Kết quả bước đầu đưa giống lúa ngắn ngày PC6 và P6đb vào sản xuất tại Hải Dương

        Mô hình trình diễn trên ba vùng sinh thái tại Hải Dương cho thấy: Năng suất giống lúa P6đb vụ xuân 45 -55 tạ/ha, vụ mùa 55 - 59 tạ/ha, trung bình 57 tạ/ha. Giống lúa PC6 năng suất vụ xuân từ 53,3-60,3 tạ/ ha, vụ mùa đạt 53 - 56 tạ/ ha.
Thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đòi hỏi việc ứng dụng các giống mới có thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng cao. Những năm gần đây, trên địa bàn các tỉnh phía Bắc vẫn chủ yếu sử dụng các giống ngắn ngày như Q5, Khang dân 18, năng suất ổn định nhưng chất lượng gạo không ngon, thời gian sinh trưởng dài, chưa đáp ứng được cơ cấu 3-4 vụ/năm một cách bền vững.
Để góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc sử dụng giống mới, Trung tâm Nghiên cứu-Phát triển lúa thuần(Viện cây lương thực và thực phẩm) đã tổ chức thực hiện đề tài: "Nghiên cứu hoàn thiện quy trình và xây dựng mô hình trình diễn 2 giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn PC6, P6đb tại một số tiểu vùng sinh thái của tỉnh phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Hải Dương". Qua một năm triển khai, đề tài đã đạt được một số kết quả nhất định.
      Đề tài đã hoàn thành việc điều tra cơ cấu luân canh và cơ cấu giống lúa trên địa bàn tỉnh Hải Dương với quy mô 462 phiếu tại 3 huyện: Kim Thành, Tứ Kỳ, Gia Lộc. Kết quả điều tra cho thấy: Năng suất lúa suất trung bình của 3 huyện đạt: 58 -62 tạ/ha tại Tứ kỳ; 60- 62,5 tạ/ha tại Kim Thành và 60- 63 tạ/ha tại Gia Lộc. Các địa phương sử dụng giống lúa chính là Q5 và KD18 (25 – 35%), các giống lúa lai chiếm khoảng 15 - 35% trong sản xuất, còn các giống lúa thuần khác chiếm tỷ lệ thấp 4,5 – 10%. Diện tích cấy các giống lúa cực ngắn ngày rất nhỏ. Đây là cơ hội để đưa các giống cực ngắn vào thay thế tạo cơ hội cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
       Đề tài đã tiến hành thử nghiệm tính thích ứng của hai giống lúa với quy mô 9.000 m2 tại 3 địa điểm xã Tam Kỳ (huyện Kim Thành), xã Đồng Quang (huyện Gia Lộc), xã Minh Đức (huyện Tứ Kỳ). Tại các vùng khác nhau, PC6 và P6đb có tính thích ứng cao. Thời gian sinh trưởng trong vụ xuân đối với PC6 là 120 -  125 ngày và ở vụ mùa là 90 đến 95 ngày.Giống P6ĐB có thời gian sinh trưởng 105 - 110 ngày ở vụ xuân và 75 đến 80 ngày trong vụ mùa.
p6dbpc6
      Trên cơ sở đó, đề tài đã hoàn thiện quy trình gieo cấy hai giống lúa trên tại Hải Dương và tiến hành xây dựng mô hình với quy mô 50 ha. Năng suất giống lúa P6đb vụ xuân 45 - 55 tạ/ha, vụ mùa 55 - 59tạ/ha, trung bình 57 tạ/ha. Giống lúa PC6 năng suất vụ xuân từ 53,3-60,3 tạ/ ha, vụ mùa đạt 53,3 - 56tạ/ ha.
       Phát biểu tại hội thảo tổng kết 1 năm thực hiện đề tài, đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Gia Lộc khẳng định: Hai giống lúa mới được đưa vào thử nghiệm trên địa bàn huyện đã đáp ứng nhu cầu về giống cho diện tích trồng màu (xuân muộn-đông sớm) với ưu điểm: ngắn ngày, đảm bảo kịp thời vụ mà vẫn đem lại năng suất ổn định, chất lượng gạo ngon. Ông Phạm Ngọc Khánh, nông dân xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành là một trong những hộ tham gia mô hình thử nghiệm PC6 và P6đb cho biết: giống PC6 và P6đb cho năng suất trung bình 1,7-1,8 tạ/sào, chất lượng gạo ngon. Việc đưa hai giống lúa mới vào sản xuất giúp nông dân vùng trồng màu thay đổi cơ cấu mùa vụ theo hướng cải tạo đất nông nghiệp, tận dụng nguồn rơm rạ từ trồng lúa vào việc trồng màu vụ sau.
Qua một năm triển khai, đề tài nghiên cứu đã bước đầu khẳng định ưu thế của hai giống lúa mới tại Hải Dương, phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh.

Nguyễn Thị Ánh.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây