Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Vinh Hiển, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương.
Thời gian thực hiện: 7/1997 - 7/1999.
Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Khá.
I. MỤC TIÊU
Điều tra hiện trạng đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, chất lượng nuôi, dạy ở các trường mầm non. Giải pháp đa dạng hoá loại hình trường, lớp ngoài công lập; giải pháp xây dựng đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất cho loại hình trường lớp mầm non ở tỉnh Hải Dương.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Hiện trạng giáo dục mầm non.
Đề tài đã tiến hành điều tra hiện trạng giáo dục mầm non ở 22 đơn vị, trong đó có 3 phường, 3 thị trấn, 14 xã đồng bằng và 2 xã miền núi. Số liệu tổng hợp báo cáo của 12 huyện, thành phố năm học 1997-1998 cho những kết quả như sau:
1.1. Số lượng trường lớp và số lượng trẻ huy động:
TT |
Loại trường |
Ở 22 đơn vị |
Cả tỉnh |
1 |
Công lập |
1 |
16 |
2 |
Bán công |
21 |
261 |
3 |
Tư thục |
1 lớp mẫu giáo |
1 trường MN |
4 |
Nhóm trẻ gia đình |
41 nhóm |
190 nhóm |
5 |
Cháu ở nhóm trẻ gia đình/cháu đi nhà trẻ |
326/1.733 = 18,8% |
2.084/25.595 = 8,1% |
6 |
Tỷ lệ huy động cháu nhà trẻ |
33,6% |
38,3% |
7 |
Cháu mẫu giáo tư thục/cháu đi mẫu giáo |
25/5.151 = 0,48% |
290/67.004 = 0,43% |
8 |
Tỷ lệ huy động cháu mẫu giáo |
76,6% |
73,67% |
9 |
Tỷ lệ cháu mẫu giáo 5 tuổi |
96,51% |
98% |
Từ số liệu trên cho thấy, tỷ lệ huy động trẻ đến trường mầm non của tỉnh thuộc nhóm 10 tỉnh cao nhất cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cháu chưa được ra lớp. Trường, lớp mầm non hầu hết là loại hình bán công, các trường công lập, tư thục chỉ có ở thành phố và thị trấn. Tỷ lệ trẻ ở các nhóm trẻ gia đình không đáng kể: ở 22 đơn vị điều tra là 18,8%, toàn tỉnh là 5%, tỷ lệ các cháu đi mẫu giáo tư thục chưa được 1%.
1.2. Chất lượng chăm sóc giáo dục:
- Ở trường công lập giáo viên có điều kiện thực hiện đầy đủ chương trình theo quy định và cơ sở vật chất nhà trường khá hơn, giáo viên trong biên chế đều qua đào tạo chuyên môn và được trả lương kịp thời.
- Ở các trường bán công có tới 80% giáo viên được hỏi cho rằng lý do chưa thực hiện đủ chương trình là do cơ sở vật chất nhà trường thiếu, có 50% số trường không đủ điều kiện thực hiện chuyên đề tạo hình. Mặt khác tại 22 trường còn 76,9% giáo viên chưa đạt chuẩn đào tạo (toàn tỉnh 77,4%) cũng là nguyên nhân khó thực hiện chương trình.
- Đối với các nhóm trẻ gia đình: tất cả đều không đủ điều kiện thực hiện chương trình vì hầu hết các cô bảo mẫu đều không được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Chỉ có 10 trong tổng số 40 cô thực hiện được ở mức độ đơn giản (đọc thơ, kể chuyện, hát bài đơn giản), số còn lại chỉ thực hiện trông, giữ trẻ, cá biệt có bảo mẫu ở độ tuổi quá cao (68 tuổi). Các nhóm trẻ gia đình phổ biến hoạt động ngoài sự quản lý của ngành giáo dục và cơ quan chức năng khác.
1.3. Hiện trạng đội ngũ giáo viên mầm non:
Ở tỉnh Hải Dương giáo viên mầm non có trình độ trung cấp trở lên quá ít, mới có 22%, tỷ lệ giáo viên chưa đạt chưa đạt chuẩn tới 78%. Ở những nơi xa thành phố Hải Dương như: xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) có 87,5% giáo viên chưa đạt chuẩn. Ở những trường tiên tiến xuất sắc nhiều năm như các xã: Cẩm Chế (huyện Thanh Hà), Gia Khánh (huyện Gia Lộc), Quốc Tuấn, thị trấn Nam Sách (huyện Nam Sách) vẫn còn từ 44% - 52% giáo viên chưa đạt chuẩn về đào tạo.
Số liệu điều tra 408 giáo viên ở 22 đơn vị về tuổi đời có 33,8% cô ở độ tuổi dưới 25 tuổi, có 29,9% ở độ tuổi từ 26 - 35 tuổi, 18,6% ở độ tuổi trên 40 tuổi. Có 59% cô giáo có thâm niên từ 6 - 20 năm, có 63,7% có nguyện vọng được đi học chuẩn hoá.
1.4. Lương và chế độ sinh hoạt phí (gọi tắt là lương) có tới trên 50% giáo viên các trường bán công hưởng mức tiền lương bằng hoặc dưới 100.000 đồng/tháng. Chỉ có khoảng 10% giáo viên được hưởng bằng hoặc cao hơn mức lương cơ bản.
Mức tiền lương của giáo viên mầm non ngoài công lập chủ yếu phụ thuộc vào mức tiền đóng góp của gia đình các cháu đến lớp. Ở những xã kinh tế kém phát triển thì mức lương của các cô chỉ có 45 - 50 ngàn đồng/tháng. Đây là một trong những lý do hạn chế chất lượng của bậc học mầm non.
1.5. Về điều kiện lao động: Do mức học phí thu thấp và thiếu phòng học nên các cô phải tăng sỹ số ở mỗi nhóm, lớp. Đó là lý do cho đa số giáo viên phải lao động quá tải, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và tâm lý giáo viên, hạn chế chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Mặt khác giáo viên thường phải thay phiên nhau đón trẻ sớm, trả trẻ muộn, trực buổi trưa nhưng không được hưởng thêm thù lao.
1.6. Về kết quả đánh giá chất lượng giáo viên mầm non thông qua thanh tra 141 tiết cho thấy: có 2,9% tiết tốt, 23,4% tiết khá, 55,3% tiết đạt yêu cầu, 18,4% không đạt yêu cầu. Số liệu phần nào phản ánh chất lượng chuyên môn của đội ngũ giáo viên mầm non còn yếu, cần thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp trồng người.
1.7. Về cơ sở vật chất: các trường mầm non ở vùng nông thôn có cơ sở vật chất, trường lớp không được khang trang, phòng học, khu vệ sinh xây dựng không đúng quy cách, không đáp ứng được các hoạt động của trẻ. Các trường mầm non ở thành phố, thị trấn được nhà nước và các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng phòng học, các công trình phụ và đầu tư mua sắm đồ chơi cho trẻ.
2. Các giải pháp đa dạng hoá các loại hình trường, lớp, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và tăng cường cơ sở vật chất của bậc mầm non.
2.1. Giải pháp đa dạng hoá loại hình trường, lớp:
- Đối với các địa bàn nông thôn đồng bằng và miền núi: Chủ yếu phát triển loại hình bán công, đất đai, phòng học và các công trình do kinh phí của thôn, xã lo. Thù lao của giáo viên, đồ dùng dạy học, đồ chơi của trẻ chi từ nguồn học phí. Mỗi trường nên có một Hiệu trưởng đủ tiêu chuẩn được tuyển vào biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Khuyến khích phát triển các nhóm trẻ gia đình đáp ứng yêu cầu gửi trẻ theo mùa vụ. Các nhóm này do chính quyền xã cho phép mở và quản lý. Trường bán công của xã có nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ các nhóm trẻ gia đình.
- Đối với các địa bàn thành phố, thị trấn: Có chính sách hỗ trợ ban đầu về mặt bằng để mở các trường mầm non tư thục hoặc bán công bằng hình thức cho mượn, cho thuê miễn thuế hoặc mức thuế thấp. Phát triển mạnh loại hình trường mầm non tư thục.
- UBND các cấp từ tỉnh đến các huyện, thành phố có biện pháp hỗ trợ để duy trì các nhóm trẻ gia đình đã có và phát triển thêm các nhóm trẻ gia đình hoạt động thường xuyên. Các trường mầm non công lập, bán công của phường, thị trấn có trách nhiệm giúp UBND quản lý, theo dõi các nhóm trẻ gia đình.
2.2. Giải pháp trả thù lao và chế độ bảo hiểm cho giáo viên mầm non:
- Nâng cao mức thù lao cho giáo viên tương ứng với trình độ đào tạo và thời gian công tác của giáo viên ngoài biên chế tương tự như giáo viên trong biên chế.
- Thực hiện việc ký hợp đồng lao động với giáo viên. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện thu bảo hiểm xã hội cho giáo viên mầm non đã được ký hợp đồng lao động và xác định chủ sở hữu các trường mầm non bán công là UBND cấp xã.
2.3. Giải pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên:
- Thành lập Khoa Giáo dục mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương để đào tạo giáo viên mầm non có trình độ trung học và cao đẳng.
- Tiến hành bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên mầm non về các kiến thức, kỹ năng dựa theo yêu cầu đào tạo của trường sư phạm cho giáo viên chưa qua đào tạo bằng các lớp mở tại huyện, mỗi lớp kéo dài từ 1 tháng đến 3 tháng do giáo viên trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh và giáo viên mầm non cốt cán đảm nhiệm.
- Bồi dưỡng "cập nhật" về các quan điểm, đường lối giáo dục, về các chuyên đề chuyên môn theo yêu cầu nhiệm vụ năm học. Các lớp này mở trong hè tại các huyện hoặc tại các cụm liên trường trong huyện.
- Bồi dưỡng thông qua các đợt thanh tra giáo viên, hội thi, hội giảng...
2.4. Giải pháp đầu tư cơ sở vật chất các trường mầm non:
Việc xây dựng phòng học mầm non hiện nay chỉ có các trường công lập ở thành phố, thị trấn và một số doanh nghiệp lớn được xây dựng bằng nguồn ngân sách nhà nước. Giải pháp đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, lớp mầm non ngoài công lập ở nông thôn cần thực hiện theo hướng:
- Về qui mô, địa điểm xây dựng các trường lớp và các công trình phụ trợ nên theo qui mô từng thôn để thuận lợi cho việc huy động đóng góp của nhân dân.
- Về huy động nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất cho các trường, lớp mầm non cần kết hợp huy động từ nhiều nguồn: kinh phí hỗ trợ của ngân sách nhà nước, đóng góp của các hộ gia đình, hỗ trợ của tập thể, cá nhân và huy động nhân lực đóng góp bằng ngày công lao động ở địa phương.
II. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
- Kết quả đề tài đã làm cơ sở để Sở Giáo dục và Đào tạo trình UBND tỉnh cho phép thành lập Khoa Mầm non tại trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương để đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non cho tỉnh.
- Mô hình trường, lớp mầm non ngoài công lập phát triển mạnh.
- Hiện nay, Hiệu trưởng trường Mầm non các xã, phường, thị trấn đã được tuyển vào biên chế và được trả lương từ ngân sách Nhà nước. Chế độ tiền lương cho giáo viên mầm non ở nông thôn đã được quan tâm hơn trước đây.