Sản xuất chế phẩm sinh học "BIOF" xử lý đáy ao nuôi thuỷ sản ở Hải Dương

Trong những năm gần đây, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về công nghệ sinh học trong nuôi thuỷ sản đã góp phần làm tăng diện tích, sản lượng và chất lượng thuỷ sản ở tỉnh Hải Dương. Hiện nay giải pháp công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước và đáy ao, hạn chế sự phát triển của các tác nhân gây bệnh và tăng sức đề kháng cho đối tượng thuỷ sản đã được áp dụng phổ biến trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam các chế phẩm sinh học mới được sử dụng chủ yếu cho mô hình nuôi tôm công nghiệp, chưa có nhiều chế phẩm sử dụng cho mô hình nuôi cá nước ngọt.

Năm 2008 - 2009 Công ty cổ phần công nghệ sinh học Hà Nội được UBND Tỉnh Hải Dương giao cho phối hợp với Nhà máy phân vi sinh Việt - Séc thực hiện đề tài: “Hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học xử lí đáy ao nuôi trồng thuỷ sản (BIOF) từ nguồn phân thải chăn nuôi tại tỉnh Hải Dương” để giúp các hộ nông dân ở một số địa phương trong tỉnh xử lí ô nhiễm môi trường và tận dụng nguồn thải từ chăn nuôi sản xuất chế phẩm sinh học xử lí ô nhiễm môi trường đáy ao nuôi cá.

Sau một năm thực hiện đề tài đã đạt được một số kết quả như sau:

Đã tổ chức được 3 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học BIOF cho các hộ tham gia thử nghiệm tại các xã Gia Hoà huyện Gia Lộc, xã Cộng Hoà huyện Nam Sách, xã Hưng Đạo huyện Tứ Kỳ.

Trong quá trình thực hiện đề tài đã tổ chức hội nghị đầu bờ và tuyên truyền kết quả xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm BIOF trong nuôi thuỷ sản trên các phương tiện thông tin đại chúng để các địa phương trong tỉnh học tập áp dụng.

Đã điều tra tình hình nuôi trồng thủy sản và ô nhiễm môi trường ao nuôi thủy sản ở 3 xã: Gia Hoà (Gia Lộc), Cộng Hoà (Nam Sách), Hưng Đạo (Tứ Kỳ). Kết quả điều tra cho thấy:

Về tình hình sử dụng các chế phẩm trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh người dân chủ yếu vẫn sử dụng các loại thuốc kháng sinh, vôi bột, các loại lá cây để khử trùng và chữa bệnh cho cá. Số hộ sử dụng vôi bột và các loại hoá chất chiếm tế 57,7 - 70,6%, số hộ sử dụng chế phẩm sinh học chiếm tỷ lệ thấp (8 - 26,9%).

Bên cạnh việc tăng nhanh về diện tích và sản lượng thuỷ sản là sự gia tăng ô nhiễm môi trường ao nuôi. Qua phân tích mẫu nước và mẫu bùn ao nuôi tại 3 huyện Nam Sách, Gia Lộc, Tứ Kỳ cho thấy: hầu hết ao nuôi cá đều bị ô nhiễm nặng, nước đặc, hàm lượng oxy hoà tan trong nước thấp, các khí độc có nồng độ cao đã gây ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển, năng suất và chất lượng cá. Hàm lượng khí H2S rất cao, có những mẫu hàm lượng H2S đạt từ 0,08 - 0,1mg/l, chỉ tiêu BOD5 có mẫu lên đến 14,3 mg/l. Vi sinh vật hiếu khí có mật độ cao và đạt từ 6,1x106 CFU/l, dẫn đến các loài vi sinh vật gây bệnh cho cá rất nhiều.

Nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm xử lí đáy ao nuôi trồng thủy sản từ nguồn phân thải chăn nuôi ở quy mô công nghiệp tại nhà máy phân vi sinh Việt - Séc - Hải Dương:

Đã phân lập và tuyển chọn được 6 chủng vi khuẩn quang hợp có khả năng phân giải tinh bột cao, 1 chủng vi khuẩn có khả năng phân giải gelatin được lấy từ các mẫu nước, bùn đáy, và phân thải tại các xã Cộng Hoà (Nam Sách), Gia Hoà (Gia Lộc), Hưng Đạo (Tứ Kỳ).

Phân lập được 12 chủng vi khuẩn quang hợp tía lưu huỳnh và lục lưu huỳnh và chọn được 3 chủng Đ1, T1, HP có khả năng chuyển hoá sunfit với hiệu suất chuyển hoá đạt tế 90,3-92,4%. Phân lập được 10 chủng lactic trong đó 100% số chủng có khả năng sinh kháng sinh mạnh.

Phân lập được 3 chủng nấm men, trong đó chủng MS có khả năng tích luỹ sinh khối và protein mạnh nhất trong điều kiện kị khí.

Phân lập đuợc 15 chủng xạ khuẩn và 10 chủng vi khuẩn trong phân và nước thải chăn nuôi có khả năng phân giải nguyên liệu hữu cơ cao.

Từ những chủng vi sinh vật trên đề tài đã sản xuất men vi sinh là nhân tố chính kết hợp với phụ phẩm trong chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất ra chế phẩm sinh học xử lý đáy ao nuôi thuỷ sản BIOF; sau khi được hoàn thiện dây chuyền thiết bị của Nhà máy phân vi sinh Việt-Séc có thể sản xuất 5.000 tấn phân BIOF/năm cung cấp cho thị trường nuôi thuỷ sản trong và ngoài tỉnh, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho công nhân lao động trong nhà máy.

Trong năm 2008 Công ty cổ phần công nghệ sinh học Hà Nội kết hợp với Nhà máy phân vi sinh Việt – Séc đã sản xuất được 10,0 tấn chế phẩm BIOF phục vụ cho mô hình thử nghiệm.

Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý đáy ao nuôi trồng thuỷ sản BIOF: 10,0 ha tại 3 xã: Gia Hoà (Gia Lộc), Cộng Hoà (Nam Sách), Hưng Đạo (Tứ Kỳ), kết quả:

Sử dụng chế phẩm sinh học BIOF để xử lí đáy ao đã cải thiện được môi trường nước và lớp bùn đáy, làm cho ao nuôi trong sạch hơn, tăng hàm lượng oxy hoà tan từ 3,0 - 4,0mg/l lên 6,0 - 6,2mg/l; giảm nồng độ các khí độc, đặc biệt là khí H2S từ 0,06 xuống 0,003mg/l; giảm mật độ vi sinh vật gây bệnh từ 600 CFU/l xuống 50 - 100 CFU/l (đơn vị tế bào/lít nước). Ngoài ra, chế phẩm còn tác dụng rất rõ đến lớp bùn đáy, làm giảm hàm lượng chất hữu cở ở lớp bùn đáy từ 2018 mg/100g bùn xuống còn 1232 mg/100g bùn, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cá.

Sử dụng chế phẩm BIOF xử lí đáy ao làm cho môi trường nước được làm sạch tạo điều kiện thuận lợi cho cá sinh trưởng phát triển tốt, cá ít mắc bệnh, lớn nhanh và đạt trọng lượng cá khi thu hoạch cao hơn so với ao đối chứng không sử dụng chế phẩm BIOF từ 42,0 – 56,7 g/con (6.2 – 8,2 %), làm tăng năng suất cá so với đối chứng từ 0,9 - 1,3 tấn/ha (8,1 – 11,8 %).

Tính toán hiệu quả kinh tế khi sử dụng chế phẩm tại 3 huyện triển khai mô hình cho thấy: các ao thử nghiệm cho lãi từ 58,2-71,6 triệu đồng/ha. Trong khi đó, các ao đối chứng chỉ thu được lãi từ 33,7 - 44,8 triệu đồng/ha. Như vậy, ở các ao thử nghiệm thu lãi cao hơn đối chứng từ 17,3 – 27,4 triệu đồng/ha.

Dự kiến trong năm 2009 khi sản xuất đi vào ổn định Nhà máy phân vi sinh Việt-Séc thuộc Công ty cổ phần Việt Tiên Sơn sẽ tiếp tục sản xuất 10,0 tấn chế phẩm phục vụ cho mô hình thử nghiệm năm thứ 2 tại các huyện nói trên và sản xuất ở quy mô lớn để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

KS. Vũ Văn Tân

(Phòng Quản lý Khoa học, Sở KHCN)


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây