Ứng dụng CNTT quản lý học sinh các trường THCS thành phố Hải Dương

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý học sinh là giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý giáo dục; tạo cho phụ huynh có được một kênh thông tin trực tuyến về học tập và hoạt động của học sinh, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Từ thành công của mô hình ứng dụng CNTT quản lý học sinh tại trường THCS Lê Quý Đôn, năm 2012, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Dương đã triển khai đề tài: "Nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin quản lý học sinh trong các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hải Dương".
Đề tài được thực hiện tại 3 trường THCS là: Bình Minh, Võ Thị Sáu và Ngọc Châu. Trước đây, việc quản lý học sinh của 3 trường đều theo phương pháp truyền thống, việc thông báo kết quả học tập rèn luyện của học sinh với phụ huynh học sinh đều dùng sổ liên lạc hàng tuần giữa nhà trường và gia đình; việc ứng dụng CNTT chủ yếu phục vụ công tác giảng dạy và quản lý hành chính trong nhà trường. Trong khi đó, phụ huynh và học sinh đều có nhu cầu nắm bắt thông tin kịp thời về các hoạt động của nhà trường.
123
Giao diện phần mềm quản lý học sinh của Trường THCS Bình Minh, thành phố Hải Dương.

Thực hiện đề tài trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã triển khai tăng cường thiết bị CNTT bao gồm: máy chủ, thiết bị chuyển mạch, thiết bị phát sóng không dây, màn chiếu điều khiển điện, máy chiếu và dây mạng. Đồng thời, xây dựng phần mềm quản lí học sinh. Hệ thống phần mềm được xây dựng với mục đích quản lý các vần đề liên quan đến học sinh từ lúc nhập trường đến khi ra trường; từ đó hệ thống có thể theo dõi được các thông tin cụ thể của học sinh như điểm của các môn học, quá trình học tập, mức độ chuyên cần, khen thưởng kỷ luật một cách kịp thời và lưu trữ kết quả đó. Hệ thống có 6 nhóm chức năng chính bao gồm: quản lý học sinh (thông tin cá nhân, thông tin người bảo trợ, chuyển lớp, điểm danh), quản lý điểm, quản lý thời khóa biểu, quản lý xuất báo cáo và in ấn, quản lý hệ thống sms, quản trị hệ thống. Dữ liệu được đưa vào hệ thống duy nhất một lần qua các lần nhập điểm của giáo viên, nhập mức độ chuyên cần của học sinh và từ đó hệ thống hỗ trợ xuất ra các dữ liệu như: danh sách học sinh trong lớp, danh sách điểm môn học, học bạ học sinh... Trước đây, giáo viên cần thực hiện nhiều thao tác khi vào điểm cho học sinh, bao gồm: giáo viên bộ môn vào điểm trong sổ cá nhân, giáo viên chủ nhiệm vào điểm sổ cái, cuối cùng là vào điểm vào học bạ học sinh. Với phần mềm này, giáo viên chỉ cần vào điểm 1 lần, sau đó lấy các biểu mẫu xuất ra từ hệ thống như bảng điểm môn học, bảng điểm tổng kết học kỳ, tổng kết năm học, học bạ, sổ cái... Bên cạnh đó, đề tài đã đưa vào sử dụng hệ thống tin nhắn SMS trên điện thoaị di động để thông báo cho phụ huynh học sinh kết quả học tập, tu dưỡng đạo đức của học sinh trong nhà trường; thông báo lịch họp phụ huynh, kinh phí học tập, yêu cầu mua dụng cụ học tập... giúp phụ huynh nhanh chóng nắm bắt được thông tin của con em mình ở trường học.
Việc thực hiện đề tài đã có những đóng góp đa dạng và quan trọng vào quá trình dạy học, cụ thể là: hỗ trợ công tác giảng dạy và nâng cao chất lượng các hoạt động học tập cho hiệu quả hơn, tạo ra nhiều phương pháp tiếp cận học tập. Với sự hỗ trợ của máy tính, internet, học sinh có điều kiện tiếp xúc với các chương trình giảng dạy đa phương tiện, tạo hứng thú cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Giáo viên có thể rút ngắn được thời gian làm điểm, ghi chép hồ sơ và nhiều công việc hành chính khác. Việc lưu trữ, truy cập hồ sơ của học sinh từng khóa với thông tin cụ thể được thực hiện một cách dễ dàng.
Với hiệu quả từ việc triển khai đề tài tại 3 trường THCS nêu trên, Ban chủ nhiệm đề tài kiến nghị các cấp lãnh đạo tỉnh khuyến khích việc ứng dụng đề tài và nhân rộng cho các trường học khác trong thành phố, góp phần thực hiện tốt mục tiêu tin học hóa hoạt động quản lí trong trường học.
Anh Nguyên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây