Chủ nhiệm đề tài: Lê Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Minh, thành phố Hải Dương.
Cơ quan thực hiện: Trường THCS Bình Minh, thành phố Hải Dương.
Thời gian thực hiện: 4/1999 - 2/2000.
Đề tài được tổng kết.
I. MỤC TIÊU
Triển khai áp dụng thí điểm Dự án VIE/95/041 về "Giáo dục môi trường trong nhà trường Việt Nam", Dự án VIE/98/018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và biên soạn tài liệu vào giảng dạy ở các bộ môn văn hoá, các hoạt động ngoại khoá về bảo vệ môi trường ở Trường THCS Bình Minh, thành phố Hải Dương để xác định tính phù hợp của chương trình.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Khảo sát thực trạng về giáo dục môi trường trong Trường THCS.
- Đề tài tiến hành khảo sát thực trạng về nội dung giáo dục môi trường thông qua chương trình học các môn học: Sinh học, Địa lý, Vật lý, Hoá học, Văn học, Giáo dục công dân của các khối lớp 6 đến lớp 9 thuộc chương trình THCS. Quá trình khảo sát tìm ra những nội dung của các bài trong các môn học có liên quan đến nội dung giáo dục môi trường, trên cơ sở đó nghiên cứu lựa chọn phương pháp giáo dục môi trường thông qua các môn học.
- Khảo sát thực trạng bố trí giáo viên về trình độ được đào tạo, số năm giảng dạy và kết quả thao giảng 3 năm gần nhất giảng dạy ở các môn: Sinh học, Địa lý, Vật lý, Hoá học, Văn học, Giáo dục công dân của các khối lớp 6 đến lớp 9 ở 5 trường THCS trên địa bàn thành phố Hải Dương. Kết quả khảo sát, cho thấy 95% cán bộ lãnh đạo và giáo viên bộ môn được hỏi khẳng định việc lồng ghép nội dung giáo dục môi trường vào một số bài thuộc một số môn học là cần thiết. Có 91% số người được hỏi đề nghị cần có nội dung và hướng dẫn thống nhất về phương pháp lồng ghép nội dung giáo dục môi trường vào một số môn học, nhưng không làm ảnh hưởng đến kết quả các môn học.
- Khảo sát 5 trường THCS trên địa bàn thành phố về diện tích khuôn viên nhà trường, diện tích phòng học, sân chơi, vườn trường, các loại cây cảnh, các loại cây được trồng trong vườn sinh vật của nhà trường để xem xét, lựa chọn các nội dung bài giảng và phương pháp giáo dục môi trường cho phù hợp với các đối tượng học sinh.
- Kết quả thăm dò ý kiến 20 giáo viên đang giảng dạy tại Trường THCS Bình Minh về mục đích, ý nghĩa và mức độ cần thiết tiến hành giáo dục môi trường cho học sinh THCS. Hầu hết các giáo viên khẳng định sự cần thiết của việc giáo dục môi trường cho học sinh THCS. Tuy nhiên, 80% giáo viên còn băn khoăn cho rằng từ trước đến thời điểm triển khai giáo dục môi trường vào trường THCS chưa có tài liệu thống nhất, giáo viên chưa được tập huấn về phương pháp và nội dung cụ thể.
2. Tổ chức áp dụng nội dung Dự án VIE/95/041 và VIE/98/018 của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
- Tổ chức nghiên cứu, trao đổi học tập với Văn phòng Dự án môi trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số tỉnh đã và đang đưa nội dung giáo dục môi trường vào trường THCS. Tham gia các kỳ Hội thảo quốc gia bàn về việc "Giáo dục môi trường trong nhà trường phổ thông Việt Nam" để từ đó rút kinh nghiệm triển khai ở thành phố Hải Dương.
- Triển khai áp dụng các nội dung giáo dục môi trường của 2 Dự án VIE/95/041 và VIE/98/018 vào Trường THCS Bình Minh. Nhiều nội dung giáo dục môi trường do Dự án đưa ra tương đối phù hợp với điều kiện Hải Dương. Tuy nhiên, một số nội dung giáo dục môi trường cho học sinh THCS ở thành phố Hải Dương nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung chưa phù hợp, đặc biệt là các nội dung lồng ghép trong một số môn học có liên hệ giáo dục ý thức bảo vệ môi trường đặc thù của địa phương cần được nghiên cứu biên soạn cho phù hợp.
3. Lựa chọn nội dung và triển khai chương trình giáo dục môi trường ở Trường THCS Bình Minh.
- Trên cơ sở chương trình giáo dục môi trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Dự án VIE/95/014 để biên soạn tài liệu bồi dưỡng giáo viên về kiến thức, nguyên tắc, phương pháp nhằm đưa giáo dục môi trường vào giảng dạy lồng ghép ở các bộ môn văn hoá tại Trường THCS Bình Minh. Chương trình giảng dạy gồm 2 nội dung chính: nội dung tích hợp các môn học và nội dung ngoại khoá.
3.1. Nội dung giáo dục môi trường lồng ghép thông qua các môn học:
Các nội dung được biên soạn lồng ghép, tích hợp với các bài giảng trong các bài thuộc các khối từ lớp 6 đến lớp 9 của một số môn học. Nội dung chương trình gồm:
Phần thứ nhất: Quan điểm của Việt Nam về giáo dục môi trường.
Phần thứ hai: Tổng quan về môi trường.
Phần thứ ba: Các địa chỉ giáo dục môi trường trong chương trình giảng dạy ở trường THCS.
Phần thứ tư: Các nội dung liên quan đến tỉnh Hải Dương.
3.2. Một số hoạt động ngoại khoá:
Một số hoạt động ngoại khoá lựa chọn đưa vào chương trình như: Tham quan cắm trại ngoài trời, các hoạt động bảo vệ môi trường nhân dịp Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh Môi trường, Ngày Môi trường Thế giới, Ngày Làm cho thế giới sạch hơn, các hoạt động vệ sinh đường phố, thu gom rác thải; thăm các danh lam thắng cảnh, các khu di tích lịch sử văn hoá, các khu bảo tồn thiên nhiên của quốc gia và của địa phương.
3.3. Tổ chức thực nghiệm các chương trình giáo dục môi trường:
Chương trình được dạy thử nghiệm 2 học kỳ ở Trường THCS Bình Minh và một số trường THCS ở thành phố Hải Dương. Kết quả cho thấy một số nội dung phù hợp với kiến thức của học sinh. Tuy nhiên, phương pháp áp dụng đòi hỏi các giáo viên cần linh hoạt trong khi tích hợp kiến thức giáo dục môi trường thông qua các bài giảng của các môn học chính.
Quá trình tổ chức các hoạt động và các nội dung giáo dục môi trường đã thu được kết quả như sau:
- Học sinh phấn khởi, tích cực, say mê học tập, có ý thức tốt đối với môi trường. Việc tiếp thu bài giảng lồng ghép nội dung giáo dục môi trường không làm ảnh hưởng đến các môn học chính. Các hoạt động ngoài giờ lên lớp có gắn với nội dung giáo dục môi trường đã được học sinh nhiệt tình tham gia, hiệu quả giáo dục môi trường được nâng lên.
- 100% đội ngũ giáo viên nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đưa nội dung giáo dục môi trường vào nhà trường là cần thiết. Do đó họ tích cực học tập, tích lũy những kiến thức cơ bản và các thông tin cập nhật về môi trường để khi có cơ hội họ có thể giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.
- Về cơ sở vật chất: Nhà trường đã đầu tư kinh phí trang bị tài liệu và đồ dùng học tập cho việc dạy và học nội dung giáo dục môi trường trong các THCS. Đã mua sắm trang thiết bị cho việc thu gom rác thải; đầu tư kinh phí xây dựng vườn sinh vật theo qui định của Bộ Giáo dục - Đào tạo nhằm vừa phục vụ giảng dạy môn Sinh học, vừa kết hợp giáo dục môi trường cho học sinh mua sắm chậu hoa, cây cảnh để tạo cảnh quan giáo dục môi trường tốt.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
- Mô hình giáo dục môi trường thông qua các hoạt động ngoại khoá và xây dựng các vườn sinh học được áp dụng ở trên 70% các trường THCS của thành phố Hải Dương.
- Mô hình giáo dục môi trường đã được mở rộng diện áp dụng tới một số địa phương như: xã Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện), xã An Lạc (huyện Chí Linh) và một số trường THCS khác trong tỉnh