuồng trại chăn nuôi, nhà xưởng; máy móc nông nghiệp, thiết bị, kho chứa, sân phơi…Quy mô của các trang trại phản ánh độ lớn của trang trại, thông qua các chỉ tiêu về số lượng lao động, quy mô vốn đầu tư, giá trị tổng sản lượng và chỉ tiêu về diện tích, đầu gia súc,...Các trang trại có quy mô lớn thường có ưu điểm về khả năng áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, tính chuyên môn hóa trong kinh doanh và khả năng cạnh tranh của trang trại. Để trang trại phát triển một cách bền vững thì trước hết chủ trang trại phải là người có ý chí làm giàu, ý chí quyết tâm vượt qua trước những khó khăn thách thức. có trình độ chuyên môn, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, có trình độ quản lý, hiểu biết và có kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp.

Việc đầu tư ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp vào có tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của trang trại. Trang trại ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến có ưu điểm về sử dụng công nghệ thay thế lao động sống nên năng suất lao động cao hơn, quy trình sản xuất tiên tiến và được áp dụng nghiêm ngặt, phù hợp với trang trại có quy mô lớn, tính cạnh tranh cao. Việc trang trại ứng dụng công nghệ cao thường ít gây hiệu ứng tiêu cực đến môi trường sinh thái và bảo đảm tốt hơn chất lượng sản phẩm.

Từ lao động thủ công truyền thống trong sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp của hộ nông dân chuyển sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung của trang trại với mức độ chuyên môn hóa cao hơn, với trang thiết bị và quy trình khác hơn. Do vậy, người lao động hợp đồng làm việc trong các trang trại cần phải được đào tạo tay nghề, rèn luyện ý thức làm việc đúng quy trình để đạt năng xuất, chất lượng lao động cao hơn và được trả thù lao cao hơn. Ngoài số lao động của gia đình, các trang trại hợp đồng thuê lao động thường xuyên và lao động thời vụ. Lao động thường xuyên được đào tạo và rèn luyện tay nghề nên chất lượng làm việc tốt hơn so với lao động thuê thời vụ có thể chỉ được hướng dẫn sơ sài và làm việc không có tính chuyên môn hóa nên chất lượng cũng thường thấp hơn và thù lao được nhận ít hơn. Chất lượng lao động được trang trại sử dụng cũng sẽ tác động đến kết quả sản xuất của trang trại.

Các yếu tố khách quan:

Các chủ trương và cơ chế chính sách của Đảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh về phát triển kinh tế trang trại. Xây dựng trang trại phát triển đúng hướng, kịp thời đưa ra các biện pháp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho quá trình hoạt động thì sẽ tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển nhanh và bền vững.

Cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và sự vận dụng các chính sách đó tại địa phương. Hệ thống các cơ chế chính sách phù hợp sẽ khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, tăng đầu tư kỹ thuật công nghệ. Nếu không có cơ chế chính sách hoặc chính sách bất cập sẽ hạn chế sự phát triển bền vững kinh tế trang trại.   

Khả năng quỹ đất nông nghiệp và cơ chế chính sách quản lý sử dụng tại địa phương. Nếu nguồn quỹ đất nông nghiệp dồi dào, có qui hoạch phát triển sản xuất  và chính sách quản lý hợp lý, thông thoáng sẽ cho phép chuyển nhượng tích tụ dễ dàng sẽ tạo điều kiện tích tụ đất sản xuất vào trang trại tập trung với quy mô sản xuất hiệu quả nhất.

Mức độ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương phản ánh bằng trình độ sản xuất nông sản hàng hóa; Mức thu nhập của người dân. Tình hình công ăn việc làm; Điều kiện và xu thế chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp; Cơ hội tìm việc làm và mức thu nhập trong khu vực phi nông nghiệp của lao động tại địa phương...thu hút lao động nông nghiệp chuyển dịch sang khu vực phi nông nghiệp. Đất nông nghiệp dễ dàng được chuyển nhượng để tích tụ mở rộng quy mô phát triển kinh tế trang trại.

Mức độ đầu tư và tính chất hiện đại, tiện dụng của các cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội như hệ thống đường giao thông, các công trình thủy lợi, mạng lưới điện, cơ sở dịch vụ kỹ thuật, cơ sở thu gom, bảo quản chế biến nông sản hàng hóa, hệ thống dịch vụ thương mại cung ứng vật tư, thu mua tiêu thụ nông sản v.v. sẽ ảnh hưởng tác động trực tiếp đến các khía cạnh phát triển bền vững về kinh tế, xã  hội và môi trường.   

Phát triển kinh tế trang trại đã tạo nên sự chuyển biến về nhận thức mô hình kinh tế sản xuất kinh doanh theo hướng hàng hoá tập trung và bước đầu đã tạo được các sản phẩm hàng hoá đáng kể cho ngành nông nghiệp, góp phần quan trọng trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất; khai thác có hiệu quả đất đai, là hướng đi đúng trong tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường đã tạo khối lượng nông sản hàng hóa có số lượng ngày càng tăng theo hướng nâng cao chất lượng.

Muốn phát triển bền vững kinh tế trang trại cần tiếp tục tăng về số lượng và qui mô của trang trại như giải pháp về tạo quỹ đất để tích tụ mở rộng qui mô trang trại; Giải pháp về đầu tu cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh xác nhận danh hiệu trang trại...Nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất trong trang trại; Giải pháp về đẩy mạnh áp dung khoa học công nghệ; Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của trang trại; Giải pháp về mơ rộng thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa và giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước trong phát triển kinh tế trang trại..

Phát triển kinh tế trang trại đúng hướng, ổn định, bền vững sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp vừa giải phóng sức sản xuất, vừa phát huy nội lực của mỗi gia đình, địa phương thu hút được nhiều lao động, góp phần xoá đói, giảm nghèo và là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung.

Bài của Nguyễn Thị Nga

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ số 1 ra tháng 6 năm 2023

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.