Nông dân trồng măng tây ở xã Đức Chính huyện Cẩm Giàng

Xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng có truyền thống trồng cây rau màu từ nhiều năm trở lại đây, nhiều nhất là cây cà rốt. Thu nhập của nông dân trồng cà rốt khoảng 150 triệu đồng/ha, cao gấp 7 lần so với cấy lúa. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây thị trường tiêu thụ cà rốt khó khăn nên thu nhập từ trồng cà rốt đã giảm sút, thậm chí nông dân thua lỗ vì giá bán cà rốt quá thấp không đủ tiền thuê nhân công thu hoạch. Từ thực tế trên, hộ gia đình ông Trần Mạnh Chử, thôn Xuân Kiều, xã Đức Chính đã tìm hướng thay đổi loại cây rau màu khác thay thế cây cà rốt.
Nông dân trồng măng tây ở xã Đức Chính huyện Cẩm Giàng
Sau thời gian tìm hiểu thông tin trên mạng internet, tham khảo thông tin từ bạn bè, người quen và nhiều ngày đắn đo suy tính, vợ chồng ông Chử đã quyết định lựa chọn cây măng tây về trồng trên đất ruộng trồng cà rốt của gia đình mình. Quyết định gắn bó với cây măng tây, vợ chồng ông đã liên hệ với công ty cung ứng cây giống, đi tham quan một số mô hình trồng măng tây cho giá trị kinh tế cao ở các địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh.
Cùng thời điểm với vụ gieo trồng cà rốt của người dân xã Đức Chính, tháng 9-2014, gia đình ông Chử bắt đầu mua cây giống măng tây về trồng với diện tích ban đầu hơn 1 mẫu ruộng. Cây măng tây được trồng theo luống và theo hàng đơn, hàng cách hàng 1,2m, cây cách cây 45cm. Mật độ trồng khoảng 6.500-8.000 cây/sào. Đất trồng măng tây được bón lót bằng phân chuồng ủ hoai đã được khử bệnh và bổ sung phân lân. Trên cùng hàng cây trồng, chen giữa các cây măng, tiến hành cắm các cọc tre rồi dùng dây cước nilon chắc chắn giăng thành hàng đôi (kẹp cây măng ở giữa), để giữ cây luôn đứng thẳng. Sau khi trồng 5 tháng, ông Chử chọn giữ lại 2-3 cây mẹ khỏe mạnh ở mỗi khóm, tiến hành cắt hạ bớt ngọn, hạn chế độ cao cây măng khoảng 1,2 m. Ông Chử cho biết mục đích của việc cắt hạ ngọn là để kích thích việc trổ măng, kết hợp dưỡng cành lá thật sum suê để lấy ánh nắng quang hợp nuôi dưỡng cây măng; mỗi gốc chỉ để 2-3 cây mẹ để tăng độ thông thoáng gió phòng tránh bệnh hại cho cây. Mười ngày sau, cây bắt đầu trổ măng tơ thì ông tiến hành thu hoạch hết lượt lứa măng tơ trong vòng nửa tháng và bắt đầu dưỡng cây cho thu hoạch lứa mới.
Như vậy, sau 6 tháng chăm sóc, diện tích măng tây cho thu hoạch chính thức. Ruộng măng tây cho thu hoạch mỗi ngày 1 lần, với sản lượng 30 – 50 kg mỗi ngày. Ông Chử xuất bán măng tây cho doanh nghiệp vận chuyển tiêu thụ ở thị trường Hà Nội. Giá bán măng tây đạt 60.000 - 80.000 đồng/kg. Mỗi lứa thu hoạch kéo dài trong khoảng 3 tháng. Sau mỗi đợt thu hoạch sẽ cho cây nghỉ từ 25-30 ngày để chăm sóc dưỡng cây. Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Chử thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ cây măng tây, đến nay gia đình ông Chử đã mở rộng diện tích trồng măng tây lên hơn 2 mẫu. Với diện tích này, gia đình ông chử vẫn chỉ cần sử dụng 02 lao động của gia đinh để trồng, chăm sóc và thu hoạch măng tây mà không cần thuê nhân công.
Trong quá trình trồng và chăm sóc, ông Chử đã rút ra được nhiều kinh nghiệm và lưu ý kỹ thuật đối với cây trồng này. Ông chử cho biết: Vì chồi măng sinh sôi và phát triển chủ yếu vào ban đêm cho nên không được tưới nước cho cây măng tây xanh sau 17 giờ chiều mỗi ngày, vì sẽ làm cong vẹo đầu chồi măng, làm giảm hoặc mất sản lượng măng vào ngày hôm sau. Chỉ được tưới nước cho cây măng tây xanh vào các buổi sáng sớm mỗi ngày, sau khi đã thu hoạch xong. Đặc biệt, trong quá trình trồng măng tây không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc diệt cỏ mà phải dọn cỏ thủ công, phun thuốc sinh học để bảo đảm vệ sinh và an toàn cho cây.
Măng tây là loại cây lâu năm, thời gian thu hoạch kéo dài từ 8-10 năm. Theo đánh giá của ông Chử, măng tây là loại nông sản sạch, giá trị dinh dưỡng cao đang được thị trường ưa chuộng. Đây cũng là loại cây dễ trồng, có giá trị kinh tế cao, song chi phí ban đầu cho cây măng tây khá lớn. Trung bình mỗi sào gia đình ông phải đầu tư khoảng 15 triệu đồng gồm tiền cây giống, lắp đặt hệ thống phun tưới và chăng phủ bạt nilon hạn chế cỏ dại. Bên cạnh đó, sản lượng măng tây của gia đình ông chưa có chứng nhận rau an toàn nên phải bán qua thương lái để vào các siêu thị, giá bán không cao. 
Hiện nay, ở Cẩm Giàng ngoài gia đình anh Chử thì anh Hồ Văn Phông ở cùng thôn Xuân Kiều cũng đã trồng 5 sào măng tây. Để nâng cao giá trị của loại cây trồng này, cần có sự quan tâm của các ban, ngành địa phương giúp đỡ nông dân đăng ký sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn rau an toàn VietGAP để có cơ hội đưa măng tây hướng tới thị trường giá trị cao.
Nguyễn Thị Ánh

Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập250
  • Hôm nay51,672
  • Tháng hiện tại1,130,648
  • Tổng lượt truy cập3,835,852
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây