Bí quyết phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

Trong đợt dịch tai xanh trên đàn lợn (hay còn gọi là hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản) bùng phát trên địa bàn huyện Đông Triều (Quảng Ninh) vào tháng 6 vừa qua, toàn huyện bị thiệt hại nặng nề với trên 12.600 con lợn bị bệnh; trong đó, trên 5.000 con phải tiêu huỷ. Xã Nguyễn Huệ khi đó cũng là trọng điểm vùng dịch với hàng nghìn con lợn bị nhiễm bệnh. 
Bí quyết phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm
Nhiều thôn xóm trong xã xuất hiện dịch bệnh ở 100% gia đình chăn nuôi lợn. Không ít hộ trắng tay vì số lợn mắc bệnh đều chết hết. Thế nhưng, riêng trang trại lợn, gà của gia đình anh Ngô Văn Sỹ và chị Lê Thị Thành, ở thôn 1 của xã lại không hề bị ảnh hưởng bởi đợt dịch bệnh trên. Trang trại này luôn có hàng trăm con lợn thịt và nhiều lợn sinh sản, 3.000 đến 5.000 con gia cầm, tổng doanh thu mỗi năm ước đạt 5-7 tỷ đồng; trong đó lãi ròng trên 500 triệu đồng.
Nhiều người cho rằng sở dĩ đàn lợn nhà anh Sỹ không bị bệnh bởi vị trí trang trại nằm ở cuối xóm, sát chân đồi và xa vùng trung tâm dân cư nên không bị lây nhiễm dịch bệnh. Thế nhưng theo giải thích của các nhà chuyên môn, thì vị trí đó không quyết định được việc đàn lợn của gia đình anh Sỹ có bị dịch bệnh hay không. Bởi thực tế, dịch bệnh lây lan trong không khí. Vị trí trang trại của gia đình anh Sỹ nằm đón gió hướng Tây nên nguy cơ mắc dịch bệnh còn cao hơn rất nhiều hộ trên địa bàn. Vậy bí quyết gì đã giúp trang trại của anh miễn dịch với "cơn bão tai xanh" vừa qua? - tôi hỏi.
Chị Lê Thị Thành chăm sóc đàn lợn của gia đình.
Theo anh Sỹ, nguyên tắc sống còn trong quá trình chăn nuôi chính là quản lý chặt chẽ quy trình tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi. Cụ thể, tất cả số lợn, gà nhà anh đều được tiên vắc xin đúng số lần, đúng ngày tuổi. Anh Sỹ cho biết: "Đối với lợn, ngay từ khi lợn lái mang thai đã phải tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh. Lợn con sau khi ra đời được 7 ngày tiêm tiếp và sau đó nhắc lại định kỳ đúng thời điểm. Đối với gia cầm cũng vậy, ngay khi lấy giống từ lò ấp ra 1 ngày phải tiêm vắc xin luôn, sau đó nhỏ vắc xin và tiêm nhắc lại định kỳ. Điều lưu lý trong quy trình phòng bệnh này là việc tiêm vắc xin phải được thực hiện đều đặn, đúng chủng loại, đúng định kỳ và không bỏ sót một cá thể nào trong đàn. Đặc biệt khi các vùng lân cận xuất hiện các loại dịch bệnh lạ thì phải nắm bắt tìm hiểu và tiêm phòng vắc xin loại dịch bệnh đó cho vật nuôi trong trang trại ngay. Ngoài ra, mặc dù đã tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh trước đó rồi, song trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát vẫn có thể tiêm thêm một liều nữa để tăng cường sức đề kháng, tăng khả năng chống lại bệnh tật cho vật nuôi...".
Tuân thủ đúng nguyên tắc này nên kể từ khi bắt đầu phát triển chăn nuôi lợn, gà (từ những năm 2005) đến nay, trang trại nhà anh Sỹ đều không bị thiệt hại về dịch bệnh. Anh Sỹ khẳng định: "Có thời gian các dịch bệnh bùng phát rất mạnh và liên tiếp, như bệnh dịch lở mồm long móng, xuất huyết trên lợn, cúm gia cầm..., nhiều gia đình trong xã đều lao đao, thua lỗ thì nhà mình vẫn bình yên vô sự". Chị Thành cho biết thêm: "Chăn nuôi thời buổi này khó khăn lắm, trong khi chi phí cao mà doanh thu lại thấp. Tính ra đầu vào từ con giống, đến thức ăn đều đắt đỏ mà đầu ra lại phụ thuộc vào sức mua của thị trường nên rất thất thường, lúc cao lúc thấp. Ví như thời điểm này người chăn nuôi đang rất khó có lãi bởi giá thu mua của thương lái quá thấp. Bởi vậy, nếu chỉ cần mình để giảm đầu con đã bị thua lỗ rồi chứ không nói đến việc bị bệnh dịch mà chết đi phần lớn hay mất cả đàn thì trắng tay, phá sản luôn".
Các cụ ta xưa đã từng nói, "phòng bệnh hơn chữa bệnh", chính nhờ tuân thủ nghiêm quy trình tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi đã giúp cho trang trại của anh Sỹ không chỉ bảo toàn được đồng vốn mà còn sinh lời. Tuy nhiên để làm được điều này, các hộ chăn nuôi luôn phải cập nhật những kiến thức về tình hình dịch bệnh; đồng thời, trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết trong việc triển khai tiêm phòng vắc xin đúng quy chuẩn.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây