Xây dựng mô hình sản xuất trình diễn giống dưa Thanh lê trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Qua nhiều năm chon lọc, các nhà khoa học Bộ môn Rau quả Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã chọn lọc được các giống dưa lê có năng suất chất lượng tốt như: Bạch lê, Hoàng lê và Thanh lê. Giống dưa Thanh lê mới chọn tạo còn gọi là dưa Mơ. Giống dưa Thanh lê có khả năng sinh trưởng phát triển khoẻ, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, khả năng thích ứng tốt. Đặc biệt có chất lượng cao, hình dạng quả đẹp, khi chín vỏ quả có màu trắng xanh, cùi dày có màu phớt xanh, ít hạt, ăn rất ngọt và có độ đường từ 10-12 độ, năng suất khá đạt 700-1000kg/1 sào.
Picture2
Dưa Thanh lê cho năng suất cao tại hải Dương

Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm đã thực hiện đề tài "Xây dựng mô hình sản xuất trình diễn giống dưa Thanh lê trên địa bàn tỉnh Hải Dương" trong 2 năm 2010 – 2011 nhằm giới thiệu chuyển giao giống dưa Thanh lê mới có năng suất cao, chất lượng tốt và hoàn thiện quy trình thâm canh, quy trình nhân giống dưa Thanh lê trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Mô hình trồng dưa Thanh lê có quy mô 44 ha được triển khai tại 6 địa điểm: Xã Tây Kỳ (Tứ Kỳ), Hưng Long ( Ninh Giang), Gia Xuyên ( Gia Lộc), Gia Tân (Gia Lộc), Cao Thắng ( Thanh Miện), Quốc Tuấn ( Nam Sách) và xã Đồng Gia ( Kim Thành). Kết quả cho thấy dưa Thanh Lê có năng suất đạt từ 22 – 28 tấn/ha, chất lượng tốt, hiệu quả cao, cho thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng/ha/vụ, lãi thuần đạt từ 40 – 50 triệu đồng/ha/vụ, đồng thời đã tạo được trên 24.200 công lao động nông nghiệp có thu nhập cao ( 01ha dưa Thanh lê cần 500-550 công lao động) tạo công ăn việc làm và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Mô hình bước đầu đã hoàn thiện và chuyển giao quy trình kỹ thuật thâm canh và sản xuất hạt giống dưa Thanh lê: Xác định thời vụ gieo trồng thích hợp ở vụ hè từ 10/05 – 20/05, mật độ trồng từ 650 cây/sào ( tương đương 1,8 vạn cây/ha) và lượng phân bón 10 tấn phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh + 140N + 120P2O5 + 140K2O cho kết quả cao nhất. Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã đưa thuốc bả Entopro đề phòng ruồi hại quả trên dưa lê vụ hè năm 2010 tại 2 xã Gia Tân và Gia Xuyên huyện Gia Lộc, đồng thời khuyến cáo bà con nông dân thực hiện đúng quy trình làm đất, chăm sóc, dọn sạch cỏ để phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch quả phải đủ độ chín thì chất lượng quả ngon, cho năng suất cao, quả bán được giá.
Mô hình trồng giống dưa Thanh lê đã cho thấy đây là giống dưa phù hợp với điều kiện sinh thái tại Hải Dương, giống có khả năng sinh trưởng khỏe, khả năng chịu sâu bệnh khá, năng suất cao. Vì vậy, trong năm nay, Viện Cây Lương Thực và Cây Thực Phẩm tiếp tục mở rộng diện tích trồng dưa Thanh lê với quy mô 100 ha tới các địa phương trong tỉnh.

Nguyễn Thị Thuận


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây