Chủ nhiệm đề tài: Th.S Hoàng Văn Đoạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương.
Thời gian thực hiện: Năm 2006-2007.
Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Xuất sắc.
I. MỤC TIÊU
- Làm rõ cơ sở lý luận về các phương pháp thảo luận, đóng vai, giải quyết vấn đề và thực trạng tình hình dạy học môn Giáo dục công dân (GDCD) ở trường THCS trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng định hướng về cách thức vận dụng hợp lí các phương pháp thảo luận, đóng vai, giải quyết vấn đề, soạn một số giáo án minh họa vận dụng các phương pháp trên nhằm nâng cao hiệu quả dạy học bộ môn, đồng thời cung cấp thêm tư liệu cho việc bồi dưỡng giáo viên dạy môn GDCD ở trường THCS.
1. Kết quả điều tra khảo sát thực trạng việc dạy học môn GDCD và việc vận dụng các phương pháp thảo luận, đóng vai, giải quyết vấn đề trong dạy học.
1.1. Kết quả khảo sát việc dạy và học môn GDCD.
- Qua điều tra bằng phiếu hỏi đối với học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường và dự giờ khảo sát cho thấy, nhìn chung học sinh đã có nhiều cố gắng trong học tập bộ môn. Tuy vậy, việc dạy và học môn GDCD còn nhiều hạn chế, cần được khắc phục. Kết quả điều tra học sinh cho thấy có 4% khẳng định không bao giờ chú ý nghe giảng, 6% khẳng định không bao giờ tích cực tham gia xây dựng bài, 9% khẳng định không bao giờ hứng thú với các tiết học, 3% khẳng định không bao giờ ghi nhớ những điều đã học, 9% không thường xuyên làm theo những điều đã học.
- Kết quả phỏng vấn giáo viên, cán bộ quản lý các nhà trường cho thấy giáo viên đã có nhiều cố gắng đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học; tích cực đọc thêm tài liệu, học hỏi, trao đổi với đồng nghiệp. Tuy vậy, trên thực tế, chất lượng giảng dạy bộ môn này chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng dạy học. Hiện tượng giáo viên lên lớp qua loa, chiếu lệ cho hết giờ còn khá nhiều.
- Nhiều giáo viên và học sinh cho rằng việc dạy và học bộ môn GDCD theo phương pháp thảo luận, đóng vai có nhiều ưu điểm, nhưng việc áp dụng còn gặp nhiều khó khăn.
a) Về nội dung dạy học: Đa số giáo viên đã giảng dạy cho học sinh đảm bảo đầy đủ, chính xác về kiến thức, thể hiện đúng quan điểm, tư tưởng, lập trường chính trị: 38,9% đánh giá ở mức độ tốt; 45,1% được đánh giá ở mức độ khá; 16% được đánh giá ở mức độ trung bình.
b) Về phương pháp dạy học: Về việc sử dụng PP, phương tiện phù hợp với đặc trưng bộ môn, với nội dung của kiểu bài lên lớp: có 24,3% tiết dạy được đánh giá ở mức độ tốt, 36,1% ở mức độ khá, 30,6% ở mức độ trung bình, 9% ở mức độ yếu.
c) Về việc tổ chức: Học sinh học tập tích cực, chủ động tham gia xây dựng bài, tiếp thu được kiến thức của bài, chủ động nắm được kiến thức: 22,2% tiết dạy được đánh giá ở mức độ tốt, 29,9% được đánh giá ở mức độ khá, 35,4% đánh giá ở mức độ trung bình, 12,5% đánh giá ở mức độ yếu.
d) Về kết quả giảng dạy: Tiết học sôi nổi, hào hứng, học sinh hứng thú với bài học: 25% đánh giá ở mức độ tốt, 29,2% đánh giá ở mức độ khá, 36,1% ở mức độ trung bình, 9,7% ở mức độ yếu.
2. Định hướng vận dụng các phương pháp thảo luận, đóng vai, giải quyết vấn đề trong giảng dạy môn GDCD ở trường THCS.
Để đạt hiệu quả cao trong dạy học, mỗi bài dạy cần phải sử dụng phối hợp nhiều phương pháp. Từ đó có phương pháp được sử dụng chính và có phương pháp được sử dụng hỗ trợ.
Đề tài đã đề xuất phương pháp thay đổi nội dung câu hỏi giữa giáo viên và học sinh trong các giờ thảo luận bài tập để việc dạy, việc học đạt hiệu quả cao hơn.
- Điều đặc biệt quan trọng để nâng cao hiệu quả của việc giảng dạy môn GDCD là phải đưa kiến thức học sinh đã học trở về thành vấn đề gần gũi gắn bó với học sinh, để mỗi bài học đều là những vấn đề bổ ích, cần thiết với học sinh, chứ không phải là những vấn đề mơ hồ, xa vời.
- Qua các bài học phải giáo dục cho tất cả các em học sinh thấy được cần phải chú ý rèn luyện bản thân từ nhận thức đến từng cử chỉ, hành vi rất cụ thể và dù rất nhỏ. Ví dụ như rèn luyện tính tự chủ, tính siêng năng, kiên trì phải thể hiện trong mọi lĩnh vực, mọi hoàn cảnh...
- Khi thực hiện giải pháp này, điều đáng lưu ý là giáo viên cần phải phát hiện được những tình huống, những hành vi cụ thể của học sinh trong lớp, xử lý tốt các tình huống, biến đó thành bài học giáo dục, uốn nắn học sinh.
- Rèn kỹ năng phân tích các vấn đề, xác định mục tiêu, nhiệm vụ học tập. Rèn kỹ năng tìm kiếm, thu thập thông tin từ sách giáo khoa, tài liệu, thực tiễn cuộc sống, hướng dẫn học sinh xác định, lựa chọn, tập hợp các thông tin để giải quyết được nhiệm vụ học tập. Rèn luyện kỹ năng phân tích, tổng hợp các thông tin, hệ thống hoá, biểu đạt thành kết quả. Phân tích các thông tin thu thập được để tìm ra dấu hiệu bản chất, mối quan hệ giữa các yếu tố tạo nên khái niệm, mối liên hệ giữa các khái niệm với nhau.
- Rèn kỹ năng kiểm tra, điều chỉnh, ghi nhớ và vận dụng. Thông qua kiểm tra vấn đáp, trả lời câu hỏi, giải quyết tình huống để kiểm tra những kiến thức cần nắm vững, những kỹ năng cần rèn luyện, thái độ cần đạt được của học sinh khi tiến hành xong một thao tác, hoàn thành một hoạt động học một số nội dung của bài học.
- Trong thảo luận nhóm, hoặc tình huống đóng vai, giáo viên cần tổ chức, sắp xếp để tất cả học sinh đều tích cực tìm tòi, suy nghĩ và cùng tham gia vào bài, đồng thời trên cơ sở thảo luận, từng cá nhân bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao của nhóm. Từ việc bố trí, sắp xếp chỗ ngồi của nhóm để thảo luận; bố trí nhóm trưởng các nhóm; giao kịch bản cần chú ý để phát huy cao nhất sự tham gia của từng cá nhân và từng tập thể.
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả đào tạo lại môn 2 cho giáo viên GDCD. Trong chương trình đào tạo lại môn 2 cho giáo viên môn GDCD trong các trường THCS, trường CĐSP cần chú ý trang bị cho giáo viên các phương pháp dạy học hiện đại. Trong đó có các phương pháp được đề tài nghiên cứu. Các trường có giáo viên tham gia học môn 2 cần tạo điều kiện về thời gian, kinh phí để giáo viên tham gia học tập đạt kết quả cao.
- Tăng cường các hoạt động hội học, hội giảng, hội thảo, sinh hoạt trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy bộ môn. Thực hiện tốt chương trình bồi dưỡng thường xuyên chu kỳ III.
- Cần tăng cường động viên, nâng cao ý thức trách nhiệm của giáo viên dạy bộ môn, bởi vì trong tư tưởng của nhiều giáo viên vẫn coi môn GDCD là môn học phụ nên ít quan tâm đầu tư thời gian, công sức trong việc chuẩn bị cho tiết giảng.
Việc giảng dạy bộ môn theo các phương pháp nói trên rất cần có thiết bị dạy học hỗ trợ. Các trường cần đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất như: Mua sắm hệ thống bảng phụ để giáo viên và học sinh ghi nội dung thảo luận, ghi tình huống có vấn đề hoặc ghi các ý kiến trả lời của học sinh; mua tranh ảnh, tư liệu để làm dụng cụ trực quan cho học sinh, máy phô tô và một thiết bị khác cũng rất có tác dụng cho việc dạy học đó là: máy chiếu (Projecter), máy quay phim làm tư liệu.
Đây là một giải pháp rất quan trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn nói chung và nâng cao chất lượng dạy học bằng các phương pháp thảo luận, đóng vai, giải quyết vấn đề trong dạy học môn GDCD ở trường THCS nói riêng. Với hình thức kiểm tra theo kiểu truyền thống, học sinh học thuộc bài về mặt lý thuyết sẽ dẫn đến việc học của các em trở thành kiểu "học vẹt", không gắn được lý luận với thực tiễn, không tạo được sự thống nhất giữa nhận thức và hành vi của các em.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
- Đề tài đã chỉ ra được các bài học trong chương trình GDCD cấp THCS ở tất cả các khối lớp có thể vận dụng các phương pháp thảo luận, đóng vai, giải quyết vấn đề trên là chủ đạo; đồng thời đã xây dựng được hệ thống giáo án điển hình vận dụng các phương pháp đã nêu theo định hướng về cách thức, quy trình mà đề tài đã đề xuất.
- Kết quả của đề tài là cơ sở để ngành giáo dục và đào tạo nghiên cứu triển khai nhân rộng.