Quản lý khoa học (Số 05-2023) 2023-11-16 14:03:15

Sinh vật ngoại lai xâm lấn (Invasive Ailen species) là một loài sinh vật lạ đã thích nghi, phát triển, tăng nhanh số lượng cá thể trong hệ sinh thái hoặc nơi sống mới và là nguyên nhân gây ra sự thay đổi về cấu trúc quần xã, đe dọa đến đa dạng sinh học bản địa.

Theo Luật Đa dạng sinh học đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XII và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2009; tại khoản 19, điều 3, chương 1: “Loài ngoại lai xâm hại là loài ngoại lai xâm lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. Sinh vật ngoại lai xâm hại có thể gây hại tới các loài bản địa thông qua cạnh tranh nguồn thức ăn (động vật); ngăn căn khả năng gieo giống, tái sinh tự nhiên của các loài bản địa (thưc vật) do khả năng phát triển nhanh, mật độ dày đặc; cạnh tranh tiêu diệt dần loài bản địa, làm suy thoái hoặc thay đổi tiến tới tiêu diệt luôn cả loài bản địa”.

Hiện nay,do nhu cầu phát triển kinh tế, tăng trưởng dân số, di cư tự do và biến đổi khí hậu cùng sự giao thoa của các nước trên thế giới đã tạo điều kiện chocác loài ngoại lai xâm hại phát triển. Các loài sinh vật ngoại lai như: virus, nấm, tảo, rêu, dương xỉ, thực vật bậc cao, động vật không xương sống, cá, động vật lưỡng cư, bò sát, chim và động vật có vú... Trong mỗi nhóm, có rất nhiều loài, trong đó có 10% các loài, có khả năng xâm nhập vào các hệ sinh thái khác và ảnh hưởng trực tiếp đến các loài sinh vật bản địa. Các loài ngoại lai xâm hại có thể biến đổi cấu trúc và thành phần loài của các hệ sinh thái bằng cách kìm nén hoặc loại trừ các loài bản địa, trực tiếp bằng cách cạnh tranh chúng với các nguồn tài nguyên hoặc gián tiếp bằng cách thay đổi cách chất dinh dưỡng được luân chuyển qua hệ thống, từ đó có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống.Các loài xâm lấn phá hoại mùa màng, rừng cây, làm lây lan dịch bệnh và đảo lộn hệ sinh thái đang lan rộng với tốc độ nhanh hơn.

Nhiều loài xâm lấn do con người cố tình đưa tới như: Bèo lục bình ban đầu được coi như một loại hoa trang trí trong vườn, sau này tốc độ phát triển nhanh chóng đã cản trở giao thông, làm ngạt sinh vật thủy sinh, cản trở đập thủy điện hoạt động và tạo điều kiện cho muỗi sinh sản. Thế kỷ 19, thỏ được mang tới Australia và New Zealand để phục vụ cho hoạt động săn bắn và làm thức ăn; đến nay thỏ phát triển nhanh ở Australia, ăn các loài thực vật địa phương, gây suy thoái môi trường sống và đe dọa đến sự tồn tại của nhiều loài bản địa. Cua xanh xâm hại từ Bắc Mỹ đang đe dọa kế sinh nhai của ngư dân nuôi ngao và trai ở Italy do tính phàm ăn và tốc độ lan rộng theo cấp số nhân của chúng…

Tại Việt Nam, năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư quy định tiêu chí xác định và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại gồm 19 loài và danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại gồm 61 loài. Trong 19 loài ngoại lai xâm hại chia thành 6 nhóm là vi sinh vật (virus gây bệnh cúm gia cầm...), động vật không xương sống (ốc bươu vàng...), cá (cá ăn muỗi...), lưỡng cư - bò sát (rùa tai đỏ), chim - thú (hải ly Nam Mỹ), thực vật (bèo lục bình...). Danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại gồm 61 loài thuộc 5 nhóm là động vật không xương sống (bướm trắng Mỹ, cua xanh...), cá (cá chim trắng toàn thân, cá hổ...), lưỡng cư - bò sát (ếch ương beo, rắn nâu leo cây...), chim - thú (chồn ecmin, sóc nâu...) và thực vật (bèo tai chuột lớn, cây cúc leo...).

Kết quả nghiên cứu khảo sát tại tỉnh Hải Dương có 13 loài thực vật ngoại lai, trong đó 6 loài là loài ngoại lai xâm hại, 7 loài là loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại, đồng thời cũng ghi nhận có 9 loài ngoại lai xâm hại hoặc nguy cơ xâm hại có mức độ xâm hại trên diện rộng hoặc có số lượng lớn là Bèo lục bình, Mai dương, Cỏ lào, Trinh nữ móc, Cúc liên chi, Ngũ sắc, Cỏ nước lợ, cây cứt lợn và Cỏ kê para. Đối với động vật có 8 loài động vật là ngoại lai xâm hại và có khả năng xâm hại là Ốc nhồi, Ốc bươu vàng, họ Ốc sên, cá Khổng tước (cá ăn muỗi), Cá tỳ bà (cá dọn bể),Cá chim trắng toàn thân, họ cá Rô phi, họ Cá trê phi, Rùa đầm lầy (rùa tai đỏ)…

Đề hạn chế và giảm thiểu sinh vật ngoại lai xâm hại sử dụng các biện pháp:

(1) Biện pháp cơ học: sử dụng tay hoặc các nông cụ để bắt, tiêu diệt, diệt trừ các loài động, thực vật là sinh vật ngoại lai. Đối với các loài thực vật, đơn giản nhất là nhổ nhỏ bỏ thực vật ngoại lai khi xuất hiện khi các cá thể mới xuất hiện với mật độ xâm nhiễm thấp, cây mầm và cây nhỏ. Với các loài thực vật đã có mật độ xâm lấn cao, trên diện tích lớn, cây trưởng thành thì phải sử dụng dao, cưa đốn hoặc dùng đến biện pháp cơ giới để tiêu diệt toàn bộ mầm cây hoặc sự phát tán của rễ (mùa lũ sẽ có thể ngâm rễ làm tiêu diệt hoàn toàn các loài) hoặc tiêu diệt toàn bộ quả, hạt tránh để chúng có thể phát tán ra môi trường ngoài. Đối với các loài động vật sử dụng chủ yếu là bắt bằng tay hoặc bằng lưới các loài. Kết hợp với việc sử dụng các công cụ để gom, thu được số lượng lớn hơn các loài trong tự nhiên. Trong quá trình thực hiện, biện pháp này phải được áp dụng thường xuyên để ngăn chặn sự phát triển của các cá thể non và trứng vì tốc độ sinh sản của một số loài sinh vật ngoại lai rất cao. Cùng với nhận thức cao của người dân về các loài Sinh vật ngoại lai xâm hại sẽ là cơ sở để các loài này không phát tán và nhân rộng trong tự nhiên.

(2) Biện pháp sinh học: Phòng trừ bằng biện pháp sinh học được xem là mang lại hiệu quả và thân thiện, an toàn với môi trường. Biện pháp sinh học trong việc giảm thiểu và tiêu diệt các loài sinh vật ngoại lai xâm hại là biện pháp tạo môi trường thuận lợi cho các loại sinh vật có ích là kẻ thù tự nhiên của sinh vật ngoại lai xâm hại, phát triển nhằm góp phần tiêu diệt sinh vật ngoại lai, bảo vệ thiên địch tránh khỏi độc hại do dùng thuốc hoá học, tạo nơi cư trú cho thiên địch để tiêu diệt chúng. Ưu điểm của biện pháp này là không gây ô nhiễm môi trường nhưng rất bất lợi do khó kiểm soát được sự phát triển của các loài thiên địch sau khi chúng đã tiêu diệt hết các loài sinh vật ngoại lai xâm hại. Vì vậy khi sử dụng biện pháp này cần hết sức thận trọng và chỉ nhập các loài thiên địch khi biết rất rõ đặc tính sinh vật học của chúng và có thể kiểm soát sự phát triển của chúng khi nhập vào một môi trường mới. Đối với các loài động vật sống ở nước như các loài ốc, sử dụng các loài khác mà nguồn thức ăn chính là ốc như thả vịt, thả cá. Có thể thả vịt sau khi bừa lần cuối rồi dẫn nước vào ruộng hay thả vịt ngay sau khi thu hoạch, 1000 m2 chỉ cần thả 20 con vịt giúp giảm đáng kể Ốc bươu vàng. Ở những vùng ngập nước và khó rút cạn thì mô hình lúa - cá là biện pháp tốt nhất để làm giảm thiệt hại do ốc bươu vàng.

(3) Biện pháp hóa học: Sử dụng các chất hóa học và các công cụ để phun, tác động trực tiếp lên sinh vật nhằm tiêu diệt, diệt trừ các loài động, thực vật là sinh vật ngoại lai. Biện pháp này có lợi thế là nhanh, ít nhân công và rẻ tiền nhưng thường gây ô nhiễm môi trường hoặc đôi khi gây độc cho cả cây trồng và những loài sinh vật bản địa khác. Vì vậy cần thận trọng khi sử dụng các hóa chất độc để tiêu diệt các ĐVNLXH xâm nhập và cần áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu tác hại của hóa chất trong giai đoạn trước mắt cũng như trong tương lai. Do vậy khi sử dụng hóa chất cần có bảo hộ lao động đầy đủ để đảm bảo an toàn. Với những nơi bị xâm hại nặng, cần phun nhắc lại để diệt trừ toàn bộ các mầm mống như: ngọn sinh trưởng, gốc, rễ, hạt, … giảm thiểu việc hồi sinh lại khi môi trường thuận lợi.

Bài của TS Nguyễn Đình Bộ

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10 năm 2023

 

 

 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.