Thực trạng và giải pháp thu hút sinh viên tốt nghiệp

ĐỀ TÀI THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP ĐỂ THU HÚT, SỬ DỤNG CÓ HIỆU QUẢ SINH VIÊN ĐÃ TỐT NGHIỆP CAO ĐẲNG, ĐẠI HỌC PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH  

Chủ nhiệm đề tài: TS. Phạm Trung Thanh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Trường Cao đẳng Sư­ phạm tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: 1/1998 - 12/1999.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Đạt.

I. MỤC TIÊU

Xác định thực trạng về nguồn nhân lực học sinh, sinh viên ở tỉnh. Đề xuất giải pháp thu hút và sử dụng có hiệu quả sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Điều tra thực trạng.

1.1. Kết quả xác định thực trạng và dự kiến nhu cầu nhân lực của 4 ngành trọng điểm.

- Tổng số cán bộ, công chức, nhân viên của 4 ngành là 14.457 người, trong đó ngành Công nghiệp có 5.208 người, ngành Y tế có 4.038 người, ngành Nông nghiệp - PTNT có 3.422 người, ngành Giáo dục - Đào tạo có 1.879 người.

- Về trình độ đào tạo: ngành Giáo dục - Đào tạo ở trình độ đại học là chủ yếu (83,6%). Ngành Y tế số người được đào tạo ở trình độ trung cấp là chủ yếu (63,2%), ngành Nông nghiệp - PTNT và ngành Công nghiệp số người đào tạo ở trình độ trung cấp và dưới trung cấp chiếm tỷ lệ trên 70%.

- Về độ tuổi của cán bộ, nhân viên trong 4 ngành: phần đông từ 26 đến 40 tuổi.

- Về yêu cầu trình độ đào tạo chuyên môn: ngành Giáo dục - Đào tạo và Công nghiệp yêu cầu đào tạo trình độ đại học là chủ yếu (85 - 95%). Ngành Nông nghiệp - PTNT dự kiến đào tạo ở trình độ cao đẳng là chủ yếu (73%). Riêng ngành Y tế dự kiến đào tạo ở trình độ trung cấp là chủ yếu (69%). Các ngành đều có nhu cầu cho cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng thêm về ngoại ngữ, tin học, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước và có sự tính toán để đào tạo những loại hình cán bộ còn thiếu và mới.

1.2. Xác định số lượng sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhưng chưa được tuyển dụng trên địa bàn tỉnh.

- Đề tài đã tiến hành điều tra, khảo sát ở tất cả 263 xã, phường, thị trấn trong tỉnh về số lượng sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học từ năm 1999 trở về trước chưa được tuyển dụng. Hiện tại toàn tỉnh có 391 sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa được tuyển dụng, trong đó có 137 em tốt nghiệp cao đẳng, 254 em tốt nghiệp đại học. Trong đó có 202 nam (51,7%), 189 nữ (48,3%). Thành phố Hải Dương có số lượng 84 em, huyện Thanh Hà 65 em, Nam Sách 37 em, Tứ Kỳ 35 em và một số ở các huyện khác. Tốt nghiệp loại trung bình có 317 em bằng 81,1%, loại khá có 74 em bằng 18,9%.

- Số lượng sinh viên tốt nghiệp chưa được sử dụng ở các chuyên ngành đào tạo: Cao đẳng Sư phạm 76 em, Đại học Sư phạm 57 em, Đại học Ngoại ngữ 50 em, Đại học Nông nghiệp 43 em, Đại học chuyên ngành xã hội nhân văn 97 em, cao đẳng và đại học khác 68 em.

1.3. Thực trạng quá trình đào tạo, nhận thức của học sinh, sinh viên và phụ huynh về thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

- Nhận thức của học sinh THPT về chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH): điều tra nhận thức của 1.070 học sinh THPT ở lớp 10, 11 thuộc 6 trường THPT: Hồng Quang, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Kim Thành, Kinh Môn, Chí Linh thu được kết quả: Có 91,9% học sinh được hỏi đều nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của thanh niên trong sự nghiệp CNH, HĐH. Phần đông các em ở lớp 10, 11 vẫn thờ ơ với việc chọn nghề nghiệp: có 40% các em thỉnh thoảng mới nghĩ đến, 22,5% chưa hề nghĩ đến, chỉ có 37,5% các em nghĩ đến chọn nghề nghiệp.

- Kết quả điều tra 819 học sinh lớp 12 (thuộc 6 trường THPT) có 91,8% học sinh đã nghĩ đến yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương khi lựa chọn nghề nghiệp. Có 88,3% các em nắm được lĩnh vực mạnh nhất của nền kinh tế tỉnh nhà là nông nghiệp và 52,6% cho rằng chỗ yếu nhất của tỉnh là dịch vụ. Có 73,1% học sinh có nguyện vọng tiếp nhận học bổng của tỉnh để đi học cao đẳng, đại học và sau khi tốt nghiệp các em sẽ trở về tỉnh công tác, 26,9% các em không có nguyện vọng nhận học bổng với nhiều lý do khác nhau. Có 54,6% học sinh đã nắm được 3 lĩnh vực chủ yếu của mục tiêu CNH, HĐH, vẫn còn 45,4% không nắm được hoặc hiểu sai mục tiêu CNH, HĐH. Chỉ có 24,5% học sinh được hỏi có nguyện vọng sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học về tỉnh công tác; 59,9% học sinh không có nguyện vọng học trung cấp khi không thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học.

- Điều tra 563 học sinh của 2 trường: Trung học Y tế Trung ương I và Cơ điện Chí Linh. Trong đó có 436 học sinh nam, 127 học sinh nữ; 336 em bằng 59,7% xuất thân từ nông thôn, gia đình sống chủ yếu bằng lao động nông nghiệp. Hầu hết số học sinh trên đều có học lực trung bình, không thi đỗ vào các trường cao đẳng hoặc đại học, có em thi nhiều năm nhưng không đỗ. Trong số học sinh điều tra có 77,3% số học sinh được hỏi không biết hoặc không trả lời được 3 lĩnh vực kinh tế chủ yếu của CNH, HĐH tỉnh Hải Dương và có 97,3% số học sinh không nắm được tỷ lệ cần phấn đấu trong quan hệ của 3 lĩnh vực. Có 72,1% số học sinh biểu lộ ý kiến chọn nơi công tác dựa vào năng lực và ý chí của chính bản thân mình, 27,9% có ý kiến chọn nơi công tác dựa vào bố mẹ hoặc mối quan hệ của người quen hoặc của bạn bè.

1.4. Thực trạng sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Hải Dương.

- Tiến hành điều tra chất lượng học tập của sinh viên được đào tạo tại Trường CĐSP Hải Dương qua 4 khoá học. Từ khoá 1993-1996 đến khoá 1996-1999, gồm 1.551 sinh viên. Trong đó, có 51 em bằng 3,3% được xếp loại khá, 632 em bằng 40,8% được xếp loại trung bình khá, 829 em bằng 53,4% xếp loại trung bình và 39 em bằng 2,5% chưa được công nhận tốt nghiệp.

- Trong 2 năm 1998-1999 Trường CĐSP Hải Dương đã kết nạp được 36 đảng viên mới. Trong đó có 21 đảng viên mới là sinh viên.

1.5. Xác định nhận thức của sinh viên người Hải Dương đang học đại học ở Hà Nội về CNH, HĐH.

Qua khảo sát, trao đổi với 112 sinh viên người Hải Dương đang học tại một số trường đại học tại Hà Nội như: Đại học Quốc gia, Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Sư phạm, Đại học Y, Đại học Dược, Đại học Tài chính, Đại học Luật... thu được các kết quả như sau:

- Có 57,7% sinh viên đã nắm được chủ trương CNH, HĐH. Đa số các em đã nắm được 3 mục tiêu cơ bản của sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh. Có 67% sinh viên đã liên hệ đến sự phát triển kinh tế của quê hương trong việc quyết định lựa chọn nghề nghiệp của mình, 33% sinh viên không nghĩ đến chuyện đó.

- Phần đông sinh viên (70,1%) chưa có ý thức thường xuyên nắm bắt tình hình thời sự, diễn biến sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Có 68% sinh viên gia đình còn có nhiều khó khăn để lo kinh tế cho các em ăn học, 16,5% sinh viên gặp khó khăn về năng lực học tập ở trường đại học, 15,5% sinh viên thiếu những điều kiện về chỗ ăn, ở để có thể học tốt.

- Khi đề tài đưa ra giả thuyết "Nếu sau khi tốt nghiệp được tỉnh tiếp nhận và được tỉnh bố trí công việc ngay" đã có 60,8% các em đồng ý, 39,2% các em không muốn về quê công tác mà chỉ muốn ở Hà Nội, dù cho thời gian chờ đợi không có giới hạn.

- Khi đề tài đưa ra giả thuyết "Nếu tỉnh có chủ trương cấp học bổng cho con em Hải Dương trong thời gian học đại học và sau khi tốt nghiệp các em phải trở về quê hương công tác thì các em có quan điểm như thế nào? Vì sao?". Kết quả có 55,7% sinh viên sẽ đồng ý tiếp nhận học bổng, trong đó có 41,2% mang ý nghĩa muốn về phục vụ quê hương, còn 14,5% muốn nhận học bổng vì điều kiện kinh tế gia đình có nhiều khó khăn. Có 44,3% sinh viên không muốn nhận học bổng của tỉnh, trong đó có 33% vì lý do không muốn ràng buộc sau khi tốt nghiệp, 11,3% sinh viên cho rằng về quê hương công tác khó có điều kiện phát huy khả năng.

2. Giải pháp thu hút và sử dụng có hiệu quả sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Tỉnh cần thường xuyên tuyên truyền công khai về nhu cầu, tiêu chuẩn tuyển dụng công chức của các ngành trong tỉnh. Tổ chức thi tuyển chặt chẽ, khách quan, công bằng. Cụ thể hoá tiêu chuẩn phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo các cấp, bổ nhiệm cán bộ đảm bảo khách quan, dân chủ và công khai.

- Có chính sách cấp thêm một suất học bổng (ngoài suất học bổng đã được nếu có) cho những học sinh đạt giải chính thức trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia tự nguyện đăng ký vào học ở Trường CĐSP và cho những học sinh đỗ vào những trường cao đẳng, đại học theo những chuyên ngành mà tỉnh đang cần và cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ về tỉnh công tác.

- Có chế độ thưởng theo năm học cho những sinh viên của tỉnh đang học các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh khi đạt học lực loại khá và loại giỏi.

- Ngân hàng Nhà nước cần tạo điều kiện cho sinh viên vay vốn không phải trả lãi hoặc lãi suất thấp với mức từ 2 đến 3 triệu đồng một năm và hoàn trả dần khi ra trường.

- Thực hiện nghiêm túc cam kết đối với những người được cử đi học sau đại học khi tốt nghiệp phải về tỉnh công tác, nếu không về đúng cam kết phải bồi hoàn kinh phí đào tạo.

- Đối với những sinh viên khi tốt nghiệp hệ chính quy loại giỏi sẽ được tuyển dụng thẳng vào biên chế nhà nước không qua thi tuyển và hưởng 100% mức lương bậc 1. Với những sinh viên xếp loại khá được ưu tiên tuyển dụng vào biên chế nhà nước.

- Cần có chính sách thưởng bậc lương đối với những người tốt nghiệp phó tiến sỹ, tiến sỹ. Nâng lương sớm với những cán bộ tốt nghiệp thạc sỹ, những cán bộ đạt các danh hiệu vinh dự Nhà nước và được công nhận là Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, được tặng Bằng khen của Chính phủ, Huân chương Lao động...

- Có chính sách thưởng bằng tiền, bố trí công tác, tạo điều kiện về nhà ở... cho những người là giáo sư, phó tiến sỹ, tiến sỹ, thạc sỹ về công tác ở tỉnh.

- Nâng cao chất lượng quản lý đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn trong ngành giáo dục - đào tạo, trong đó có Trường CĐSP.

- UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành có kế hoạch đảm bảo chất lượng đối với các lớp đại học hàm thụ, đại học tại chức để những người theo học có trình độ tương xứng với tấm bằng đại học.

- Đối với những sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa được tuyển dụng, tỉnh cần đưa họ trở lại với các ngành nghề đã được đào tạo nếu họ có nguyện vọng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và qua kiểm tra chuyên môn đạt yêu cầu.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

- Một số kiến nghị của đề tài đã phù hợp với chính sách thu hút nhân tài của tỉnh Hải Dương ban hành.

- Nhiều nội dung sau nghiệm thu mới dừng lại áp dụng vào công tác đào tạo của Trường CĐSP Hải Dương, khả năng nhân rộng còn hạn chế.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây