Ảnh minh họa. Ngày 22/8, các nhà khoa học Philippines cho biết đã phát triển được một giống lúa gạo có thể sinh trưởng thuận lợi ở những vùng đất thiếu phốtpho dinh dưỡng, một kỳ tích có thể giúp tăng sản lượng gạo tới 20%.
Công bố này đã chấm dứt quá trình tìm kiếm PSTOL-1 (phosphorus-starvation tolerance 1), một loại gene bí ẩn giúp rễ cây mạ có thể tách phốtpho khỏi đất và cho phép chúng tăng trưởng mạnh mẽ ở thời kỳ đầu.
Bà Sigrid Heuer ở Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tại Philippines cho hay gene PSTOL-1 nay đã được cấy vào nhiều giống lúa hiện đại khác nhau nhờ sử dụng các phương pháp nhân giống chéo truyền thống chứ không phải kỹ thuật gene.
Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại từ Manila, bà Heuer nói rằng vào tuần tới, các chuyên gia gây giống đến từ Bangladesh, Ấn Độ và Thái Lan sẽ được giới thiệu về phát hiện thú vị này.
Đột phá trên tìm cách giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất mà những người nông dân từ Đông Nam nước Mỹ đến Nam Mỹ, Đông Nam Á và Trung Quốc đang phải đối mặt.
Nhiều loại đất giữ chặt phốtpho và chỉ nhả một lượng nhỏ khoáng chất quý hiếm này cho rễ cây. Để khắc phục điều này, người nông dân đã sử dụng các loại phân lân.
Tuy nhiên, ở những nước nghèo, cách làm này thường rất tốn kém khiến cây lúa không được chăm sóc đầy đủ trong một giai đoạn nhất định làm ảnh hưởng đến năng suất khi cây lớn lên.
Quá trình tìm kiếm gene PSTOL-1 bắt đầu từ cuối thập niên 1990 khi các nhà nghiên cứu hết sức ngạc nhiên trước giống lúa Kasalath trồng ở Ấn Độ phát triển mạnh mẽ trong điều kiện thiếu phốtpho.
Các loại phân lân thường được sản xuất từ những tầng đá mà nhiều triệu năm về trước là trầm tích đại dương. Giá của loại phân lân này đã tăng gấp hơn hai lần từ năm 2007 và theo tính toán, nguồn cung phân lân trên thế giới sẽ cạn kiệt trong 50-100 năm nữa./.
Theo: vietnamplus