Những vấn đề chung (Số 06-2023) 2023-12-28 09:09:29

Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cùng với các ngành, lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cụ thể: kinh tế tăng bình quân 8,58%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp.

Quy mô kinh tế (GRDP giá hiện hành) năm 2022 đạt 169,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với năm 2020, đứng thứ 11 cả nước và thứ 5 vùng đồng bằng sông Hồng, GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 95 triệu đồng, tương đương 4.030 USD (mục tiêu 115 triệu đồng, tương đương 4.800 USD).

Hải Dương là một trong 5 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới từ năm 2020. Dự kiến hết năm 2023 có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thực hiện đánh giá, phân hạng thêm 166 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh là 234 sản phẩm. Quyết định chủ trương đầu tư cho 121 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 16.113 tỷ đồng; điều chỉnh 231 lượt dự án. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, giai đoạn 2021 đến tháng 10/2023 đạt 1.362,4 triệu USD, trong đó cấp mới 103 dự án, 106 lượt dự án điều chỉnh vốn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 19.694 doanh nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 528 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn trên 9,7 tỷ USD đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các chính sách an sinh xã hội, đời sống nhân dân được nâng cao, công tác quân sự quốc phòng tiếp tục được củng cố và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Khoa học công nghệ góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số tạo tiền đề phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả. Phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, đa giá trị; lựa chọn một số ngành dịch vụ có lợi thế, chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo tiền đề đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Mô hình nhân giống hành bằng công nghệ Invitro tại xã Hợp Tiến (Nam Sách)

Hoạt động khoa học đã bám sát 03 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, đó là: (1) Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo; (2) huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng số, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu; (3) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các ngành, lĩnh vực; nêu cao vai trò gương mẫu, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị.

 

Thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản (từ 40,3% năm 2020 tăng lên 47,6% năm 2022); Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021 - 2023 ước tăng 4,3%/năm (giá trị tăng thêm tăng 4,03%/năm); giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng nhanh, từ 167 triệu đồng năm 2020 ước đạt 195 triệu đồng/ha năm 2023 (mục tiêu đạt 210 triệu đồng/ha). Giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 11,56%/năm (giá trị tăng thêm tăng 12,54%/năm), tăng cường đẩy mạnh xúc tiến đầu tư.

Quy hoạch phát triển 24 KCN với quy mô diện tích khoảng 4.508 ha; từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có có 05 KCN mới đang triển khai thi công giải phóng mặt bằng; có 58 CCN được thành lập với tổng diện tích 2.931,87 ha. Đến nay, có 33/58 CCN đã có chủ đầu tư, còn 25/58 CCN chưa có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Cùng với triển khai phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện đồng bộ với quy hoạch tỉnh tạo thống nhất trong công tác quản lý, phát triển đồng bộ giữa các vùng miền; đồng thời nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng đô thị theo hướng thông minh, hiện đại. Nâng cao năng lực quản lý, năng lực thiết kế, giám sát, thi công xây dựng, quản lý chất lượng công trình được ứng dụng công nghệ tiên tiến, thông minh, số hóa trong quản lý và thu hút đầu tư.

Hoạt động lĩnh vực dịch vụ tăng 5,53%/năm; mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước tăng 11,4%/năm. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng 11%/năm (mục tiêu tăng 12,5%/năm); giá trị hàng hóa nhập khẩu tăng 12,3%/năm (mục tiêu tăng 17,4%/năm). Hoạt động du lịch đã khai thác tốt các nền tảng công nghệ số, từng bước đưa tiềm năng, thế mạnh các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, sản vật của tỉnh giới thiệu ra thế giới và trong nước. Xây dựng các sản phẩm, các tua tuyến du lịch mới nhằm kết nối giữa các vùng miền, đặc trưng mang thương hiệu du lịch Hải Dương. Trong 3 năm ước đón và phục vụ gần 2,8 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 1.334 tỷ đồng.

Ứng dụng khoa học công nghệ đã tạo điều kiện cho tổ chức, doanh nghiệp trong việc đóng góp, thu nộp ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Trong 3 năm thu ngân sách đạt gần 70 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 4,7%/năm, tăng 36,3%/năm so với dự toán. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 102,4 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 2,2%/năm.

Lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh và 13 dự án thuộc 04 trục giao thông kết nối quan trọng trong nội tỉnh. Trong đó, thực hiện một số công trình trọng điểm như Tuyến đường trục Bắc - Nam huyện Thanh Miện, đấu nối với nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, kết nối từ đường tỉnh 392 huyện Bình Giang với đường tỉnh 396 đi Ninh Giang; Trung tâm đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao thuộc Khu liên hợp văn hóa thể thao tỉnh; Phát triển hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ số nền tảng cho chính quyền điện tử và đô thị thông minh; nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Lĩnh vực phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông, chuyển dịch sang hạ tầng đô thị thông minh (ICT) là nền tảng cho chuyển đổi số. Chất lượng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh xếp thứ 4/63 tỉnh, thành. Hệ thống đang cung cấp 1.899 dịch vụ công trực tuyến; tích hợp 629 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 89%, tăng 33% so với cuối năm 2022. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đã tích hợp được 12 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của tỉnh với hệ thống thông tin các bộ, ngành Trung ương. Đến tháng 6/2023, tỉnh Hải Dương đứng thứ 13/63 tỉnh, thành, trong đó hoạt động Chính quyền số xếp thứ 15/63, hoạt động Kinh tế số xếp thứ 7/63, hoạt động xã hội số xếp thứ 4/63.

Kết quả tỉ lệ số hóa thành phần hồ sơ đạt 99,77%, giải quyết đạt 99,58% ở các sở, ngành; tại các địa phương cấp huyện, cấp xã, tỉ lệ số hóa thành phần hồ sơ đạt 98,23%, giải quyết đạt 97,95%. Đến nay, có 1.519 TTHC thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thuộc thẩm quyền giải quyết của 18 sở, ban, ngành; yêu cầu các TTHC bắt buộc phải đưa ra thực hiện tại Bộ phận Một cửa đạt tỷ lệ 100% và thực hiện theo cơ chế một cửa, một của liên thông tại cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã…

Hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh tiếp tục được chú trọng đầu tư và đã thể hiện rõ vai trò là giải pháp quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được tuyển chọn thực hiện đã đi vào trọng tâm, có tính khả thi, ứng dụng thực tiễn cao, hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết trong thực tiễn sản xuất, đời sống. Kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, góp phần xây dựng luận cứ khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, chăm sóc sức khỏe cho người dân đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân.

Hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ đã thu hút được sự quan tâm, tham gia nghiên cứu của nhiều nhà khoa học và đơn vị nghiên cứu của Trung ương, các doanh nghiệp trong tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, triển khai thực hiện 69 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thuộc các lĩnh vực khoa học nông nghiệp, y dược, xã hội, kỹ thuật và công nghệ.

Đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030". Thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn và các biện pháp xử lý rác thải đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. Tỷ lệ các cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu ước hết năm 2023 đạt 50% (mục tiêu đạt 100%); tỷ lệ các doanh nghiệp được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đạt 90% (mục tiêu 100%).

Thời gian tới, tỉnh Hải Dương, phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh từ 9% trở lên, giá trị tăng thêm của 02 năm 2024-2025 còn lại khoảng 250 nghìn tỷ đồng và đến năm 2025 đạt trên 130 nghìn tỷ đồng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể của các ngành, lĩnh vực là phải Tăng tốc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số với 05 trụ cột; tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo pháp luật về quy hoạch, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

TS. Nguyễn Đình Bộ

Bài đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2023

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.