Sáng ngày 15/4/2016, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương tổ chức hội nghị tổng kết dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Dự án thuộc chương trình “Ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2012 – 2015”, do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tỉnh Hải Dương chủ trì thực hiện.
Trong 4 năm (2012 – 2015), Dự án đã triển khai mô hình với tổng diện tích 62 ha, số lượng con giống thả là 1,24 triệu con cá rô phi lai xa, tại 13 xã, phường thuộc 5 huyện và thị xã trong tỉnh Hải Dương, bao gồm: Ngô Quyền, Tứ Cường, Chi Lăng Nam (Thanh Miện), Cổ Bì, Hồng Khê (Bình Giang), Quang Khải, Xuân Nẻo (Tứ Kỳ), Thất Hùng (Kinh Môn), Chí Minh (Chí Linh), Hồng Thái (Ninh Giang). Trong đó có Xuân Nẻo và Chí Minh là các địa phương triển khai mô hình 2 năm liên tục.
Đối tượng cá rô phi lai xa đơn tính đực do Công ty Cổ phần giống cây trồng Hải Dương sản xuất tại Xí nghiệp giống thủy sản Tứ Kỳ và cung ứng cho các hộ tham gia mô hình. Kết quả theo dõi mô hình cho thấy cá sinh trưởng phát triển tốt, tốc độ lớn nhanh, trọng lượng cá trung bình đạt 730 gram/1 con, cá biệt có một số hộ nuôi cá sau 6 tháng đạt trọng lượng trên 1kg/con. Tốc độ tăng trưởng của cá được đánh giá nhanh hơn so với một số giống cá rô phi vẫn được nuôi tại địa phương. Năng suất bình quân của mô hình nuôi ghép cá rô phi lai xa đạt 13,5 – 14 tấn/ha/năm, trong đó riêng cá rô phi lai xa đạt 12 tấn/ha/năm. Hiệu quả kinh tế bình quân đạt 70 triệu đồng/ha, có 2 địa phương đạt 80-95 triệu đồng/ha.
Dự án cũng tiến hành thử nghiệm mô hình nuôi cá rô phi lai xa trong môi trường được xử lý đồng bộ bằng chế phẩm sinh học BIOF và EM góp phần làm giảm chi phí phòng ngừa dịch bệnh cho cá, đặc biệt là giảm thiểu việc sử dụng chất hóa học trong nuôi thủy sản.
Tại buổi hội thảo, ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hải Dương cho biết: Hải Dương có 10.800 ha nuôi thủy sản thì riêng cá rô phi đã chiếm tới diện tích 3.700 ha. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ cá rô phi trên thị trường ngày càng lớn, yêu cầu tăng diện tích 50-70%. Mô hình nuôi cá rô phi lai xa đơn tính đực dòng Isarel đã góp phần đưa một đối tượng nuôi có hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Với cá rô phi lai xa, các hộ nuôi có thể nuôi gối vụ, tăng số vụ thả cá từ 2-3 vụ/năm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Anh Vũ Văn Luật, một trong những hộ tham gia mô hình tại xã Quang Khải, huyện Tứ Kỳ cho biết: Năm 2015, gia đình anh nuôi giống cá rô phi lai xa do ban chủ nhiệm dự án cung cấp giống cho thấy giống cá này có nhiều ưu điểm như cá khỏe mạnh, dày mình, màu sắc đẹp nên giá bán cao hơn giống cá rô phi trước đây. Với 0,5 ha nuôi ghép cá rô phi lai xa với các loại cá khác như trắm, chép, trôi, mè, gia đình anh thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý đáy ao và môi trường nước ao nuôi đã hạn chế rất nhiều bệnh trên cá so với trước đây.
Theo các đại biểu tham dự hội thảo, mô hình đã khẳng định ưu thế về hiệu quả kinh tế của giống cá rô phi lai xa đơn tính đực dòng Isarel; nguồn gốc giống cá do Xí nghiệp giống thủy sản Tứ Kỳ sản xuất và cung ứng đảm bảo con giống chất lượng cao; các chế phẩm sinh học có tác dụng cải thiện rõ rệt chất lượng môi trường nước ao nuôi. Mô hình đã giúp các hộ nuôi thủy sản tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, về chế phẩm sinh học, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nuôi thủy sản, hạn chế tối đa việc sử dụng chất kháng sinh, tạo nguồn thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng.
Kết luận đánh giá mô hình, ThS Phạm Văn Bình đánh giá: Dự án đã hoàn thành các mục tiêu, nội dung đề ra, xây dựng thành công mô hình nuôi ghép cá rô phi lai xa đạt hiệu quả kinh tế cao, thử nghiệm thành công việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường ao nuôi thủy sản. Hội đồng khoa học công nghệ thống nhất nghiệm thu kết quả thực hiện Dự án.
Nguyễn Thị Ánh