Nâng cao chất lượng sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ

ĐỀ TÀI ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ SẤY VÀ XỬ LÝ GỖ BÁN THÀNH PHẨM KHỬ ĐỘ CO NGÓT, CONG VÊNH VÀ NẤM MỐC; NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM ĐỒ GỖ MỸ NGHỆ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC VÀ XUẤT KHẨU, PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ  

Chủ nhiệm đề tài: CN. Mai Văn Hội, Phó Giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Công nghiệp tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp: Xí nghiệp kinh doanh, chế biến và bảo quản lâm sản Hà Nội.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 01/2004 đến tháng 12/2004.

Đề tài được tổng kết khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

- Áp dụng công nghệ sấy và xử lý gỗ bán thành phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng độ bền, đẹp hàng đồ gỗ mỹ nghệ, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần khôi phục phát triển làng nghề, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu;

- Triển khai phổ biến, nhân rộng áp dụng mô hình xử lý gỗ cho các cơ sở sản xuất mộc ở các làng nghề và các cơ sở sản xuất mộc trên địa bàn tỉnh.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Điều tra, khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh và chế biến gỗ tại 30 cơ sở sản xuất gỗ thuộc 2 làng nghề truyền thống của tỉnh Hải Dương.

Điều tra tình hình sản xuất, kinh doanh và chế biến gỗ tại hai làng nghề mộc truyền thống: Cúc Bồ (xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang) chuyên sản xuất đồ gỗ đình chùa và đồ gỗ dân dụng và Đông Giao (xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng) chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và đồ gỗ dân dụng.

Kết quả điều tra cho thấy, thu nhập từ nghề mộc chiếm tỷ trọng cao. Tại xã Lương Điền thu nhập là 30.800 triệu đồng/năm, chiếm tỷ trọng 57,6% giá trị sản xuất nói chung của làng. Số lao động chính tham gia nghề mộc tại 2 xã là 2.750 người, chiếm 31,5% lao động địa phương.

Nguyên liệu dùng sản xuất tại các làng nghề mộc:

- Tại làng nghề Cúc Bồ: sản phẩm chủ yếu là đồ gỗ dân dụng và đồ gỗ đình chùa nên nguyên liệu chủ yếu là gỗ lim (nhóm 2) chiếm 65% nguyên liệu gỗ được sử dụng, ngoài ra còn các loại gỗ nhóm 3 và 4.

- Tại làng nghề Đông Giao: sản phẩm chủ yếu là đồ gỗ mỹ nghệ và đồ gỗ dân dụng, nguồn nguyên liệu chủ yếu là gỗ xà cừ (chiếm 90%), ngoài ra còn các loại gỗ khác như Pơmu, thông Lào, xoan rừng, muồng đen v.v...

- Thị trường tiêu thụ: sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ ở Đông Giao tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi một số nước trong khu vực. Sản phẩm mộc của làng nghề Cúc Bồ mới tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh.

- Thiết bị và trình độ công nghệ: Cơ sở sản xuất của các hộ làm nghề tất cả còn trong tình trạng nghèo nàn, máy móc thiết bị còn lạc hậu, chưa có điều kiện đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại.

- Hiện trạng môi trường: vấn đề môi trường tại 2 làng nghề chưa xảy ra bức xúc, chủ yếu là bụi trong quá trình đánh bóng bề mặt và ô nhiễm không khí khi sơn phủ hoàn thiện sản phẩm.

2. Áp dụng công nghệ sấy và xử lý gỗ bán thành phẩm.

Sau quá trình khảo sát tình hình áp dụng công nghệ sấy xử lý gỗ trong và ngoài tỉnh Ban chủ nhiệm (BCN) đề tài đã lựa chọn mô hình sấy và xử lý gỗ của Xí nghiệp Kinh doanh chế biến và bảo quản lâm sản Hà Nội.

Khi lựa chọn được công nghệ có quy mô phù hợp, BCN đề tài đã tiến hành khảo sát và lựa chọn được cơ sở áp dụng là Công ty TNHH Hoàng Anh, làng nghề mộc Đông Giao, xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng.

2.1. Sơ đồ công nghệ được lựa chọn áp dụng:

Gỗ nguyên liệu (bán sản phẩm)

Lựa chọn cho

phù hợp

Tẩm thuốc chống mối, mọt

Hong khô tự nhiên

Sấy khô trong lò

Thành phẩm

Thiết bị lò sấy: kiểu lò sấy là hơi đốt gián tiếp, tản nhiệt bằng tấm thép. Một số thông số kỹ thuật chủ yếu của lò sấy:

- Kích thước lò sấy (dài x rộng x cao): 5.200 x 3.400 x 2.700 (mm).

- Kích thước lò đốt (dài x rộng x cao): 1.200 x 1.100 x 1.200 (mm).

- Kích thước khối gỗ sấy (dài x rộng x cao): 4.200 x 1.400 x 1.300 (mm).

- Nhiên liệu dùng cho lò đốt: than các loại, củi.

- Quạt gió: 3 chiếc, công suất 0,75 Kw/h/chiếc.

- Bình cấp nước xử lý gỗ: 200 lít.

2.2. Quy trình công nghệ sấy sản phẩm, bao gồm các bước:

- Chuẩn bị sấy, bao gồm các công đoạn:

+ Chuẩn bị sản phẩm sấy: tính toán khối lượng sản phẩm sấy phù hợp với thể tích của lò sấy, sau đó tiến hành xử lý phun, tẩm thuốc chống mối mọt và nấm mốc.

+ Chuẩn bị thiết bị: trước khi đưa gỗ vào sấy kiểm tra toàn bộ hệ thống lò.

+ Lựa chọn chế độ sấy: căn cứ vào từng loại gỗ, độ dày ván, yêu cầu chất lượng và độ ẩm ban đầu của gỗ để lựa chọn chế độ sấy thích hợp.

- Xếp sản phẩm sấy: sản phẩm sấy được xếp theo thứ tự: các sản phẩm sấy phải được xếp phẳng để ngăn ngừa hiện tượng cong vênh xảy ra trong quá trình sấy; tạo các kênh dẫn khí hợp lý xuyên qua đống gỗ theo hướng tuần hoàn trong buồng sấy; các sản phẩm sấy tạo thành một khối thống nhất, có liên kết bền vững đáp ứng yêu cầu của quá trình sấy; sản phẩm sấy đặt cách tường lò phía trước và phía sau 300 mm.

- Vận hành sấy, gồm các giai đoạn:

+ Giai đoạn xử lý ban đầu: để tránh sự biến dạng đột ngột, sản phẩm sấy trước khi vào giai đoạn hút ẩm gỗ phải qua khâu xử lý ban đầu nhằm mục đích làm nóng gỗ trong điều kiện trao đổi ẩm giữa gỗ và môi trường là nhỏ nhất.

+ Giai đoạn sấy: chuyển các bước sấy phụ thuộc độ ẩm lớn nhất của mẫu kiểm tra hoặc theo thời gian sấy từng mẻ gỗ.

+ Xử lý nhiệt ẩm giai đoạn giữa: áp dụng cho các loại gỗ khó sấy hoặc sản phẩm có chiều dầy lớn để đề phòng hiện tượng nứt ngầm trong gỗ.

+ Xử lý nhiệt ẩm giai đoạn chuẩn bị kết thúc: mục đích để làm giảm sự chênh lệch độ ẩm và phân bố lại ứng suất trong sản phẩm sấy.

+ Giai đoạn kết thúc: để tránh biến đổi đột ngột với môi trường bên ngoài trước khi sản ra khỏi lò phải qua các bước: đóng kín cửa buồng gió, mở cửa phụ thăm mẫu phía trước, tiếp tục quạt gió từ 2 - 4 giờ, khi nhiệt độ buồng sấy xuống 45oC mở dần cánh cửa chính, sau 4 giờ mở hết cửa, tiếp tục dùng quạt thông gió 2 - 3 giờ, sau 2 - 4 giờ có thể lấy sản phẩm ra.

2.3. Kết quả sấy thử sản phẩm.

Kết quả sấy thử lần một: 150 sản phẩm là đồ gỗ mỹ nghệ bằng gỗ xà cừ (khoảng 4 m3), độ ẩm ban đầu là 27% sau khi sấy độ ẩm sản phẩm đạt 10%, không cong vênh, độ rạn nứt bề mặt cho phép.

Kết quả sấy thử lần 2: sản phẩm là đồ gỗ mỹ nghệ bằng gỗ xà cừ (khoảng 5 m3), độ ẩm ban đầu là 30% sau khi sấy độ ẩm sản phẩm đạt 10%, không cong vênh, độ rạn nứt bề mặt cho phép.

3. Đánh giá hiệu quả kinh tế - kỹ thuật.

- Kết quả vận hành sấy thử cho thấy hệ thống lò sấy được xây dựng hoàn chỉnh đạt yêu cầu kỹ thuật:

+ Hệ thống quạt chạy êm, không gây tiếng ồn.

+ Các hệ thống cấp nước, đo nhiệt độ khô, nhiệt độ ướt; hệ thống hút và thải khí hoạt động tốt.

+ Lò đốt cung cấp đủ nhiệt theo yêu cầu của quá trình sấy, việc điều chỉnh nhiệt độ lên xuống dễ dàng.

- Về chất lượng sản phẩm so với gỗ không áp dụng công nghệ sấy:

+ Độ ẩm gỗ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (độ ẩm từ 10 - 15%).

+ Sản phẩm không bị cong vênh, độ rạn nứt bề mặt đạt yêu cầu cho phép.

+ Sản phẩm sấy xong không bị mất màu tự nhiên của gỗ.

- Hiệu quả kinh tế:

Chi phí toàn bộ cho một mẻ sấy sản phẩm (tính một mẻ 4 ngày):

+ Chi phí củi đốt lò: 1 tạ x 45.000 đồng/tạ

= 45.000 đồng.

+ Chi phí than: 300 viên x 1.000 đồng/viên

= 300.000 đồng.

+ Chi phí điện: 0,75 Kwh x 3 x 24 giờ x

4 ngày x 1.000 đồng/Kwh = 216.000 đồng.

+ Chi phí nhân công: 3 công x 4 ngày x

30.000 đồng/công = 360.000 đồng.

Tổng cộng chi phí là: 921.000 đồng.

Giá thành sấy 1 m3 sản phẩm xấp xỉ 230.000 đồng. Tại Xí nghiệp kinh doanh chế biến và bảo quản lâm sản Hà Nội giá thành sấy thuê 1 m3 gỗ là 500.000 đồng. Kết quả một mẻ sấy sản phẩm ở lò sấy xây dựng tại cơ sở sản xuất thôn Đông Giao giảm chi phí sản xuất 1.000.000 đồng/mẻ.

4. Tuyên truyền phổ biến để nhân rộng kết quả của đề tài.

Ban chủ nhiệm đề tài đã mở hội nghị tại làng nghề Đông Giao giới thiệu cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề hiểu được nguyên lý, cấu tạo và kinh phí đầu tư cho việc xây dựng lò sấy; trình bầy và giảng giải quy trình công nghệ cho các cơ sở sản xuất có nhu cầu tiếp thu chuyển giao công nghệ.

Cùng với việc mở hội nghị tuyên truyền, nhân rộng kết quả tại làng nghề Đông Giao, kết quả thực hiện đề tài trên cũng đã được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.

5. Đề xuất và khuyến nghị một số nội dung sau:

Ngành sản xuất kinh doanh và chế biến gỗ ở tỉnh Hải Dương hiện có một tiềm năng và triển vọng rất lớn. Thực tế trong tỉnh ngoài hai làng nghề Cúc Bồ (Ninh Giang), Đông Giao (Cẩm Giàng) trong mấy năm gần đây nhiều nơi đã phát triển mạnh mẽ trở thành những làng nghề mới như Đức Minh (thành phố Hải Dương), Đức Đại (huyện Gia Lộc), Phú Thái (huyện Kim Thành)... Vì vậy, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương cần quan tâm hỗ trợ hơn nữa về cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư, công nghệ v.v... để tạo thuận lợi cho ngành kinh doanh và chế biến gỗ phát triển tốt.

- Cùng với quy hoạch các thị trấn, thị tứ, quy hoạch nông thôn mới các huyện cần chỉ đạo, xây dựng quy hoạch các làng nghề nói chung và làng nghề chế biến gỗ nói riêng, quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp làng nghề, xây dựng cơ sở hạ tầng đường, điện, thông tin liên lạc, xử lý ô nhiễm môi trường v.v... để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, phát triển bền vững cho làng nghề, gắn phát triển làng nghề với xây dựng làng văn hoá, du lịch. Trước mắt chỉ đạo thí điểm quy hoạch tổng thể cụm công nghiệp làng nghề mộc Đông Giao (Cẩm Giàng) và làng nghề mộc Đức Minh (thành phố Hải Dương)

- Hỗ trợ, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các làng nghề. Các doanh nghiệp có đầy đủ tư cách pháp nhân để ký kết các hợp đồng kinh tế, thương mại với trong và ngoài nước. Đây sẽ là hạt nhân cho sự phát triển, là các trung tâm, đầu mối thu gom sản phẩm, xúc tiến thương mại và có đủ năng lực để cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.

- Đầu tư đổi mới công nghệ tăng năng suất và chất lượng sản phẩm phải bắt đầu từ sự nhận thức và nỗ lực của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Trong xu thế mở cửa, hội nhập với nền kinh tế thế giới các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, chế biến gỗ cần mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đầu tư thiết bị mới (cưa, xẻ, cắt gọt, bào) và công nghệ mới (sấy, ngâm tẩm, sơn...), đa dạng hoá mẫu mã sản phẩm v.v... gìn giữ và phát triển thương hiệu các sản phẩm truyền thống của làng nghề.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

- Mô hình tiếp tục được áp dụng triển khai tại cơ sở.

- Kết quả của việc chuyển giao công nghệ sấy gỗ như trên là phù hợp với quy mô sản xuất hiện nay của các cơ sở chế biến gỗ trong các làng nghề, cần được tiếp tục quan tâm hỗ trợ để nhân rộng ra các cơ sở sản xuất chế biến gỗ khác trong tỉnh, tạo ra các sản phẩm có chất lượng ổn định đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây