Quản lý công nghệ (Số 04-2023) -0001-11-30 07:06:30

1. Đất trồng - Vùng sản xuất phù hợp với quy hoạch của địa phương; không bị ảnh hưởng của các tác nhân như nước thải thành phố, nước thải bệnh viện, khu công nghiệp, bụi công nghiệp,... là mối nguy gây ô nhiễm lên cải bắp.

- Đất trồng tốt nhất là đất thịt nhẹ, cát pha, phù sa ven sông, giàu mùn và chất dinh dưỡng, chủ động tưới, tiêu; hàm lượng kim loại nặng trong đất không vượt mức tối đa cho phép. Đất được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ, lên luống rộng 1,4 m (cả rãnh luống), cao 25 - 30 cm.

2. Thời vụ

Vụ sớm (Hè Thu) gieo cuối từ tháng 7 đến đầu tháng 8. Vụ chính (Đông Xuân) gieo cuối tháng 9 đến đầu tháng 10. Vụ muộn (Đông Xuân muộn) gieo tháng 11 đến giữa tháng 12. Những vùng có khí hậu từ 18 - 200C có thể trồng quanh năm.

3. Chuẩn bị đất

Chọn đất luân canh với lúa, ngô, khoai, đậu; đất trồng có độ pH từ 6 - 6,5, đất giàu mùn. Làm đất kỹ, nhỏ, tơi xốp lên luống rộng 1 - 1,2 m, rãnh luống 0,3 m, cao 0,2 - 0,25 m. Trồng 2 hàng/luống, hàng cách hàng 60 - 70 cm. Nên sử dụng màng phủ nông nghiệp 27 cuộn x 400 m dài/cuộn x 1,5 m rộng/ha. Mật độ trồng 35.000 cây/ha (cây cách cây 35 - 40 cm, hàng cách hàng 60 - 70cm).

4. Phân bón và chất phụ gia

a) Chỉ sử dụng các loại phân bón và chất phụ gia có trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam; ưu tiên lựa chọn các loại phân hữu cơ đã qua xử lý hoai mục, phân hữu cơ vi sinh.

Không sử dụng phân có nguy cơ ô nhiễm cao như: phân bắc, phân chuồng tươi, nước giải, rác thải sinh hoạt, rác thảỉ công nghiệp chưa qua xử lý (ủ hoai mục) để bón trực tiếp cho cải bắp.

b)Lượng bón và phương pháp bón: Tùy vào vùng sản xuất, giống và thời vụ. Liều lượng và cách bón phân cho 1ha như sau: 

Loại phân

Tổng lượng phân bón (kg/ha)

Bón lót
(%)

Bón thúc (%)

Lần 1

Lần 2

Lần 3

Phân chuồng hoai mục

20.000-25.000

100

-

-

-

N

120-140

20

20

30

30

P2O5

40-50

100

-

-

-

K2O

100-120

20

20

30

30

Lưu ý: Lượng phân trên có thể tăng hoặc giảm 10 - 20% tùy thuộc vào tình hình sinh trưởng của cây và thời tiết; Phân chuồng hoai mục có thể là phân bò compost, có thể là phân gia súc đã được ủ hoai mục và xử lý vi sinh, EM đạt yêu cầu; Nếu không có các loại phân chuồng có thể dùng phân trùn quế với lượng 3 - 5 tấn/ha; Vôi rắc toàn bộ lượng trên sau khi cày đất xong và trước khi phay, lên luống; Nếu trường hợp đất mới khai thác thì sử dụng kết hợp cả phân chuồng và phân vi sinh với lượng 30.000 kg phân chuồng + 1.500 - 2.000 kg phân vi sinh; Vôi bột rắc đều trên mặt ruộng trước khi phay, lên luống.

- Bón lót: Rải đều trên mặt luống 100% lượng phân chuồng + 100% phân lân, bón xong vét luống và lấp.

- Bón thúc (kết hợp với vun xới phá váng nếu không có màng phủ): Nên bón theo phương pháp rạch hàng cách gốc 7 - 10 cm và lấp kín, hoặc pha loãng tưới, chỉ tưới vào chiều mát hoặc buổi sáng sớm. Bón thúc chia 3 lần: Lần 1: Sau khi trồng 7 - 10 ngày (cây hồi xanh); Lần 2: Sau khi trồng 20 - 25 ngày (cây trải lá bàng); Lần 3: Bắt đầu cuốn.

Có thể dùng các dạng phân hỗn hợp, phức hợp NPK để bón với liều nguyên chất tương ứng. Ngoài biện pháp bón vào đất, có thể hòa ra tưới vào gốc trong trường hợp có sử dụng màng phủ. Nếu gặp trời mưa có thể phun qua lá các dung dịch dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng theo hướng dẫn sử dụng của hãng sản xuất.

Lưu ý: Ngừng bón phân đạm ít nhất 10 - 15 ngày trước khi thu hoạch.

5. Chăm sóc

- Sau khi trồng phải tưới nước ngay, ngày tưới 2 lần vào sáng sớm và chiều mát đến khi cây hồi xanh, sau đó 3 - 5 ngày tưới 1 lần phụ thuộc vào độ ẩm đất. Các đợt bón thúc đều phải kết hợp làm cỏ, xới xáo, vun gốc, tưới nước.

- Sử dụng nguồn nước đủ tiêu chuẩn theo qui định. Không sử dụng nguồn nước ô nhiễm để tưới cho rau. Khi cây vào cuốn phải tỉa bỏ lá gốc già. Chú ý không làm giập, gẫy các lá non. Khi cây trải lá bàng có thể tưới rãnh, sau đó phải tháo nước ngay tránh ngập úng.

6. Phòng trừ sâu bệnh.

a) Cần  áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) nhằm hạn chế thấp nhất việc sử dụng hoá chất BVTV như: sử dụng các giống bắp cải kháng hoặc nhiễm nhẹ sâu bệnh; trước khi trồng vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ, cầy đất sớm để trừ trứng, nhộng, sâu non trong đất, xử lý đất bằng thuốc Basudin, Vibam 5H liều lượng 25 - 27 kg/ha; thực hiện luân canh với cây lúa nước: 2 vụ lúa và 1 vụ màu hoặc 1 lúa và 2 màu. Nếu đất chuyên canh rau, tuyệt đối không trồng trên đất có cây trồng trước là cùng họ cải, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện và phòng trừ  sớm các ổ trứng, sâu non.

b) Khi phải sử dụng thuốc BVTV cần tuân thủ các nguyên tắc sau: Chỉ sử dụng thuốc có tên trong Danh mục thuốc được phép sử dụng cho rau tại Việt Nam. Ưu tiên lựa chọn các thuốc sinh học, thảo mộc và các thuốc có nguồn gốc tự nhiên; thuốc điều hòa sinh trưởng có tính chọn lọc cao, nhanh phân giải trong môi trường, có thời gian cách ly ngắn; đặc biệt trong thời gian thu hoạch quả.Phun phòng trừ sâu bệnh hại cần phun triệt để ở thời kỳ cây con, hạn chế thấp nhất sự phát sinh sâu bệnh trong thời gian thu quả.

- Người sản xuất phải nắm vững kỹ thuật sử dụng thuốc, trong đó phải tuân thủ nghiêm ngặt nồng độ, thời gian cách ly của từng loại thuốc theo sự hướng dẫn của đơn vị sản xuất thuốc ghi trên bao bì.

c) Biện pháp canh tác, thủ công, sinh học:Nên chọn đất luân canh với cây trồng khác rau họ hoa Thập tự. Làm đất kỹ, xử lý đất bằng vôi bột, các chế phẩm từ Trichoderma, Ketomium và các thuốc xử lý sâu đất để phòng trừ sâu đất, các bệnh hại trong đất. Để quản lý bọ nhảy hiệu quả hơn cần ngâm nước 5 - 7 ngày. Nên tưới phun mưa vào các buổi chiều tối có tác dụng rửa trôi bớt trứng, sâu non sâu tơ và hạn chế bướm sâu tơ đến đẻ trứng.

- Dùng biện pháp thủ công: ngắt ổ trứng, bắt giết sâu non khi mật độ sâu thấp; phát hiện và nhổ bỏ những cây bị bệnh đem tiêu huỷ. Sử dụng bẫy pheromone để bắt trưởng thành sâu tơ trong suốt thời gian sinh trưởng của cây (cả vụ) và các loại bẫy màu vàng, bả chua ngọt để kiểm soát các loại sâu hại khác như sâu xanh, sâu hoang, bọ nhảy...

Chú ý: Trong trường hợp đặc biệt như: mật độ sâu rất cao, thuốc sinh học không có khả năng khống chế sâu hại thì lựa chọn sử dụng thuốc hóa học ít độc, nhanh phân giải và đảm bảo đủ thời gian cách ly đối với từng loại thuốc theo hướng dẫn trên nhãn thuốc.

7. Thu hoạch, sơ chế, bảo quản

a) Thu đúng lúc, khi bắp cải cuộn chặt, mặt bắp mịn, lá xếp phẳng và căng, dùng các xô nhựa sạch thu bắp, phân loại bắp, xếp bắp vào các thùng bằng gỗ, nhựa có kích thước phù hợp, tránh để giập nát, xây sát hoặc tiếp xúc với đất. Thời điểm thu hoạch phải đảm bảo thời gian cách ly theo chỉ dẫn trên bao bì hóa chất, thuốc BVTV.

b) Nhà sơ chế, cũng như thiết bị, dụng cụ, vật tư, đồ chứa, phương tiện vận chuyển trong quá trình sơ chế cà chua phải đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.

c) Chất lượng nước sơ chế cà chua tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt theo quy định của Bộ Y tế.

d) Trước khi đóng gói cần loại bỏ các bắp bị sâu bệnh, xây sát, phân cấp bắp, đóng theo túi yêu cầu. Có thể dùng bao bì bằng màng co hoặc túi pôlyêtylen có đục lỗ để đựng. Ghi nhãn theo quy định. Bảo quản sản phẩm nơi thoáng mát.

Thời gian từ gieo đến thu hoạch khoảng 70 - 100 ngày (tùy từng giống); trọng lượng phụ thuộc vào giống và mùa vụ; Để 2 - 3 vòng lá xanh bao bên ngoài thân.

8. Xử lý chất thải sau thu hoạch

Vệ sinh đồng ruộng: nhặt bỏ toàn bộ gốc, rễ, các lá cây loại bỏ cho vào bể rác. Tàn dư khó tiêu như màng phủ nông nghiệp, dây nilon được thu gom và mang đi xử lý.

 

Bài của ThS. Nguyễn Xuân Điệp, Viện Nghiên cứu Rau quả

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8 năm 2023.

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.