Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm gắn nghiên cứu với sản xuất ở tỉnh Hải Dương

Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm được thành lập năm 1968 theo Nghị định số 24/CP ngày 9/2/1968 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ). Viện được tái thành lập theo quyết định số 220/2005/QĐ-TTg ngày 9/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trên cơ sở Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm với một số đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp.
Về cơ cấu tổ chức, hiện nay Viện có 3 phòng nghiệp vụ, 4 bộ môn và 7 Trung tâm nghiên cứu. Viện có 347 cán bộ công nhân viên, trong đó có 4 phó giáo sư, 22 tiến sĩ, 55 thạc sĩ, 144 cán bộ đại học còn lại là công nhân kỹ thuật và nhân viên.
Trụ sở chính của Viện đặt tại xã Liên Hồng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương có diện tích đất tự nhiện 150 ha, trong đó có 105 ha dành cho nghiên cứu. Cơ sở 2 của Viện tại huyện Thanh Trì, Hà Nội có tổng diện tích đất tự nhiên 55 ha, trong đó đất dành cho nghiên cứu là 38 ha.
Thành tựu nghiên cứu của Viện từ năm 1995 - 2008 có 99 giống cây trồng được công nhận chính thức cho sản xuất. Các giống bao gồm 44 giống lúa, trong đó 40 giống lúa thuần, 4 giống lúa lai; 12 giống cây có củ, trong đó 6 giống khoai tây, 4 giống khoai lang, 2 giống sắn; 8 giống rau, trong đó 4 giống cà chua lai, 2 giống dưa chuột, 1 giống cải bắp, 1 giống bí xanh số 1 và 10 giống cây ăn quả, trong đó có 7 giống táo, 1 giống ổi, 1 giống nhãn và 1 giống khế ngọt chùm sao. Đã có 11 tiến bộ kỹ thuật được công nhận cấp Nhà nước, trong đó có quy trình sản xuất khoai tây bằng hạt, quy trình sản xuất khoai tây bằng hạt lai F1, biện pháp gieo thẳng lúa cho đồng bằng sông Hồng, biện pháp nhân giống nhãn bằng mắt ghép, kỹ thuật che phủ nilon cho lạc, biện pháp kỹ thuật trồng khoai lang luồn lúa, biện pháp kỹ thuật trồng xen lạc với sắn ở miền Bắc, qui trình sản xuất hạt lúa lai F1.
Song song với việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã quan tâm đến việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho tỉnh Hải Dương. Viện đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của tỉnh, nhất là Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ và các huyện trên địa bàn tỉnh. Những tiến bộ kỹ thuật do Viện chuyên giao cho các địa phương trong tỉnh Hải Dương góp phần tăng năng suất cây trồng và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp gồm:
luaChuyển giao tiến bộ kỹ thuật về cây lúa: Viện đã xây dựng mô hình trình diễn về sản xuất, nhân và chuyển giao các giống lúa chất lượng cao: P6, AC5, LT2, HT6, PC6, Bắc thơm nguyên chủng... Các giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt, ngắn ngày như Khang dân, đột biến ĐB1, VĐ8, ĐB6 đạt năng suất trên 6,5 tấn/ha, thời gian sính trưởng ngắn, tạo điều kiện phát triển cây vụ đông, đảm bảo an toàn lương thực; các giống lúa lai HYT100, HYT103 với diện tích gieo cấy hàng trăm ha mỗi năm. Các kỹ thuật gieo thẳng được trình diễn ở huyện Tứ Kỳ, Bình Giang với qui trình mới tiết kiệm công lao động, khắc phục yếu tố mạ chết rét, hoặc bị úng trong vụ chiêm xuân.
Viện đã chủ động xây dựng mô hình và chuyển giao kỹ thuật, cung cấp hạt giống cho các địa phương trong tỉnh, phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Các giống gồm: đậu tương Đ9602, ĐT22, Đ9804, ĐT2000, giống lạc L14, L18.
Chuyển giao kỹ thuật trồng khoai tây Diament (Hà Lan), Mariella và Solara (Đức) ở các địa phương trong tỉnh có tập quán trồng khoai tây, đem lại hiệu quả kinh tế khá. Giống khoai lang KB1 có hàm lượng tinh bột > 30%; giống khoai lang ăn lá KL5 làm thức ăn cho gia súc tốt, năng suất sinh khối cao.
bi_vienChuyển giao kỹ thuật đối với giống cà chua Hồng lan, VT3, C155; dưa chuột lai sao xanh, PC4, Nếp lai 1 đang phát triển trong sản xuất rau vụ thu đông sớm, vụ xuân hè cho hiệu quả kinh tế cao. Giống bí xanh số 1 mới được tạo ra đã và đang mở rộng trong sản xuất hàng trăm ha mỗi năm ở các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Ninh Giang, Tứ Kỳ, thu 70 - 80 triệu đồng/ha/vụ, lãi thuần 35 - 45 triệu đồng/ha/vụ. Viện đang chủ động chuyển giao kỹ thuật và xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn ở các huyện Gia Lộc, Thanh Miện, Ninh Giang... góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho cộng đồng.
dai_taoViện chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc các giống táo Đào vàng, Đào muộn, gần đây giống Đại táo 15 đang được phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh. Giống ổi trắng số 1 đang là cây trồng nhiều ở vùng chuyển đổi thuộc huyện Thanh Hà cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Giống nhãn Hương chi số 4, Khế ngọt chùm sao đang phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Trong nhiều năm qua Viện đã tích cực nghiên cứu khoa học gắn với chuyển giao kết quả nghiên cứu cho nhân dân Hải Dương. Viện đã thực hiện tốt việc gắn nghiên cứu với nhu cầu sản xuất. Hàng năm có hàng trăm ha cây trồng mới về lúa, cây rau màu, đậu đỗ, cây ăn quả được phát triển ở Hải Dương. Các kỹ thuật canh tác được áp dụng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiệu quả xã hội, tạo công ăn việc làm cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh Hải Dương.

Nguyễn Văn Vóc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây