Những vấn đề chung (Số 04-2023) -0001-11-30 07:06:30

Tháng giêng năm Giáp Tý (1804), vua Gia Long và Trấn thủ Trần Công Hiến đã khai móng xây dựng thành Đông. Thành nằm trên một vùng đất cao, án ngữ đường thủy từ biển vào, để phòng thủ phía Đông kinh thành Thăng Long. Đây là kiểu thành phòng ngự “thành cao, hào sâu”.

Ngoài thành có hào sâu bao quanh, chu vi 582 trượng 5 thước 4 tấc. Rộng 7 trượng 2 thước 5 tấc (tương đương gần 30 m). Hào thành có 2 tác dụng là phòng thủ và thoát nước, nối thông với sông Thái Bình. Qua 85 năm, từ 1804 - 1889 thành không bị ngập úng. Trong khoảng từ năm 1862 (Nhâm Tuất) đến năm 1865 (Ất Sửu), có lần bị bọn giặc “Thủy phỉ” tiến đánh vây hãm hàng vài tháng mà quân lính trong thành vẫn đủ lương thực, nước ăn uống và tắm giặt.

Năm 1889, Pháp phá thành Đông, xây dựng nhà máy Rượu, hào thành bị san lấp chỉ còn lại 2 đoạn phía Bắc và Đông Bắc.

Năm 1923, khi mở rộng, xây dựng TP. Hải Dương trên khu vực Đông Kiều phố, do cốt đất thấp nên nhiều lần bị ngập úng. Để phòng chống úng, thành phố đã cho xây dựng kè bê tông ngăn nước dọc sông Kẻ Sặt dài trên 1000 m, từ đầu phố Tam Giang tới gần Máy Chai. Hệ thống chống úng được bố trí 3 máy bơm tổng công suất khoảng 1.000 m3/giờ.

- Một ở đầu phố Tam Giang

- Một ở gần Máy Chai. Hai máy bơm này bơm nước chống úng trong thành phố đổ ra sông Sặt.

- Một máy ở đường Nguyễn Trãi (gần khu vực Công An phòng cháy, chữa cháy) bơm nước đổ ra Hào Thành thông với khu vực hồ Bình Minh.

Đầu năm 1930, chính quyền thành phố giao cho Nhà máy Rượu sử dụng một số lô đất mới san lấp, nhà máy đã phải bỏ vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước với ống cống có đường kính 1000 mm dọc theo đoạn tuyến Quốc lộ 5 đi trong thành phố đến phố Đề Lao (phố Nguyễn Trãi ngày nay) nối với Hào Thành phía Tây thoát nước ra hồ Bình Minh thoát ra sông Kẻ Sặt.

Trong vòng 15 năm (1930 - 1945) hệ thống thoát nước của thành phố chỉ được xây dựng với chiều dài khoảng 5 km gồm các ống cống bê tông cốt thép đường kính từ 500 - 1500 mm.

Những trận lụt lớn năm 1939, hoặc đợt mưa gây ngập úng từ ngày 15 - 8/8/1945, 3 máy bơm không đủ khả năng chống úng hiệu quả, thành phố phải chịu ngập úng nhiều ngày. Cuộc biểu tình của quần chúng cách mạng. Chiều ngày 17/8/1945 diễn ra trong cảnh đường phố ngập nước khá sâu.

Sau ngày 30/10/1954, hòa bình lập lại, dân số thành phố tăng lên trên 30.000 người: Những trường chuyên nghiệp, xí nghiệp, trường học…mở rộng diện tich đất ở tăng lên, diện tích ao hồ thu hẹp. Ba máy bơm nhỏ không đủ để chống úng. Những trận mưa lớn gây ngập úng dài ngày chính quyền phải huy động thêm cả guồng nước từ các xã lân cận để chống úng nhưng cũng không giải quyết được nạn úng lụt xảy ra hàng năm.

Các trận lụt lớn năm 1968 và 1971, tại ngã tư đường Nguyễn Văn Tố - Quang Trung nước ngập sâu trên 1 m, vườn hoa Độc Lập ngập sâu gần 1 m trong nhiều ngày, đi lại trong nội thành phải dùng thuyền và bè mảng. Năm 1972, thị xã đã quyết định phá kè bê tông, đắp đê quai dọc sông Sặt (nay là phố Chương Dương và đê nay là đường Bùi Thị Xuân) ra tới Âu thuyền để bảo vệ cánh đồng lúa Phúc Duyên. Xây dựng “trạm bơm 4 vòi” (ở đầu phố Bùi Thị Xuân giáp đường Bạch Đằng ngày nay) tổng công suất 18.000 m3/giờ. Bốn máy bơm do Nhà máy Chế tạo Bơm Hải Dương sản xuất. Trạm bơm 4 vòi và hệ thống đê hoàn thành năm 1973 và tồn tại 30 năm gắn bó mật thiết thành một địa chỉ quen thuộc với người dân TP. Hải Dương, gọi là “trạm bơm 4 vòi”.

Đến gần năm 2000, thành phố hình thành thêm các khu dân cư Đặng Quốc Trinh, đường Thống Nhất, xí nghiệp gỗ và khu thương nghiệp phát triển rộng ra cả hai bên đường Bùi Thị Xuân. Các xã ngoại thành, các khu công nghiệp… mở rộng thêm, dân số tăng lên trên 130.000 người. Trạm bơm 4 vòi bộc lộ nhiều nhược điểm:

- Do máy bơm trục ngang, quản lý vận hành khó khăn, máy móc thiết bị cũ và lạc hậu.

- Quy hoạch thành phố mở rộng, trạm bơm 4 vòi ở vị trí không đảm bảo vệ sinh môi trường. Khi bơm nước trong thành phố ra, các khu dân cư Đặng Quốc Trinh, Lê Thanh Nghị bị ngập úng, gây ô nhiễm nặng.

Do những bất hợp lý đó, chính quyền thành phố đã quyết định bỏ trạm bơm 4 vòi, xây dựng trạm bơm mới sát bờ sông Thái Bình thuộc địa phận thôn Ngọc Uyên. Trạm bơm 5 vòi được xây dựng có tổng công suất 40.000 m3/giờ. Máy bơm trục đứng hiện đại, vận hành, điều khiển tự động. Thành phố phải đào kênh thoát nước làm bê tông kiên cố cả đáy và hai bên bờ kênh dài 1 km, sâu 3,5 m, rộng 13 m dẫn nước từ sông Sặt ra trạm bơm. Toàn bộ công trình lúc đó trị giá 20 tỷ đồng, hoàn thành năm 2003, là công trình đầu tư lớn của thành phố.

Từ ngày hoàn thành trạm bơm 5 vòi (Trạm bơm Ngọc Uyên) tình trạng ngập úng nhiều giờ trong thành phố đã cơ bản được khắc phục. Trong 4 ngày từ 19 - 22/7/2004, đợt mưa lớn kéo dài làm ngập úng diện rộng trong thành phố, chủ yếu do hệ thống tiêu thoát nước chậm. Những năm gần đây, lượng nước thải các loại tăng vọt. Trong đó, nước thải sinh hoạt trên 50.000 m3/ngày đêm; nước thải công nghiệp trên 3.000 m3/ngày đêm gây ô nhiễm ngày càng nặng. Từ năm 2008 đến nay hệ thống thoát nước trong thành phố được đầu tư, nâng cấp đáng kể. Các phố trung tâm như: Phạm Ngũ Lão, Tuy Hòa, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Quang Trung, ngã tư Đông Thị, do cốt đất thấp mỗi khi có mưa lớn nước ngập úng nhiều giờ, nay đã tiêu thoát nhanh hơn.

Năm 2008, thành phố mở rộng thêm các xã Nam Đồng, An Châu, Ái Quốc, Thượng Đạt, Tân Hưng, Thạch Khôi, một phần TT. Lai Cách (Cẩm Giàng); một phần thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ), diện tích tăng lên 71,4 km2. Hệ thống giao thông phát triển nhanh: các đường Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Quốc lộ 5 mới và đường sắt chạy dọc chia cắt khu dân cư phía Tây Nam Cường gồm các xã Thanh Bình, Tứ Minh, Việt Hòa làm cho hệ thống thoát nước trên các tuyến đường như Đại lộ Nguyễn Lương Bằng, đường Ngô Quyền, đường Nguyễn Thi Duệ và các khu dân cư thuộc Thanh Cương và Kim Chi cũ mỗi khi có mưa lớn thường xuyên bị ngập úng kéo dài. Nguyên nhân chính là do khu vực này mặt bằng rộng, cốt đất thấp, hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, nước không thể tiêu thoát tự nhiên, phải bơm cưỡng bức qua các trạm bơm tiêu úng nên nước rút chậm .

Năm 2019, TP. Hải Dương lên đô thị loại I, sáp nhập thêm các xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ), Liên Hồng, Gia Xuyên (Gia Lộc), Tiên Tiến, Quyết Thắng (Thanh Hà) vào TP. Hải Dương tăng lên 17 phường, 9 xã, diện tích tăng lên 111,22 km2. Các xã mới nhập vào thành phố đã có hệ thống máy bơm và kênh mương tưới tiêu cùng hệ thống ao hồ điều hòa tương đối hợp lý. Tuy thế, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, ngày 26/8/2022, mưa lớn nhiều giờ đã gây ngập úng diện rộng tại khu nội thành cũ và các khu dân cư tại phường Thanh Bình, Tứ Minh, Ngọc Châu, Bình Hàn, nguyên nhân chính vẫn là do hệ thống cống tiêu thoát nước không đồng bộ, không đủ sức tiêu thoát nhanh kịp thời .

Năm 2022, thành phố cho phường Ngọc Châu cải tạo hệ thống tiêu thoát nước phía Nam quốc lộ 5 đặt hệ thống cống lớn cao 1,8 m, rộng 2 m. Nếu các dự án mới, đồng bộ đặt hệ thống cống tiêu thoát nước như đoạn cống nói trên chắc sẽ giải quyết được vấn đề tiêu thoát nước đồng bộ, hợp lý ngay từ khi lập dự án để trình duyệt. Chống úng cho một diện tích rộng 111,22 km2 với cốt đất thấp, dọc theo tuyến từ Tứ Minh, Thanh Bình, Ngọc Châu, nghiêng, thấp dần theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Độ cao so với mặt nước biển ở thôn Kim Chi phường Thanh Bình là + 2,7 m rồi thấp dần xuống + 2 m đến + 2,4 m và + 1 m đến + 1,5 m, vùng trũng nhất có độ cao + 0,5 m đến + 0,8 m so với mặt nước biển như ở thôn Bình Lâu phường Tân Bình có cốt đất + 0,7 m. Khu vực phố Bắc Sơn, ngã tư Quang Trung, Nguyễn Văn Tố (phường Quang Trung) có cốt đất + 0,6 m. Các phố Quang Trung, Bắc Sơn, Nguyễn Văn Tố được hình thành ngay từ thời kỳ đầu xây dựng thành phố, qua nhiều thời gian không được tôn tạo, nâng cấp đến nay vẫn ở độ cao thấp nhất thành phố hiện nay. Giải quyết việc chống úng với những trận mưa từ 300 - 400 mm kéo dài nhiều giờ tại các khu vực đô thị mà ao, hồ điều hoà cơ bản đã bị san lấp là bài toán khó giải hiện nay.

Bài của Phạm Quí Mùi

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8 năm 2023.

 

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.