Kỹ thuật nuôi nhím

1- Chuồng nuôi: Chuồng nuôi nhím nên làm nửa sáng nửa tối, không cần ánh sáng trực tiếp, tránh mưa tạt và nắng nóng, bảo đảm khô sạch, thoáng mát. Nền và sân chuồng làm bằng bê tông dày 8 - 10 cm, nghiêng khoảng 3 - 4%, để thoát nước và để nhím không đào hang chui ra... Xung quanh khu chuồng rào bằng lưới thép B40, cao trên 1,5 m.

Nên làm hang giả cho nhím ở bằng loại ống cống phi 50 - 60 cm hoặc tôn uốn cong, để nổi trên nền chuồng để vệ sinh, sát trùng...

Máng uống rộng khoảng 20 - 25 cm, cao 20 - 25 cm, để nhím không ỉa đái vào và xây máng ở ngoài sân để nước vung vãi ra không làm bẩn, ướt nền chuồng.

Trong chuồng nên để một vài khúc gỗ, sắt hoặc đá liếm để nhím mài răng và không cắn phá chuồng.

Diện tích chuồng nuôi nhím không cần rộng lắm, trung bình 1m2/con.

2- Thức ăn, nước uống:

- Thức ăn của nhím rất đa dạng như: dễ cây, mầm cây, rau, củ, quả ngọt bùi, đắng, chát... Bình thường nhím ăn 2 kg thức ăn/con/ngày. Nhưng khi nhím đẻ cần bổ sung thêm thức ăn tinh nhiều chất đạm, chất béo, chất bột, đường... để nhím con mau lớn, nhím mẹ đỡ mất sức, vì vừa phải tiết sữa nuôi con vừa mang thai. Thức ăn cho nhím cần bổ sung thêm mầm, rễ cây các loại, nhím đực sẽ phối giống hăng hơn.

- Khẩu phần thức ăn cơ bản hàng ngày cho mỗi con nhím theo từng giai đoạn:

+ Từ 1 - 3 tháng tuổi: Cho ăn mỗi con/ngày: 0,3 kg rau, củ, quả các loại; 0,01 kg cám viên hỗn hợp; 0,01 kg lúa, bắp, đậu các loại.

+ Từ 4 - 6 tháng tuổi: 0,6 kg rau quả củ; 0,02 kg cám viên hỗn hợp; 0,02 kg lúa bắp đậu; 0,01 kg khô dầu, dừa, lạc.

+ Từ 7 - 9 tháng tuổi: 1,2 kg rau quả củ; 0,04 kg cám viên hỗn hợp; 0,04 kg lúa bắp đậu; 0,02 kg khô dầu dừa lạc.

+ Từ 10 - 12 tháng tuổi: 2 kg rau quả củ; 0,08 kg cám viên hỗn hợp; 0,08 kg lúa bắp đậu; 0,04 kg khô dầu dừa lạc.

-Nước uống:

+ Nhím ăn rau, quả, củ nên ít uống nước, nhưng cũng phải có đủ nước sạch cho nhím uống tự do, trung bình 1 lít/5 con/ngày.

+ Nhím thường uống nước vào buổi sáng và buổi trưa. Nhím không thích tắm ướt mình, nếu bị ướt nhím sẽ rùng mình và vẩy lông liên tục sẽ không tốt.

3- Phòng bệnh:

- Nhím thường ít bị dịch bệnh. Một số bệnh thông thường có thể gặp như:
- Bệnh ký sinh trùng ngoài da: Do ve, mò cắn gây nên ghẻ lở, ta có thể dùng thuốc bôi hoặc để nhím tự liếm cũng khỏi. Để phòng bệnh này, nên vệ sinh sát trùng chuồng và xung quanh chuồng mỗi tháng 1 - 2 lần.

- Bệnh đường ruột: Do khẩu phần thức ăn cung cấp không đầy đủ như ngoài thiên nhiên, nhím có thể bị tiêu chảy. Trường hợp này, có thể dùng thuốc trị tiêu chảy hoặc bổ sung thêm thức ăn đắng chát như ổi xanh, cà rốt, rễ cau, rễ dừa... Để phòng bệnh tiêu chảy, nên cân đối khẩu phần thức ăn đầy đủ cho nhím. Không nên cho nhím ăn các loại thức ăn bẩn thỉu, ẩm mốc, hôi thối...

Nguồn: Tài liệu Kỹ thuật Nông nghiệp, http://www.vista.gov.vn/


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây