An toàn sinh học: giải pháp hữu hiệu để bảo vệ an toàn đàn gia cầm

An toàn sinh học là tổng hợp các giải pháp nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh như virus, vi khuẩn, từ đó bảo vệ đàn gia cầm an toàn dịch bệnh. Đặc biệt trong các đợt dịch cúm gia cầm vừa qua những cơ sở chăn nuôi nào làm tốt an toàn sinh học thì dịch cúm gia cầm không xảy ra. Như vậy, an toàn sinh học bao gồm các nội dung và giải pháp nào?

I. Cách ly:
1. Vị trí xây chuồng trại
- Cơ sở chăn nuôi phải cách biệt khu dân cư xa các trại chăn nuôi khác, xa công trình công cộng... đặc biệt phải cách xa chợ, cơ sở giết mổ động vật...
- Có tường rào bao quanh, chiều cao tối thiểu khoảng 2m. Các cơ sở chăn nuôi lớn hành chính phải cách biệt khu chăn nuôi.
2. Nuôi riêng biệt từng khu vực theo giai đoạn sản xuất của từng loại gia cầm:
- Khu ấp nở xuất bán;
- Khu gà mới nở, gà con, gà hậu bị, gà đẻ... ;
- Phải có khu riêng để nuôi gb mới nhập về;
- Không nuôi nhiều loại trong một trại như gà, vịt, ngan, ngỗng, lợn...
3. Cùng nhập, cùng xuất
- Không nên nuôi gối đầu, luân chuyển trong một trại.
- Sau khi xuất hết gia cầm, vệ sinh tiêu độc, khử trùng để trống chuồng trại trong một thời gian rồi mới thả đợt mới vào (nhằm phá vỡ vòng luân chuyển của mầm bệnh).
4. Gà ta thả vườn tự do nên dùng lưới quây lại thành khu riêng biệt để vệ sinh, khử trùng như đối với một trại
II. Quản lý sự di chuyển:
1. Đối với con người
- Hạn chế đến mức thấp nhất khách viếng thăm trại;
- Công nhân chăn nuôi bố trí ăn ở tại trại (đặc biệt trong giai đoạn có nguy cơ phát dịch cao).
- Trước khi vào trại phải tắm rửa, vệ sinh, khử trùng, thay quần áo, mũ, ủng... đặc biệt gia đình công nhân không nên chăn nuôi gia cầm ở gia đình mình.
- Cán bộ thú y, nhân viên kiểm tra phải tuân thủ các điều kiện như công nhân khi ra vào trại.
- Mọi công việc nên tiến hành từ đàn gia cầm nhỏ đến đàn gia cầm lớn tuổi hơn.
- Cán bộ thú y 1à ở trại không hành nghề thú y bên ngoài.
2. Đối với gia cầm và sản phẩm gia cầm
2.1. Đối với gia cầm
- Gia cầm giống đưa vào trại phải khỏe mạnh, lấy từ đàn đã được kiểm tra không nhiễm virus cúm hoặc các bệnh truyền nhiễm khác.
- Gia cầm mới nhập phải nuôi cách ly tối thiểu 3 tuần để theo dõi và cần thiết gửi mẫu xét nghiệm.
2.2. Sản phẩm gia cầm
Cần kiểm tra chặt chẽ không mang thịt, sản phẩm gia cầm vào trại để sử dụng.
- Trứng gia cầm đưa vào trại ấp phải lấy từ những cơ sở đã được xét nghiệm không nhiễm virus cúm.
3. Phương tiện vận chuyển
- Bố trí phương tiện vận chuyển nội bộ riêng trong trại;
- Các xe vận chuyển trước khi vào trại phải được phun xịt khử trùng bằng hóa chất (chú ý bánh xe, gầm xe).
4. Dụng cụ chăn nuôi
- Mỗi khu trại chăn nuôi phải sử dụng riêng.
- Trường hợp luân chuyển dụng cụ phải vệ sinh khử trùng.
III. Vệ sinh:
1. Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đối với tất cả những người có liên quan đến quản lý, chăn nuôi trước khi ra vào trại.
2. Thức ăn phải sử dụng từ những cơ sở cung cấp đảm bảo sạch bệnh, không sử dụng thức ăn bán trôi nổi hoặc sang nhượng thức ăn từ các cơ sở không rõ nguồn gốc.
3. Nước uống phải sử dụng từ nguồn nước ngầm, nước máy đảm bảo, nên khử trùng nước uống thật chặt chẽ.
4. Phải có hố sát trùng, dụng cụ phun xịt trước cổng vào trại. Vào khu chăn nuôi phải có các khay đựng thuốc sát trùng.
5. Vệ sinh chuồng trại
- Định kỳ hàng tuần phải vệ sinh tiêu độc toàn khu vực trại, phát quang, khơi thông cống rãnh, rắc vôi bột, phun xịt thuốc sát trùng.
- Thu dọn, xử lý kỹ chất thải trong trại.
- Sau khi rửa, để khô nền chuồng, tường, quét bằng nước vôi có nồng độ 20%. Hoặc phun xịt bằng các loại hóa chất thích hợp.
6. Vệ sinh dụng cụ chăn nuôi hàng ngày (xô, xẻng...).
7. Tiêu diệt và ngăn chặn các loại động vật gây hại trực tiếp với gia cầm như chuột, chim hoang dã...
Khi có gia cầm chết phải xử lý kỹ bằng cách đào hố sâu, đổ dầu đốt, rắc vôi bột và lấp kỹ. Tuyệt đối không dược vứt xác chết bừa bãi làm ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh.
IV. Nuôi dưỡng:
1. Nên nuôi nhốt gia cầm ở mật độ thấp (bằng 50% mật độ gia cầm/1m2 bình thường).
2. Thức ăn phải đảm bảo chất lượng, đủ thành phần dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh thú y.
3. Bổ sung chất khoáng, vitamin, các chất điện giải để chống stress.
4. Cung cấp đầy đủ nước uống sạch trong quá trình chăn nuôi.
V. Sử dụng Vacxin
1. Sử dụng đầy đủ các loại vacxin của các bệnh truyền nhiễm như: Dịch tả, Gumboro... theo đúng quy trình kỹ thuật cho các loại gia cầm.
2. Vacxin cúm gia cầm chỉ được sử dụng khi được hướng dẫn của Cục Thú y.
VI. Quan hệ láng giềng:
Cần tạo mối quan hệ thật tốt với các gia đình xung quanh để có ý thức cùng bảo vệ đàn gia cầm và bảo vệ môi trường sạch bệnh.
Thường xuyên nắm bắt thông tin kịp thời để xử lý các tình huống tốt nhất, đặc biệt khi có dịch bệnh.

Nguồn: Tạp chí Chăn nuôi, Số 4/2006; http://www.vista.gov.vn

 



Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây