Để tạo điều kiện cho nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, huyện Thanh Miện đã sớm triển khai công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), chỉnh trang đồng ruộng. Tính đến năm 2013, Thanh Miện đã hình thành nhiều cánh đồng có diện tích trên 30 ha trở lên ở các địa phương như Hùng Sơn, Hồng Quang, Diên Hồng, Đoàn Kết, Ngũ Hùng, Chi Lăng Bắc… Chính vì vậy, năm 2014-2015, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện triển khai đề tài “Mô hình ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trong các khâu sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương” nhằm xây dựng mô hình tổ chức dịch vụ, mô hình ứng dụng một phần và ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật các khâu sản xuất lúa.
Năm 2014, Phòng Nông nghiệp huyện Thanh Miện đã xây dựng mô hình tổ chức dịch vụ cơ giới hóa sản xuất lúa tại xã Hồng Quang. Tổ dịch vụ cơ giới hóa tập hợp lao động và máy móc sẵn có tại địa phương và các xã lân cận, có quy chế hoạt động riêng, thực hiện cơ giới hóa các khâu làm đất, thủy nông, gieo cấy, gặt đập liên hợp (100ha), cơ giới hóa khâu gieo mạ khay, cấy máy (20ha) đối với diện tích trong mô hình. Ngoài ra, tổ dịch vụ còn ký hợp đồng thực hiện cơ giới hóa các khâu với nhiều diện tích ngoài mô hình. Doanh thu của máy làm đất cỡ nhỏ đạt 30-35 triệu đồng/máy/vụ; máy làm đất cỡ trung đạt 90-100 triệu đồng/máy/vụ; máy cấy đạt 65-70 triệu đồng/máy/vụ; máy tuốt lúa đạt 35-40 triệu đồng/máy/vụ và máy gặt đập liên hợp đạt 90-100 triệu đồng/máy/vụ. Sau khi trừ chi phí, máy làm đất cỡ trung và máy gặt đập liên hợp, máy cấy cho thu lãi cao nhất, từ 25-30 triệu đồng/máy/vụ. Mô hình tổ dịch vụ không chỉ giúp tổ dịch vụ nâng cao thu nhập, đảm bảo công lao động, mà cũng đã giúp các hộ nông dân sản xuất, canh tác lúa ngày càng thuận lợi, giảm sức lao động, giảm sức ép mùa vụ.
Các địa phương Hồng Quang, Ngũ Hùng và Hùng Sơn được triển khai mô hình ứng dụng một phần tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất với quy mô diện tích gần 180 ha và ứng dụng đồng bộ tiền bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa với quy mô diện tích gần 80 ha. Mô hình ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật áp dụng cơ giới hóa ở tất cả các khâu: làm đất, gieo mạ khay, cấy máy, gặt đập liên hợp. Lúa ở mô hình này sinh trưởng và phát triển tốt, vụ xuân có nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn, bạc lá, không bị bệnh khô vằn, vụ mùa nhiễm sâu cuốn lá mức độ trung bình, sâu đục thân, rầy nâu ở mức nhẹ, đặc biệt lúa không nhiễm đạo ôn, khô vằn. Nguyên nhân là do mật độ cấy thưa, cây lúa quang hợp ánh sáng tốt nên khỏe mạnh, sức kháng bệnh cao. Năng suất lúa đạt 52,8 – 61 tạ/ha ở vụ xuân và 54 – 60 tạ/ha ở vụ mùa. Mô hình ứng dụng một phần tiến bộ kỹ thuật áp dụng cơ giới hóa ở các khâu: làm đất, gặt đập liên hợp. Lúa sinh trưởng và phát triển tốt, vụ xuân chủ yếu nhiễm bệnh đạo ôn và khô vằn, bệnh bạc lá ở mức độ nhẹ; vụ mùa nhiễm bệnh khô vằn, sâu cuốn lá, rầy nâu và dễ bị đổ ngã khi gặp mưa to, bão. Năng suất lúa đạt 49 – 56 tạ/ha ở vụ xuân và 50-55 tạ/ha ở vụ mùa.
Tổng chi phí vật tư cho mô hình ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật là 22,6 – 24,3 triệu đồng/ha/vụ, ở mô hình ứng dụng một phần tiến bộ kỹ thuật là 24,1 – 25,6 triệu đồng/ha/vụ, và sản xuất đại trà của hộ nông dân là 28,1 – 29,8 triệu đồng/ha/vụ. Sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi ở mô hình ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật là 17 – 17,9 triệu đồng/ha/vụ, ở mô hình ứng dụng một phần tiến bộ kỹ thuật là 11,9 – 14,3 triệu đồng/ha/vụ, và sản xuất đại là 7,9 triệu đồng/ha/vụ.
Như vậy, mô hình ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa đã khẳng định những ưu thế so với mô hình ứng dụng một phần tiến bộ kỹ thuật và sản xuất đại trà ở một số địa phương của huyện Thanh Miện. Đó là giảm chi phí đầu vào sản xuất, tăng năng suất lúa, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cho các hộ nông dân. Xét về hiệu quả xã hội, mô hình ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật đã giảm công sức lao động, rút ngắn thời gian lao động, giảm sức ép mùa vụ, bên cạnh đó giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Từ kết quả thực nghiệm trên đồn ruộng, Phòng Nông nghiệp huyện Thanh Miện đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăm bón lúa cấy bằng mạ khay và kiến nghị các giải pháp nhân rộng mô hình. Cụ thể là: quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tăng cường tuyên truyền kỹ thuật, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho các hộ sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thị trường đầu ra ổn định để tiêu thụ lúa gạo, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Nguyễn Thị Ánh