Hải Dương chuẩn bị cho vụ mùa 2012 hiệu quả

Nông dân xã An Bình, Nam Sách gieo lúa bằng công cụ giàn sạ hàng. Hiện nay, trên toàn tỉnh Hải Dương, bà con nông dân đã gieo cấy khoảng 40% diện tích lúa. Trong đó, nhiều địa phương của các huyện Gia Lộc, Kim Thành, Kinh Môn, Nam Sách...gần như hoàn thành diện tích gieo cấy, để sớm thu hoạch lúa vụ mùa dành diện tích đất cho cây trồng vụ đông.
Hải Dương chuẩn bị cho vụ mùa 2012 hiệu quả
Ông Nguyễn Quang Đồng, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Vụ mùa năm nay, kế hoạch diện tích sản xuất lúa của tỉnh là 62.500 ha và diện tích trồng cây rau màu là 7.500 ha.
Theo ông Đồng cho biết thêm: tình hình thời tiết cuối tháng 6, đầu tháng 7 có mưa nhiều thuận lợi cho việc gieo cấy lúa mùa, song để có một vụ mùa hiệu quả, các địa phương trong tỉnh phải chủ động sản xuất từ khâu xác định cơ cấu giống lúa hợp lý, các giống lúa phù hợp, gieo cấy đúng lịch thời vụ, công tác làm đất, bón phân, tưới nước và tiêu úng kịp thời, cũng như phòng trừ sâu bệnh cho đến khâu thu hoạch và bảo quản lúa.
Các địa phương có diện tích trồng cây vụ đông cần phải lựa chọn cơ cấu giống lúa hợp lý, tăng diện tích cấy các giống lúa thuộc trà mùa sớm, trà mùa trung (các giống lúa như QR1, Q5, KD 18, P6ĐB, PC6....) để thu hoạch đúng thời gian, giải phóng đất trồng cây vụ đông sớm. Việc gieo cấy trà mùa sớm có tác dụng: khi thu hoạch lúa mùa sẽ giải phóng đất làm cây vụ đông sớm, né tránh được sâu bệnh nhất là sâu đục thân, tăng khả năng chống ngập úng cho cây lúa và né tránh mưa bão cuối vụ mùa từ đó sẽ làm giảm thiệt hại và thất thoát năng suất do thời tiết, sâu bệnh gây ra.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn các giống có năng suất, chất lượng cao, thích ứng thời tiết, kháng bạc lá tốt đưa vào sản xuất vụ mùa như: Nàng Xuân, QR1, PAC807, BT7, Bắc ưu 903 KBL...,
Trong quá trình sản xuất vụ mùa do có thể xảy ra mưa lớn cục bộ vào trung tuần tháng 7, đầu tháng 8 gây ngập úng ở các vùng chân trũng, bà con nông dân cần chuẩn bị cây giống dự phòng, cần chủ động đưa các giống chịu úng xuống chân trũng, dâm giữ mạ dược, mạ sân, mạ tỉa dặm còn thừa sau cấy để phòng. Các hộ nông dân cũng lên chủ động dự phòng thóc gống ngắn ngày KD18, P6 ĐB, PC6...để gieo cấy bổ sung đề phòng mạ, lúa chết do ngập úng, trong khi còn thời vụ trước ngày 10/8.
Gieo cấy đúng lịch thời vụ sẽ đảm bảo hiệu quả năng suất lúa, cho nên, trà mùa sớm đa số cấy bằng mạ dược để tranh thủ thời vụ. Trà mùa trung mở rộng gieo cấy mạ sân, gieo thẳng ở những nơi có điều kiện tưới tiêu chủ động, điều kiện chăm sóc cho cây trồng thuận lợi. Trước khi gieo cấy, công tác làm đất phải được chú trọng, sau khi thu hoạch lúa chiêm xuân bà con nông dân cần giữ nước không để đồng ruộng mất lấm, mở rộng diện tích làm đất bằng máy cày lớn. Bà con có thế sử dụng 15 – 20kg vôi bột để bón lót cho 1sào, nhằm cải tạo đất chua, làm cho rơm rạ thừa sau thu hoạch phân hủy nhanh, hạn chế hiện tượng nghẹt rễ sinh lí sau trồng, và hạn chế một số bệnh gây ra từ nấm, vi khuẩn ... cho lúa mùa, đặc biệt là đối với những chân ruộng trũng.
Công tác thủy lợi, tưới tiêu nước có vai trò quan trọng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, các xí nghiệp cùng các địa phương chủ động có kế hoạch thông báo trên các bảng tin của thôn, truyền thông của xã tới bà con nông dân về chăm sóc cho lúa cũng như phòng chống tiêu úng khi xảy ra mưa bão.
Để sản xuất lúa vụ mùa cho năng suất và chất lượng cao, bà con nông dân cũng phải thực hiện bón phân hợp lý, đủ liều lượng, bón cân đối N-P-K, cân đối quá trình thực hiện bón lót sâu, bón thúc sớm, tập trung để tránh thất thoát phân bón, làm lúa tốt ngay từ đầu, giúp lúa đẻ nhánh nhanh, tập trung, tăng số nhánh hữu hiệu.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh làm tốt công tác dự tính, dự báo để khuyến cáo nông dân phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả các đối tượng sâu bệnh hại lúa, rau màu, chú trọng các đối tượng sâu cuốn lá, sâu đục thân và rầy nâu, bệnh bạc lá cuối vụ. Hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, áp dụng biện pháp "3 giảm, 3 tăng".
Đến khâu thu hoạch và bảo quản lúa là khâu quyết định đến kết quả mùa vụ. Thực hiện phương châm "xanh nhà hơn già đồng", các địa phương chỉ đạo bà con nông dân cần khẩn trương tập trung thu hoạch lúa kịp thời khi lúa chín 85% để kịp thời giải phóng đất trồng cây vụ đông, đồng thời tránh lúa rụng trong tường hợp mưa úng, giữ chất lượng gạo, đảm bảo năng suất ổn định.
Đối với sản xuất rau màu hè thu, mở rộng diện tích rau màu hè thu để có quỹ đất chủ động cho trồng cây vụ đông. Trong đó, tập trung phát triển cây rau màu chủ lực, có lợi thế về thời vụ và thị trường tiêu thụ như: dưa lê, đậu tương, ngô nếp, rau các loại...Chủ động xây dựng phương án và tổ chức sản xuất các loại cây giống, hạt giống cho mở rộng diện tích vụ đông như khoai lang, đậu tương, lạc....Thực hiện tốt luân canh cây trồng. Sử dụng các giống chịu nhiệt, giống ghép để hạn chế sâu bệnh, sản xuất trái vụ (rau cải chịu nhiệt, cà chua, dưa hấu...) tăng hiệu quả kinh tế, sản xuất theo quy trình sản xuất rau an toàn.
Hòa  Thuận

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây