Chủ nhiệm đề tài: TS. Phạm Trung Thanh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì, thực hiện: Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Hải Dương.
Thời gian thực hiện: 4/2001- 5/2003.
Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Khá.
I. MỤC TIÊU
Xây dựng chương trình, biên soạn đề cương bài giảng có nội dung phù hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 40 của Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khoá X.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Điều tra thực trạng:
- Điều tra thực trạng nội dung bài giảng hệ Cao đẳng sư phạm (CĐSP) hiện đang được Trường CĐSP Hải Dương thực hiện ở các môn học như: Toán học, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Kỹ thuật nông nghiệp, Kỹ thuật công nghiệp, Văn học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ,... về: Phân phối chương trình, nội dung lý thuyết và thực hành; Thời gian ngoại khoá, ôn tập, kiểm tra; Các hoạt động ngoại khoá; Khả năng điều chỉnh chương trình...
- Khảo sát thực tế ở 15 trường Trung học cơ sở (THCS) đại diện cho 3 vùng: nông thôn, thành phố, miền núi. Qua trao đổi, làm việc với Ban giám hiệu, Chủ tịch Công đoàn và Tổ trưởng chuyên môn của các trường này cho thấy, họ đều thống nhất đánh giá cao giá trị của đề tài đã được triển khai cả về mặt lý luận và thực tiễn. Các nhà trường đã thấy được hiệu quả thiết thực của đề tài.
2. Biên soạn chương trình, giáo trình đào tạo chuyên ngành 2 cho giáo viên đã có trình độ cao đẳng và 10+3.
Trên cơ sở các văn bản pháp quy hiện hành, sau khi nghiên cứu nội dung chương trình đào tạo giáo viên THCS hệ CĐSP chuyên ngành Toán học và Vật lý, Văn học và Lịch sử (trong đó chương trình Vật lý và Lịch sử mỗi môn học chiếm 30% nội dung chương trình và Toán học, Văn học mỗi môn học chiếm 70% nội dung chương trình); đồng thời căn cứ vào cơ sở các chương trình đã có, đề tài nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo tiếp 2 bộ môn Vật lý và Lịch sử đảm bảo đủ kiến thức cơ bản.
Hoàn thành biên soạn đề cương bài giảng các học phần trong chương trình đào tạo, bao gồm 34 học phần với 98 đơn vị học trình, 1.470 tiết với 2.170 trang tiêu chuẩn. Trong đó bộ môn Vật lý gồm 15 học phần, 48 đơn vị học trình với 720 tiết học. Bộ môn Lịch sử gồm 19 học phần, 50 đơn vị học trình với 750 tiết học. Chương trình đào tạo và đề cương bài giảng được Hội đồng khoa học và Hội đồng chuyên môn của Trường CĐSP nghiệm thu đề nghị Hiệu trưởng cho phép dạy thực nghiệm trong quá trình đào tạo chuyên ngành 2 của hai bộ môn Vật lý và Lịch sử.
3. Tổ chức thực nghiệm đào tạo chuyên ngành 2 cho giáo viên THCS.
Để nâng cao trình độ chuyên môn cho những giáo viên THCS đang trực tiếp giảng dạy các bộ môn Vật lý và Lịch sử (mà trước đây mới được đào tạo theo chương trình môn thứ 2 với nội dung bằng 30% chương trình được đào tạo). Trường CĐSP tiến hành chiêu sinh 2 lớp học theo chương trình vừa được biên soạn. Lớp Vật lý gồm 31 người, lớp Lịch sử gồm 41 người. Sở dĩ có tình trạng học viên của 2 lớp có số lượng khác nhau là vì một số huyện và thành phố Hải Dương không cử được người đi học, hoặc không cử đủ số lượng.
Hai lớp trên được đào tạo theo phương thức tại chức vừa học, vừa tiếp tục giảng dạy tại các trường THCS. Mỗi tháng giáo viên có 02 tuần học theo chương trình chuyên ngành 2 và có 02 tuần làm nhiệm vụ giảng dạy.
Quá trình đào tạo được chia làm 2 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Thực hiện chương trình đào tạo chuyển tiếp chuyên ngành 2 để học viên có trình độ học vấn tương đương chuyên ngành 1, trên cơ sở đó sau này có thể đảm nhiệm việc dạy học ở tất cả các lớp của cấp học. Trong quá trình học tập có 02 học viên vì lý do sức khoẻ phải xin nghỉ học. Kết thúc giai đoạn 1 có 70/70 người bằng 100% học viên theo học đã hoàn thành chương trình, đủ điều kiện được cấp chứng chỉ có trình độ môn 2 của môn Vật lý và môn Lịch sử tương đương với trình độ môn 1 là Toán học và Văn học.
- Giai đoạn 2:
Thực hiện Quy chế đào tạo, trước khi bước vào giai đoạn 2, Trường CĐSP đã tiến hành tổ chức thi tuyển sinh đầu vào một cách nghiêm túc, khách quan, công bằng trong tất cả các khâu: ra đề, coi thi, chấm thi, tuyển sinh cho 68 học viên đăng ký học giai đoạn 2. Kết quả thi đầu vào có 68/68 người bằng 100% học viên tham gia quá trình đào tạo tiếp chuyên ngành 2 ở bộ môn Vật lý và Lịch sử đều trúng tuyển theo chương trình chuẩn hoá của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Sau khi kết thúc giai đoạn 2, Ban chủ nhiệm đề tài thăm dò ý kiến 68 học viên của 2 lớp về nhận thức. Kết quả, có 68% học viên lớp Vật lý, 91,7% học viên của lớp Lịch sử cho rằng kiến thức các học phần đã được học trong chương trình đào tạo tiếp đáp ứng tốt nguyện vọng của học viên. Còn 32% của lớp Vật lý, 8,3% của lớp Lịch sử cho rằng nội dung chương trình mới đáp ứng được một phần nguyện vọng của học viên. Có 56% học viên lớp Vật lý, 86,1% học viên lớp Lịch sử cho rằng các giảng viên của Trường CĐSP đã có nhiều đổi mới về phương pháp dạy học trong quá trình truyền thụ kiến thức. Còn có 44% lớp Vật lý, 13,9% lớp Lịch sử cho là sự đổi mới phương pháp dạy học của giảng viên còn ít.
Kết quả học tập của các học viên như sau:
Đối với lớp Vật lý: Trong quá trình học tập của cả 2 giai đoạn, học viên đã tham gia 14 lần thi kết thúc học phần, trong đó có 98,8% đạt kết quả trung bình trở lên ngay từ lần thi thứ nhất, còn 1,2% phải thi lại lần thứ 2. Kết quả thi tốt nghiệp cuối khoá có 28/29 người bằng 96,6% học viên đạt loại khá, còn 01/29 người bằng 3,4% học viên chưa tốt nghiệp vì vi phạm quy chế thi.
Đối với lớp Lịch sử: Trong quá trình học tập học viên tham gia 18 lần thi kết thúc học phần, trong đó có 100% đạt trung hình trở lên. Kết quả thi tốt nghiệp cuối khoá có 36/39 người bằng 92,3% học viên tốt nghiệp. Trong đó, có 21 học viên tốt nghiệp loại khá, 15 học viên tốt nghiệp loại trung bình, còn 03/39 người bằng 7,7% học viên chưa được công nhận tốt nghiệp vì vi phạm quy chế thi.
Tổng số 64/68 học viên của 2 lớp đủ điều kiện được Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp của Trường CĐSP đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo cấp bằng cử nhân cao đẳng. Số học viên chưa tốt nghiệp do nợ bài thi cuối khoá được Hội đồng thi của trường cho thi lại vào học kỳ 2 của năm học 2002 - 2003.
4. Những kiến nghị, đề xuất với các cấp quản lý.
- Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành chủ trương và giao chỉ tiêu cụ thể cho các trường CĐSP thực hiện việc đào tạo tiếp môn 2 trong các chuyên ngành đào tạo trước đây nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên THCS, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục đang đặt ra.
- Đề nghị UBND tỉnh Hải Dương sớm có chủ trương mang tính chiến lược về việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên THCS nhằm nhanh chóng khắc phục tình trạng dạy chéo môn, dạy không qua đào tạo để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục THCS. Sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể các Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, các trường THCS thực hiện chính sách hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho giáo viên THCS được cử đi học đào tạo, bồi dưỡng tiếp chuyên ngành 2.
- Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào thực trạng đội ngũ giáo viên THCS của tỉnh để giao chỉ tiêu cụ thể có tính chiến lược cho Trường CĐSP trong việc đào tạo tiếp môn 2 cho giáo viên THCS. Trên cơ sở đó nhà trường lập kế hoạch báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo về chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm, tránh tình trạng năm nào giao chỉ tiêu năm đó theo kiểu ăn đong. Các lớp học này được tổ chức chủ yếu vào dịp hè theo phương thức vừa học, vừa tham gia giảng dạy ở các Trường THCS.
- Đề nghị Phòng Giáo dục - Đào tạo và các Trường THCS cung cấp chính xác, kịp thời số lượng giáo viên THCS cần được đào tạo tiếp ở các chuyên ngành khác nhau về Sở Giáo dục và Đào tạo và Trường CĐSP.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
- Áp dụng chương trình đào tạo môn 2 cho đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ở Trường CĐSP. Từ năm 2003 đến nay, mỗi năm trường CĐSP bồi dưỡng cho trên 150 học viên (3 lớp) là giáo viên các huyện, thành phố để đảm nhiệm dạy tốt môn 2.
- Hiện nay, trong công tác đào tạo chính quy, nhà trường đã có chủ trương đào tạo ngay chuyên ngành 2 để khi ra trường sẽ có khả năng đảm nhiệm 2 môn học.