Chăn nuôi gia súc, gia cầm gặp khó

Hiện nay tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh ta gặp nhiều khó khăn như giá bán thịt, trứng gia súc, gia cầm giảm mạnh ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất, nhiều cơ sở trang trại chăn nuôi giảm quy mô đàn.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm gặp khó
Ông Phạm Văn Quyến - chủ một trang trại ở thôn Tuyển Cử, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang cho biết: trang trại gia đình ông có hơn 4.000 m2 được xây dựng theo chu trình khép kín, Hiện nay, với hơn 70 con lợn thịt đã được bán từ tháng 7, nhưng gia đình ông vẫn chờ giá tăng cao nên chưa bán, song đến nay giá vẫn thấp, nếu bán theo giá mua hiện tại của thương lái là 36.000-37.000 đồng/kg thì ông Quyến chỉ thu về hơn 200 triệu đồng, tính trung bình gia đình ông lỗ từ 200.000-300.000 đồng/con lợn, chỉ tính từ đầu năm đến nay gia đình ông đã lỗ hơn 130 triệu. Theo tính toán của ông Quyến thì với giá bán như thế không chỉ riêng gia đình ông mà nhiều trang trại nuôi lợn sẽ không có lãi, thậm chí còn lỗ nặng. Không chỉ giá lợn lao dốc, giá gà công nghiệp cũng chỉ còn 20-24.000 đồng/kg, so với giá thị trường thời kỳ đầu năm thì lỗ từ 5.000-6.000 đồng/con, hiện nay gia đình ông không tái đàn gà mà chỉ nuôi số gà còn lại hơn 2.000 con. . Người chăn nuôi vất vả, tốn kém với mong muốn mang lại hiệu quả kinh tế song thực tế chăn nuôi rơi vào thảm cảnh mất giá. Nếu bán thì không có lãi, mà giữ lại chờ giá có khi lại thiệt hại nặng hơn vì chi phí thức ăn mỗi ngày một cao, tăng 10-15% so với năm ngoái. Trong khi đó những gia đình chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại thì chi phí 100% các loại thức ăn công nghiệp, thế nên người chăn nuôi đang rơi vào tình cảnh khốn đốn, mất giá.
Những năm gần đây đã xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô lớn, theo hướng sản xuất hàng hoá. Song, người chăn nuôi luôn phải đối mặt với khó khăn, hết dịch bệnh rồi đến thông tin hóa chất độc hại dẫn đến sức tiêu thụ giảm, thị trường bấp bênh, gây thiệt hại cho người sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Tùng, phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc cho biết: Gia Lộc hiện nay có khoảng 3200 hộ chăn nuôi phát triển sản xuất theo hướng trang trại và gia trại. Tuy nhiên, thực tế hiện nay người chăn nuôi Gia Lộc cũng rơi vào tình trang thê thảm, nhiều hộ chăn nuôi đã giảm đàn, đóng chuồng bởi do diễn biến dịch bệnh, do tác động tâm lý của người tiêu dùng về thông tin chất tạo nạc, để đảm bảo chăn nuôi không lỗ, người chăn nuôi phải giảm quy mô đàn. Từ đầu tháng 3-2012, thông tin về chất cấm khiến giá thịt lợn siêu nạc đang từ 50.000-52.000 đồng/kg, đến nay chỉ còn từ 40.000-44.000 đồng/kg, giá lợn nai thịt chỉ còn 35.000-37.000 đồng. Tính trung bình người chăn nuôi lỗ từ 300.000-500.000 đồng/1 tạ lợn. Nhiều trang trại chăn nuôi hiện nay vẫn giữ nguyên được tổng đàn với hy vọng thời gian tới giá sẽ tăng trở lại.
Đối với chăn nuôi gia cầm như gà, vịt người chăn nuôi cũng không tránh khỏi thua lỗ, giá gà màu chỉ còn dưới mức 30.000 đồng/kg, lỗ 6.000 đồng/kg, giá gà trắng công nghiệp chỉ còn giá từ 19.000-20.000 đồng/kg, so với thời điểm trước lỗ từ 9.000-10.000 đồng/kg, nuôi gà đẻ lấy trứng cũng đang bị lỗ khoảng 300 đồng/trứng, sức tiêu thụ giảm là nguyên nhân chính khiến giá gà giảm mạnh.
Tuy nhiên, nghịch lý hiện nay là người chăn nuôi làm ra sản phẩm như lợn, gà, vịt bán giá rất rẻ, song khi ra chợ mua thịt thì giá rất cao, giá thịt lợn được bán ở chợ từ 60-120.000 đồng/kg, giá vịt từ 60.000-75.000 đồng/kg, giá gà từ 70.000-90.000 đồng/kg. Nguyên nhân dẫn tới nghịch lý trên là do sức mua của người tiêu dùng ít, người chăn nuôi chưa có thị trường tiêu thụ ổn định nên khi "cung vượt quá cầu" thường bị các thương lái ép giá dẫn tới người tiêu dùng phải chịu thiệt khi giá bán thịt tại các chợ vẫn không giảm. Như vậy, chăn nuôi hiện nay không chỉ thiệt đơn mà còn bị thiệt kép bởi không chỉ người sản xuất lỗ nặng mà còn ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.
Nói về nguyên nhân dẫn đến chăn nuôi gặp khó khăn trong những tháng trở lại đây, Ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội chăn nuôi tỉnh cho biết: Thực tế hiện nay, chăn nuôi tỉnh ta nhìn tổng thể vẫn là một nền chăn nuôi nhỏ, phân tán dẫn đến người chăn nuôi tùy tiện trong việc thực hiện quy trình kỹ thuật, nguy cơ cho việc cảm nhiễm bệnh tật cao (thời gian tiêm phòng, thuốc...), tùy tiện trong quá trình phòng dịch tổng hợp (xử lý chuồng trại, dụng cụ, nguồn gốc giống...). Người chăn nuôi chưa chú trọng đến thành phần nhu cầu thức ăn cho từng loại đối tượng gia súc gia cầm, cho từng độ tuổi trong quá trình sinh trưởng phát triển, trong khi đó chăn nuôi theo hướng công nghiệp sử dụng chủ yếu là thức ăn công nghiệp, giá thành thức ăn cao, thường xuyền tăng cao, so với thời điểm trước đó từ 10-15%, giá bán cho thương lái thấp thì người chăn nuôi lỗ vốn. So với thời điểm đầu năm, giá thịt lợn giảm từ 17-20%, gia cầm giảm từ 20-25%, đặc biệt trứng giảm tới 35-40%, thông tin có sử dụng chất cấm nhóm Beta Agonist trong thức ăn chăn nuôi đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý người tiêu dùng, Giá thức ăn tăng cao, sức mua thực phẩm chăn nuôi bấp bênh, phần nhiều chưa có lợi cho người sản xuất.
 Do chăn nuôi trong khu dân cư vẫn là chủ yếu, các điều kiện để xử lý môi trường chưa đồng bộ làm cho ô nhiễm môi trường sống đồng thời tiểm ẩn những mầm bệnh dễ phát sinh dịch bệnh. Trong vòng 5 năm trở lại đây, dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm xuất hiện liên tục, đó là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có thuốc đặc trị như lở mồm long móng ở gia súc, bệnh tai xanh ở lợn, dịch cúm gia cầm H5N1 ở gà...cụ thể, tháng 7 vừa qua, dịch cúm gia cầm xuất hiện trái mùa tại thôn Tú, xã Vĩnh Lập, huyện Thanh Hà gây thiệt hại cho người sản xuất.
Theo nhận định của các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, từ nay đến cuối năm, tình hình sản xuất chăn nuôi còn hết sức khó khăn, nếu không có các giải pháp cấp bách, các tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, có thể xảy ra nguy cơ thiếu hụt nguồn thực phẩm do người chăn nuôi giảm đàn và không tái đàn trong thời gian tới.
 Để chăn nuôi phát triển ổn định trở lại, người chăn nuôi phải thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh bảo vệ đàn gia súc, gia cầm đặc biệt là dịch tai xanh trên đàn lợn và cúm gia cầm H5N1, lở mồm long móng gia súc, tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh vụ thu đông và tiêm bổ sung theo quy định của cơ quan thú y. Khuyến cáo người chăn nuôi nhập giống mới về nuôi ở những cơ sở sản xuất giống có địa chỉ rõ ràng, có chất lượng tốt và đã được tiêm phòng, không mua giống trôi nổi trên thị trường. Các cơ quan chức năng áp dụng chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật kiểm tra, kiểm soát thị trường lưu thông phân phối, có biện pháp chống ép giá bán đối với người chăn nuôi và thực hiện chính sách kích cầu một số mặt hàng thực phẩm chính, trong đó có thịt lợn, thịt gia cầm và trứng gia cầm.
Hòa Thuận



Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây