Đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất rau quả tươi an toàn (VietGAP) theo liên kết chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm” do TS. Lê Đình Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Hải Dương thực hiện trong 02 năm 2014, 2015. Sau 2 năm triển khai đề tài, một số mô hình sản xuất rau an toàn đã góp phần nâng cao nhận thức của người nông dân về sản xuất an toàn, đồng thời tạo được một kênh tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Thực hiện đề tài trên, Chi cục đã xây dựng mô hình sản xuất cà chua và bí xanh tại xã Thượng Đạt và xã An Châu (Thành phố Hải Dương) với quy mô 23 ha, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi an toàn (gọi tắt là VietGAP). Mô hình sản xuất cà chua an toàn sử dụng giống cây cà chua Savior ghép trên gốc cà tím, là giống cà chua đã được đánh giá phù hợp trong những năm gần đây. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% tiền mua cây giống và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật quy trình thực hành sản xuất an toàn. Toàn bộ quy trình kỹ thuật sản xuất được các hộ nông dân ghi chép tạ nhật ký sản xuất theo đúng quy định của Ban quản lý VietGAP tại địa phương. Kết quả đánh giá cho thấy cà chua trồng 02 vụ/năm đều cho thời gian ra hoa sau trồng 30 ngày; tỷ lệ đậu quả đạt trên 50%; số quả trung bình đạt 2,6 – 3,5 quả/chùm; số chùm trên cây đạt 9,5 – 10 chùm/cây; trọng lượng quả đạt 50-80 gram/quả. Năng suất cà chua đạt 50 tấn/ha ở vụ hè thu và 40 tấn/ha ở vụ mùa. Để kiểm nghiệm độ an toàn của cà chua sản xuất theo quy trình VietGAP, đề tài đã tổ chức lấy 6 mẫu kiểm nghiệm. Kết quả phân tích chất lượng sản phẩm cà chua VietGAP đều đảm bảo an toàn các chỉ tiêu, không phát hiện mối nguy mất an toàn vi sinh vật và thuốc bảo vệ thực vật. Xét về hiệu quả kinh tế, mô hình sản xuất cà chua VietGAP đạt năng suất 7,7 tấn/ha (tương đương với năng suất của mô hình sản xuất đại trà); giá bán cà chua đạt 7,7 triệu đồng/tấn (cao hơn so với giá bán cà chua ở mô hình sản xuất đại trà), hiệu quả kinh tế tăng 12% so với sản xuất đại trà.
Mô hình sản xuất bí xanh VietGAP được triển khai tại xã An Châu, áp dụng giống Bí xanh số 2 trong vụ đông năm 2014 và vụ đông năm 2015. Việc áp dụng quy trình VietGAP được người sản xuất và doanh nghiệp tiếp nhận đúng quy trình, song do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài khiến sản xuất bí xanh vụ đông 2015 gặp nhiều khó khăn. Năng suất bí xanh số 2 đạt 56 tấn/ha (năm 2014) và 10 tấn/ha (năm 2015). Năm 2014, sản xuất bí xanh VietGAP cho thu lãi 210 triệu đồng/ha, tăng 9% so với sản xuất bí xanh đại trà.
Bên cạnh việc hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, ban chủ nhiệm đề tài đã phối hợp cùng một số đơn vị, doanh nghiệp tổ chức kênh tiêu thụ nông sản cho các hộ sản xuất. Sản phẩm cà chua VietGAP đã được đưa vào hệ thống siêu thị BigC từ ngày 20/10/2014, sản phẩm bí xanh từ ngày 27/12/2014. Tổng sản phẩm cà chua VietGAP đã đưa vào siêu thị bigC là 75 tấn (chiếm 30% tổng sản phẩm), sản phẩm bí xanh là 84 tấn (chiếm 30% tổng sản lượng sản xuất). Sang năm 2015, do sản xuất bị ảnh hưởng của thiên tai khiến sản lượng thu hoạch thấp, mẫu mã quả nhỏ không đáp ứng đủ yêu cầu nên sản lượng đưa vào siêu thị chỉ khoảng 20%, ước đạt 6 tấn cà chua. Ngoài ra, sản lượng nông sản của mô hình sản xuất được đưa đi tiêu thụ tại các cửa hàng rau an toàn và thị trường tiêu thụ tự do.
Đánh giá về mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP triển khai tại tỉnh Hải Dương trong 2 năm qua, ông Nguyễn Văn Hùng, xã Thượng Đạt, TP. Hải Dương – một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: Sảm xuất cà chua VietGAP năm 2014 thời tiết thuận lợi và nông dân có kinh nghiệm, kỹ thuật trang bị nhiều năm trước đây nên mô hình cho năng suất cũng như hiệu quả kinh tế cao. Năm 2015 do thời tiết khắc nghiệt khiến nông dân bị thiệt hại ngay từ giai đoạn cấp giống. Mặc dù vậy, nhờ tham gia mô hình nên nhiều hộ dân đã biết cách ghép cây cà chua trên gốc cà tím, được hỗ trợ kỹ thuật, dụng cụ ghép cây và tạo thói quen ghi chép quá trình sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Phong, trưởng phòng Kinh tế thành phố Hải Dương cũng đánh giá hiệu quả xã hội của đề tài mang lại, đó là từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của người sản xuất về nông sản an toàn. Song để sản xuất an toàn ngày càng phát triển, nông dân cần sự hỗ trợ của tỉnh trong việc đầu tư cơ sở vật chất, hạn chế rủi ro do thời tiết như sản xuất năm 2015 nông dân phải gánh chịu.
Mô hình sản xuất rau quả tươi an toàn theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đã bước đầu khẳng định ưu thế về giá trị cao của nông sản an toàn, bước đầu hình thành kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định và giá bán cao, song cũng còn gặp nhiều khó khăn. Sản xuất hàng hóa đòi hỏi áp dụng trên quy mô diện tích lớn và ổn định; quy trình kỹ thuật sản xuất hạn chế thấp nhất rủi ro của thời tiết, nhất là vấn đề thời vụ. Chính vì vậy, việc sản xuất theo VietGAP cần được quy hoạch đồng bộ và cụ thể hơn nữa đối với từng địa phương; tăng cường sự hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh đối với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo tỉnh ổn định trong sản xuất của nông dân, từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay.
Tại hội nghị một số đại biểu đã đề nghị chủ nhiệm đề tài chỉnh sủa báo cáo, bổ sung và đánh giá hiệu quả thực tế về chất lượng và chi phí sản xuất
Nguyễn Thị Ánh