Vụ đông ở miền Bắc bắt đầu vào nửa cuối tháng 9 và kết thúc thu hoạch vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm sau. Như vậy cũng chẳng còn bao lâu nữa, nông dân sẽ lại tất bật với cảnh sáng lúa, chiều ngô...
Vụ đông lại đã cận kề, xin được trao đổi cùng bà con những vấn đề về kỹ thuật, tiềm năng và những khó khăn thách thức
1. Về kỹ thuật
Vụ đông có thể xem là một lợi thế cực mạnh của miền Bắc, một vụ với chủng loại cây trồng cực đa dạng và phong phú, sâu bệnh có nhưng ít và chưa khi nào phát sinh đến mức thành "dịch", nền nhiệt, ánh sáng vô cùng thuận cho cây trồng sinh trưởng, tích lũy và KH-CN với nhiều tiến bộ về giống rau màu chỉ 45-90 ngày đã hoàn chỉnh chu kỳ sinh trưởng, khối lượng chất xanh cao, giá trị có khi bằng vài vụ lúa.
Về nhóm giống, vụ đông có 3 nhóm giống với các yêu cầu sinh lý khác nhau như sau: Nhóm cây vụ đông ưa ấm; phân ra như vậy là dựa vào yêu cầu sinh lý của nhóm cây này với nền nhiệt, ánh sáng. Nhóm này chỉ cho năng suất cao khi mà toàn bộ giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng và nửa đầu giai đoạn sinh thực còn nằm trong nền nhiệt độ bình quân ngày đêm cao, với các tỉnh miền Bắc phải hoàn thành ra hoa, kết trái trước 20/11, trước tiết "tiểu tuyết". Trong nhóm này là các cây như ngô, khoai lang, đậu tương, dưa, bí các loại, một số ít rau thuộc nhóm ưa ấm.
Nhóm cây ưa lạnh, nhóm này là một lợi thế lớn vì thời vụ không chèn ép lúa vụ mùa, chủ lực trong nhóm này là khoai tây, su hào, cải bắp, súp lơ và nhóm đậu rau. Các loại rau ăn lá, ăn củ, quả ở vụ đông thường có chất lượng tuyệt hảo, ngọt, thơm vì ngưỡng nhiệt ở giai đoạn giữa và cuối đông ở miền Bắc luôn luôn dưới 20 độ C. Thời vụ nhóm này từ cuối tháng 10 đến hết tháng 12.
Nhóm trung gian ở vụ này là các loại rau củ quả mà công nghệ chọn tạo giống mới những năm gần đây đã đưa ra phổ biến. Nhóm này TGST của nhiều giống khá ngắn, chỉ 40-50 ngày, thậm chí dưới 30 ngày như cải cúc, xà lách... một số giống ăn thân, lá như su hào, cải bắp với các giống chịu nhiệt, có thể trồng sớm để rải vụ và khắc phục tình trạng khan hiếm ở thời điểm giáp vụ rau. Nhóm rau này có cả ưa lạnh và chịu nhiệt, thời vụ của nhóm trung gian có thể gieo cấy suốt những tháng vụ đông.
2. Hiệu quả
Tiềm năng ở vụ đông là rất lớn, và thực tế, năng suất xanh của cây trồng vụ đông cũng rất lớn: 1 ha trồng ớt (loại ớt chỉ thiên có quả bằng ngón tay út, đỏ rực quả chĩa tua tủa lên trời) cho thu hoạch bình quân trên dưới 20 tấn/ha, giá bán năm cao bù năm thấp cũng cỡ 20 ngàn đ/kg, mỗi ha cho thu 400 triệu trong 4 tháng "chiếm đất".
Tương tự như vậy, 1 ha trồng dưa chuột (loại để chế biến muối, quả có đường kính trên dưới 3cm) mỗi ha cho năng suất 40-50 tấn, thuận buồm xuôi gió đạt từ 60-65 tấn; giá 3000 đ/kg, mỗi ha thu 100-150 triệu/3 tháng, trồng 1.000 ha đã cho khối lượng sản phẩm cực lớn 50-60 ngàn tấn.
Tôi cũng đưa ra một con số về khoai tây: 1 ha khoai tây có thời gian chiếm đất 80-90 ngày, năng suất bình quân 15-18 tấn/ha, giá bán 4-5 ngàn/kg, bán đầu vụ 7-8 ngàn đ/kg, mỗi ha cho giá trị thu hoạch trên dưới 100 triệu đồng. Làm 1.000 ha khoai tây có khối lượng sản phẩm 15.000 tấn, cả miền Bắc trồng 20.000 ha khoai tây có khối lượng sản phẩm 300-350 ngàn tấn.
Giá trị này mới chỉ tính ở chuỗi SX giản đơn và SX thô, SX nguyên liệu, sản phẩm này qua chế biến sẽ tăng lên hàng chục lần và thậm chí vài chục lần. Một củ khoai tây làm chíp giá bán gần bằng 1kg khoai loại 1.
3. Khó khăn chất chồng
Biến đổi khí hậu với những diễn biến bất thường, vụ đông ấm, vụ đông rét, ấm đầu vụ, ấm cuối vụ... rét khô, rét ẩm đều tác động mạnh đến kết quả SX vụ đông; nhiều vụ rất thuận, đầu vụ cây sinh trưởng tốt, năng suất cao nhưng cuối vụ, đến khi thu hoạch lại gặp khó, mưa ẩm lình xình cả tuần, khối lượng sản phẩm thì lớn, phơi không được, sấy khó khăn và chưa có hệ thống sấy, thành ra sản phẩm để mốc và giá trị thu hoạch có khi mất đi đến già nửa.
Đấy là chưa kể có những vụ, mưa lớn hàng trăm ly, cây vừa trồng bị nhấn chìm trong bể nước, lại phải "nghiêng đồng" đổ nước ra sông thật nhanh mới có cơ cứu vãn.
Đầu tư, chi phí ngày một gia tăng, phân bón, xăng dầu, thuốc BVTV chỉ có đi lên, chưa mấy khi đi xuống; lao động trẻ khỏe đã ly nông, còn lại toàn U45 đến U60, công lao động nếu đi thuê thì hạch toán cũng chả còn là bao. Người ta so sánh rằng: Nếu làm ít thì lãi thu được/sào chỉ bằng 1-2 ngày đi "cửu vạn" hoặc phu hồ, đành rằng như vậy cũng khập khiễng và nếu ai cũng thế thì lấy đâu nông sản mà tiêu dùng.
Những thách thức về thị trường: SX nông sản của chúng ta nói chung và kể cả các sản phẩm ở vụ đông cũng chịu sự chi phối nghiệt ngã của thị trường; điệp khúc giá lúc tăng, lúc giảm, rồi còn rớt giá đến "thê thảm" cũng là chuyện thường ngày ở huyện.
Cũng có những DN hợp đồng bao tiêu, nhưng thường thì luôn vỡ kế hoạch do không thể mua nổi sản phẩm khi mà giá cả thị trường cao hơn chút ít, giá thấp hơn thì khỏi phải nói, thậm chí sản phẩm bán cho DN còn bị "đánh lận con đen". Hơn thế nữa, SX nông sản của ta vẫn còn kiểu tự do, manh mún và việc tuân thủ các tiêu chuẩn SX như VietGAP mới chỉ là xây dựng mô hình và khuyến cáo.
Chúng ta ở cạnh "ông lớn" Trung Quốc với thị trường trên 1,4 tỷ dân, chỉ vài tỉnh biên giới của họ ăn hàng, lập tức giá nhảy vù vù, còn họ "stop" lại dăm bữa nửa tháng hay hàng của họ được đẩy sang ta thì thôi rồi giá lao xuống không phanh, trong khi SX của ta còn nặng "phong trào" và "thành tích" ít có những liên kết dài hạn và mang tính bền vững trong tổ chức SX.
4. Những vấn đề cần lường đón
Năm nay, có những nhân tố thuận hơn năm 2011, mặc dù lúa xuân 2012 có thu hoạch chậm, nhưng nhìn chung tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu thu hoạch, làm đất gieo cấy đã được cải thiện nên lúa mùa ở các địa phương gieo cấy nhanh và trong khung thời vụ khuyến cáo, hầu hết đến 25/7 lúa mùa ở miền Bắc (vùng các tỉnh ĐBSH) cơ bản đã gieo cấy xong, tỷ lệ trà mùa sớm cao và sau cấy thời tiết khá thuận. Vì vậy lúa mùa sinh trưởng thuận lợi, không có các đợt úng ngập nặng và đánh giá đến thời điểm này, khả năng một vụ mùa nữa lại bội thu nếu không còn bất trắc của mưa bão.
Quỹ đất cho cây vụ đông nhóm ưa ấm với yêu cầu lúa thu hoạch trước ngày 5 hoặc 10/10 là khá thoải mái, mặc dù là năm Thìn, nhưng lượng mưa đến thời điểm này cũng đã khá và cao hơn trung bình nhiều năm, vụ đông hy vọng lượng mưa còn lại sẽ thấp hơn. Cuối năm 2011 và suốt những tháng vừa rồi giá nông sản luôn thấp, nhưng những dự báo của các tổ chức như FAO, một số hiệp hội, ngành hàng thì giá nông sản đang nhích lên và có thể sẽ đạt giá cao vào cuối năm và đầu năm tới.
Cuối năm cũng sẽ là cơ hội cho nông sản VN chiếm lĩnh thị trường, khi mà một số mặt hàng rau củ quả của Trung Quốc đang có những vấn đề về chất lượng và an toàn thực phẩm khiến nhiều thị trường cảnh giác, kể cả thị trường nội địa; nếu chúng ta có những thông tin kịp thời cảnh báo để bảo vệ người tiêu dùng, thì nông sản trong nước sẽ có "sân nhà" rộng hơn.
Những khó khăn luôn thường trực và là nhân tố hạn chế đáng kể SX vụ đông 2012 là: Dư âm và tác động tâm lý của việc "ế hàng, giá thấp" với một loạt nông sản từ 2011, kiến nhiều vùng kém mặn mà hơn với việc mở rộng diện tích; giá vật tư phân bón, giống đầu vào luôn cao, nhất là với một số cây ưa lạnh có lợi thế như khoai tây.
Những bất thường của khí hậu thời tiết và cả những tác động cuối vụ của nó với SX vụ đông 2011, không ít công sức của nông dân đã bị "đánh cắp" ở vụ này. Lao động và các vấn đề thiếu hụt lực lượng cho việc gieo trồng, chăm sóc cây vụ đông, nhất là những nhóm cây có giá trị thu hoạch cao khiến các điều kiện thuận lợi và nguồn lực bị bỏ qua.
Cuối cùng là việc tổ chức thị trường, định hướng cho SX của nông dân vẫn chưa được thực hiện một cách bài bản; tiêu chuẩn SX an toàn chưa được áp dụng rộng rãi, sân nhà hay thị trường nội địa vẫn còn thả lỏng; chế biến tinh năng lực còn thấp và nhiều vùng trọng điểm lại không có, đi cùng với tình trạng này là hạ tầng cho mở rộng phát triển cây vụ đông như hệ thống sấy, sơ chế gần như chưa có ở tất cả các vùng SX lớn và công nghệ sau thu hoạch gần như là số không.
5. Một vài đề xuất
- Khuyến cáo đa dạng hóa nhóm cây trồng vụ đông trên cơ sở xác định nhóm cây chủ lực ở từng nhóm với diện tích hợp lý ở từng vùng để hạn chế rủi ro của cả thị trường lẫn khí hậu thời tiết.
- Có chính sách hỗ trợ sớm nhưng nên để cho các địa phương chủ động lựa chọn chủng loại, cách hỗ trợ theo lợi thế của họ, có thể hỗ trợ giống với cây trồng có đầu vào cao, có thị trường, hỗ trợ cơ giới hóa các khâu quan trọng; đặc biệt hệ thống sấy, sơ chế ở các vùng SX lớn.
- Hỗ trợ DN tham gia liên kết cánh đồng mẫu lớn, bao tiêu nông sản, nên hỗ trợ theo hợp đồng và số lượng nông sản bao tiêu được. Khuyến khích DN tổ chức liên kết SX theo tiêu chuẩn ViệtGAP, phần giá tăng khi mua sản phẩm đạt tiêu chí và có đủ thông tin SX.
Theo Nông nghiệp.vn