Quản lý vận tải hành khách bằng xe buýt. Ảnh minh họa. Trong 2 năm 2012, 2013, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương triển khai thực hiện đề tài khoa học: "Xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu GPS để quản lý vận tải hành khách bằng xe buýt của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương". Đề tài nhằm mục đích ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
GPS (tiếng Anh: Global Positioning System, còn gọi là hệ thống định vị toàn cầu) là hệ thống xác định vị trí dựa trên vị trí của các vệ tinh nhân tạo, do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý. Trong cùng một thời điểm, tọa độ của một điểm trên mặt đất sẽ được xác định nếu xác định được khoảng cách từ điểm đó đến ít nhất ba vệ tinh. Trên thực tế, GPS được ứng dụng ở một số lĩnh vực, trong đó có hoạt động quản lý, điều hành phương tiện giao thông với thiết bị giám sát hành trình. Thiết bị này có chức năng ghi lại và lưu trữ những thông tin quan trọng như: tốc độ chạy xe, hành trình chạy xe, thời gian lái xe theo quy định, thời điểm đóng mở cửa xe, thời gian dừng - đỗ xe...
Hiện nay, việc khai thác tính năng của các thiết bị giám sát hành trình mới chỉ phục vụ cho việc điều hành, quản lý của các doanh nghiệp. Các ứng dụng của GPS để phục vụ cho công tác quản lý của Nhà nước như: quản lý thời gian ra vào bến, tần suất, số chuyến hoạt động, hành trình xe chạy, tốc độ cho phép, hệ thống cảnh báo điểm dừng đỗ tiếp theo trên xe buýt... chưa được khai thác. Với mục đích phát huy những lợi ích do công nghệ GPS mang lại để phục vụ cho công tác quản lý của nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ và trật tự an toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải đã triển khai nghiên cứu: "Xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu GPS để quản lý vận tải hành khách bằng xe buýt của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương".
Ban chủ nhiệm đề tài đã tiến hành khảo sát 15 tuyến xe buýt chạy trên địa bàn tỉnh, đo để gắn tọa độ GPS cho toàn bộ bến xe, bãi đỗ, nhà chờ, điểm dừng trên 15 tuyến buýt này. Đồng thời trang bị hệ thống CNTT và xây dựng phần mềm hệ thống xử lý dữ liệu để quản lý vận tải hành khách bằng xe buýt của các doanh nghiệp. Phần mềm được xây dựng bao gồm 11 module, bao gồm: quản lý người dùng, quản lý chức năng, vai trò, quản lý danh sách tuyến, quản lý danh sách bến bãi, quản lý danh sách doanh nghiệp, quản lý danh sách xe, giám sát xe trực tuyến, giám sát hình ảnh trực tuyến, xem lại hành trình xe, tạo các báo cáo phục vụ quản lý, quản lý danh sách bến bãi trên bản đồ.
Hiện nay, hệ thống phần mềm đã cập nhật đầy dủ dữ liệu 15 tuyến xe buýt với tổng số 212 xe, ngoài ra đã cập nhật thêm gần 100 các xe chạy tuyến cố định với tổng số 95 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Bên cạnh đó, phần mềm đã chiết xuất tự động được các loại báo cáo phục vụ cho công tác quản lý như: báo cáo quá tốc độ, báo cáo đỗ dừng, báo cáo đóng mở cửa, báo cáo thời gian lái xe, báo cáo chi tiết theo tuyến (dừng đỗ, đóng mở cửa, quá tốc độ, thời gian hành trình, báo cáo tổng hợp theo tuyến (thời gian, số chuyến thực hiện trong ngày).
Với kết quả trên, Sở Giao thông vận tải đã tổ chức xây dựng cam kết của các doanh nghiệp về xử lý phương tiện vi phạm giao thông với bằng chứng là dữ liệu từ phần mềm quản lý này. Sở Giao thông vận tải cũng kiến nghị việc nhân rộng mô hình và chuyển giao phần mềm cho các Sở Giao thông vận tải; đồng thời phát triển đề tài để có thể quản lý được đến cả các hộ kinh doanh cá thể và xe vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh.
Anh Nguyên