Quản lý công nghệ (Số 04-2023) -0001-11-30 07:06:30

Với diện tích chuồng trại chỉ hơn 400 m2, với phương thức “Đi tắt đón đầu” đồng thời chủ động áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa giống vật nuôi mới và phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, mô hình nuôi chim câu Pháp thảo dược của anh Nguyễn Trì Thấn ở xã Dân Chủ (huyện Tứ Kỳ) đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với 1.600 đôi chim câu bố mẹ, gia đình anh có nguồn thu ổn định mỗi tháng từ 30 - 40 triệu đồng.

Đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi chim bồ câu là định hướng đã được anh Nguyễn Trì Thấn, hội viên Hội Nông dân xã Dân Chủ (Tứ Kỳ) xác định ngay từ năm 2016. Khu chuồng có diện tích khiêm tốn, khoảng 400 m2, vì vậy để tận dụng diện tích, anh Thấn lắp đặt hệ thống lồng nuôi chồng tầng để tăng mật độ. Để nuôi chim bồ câu theo hướng hữu cơ, hệ thống chuồng được thiết kế tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên sẵn có về ánh sáng, nhiệt độ. Xung quanh chuồng được thiết kế hệ thống lưới che, mành, rèm có thể kéo lên xuống, mở ra đóng vào khi cần thiết và tận dụng được không khí tự nhiên một cách tối đa.

Để đảm bảo nhiệt độ phù hợp cho chuồng trại, gia đình anh không sử dụng điều hòa nhiệt độ trong chuồng kín như nuôi một số loại gia cầm ngắn ngày mà bố trí hệ thống cảm biến tự động vận hành tải nước trên mái chuồng để phun mái khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao. Thức ăn của chim câu thảo dược là thức ăn tự trộn theo công thức 1 tạ cám trộn 5 lạng thảo dược. Trong đó, cám được sản xuất từ ngô, mạch, cám gạo trộn với men tiêu hóa, khoáng mứt, thảo dược gồm các loại lá, rễ cây như đinh lăng, xạ đen, cam thảo, hồng ngọc, tỏi… Các loại thảo dược được điều tiết theo từng mùa cho phù hợp để tăng sức đề kháng tự nhiên cho chim bồ câu.

Anh Thấn cho biết: Nhận định mô hình nuôi chim câu Pháp thảo dược của HTX Thủy Phát có tiềm năng phát triển tốt nên tôi lựa chọn mô hình này để phát triển kinh tế gia đình. Ban đầu chi phí cho đầu tư sản xuất khá lớn, bao gồm hơn 600 triệu đồng xây chuồng nuôi, hàn lồng sắt, mua máy nghiền thức ăn, con giống. Lúc ấy, anh chỉ dám mua 600 cặp chim bồ câu Pháp dòng bố mẹ về nuôi. Sau đó, thấy hiệu quả nên nhân giống dần lên, đến nay, anh đã gây dựng được 1.600 cặp chim bồ câu bố mẹ.

Được biết, mỗi cặp chim này sau khoảng 5 tháng là bắt đầu sinh sản. Để tăng tỷ lệ ấp nở, chủ trang trại áp dụng phương thức bán công nghiệp, đưa trứng chim vào ấp bằng máy giúp rút ngắn khoảng từ 13 - 14 ngày. Trong thời gian trứng được ấp máy, chủ trang trại cho chim bố mẹ ấp trứng giả để chim mẹ tự tiết sữa diều và cung cấp cho chim con khi mới chào đời. Sau khi chim con từ lò ấp nở sẽ đưa vào lồng cho chim bố mẹ nuôi. Trong 5 ngày đầu, chim con uống hoàn toàn sữa diều, sau đó cho tập ăn thức ăn nghiền sẵn. Khoảng từ 25 - 28 ngày là có thể bán thương phẩm được.

Do thực hiện quy trình nuôi khép kín, thường xuyên được bổ sung thảo dược trong quá trình nuôi nên chim bồ câu Pháp thảo dược thơm ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhiều lần so với chim nuôi thông thường nên được thị trường cũng như người tiêu dùng ưa chuộng. Với giá bán trung bình từ 150 - 170 nghìn đồng/đôi, trang trại cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng/tháng, trừ chi phí nhân công, thức ăn, anh Thấn thu lãi khoảng từ 30 - 40 triệu đồng.

Theo ông Phạm Bá Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dân Chủ, anh Nguyễn Trì Thấn là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu đi đầu trong áp dụng khoa học và công nghệ để tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Mô hình của anh Thấn đã thực sự khẳng định hiệu quả tại một số xã trên địa bàn huyện và có tiềm năng phát triển. Vì vậy, Hội Nông dân xã tiếp tục tuyên truyền, phổ biến để hội viên nông dân trong xã, huyện có nhu cầu học tập đến trực tiếp tham quan, học hỏi, mở rộng mô hình, ngày càng nhiều khách hàng được sử dụng sản phẩm sạch.

Hiện trên địa bàn huyện Tứ Kỳ có 7 trang trại nuôi chim câu Pháp thảo dược, các hộ liên kết với nhau thành lập HTX Thủy Phát để hỗ trợ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Mỗi ngày, HTX cung cấp cho thị trường khoảng 400 con, phân phối chủ yếu cho các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Chim thương phẩm sau khi được làm sạch sẽ sấy cho hết nước, sau đó hút chân không và đóng gói, dán tem mác, cấp đông ở nhiệt độ âm 26 độ C nhằm giữ được giá trị dinh dưỡng, tiện lợi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi vận chuyển đi xa. Sản phẩm chim câu thảo dược hiện đã được công nhận là sản phẩm OCOP khẳng định chất lượng và tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường nông sản sạch.

Bài của Nguyễn Thị Ánh

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8 năm 2023

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.